Ngoại giao nước đôi, lợi hay hại?



Song Chi 
Ðọc bài dịch của G.S. Nguyễn Huệ Chi đăng trên trang Bauxite Vietnam về “Hai bài viết nặng chùy của truyền thông Trung Quốc chỉ trích ‘nói’ và ‘làm’ của Việt Nam”, thử hỏi người Việt Nam nào còn có lòng với đất nước, có tinh thần tự tôn dân tộc mà không cảm thấy đau, nhục?


Hàng trăm người Việt Nam đã biểu tình ở Hà Nội buổi sáng ngày Chủ Nhật 9 tháng 12/ 2012 bày tỏ lòng yêu nước và chống Trung Quốc bá quyền bành trướng. Một trong những biểu ngữ họ mang theo với lời nguyền rủa: “Láng giềng khốn nạn, thôn tính tương lai” với cái mặt Tập Cận Bình bị gạch chéo. (Hình: AP photo/Na Son Nguyễn)
Hai bài báo của Trung Quốc nói về sự bất nhất trong những phát ngôn từ phía Việt Nam, qua vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 vào ngày 30 tháng 11 vừa qua.
Thực tế, khi sự việc xảy ra, báo chí Việt Nam đã đưa tin về hành động cắt cáp này. Nhưng ngay sau đó, vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh, nhà nước Việt Nam đã tìm cách làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của sự việc, bằng cách “lệnh” cho báo chí xuống giọng, điều chỉnh từ “cắt cáp”, “phá hoại” thành ra “vô tình làm đứt cáp”.
Không những thế, trong cuộc họp giao ban báo chí vào ngày 11 tháng 12, cả Phó vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương, bà Doãn Thị Thuận, lẫn Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thế Kỷ, đã phê bình báo chí không chấp hành sự chỉ đạo từ trên, đưa tin làm nóng thêm tình hình.
Ông Nguyễn Thế Kỷ còn đe sẽ xử lý các báo, các cá nhân vi phạm cả về mặt đảng lẫn bên nhà nước.
Nhà cầm quyền Việt Nam tưởng rằng khi tự làm nhẹ tình hình, bỏ qua một sự việc xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng như vậy (và không phải là lần đầu) thì phía Trung Quốc sẽ hài lòng.
Nào ngờ báo chí truyền thông Trung Quốc nhân dịp đó làm luôn 2 bài, tố Việt Nam tự mâu thuẫn, nói năng bất nhất. Rằng những lời “buộc tội vô căn cứ này” đã từng xảy ra, khi Việt Nam từng lên tiếng bị tàu Trung Quốc cắt cáp vào tháng 6 năm 2011.
Báo chí Trung Quốc cũng bồi luôn, rằng gần đây, Việt Nam không ngừng có những động thái mới. Chẳng hạn, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký một pháp lệnh “về việc hoạt động của tổ chức ngư chính, để đến đầu sang năm thì thiết lập Cục Ngư chính (Cục Kiểm ngư), nhằm tăng cường bảo vệ quyền hành nghề đánh bắt cá và chủ quyền lãnh hải” của nước mình.
Theo họ, đây là hành động vừa nhằm giành được sự ủng hộ của quốc tế về tình trạng “bị bắt nạt” của Việt Nam khi đưa ra một số biện pháp bảo vệ vùng biển, vừa tranh thủ cho tàu của Petro Vietnam đến khai thác dầu “bất chính”. Là trò hai mặt, mà trong bài G.S. Nguyễn Huệ Chi dịch là “trò tấu kèn đôi”.
Như vậy, vì bạc nhược mà Việt Nam đã bị rơi vào thế kẹt, bị Trung Quốc cười vào mũi. Thế giới thì hoang mang không biết có đúng là tàu Việt Nam bị cắt cáp ngay trong vùng biển thuộc lãnh hải của Việt Nam hay không, và suy rộng ra, ai đúng ai sai trong cuộc tranh chấp chủ quyền về lãnh hải này.
Lẽ ra, thay vì khiếp sợ, phát ngôn mâu thuẫn trước sau để cả dân ta lẫn cái kẻ “vừa ăn cướp vừa la làng” cười cho, nhà nước Việt Nam phải nhân dịp này lên tiếng tố cáo hành động xâm phạm chủ quyền và vi phạm nghiêm trọng luật lệ, quy ước quốc tế của Trung Quốc đối với Việt Nam trước thế giới.
Như Việt Nam đã từng lên tiếng phản đối hành vi tương tự của Trung Quốc trước đây.
Ðồng thời ủng hộ hoặc ít nhất để yên, thay vì tiếp tục thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân Sài Gòn, Hà Nội trong ngày 9 tháng 12.
Chỉ cần suy nghĩ một cách hợp lý cũng thấy rằng không thể nào chỉ vì người dân Việt Nam biểu tình phản đối những hành vi ngang ngược sai trái của Trung Quốc mà Trung Quốc lại gây chiến tranh với Việt Nam.
Mà giả sử nếu Trung Quốc thật sự muốn đánh Việt Nam, hay ít nhất, muốn chiếm lãnh hải Việt Nam, thì dù Việt Nam có nhẫn nhục đến mấy, họ cũng sẽ làm, vì quyền lợi quốc gia của họ.
Từ trước đến giờ Việt Nam đã từng nhiều lần rơi vào thế kẹt về ngoại giao lẫn đối nội bởi lối hành xử bất nhất, nước đôi, như vậy.
So với các nước khác trong khu vực cũng đang tranh chấp biển, đảo với Trung Quốc nhưng có thái độ khác hẳn như Nhật Bản, Philippines... sự bạc nhược của nhà nước Việt Nam một phần do Việt Nam lép vế hơn về sức mạnh quốc phòng hoặc không có đồng minh thực sự.
Nhưng điều đáng nói nhất, khiến nhà nước Việt Nam càng ngày càng lâm vào thế yếu trên mọi phương diện chính trị, ngoại giao là do chính sách đối ngoại không minh bạch, nhất quán.
Thế giới không hiểu rõ nhà nước Việt Nam thật sự muốn gì, có quyết tâm bảo vệ lãnh thổ lãnh hải không, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thực chất ra sao.
Chỉ thấy hai bên tiếp tục thường xuyên có các cuộc thăm viếng trao đổi về ngoại giao các cấp, trong đó Việt Nam luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ “16 chữ vàng” giữa hai đảng, hai nhà nước.
Trước mọi động thái leo thang trên biển Ðông của Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục giữ thái độ im lặng hoặc không rõ ràng. Và nếu người dân vì căm phẫn định lên tiếng hoặc biểu tình phản đối thì lập tức bị đàn áp, bắt bớ...
Việt Nam cũng ngày càng thụt lùi về nhân quyền, càng đi ngược chiều với xu hướng dân chủ tiến bộ chung trên thế giới, khiến Hoa Kỳ và các nước phải nản lòng.
Mới đây, Tổng Thống Barack Obama hồ hởi đến thăm Myanmar để tán thành những bước đổi mới ngoạn mục về đường lối chính trị của nước này, trong khi ông không hề muốn ghé Việt Nam. Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2012 bị lùi lại, mà theo các nhà bình luận chính trị, là một dấu hiệu của sự lạnh nhạt trong mối quan hệ Việt - Mỹ.
Bởi vì Mỹ không nhìn thấy nhà cầm quyền Việt Nam có những tiến bộ gì về đường lối chính trị, cũng không tin tưởng rằng Việt Nam thực sự muốn thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của Trung Quốc.
Chưa kể, nhà nước Việt Nam một mặt rất mong Mỹ sẽ quay trở lại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và ủng hộ Việt Nam trước tình hình căng thẳng với Trung Quốc, nhưng đôi khi họ lại có những hành động khó giải thích, thậm chí vụng về về mặt ngoại giao.
Như vừa qua họ tổ chức rình rang kỷ niệm 40 năm “Ðiện Biên Phủ trên không”, như cố tình xới lại vết thương của cuộc chiến Việt Nam với Mỹ, trong khi vẫn lờ tịt không dám nhắc nhở gì đến cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979.
Chính đường lối chính trị, ngoại giao mập mờ nước đôi mà Việt Nam đã từng sử dụng rất thành công trước kia khi đánh đu giữa Liên Xô và Trung Quốc, nay lại gây hại cho Việt Nam. Khi một nhà cầm quyền còn không biết họ thực sự muốn gì, tương lai đất nước sẽ đi về đâu thì các nước khác làm sao biết được và ủng hộ hay không?
Với nhân dân cũng thế.
Chuyện “nói một đằng làm một nẻo” là thường tình, giữa việc đề ra và việc thực hiện nhiều chủ trương đường lối, chính sách của đảng, mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền, cho tới những phát biểu/hành vi/việc làm của các quan chức từ trên xuống dưới.
Coi người dân như trẻ con, nhà nước Việt Nam luôn luôn lặp đi lặp lại “chuyện chính trị đã có đảng, nhà nước lo”. Nhưng chính ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi nói chuyện tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh khai mạc tại Hà Nội vào sáng 12 tháng 12, lại “than thở”: Một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay “ít quan tâm đến tình hình đất nước”.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết trên trang blog Quê Choa của mình “Cụ tổng còn trách ai?”
Khi thanh niên sinh viên, người dân quan tâm đến tình hình đất nước, xuống đường biểu tình thì bị coi là tụ tập gây rối, bị đàn áp. Biểu tình chống tham nhũng cũng bị cho là tụ tập gây rối. Bộ Công an Hà Nội vừa có một buổi diễn tập trừng trị thẳng tay “đám khủng bố” dám lợi dụng biểu tình chống tham nhũng để chống phá chế độ.
Hai vấn đề lớn nhất, đáng quan tâm nhất là tham nhũng và chủ quyền đất nước đều bị cấm không cho đụng đến, thử hỏi thanh niên, nhân dân còn dám làm gì mà ông tổng lại trách là “ít quan tâm đến tình hình đất nước”?
Nhìn lại suốt hơn 6 thập kỷ cầm quyền của đảng cộng sản, chúng ta có thể liệt kê ra vô số những hiện tượng “nói một đằng làm một nẻo” như vậy, khiến người dân hoang mang, đồng thời mất lòng tin vào chính quyền. Dẫn đến tình trạng thờ ơ, vô cảm với tình hình đất nước cũng là dễ hiểu.
Dân không có lòng tin, bạn bè thế giới cũng không tin tưởng. Nhà nước Việt Nam càng trở nên cô độc hơn bao giờ hết trong tình huống phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ phía Trung Quốc. Buộc phải lùi dần, từ bỏ dần chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ cho đến khi hoàn toàn mất nước.
S.C.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn