Ngày sinh một bông hoa đẹp của đất nước

Lê Thăng Long

Từ đầu năm đến giờ phong trào đấu tranh cho quyền con người và dân chủ của Việt Nam đã tạo nên được những dấu ấn quan trọng nhờ hình ảnh rất đẹp của những người phụ nữ. Đầu tiên là Huỳnh Thục Vy đoạt giải Hellman Hammet. Kế đến là Tạ Phong Tần được vinh danh là Phụ nữ Quốc tế Can đảm. Và Nguyễn Hoàng Vi trở thành một trong bày phụ nữ tiêu biểu của thế giới về bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Những bước tiến của quá trình dân chủ Việt Nam có rất nhiều dấu chân quan trọng của phái yếu nhưng rất kiên cường của tổ quốc. Từ lúc ban đầu còn ít ỏi như Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên đến nay họ đã trở thành một lực lượng hùng hậu có mặt ở mọi lĩnh vực và ngóc ngách của cuộc sống. Họ thật đẹp, cả thể chất lẫn tâm hồn.

Hôm nay, 13 tháng 3 là sinh nhật thứ 28 của cô bé Đỗ Thị Minh Hạnh. Cũng là sinh nhật thứ ba của cô bé ở trong tù. Tôi vẫn quen gọi Hạnh là cô bé dù bản lĩnh và sự phi thường của cô chẳng bé chút nào. Những hình ảnh của một cô bé hồn nhiên, trong sáng của Hạnh vẫn đọng lại mãi trong tôi ngay từ những ngày đầu quen biết Hạnh. Khoảng cuối tháng 2/2010, sau khi vừa nhận bản án sơ thẩm 5 năm tù vì tội “lật đổ chính quyền nhân dân” cùng với anh Thức, anh Định và bạn Tiến Trung, tôi đang mong mỏi muốn biết tình hình liên quan về phản ứng của dư luận sau vụ xét xử chúng tôi thì Hạnh xuất hiện như một người đưa tin “bất đắc dĩ”. Ngay sau Tết Canh Dần 2010 Hạnh bị bắt cùng với hai người bạn nữa là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương cũng vì “tội xâm phạm an ninh quốc gia”. Cả ba đều bị tạm giam điều tra tại B34 (Nguyễn Trãi, Q1, Tp.HCM) như anh Thức, anh Định, Trung và tôi.

Hạnh ở phòng 16, tôi phòng 18 cùng dưới đất. Phòng Hạnh có hai người, ở chung với một chị bị kết án ma túy. Hạnh hay hát, nhiều bài khác nhau. Nhưng tôi còn nhớ nhất là bài Tự nguyện: "Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng… Là người tôi sẽ chết cho quê hương". Tôi và Hạnh thường nói chuyện từ xa với nhau mà không nhìn thấy mặt (từ lóng trong tù gọi là be). Hạnh cho tôi biết dư luận trong nước và phản ứng quốc tế sau phiên tòa sơ thẩm (vào ngày 20/1/2010) của chúng tôi. Trong đó có nhắc đến Ngoại trưởng Mỹ Clinton và các Dân biểu, Nghị sĩ Quốc hội Mỹ chính thức lên tiếng phản đối gay gắt. Rồi các bạn, các lực lượng dân chủ trong nước lên tiếng kêu gọi biểu tình bảo vệ chủ quyền của đất nước, bảo vệ quyền lợi của công nhân, chống độc quyền chính trị. Hạnh nói: "Chúng em và mọi người phải tiếp tục hành động để họ biết rằng luôn còn có những người nối tiếp các anh, phong trào dân chủ hoàn toàn không bị dập tắt như họ tuyên truyền." Hạnh kể lại câu chuyện đấu tranh cho công nhân nhà máy giày Mỹ Phong ở Trà Vinh và dẫn đến bị bắt như thế nào. Giới chủ nhà máy bóc lột, đánh đập và chửi bới công nhân thậm tệ ra sao. Nhưng công đoàn quốc doanh không lên tiếng bảo vệ họ mà lại bênh vực giới chủ nước ngoài.

Cùng hoạt động và bị bắt chung với Hạnh có Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương. Chương bị bắt trước mấy ngày và ở phòng 13, cách xa phòng Hạnh nên không thể be được với nhau. Tôi trở thành người liên lạc cho hai bạn, chia sẻ những thông tin hạn chế mà hai bạn có thể nói công khai với nhau. Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với bên điều tra để bảo vệ lẽ phải của mình với hai bạn trẻ này và động viên các bạn hãy giữ vững tinh thần. Khi bị đi điều tra về Hạnh có lần hơi lo lắng nói rằng họ có bằng chứng tụi em nhận tiền của các anh chị hải ngoại. Họ buộc tội là nhận tiền như vậy nên làm theo xúi giục của nước ngoài, là có ý đồ xấu nhằm phá hoại đất nước. Tôi cùng phân tích với Hạnh và Chương rõ là cáo buộc đó là vô lý và vô luật. Các em hoàn toàn có thể vận động sự ủng hộ từ bất cứ ai, vì mục đích tốt đẹp của các em để đấu tranh cho công nhân, vì công lý. Đó không hề là việc sai trái và phạm pháp. Họ biết đây là một sức mạnh liên kết "nguy hiểm" với họ nên dùng mọi thủ đoạn để làm người dân định kiến đó là phạm pháp và phản động. Từ đó sợ hãi và đánh mất thế mạnh của mình. Sau đó khoảng vài tuần tôi bị chuyển lên lầu 1, phòng 15 thì không còn nói chuyện được với Hạnh. Nhưng vẫn còn nghe tiếng hát của cô bé vang vọng rất thường xuyên.

Sau khi trải qua phiên tòa phúc thẩm (11/5/2010), tôi bị chuyển tiếp lên lầu 2, phòng 11. Đi ngang qua phòng 15 cùng tầng tôi thấy một thanh niên to cao, đẹp trai. Tôi hỏi có phải là Hùng không. Bạn trả lời đúng là Hùng. Trước đó, tôi được Hạnh và Chương cho biết còn có Hùng bị bắt, có lẽ ở phía trên và nhờ tôi nếu có lên trên thì nhắn với Hùng là Hạnh và Chương giữ vững chí khí đến cùng. Tôi đã chuyển lời giúp các bạn. Sau này khi gặp lại Hùng và Chương ở Xuân Lộc, tôi đã rất mừng vì cả ba bạn đều đồng lòng cương quyết không nhận tội và giữ chí khí đến cùng trong cả hai phiên tòa. Tháng 7 năm 2011 anh Thức và tôi gặp lại Hùng và Chương vừa được chuyển từ trại giam Phước Hòa (Đồng Tháp) tới khu cách ly tại K1 Xuân Lộc. Lúc này Hùng đã gầy đi nhiều. Nhưng tôi vẫn nhận ngay ra hai bạn qua giọng nói.

Hạnh hát hay lắm, giọng rất ngọt ngào và ẩn chứa một tâm hồn trong sáng, lạc quan. Nếu không có sự chuẩn bị tinh thần trước từ lâu là sẽ vào tù thì không ai có thể có được một tâm trạng yêu đời để mà hát được suốt ngày ngay từ lúc vừa bị bắt như Hạnh được. Hơn nữa còn phải có một ý chí mãnh liệt như thế nào người ta mới toát ra được một cái hồn lạc quan và tự tin trong giọng hát. Lúc bị bắt Hạnh chưa tròn 25 tuổi, nhưng cô bé đã dấn thân đấu tranh vì quyền con người đã từ hơn 5 năm trước. Giữa cuối năm 2011, khi ở chung với Hùng và Chương tại trại giam Xuân Lộc, tôi được nghe kể nhiều hơn về Hạnh và cảm thấy càng thán phục cô bé.

Hạnh sinh ra trong một gia đình trung nông ở Đà Lạt. Từ nhỏ đã có năng khiếu ca hát và đạt nhiều giải thi tiếng hát thiếu niên. Cũng tham gia đoàn Thanh niên Cộng sản nhưng Hạnh sớm nhận ra những nghịch lý và sự thiếu chân thật trong những lý tưởng và hoạt động của đoàn. Hạnh nhận thấy xã hội đang tạo ra nhiều bất công nhưng các công tác đoàn chỉ chủ yếu nhằm xoa dịu nỗi đau và sự phẫn nộ của người dân đối với những bất công đó, chứ không nhằm để xóa bỏ bất công và căn nguyên của nó. Hạnh cho rằng Đảng dùng Đoàn để che mắt nhân dân để nhân dân không thấy được chính Đảng tạo ra bất công và áp bức. Chưa đầy 20 tuổi mà cô bé đã nhận thức được như vậy và từ bỏ Đoàn để dấn thân vào một cuộc đấu tranh vì sự công bằng. Hùng kể rằng lúc đầu chỉ có một mình, khi chứng kiến những trái ngang và cường quyền, bức xúc quá cô bé bộc phát tự in ra những gì mình viết để phản đối những sai trái đó rồi tự mình lên xe buýt phát cho mọi người. Những thôi thúc về dân chủ, công bằng khiến cô bé lên mạng tìm hiểu về những điều này và những người đang đấu tranh vì những điều đó. Từ đó Hạnh quen biết với những nhà hoạt động dân chủ như tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà văn Dương Thu Hương, v.v. Năm 2005, cô bé một thân một mình ra Hà Nội, trên những chuyến xe giá rẻ để gặp những nhà hoạt động đó. Vì vậy mà Hạnh đã bị câu lưu ở đó và buộc gia đình phải ra bảo lãnh với cam kết không được tái phạm gặp “các phần tử phản động”.

Nhưng đó là một chuyến đi và cột mốc đã làm cho Hạnh hiểu sâu sắc hơn về dân chủ và con đường đấu tranh cho nó. Từ đó cô bé đã dấn thân đầy bản lĩnh và kiên cường vì công bằng và những quyền con người cơ bản cho công nhân Việt Nam. Cuộc dấn thân đó đã mang đến cho Hạnh bản án 7 năm tù giam nhưng cũng nhờ vậy mà đã tạo nên cho phong trào đấu tranh vì công nhân Việt Nam một hình ảnh biểu tượng thật giá trị. Một cô gái trẻ với vóc dáng nhỏ nhắn, xinh xắn lại sở hữu một ý chí to lớn đấu tranh vì người khác và bất khuất trước cường quyền. Trước khi trợ giúp cho các công nhân nhà máy Mỹ Phong đình công bảo vệ quyền lợi và danh dự của mình – sự kiện đã dẫn đến bản án dành cho Hùng, Hạnh và Chương, Hạnh đã có rất nhiều những hoạt động đấu tranh vì yêu nước. Vào lúc giới trí thức phản đối việc khai thác bauxite Tây Nguyên đầu năm 2009. Hạnh cùng Hùng lặn lội lên tận những vùng núi non hiểm trở của Tây Nguyên để chụp ảnh thực địa của vùng đất này rồi đưa lên mạng giới thiệu, vận động công chúng ký tên vào lời kêu gọi của giới trí thức đòi chính phủ phải ngừng chủ trương đầy tai họa này. Nhưng như một duyên số, dù xuất thân từ gia đình nông dân Hạnh lại rất gắn bó và thấu cảm với cuộc sống của những người công nhân và đấu tranh vì quyền lợi và nhân phẩm của họ. Nhưng Hạnh đã bị cáo buộc và cầm tù vì những việc làm chính nghĩa và nhân văn như vậy. Cáo trạng và bản án kết tội Hùng, Hạnh, Chương nói rằng các bạn đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công nhân để xách động gây rối an ninh và phá hoại môi trường thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Khi còn ở chung với Hùng và Chương ở Xuân Lộc, đọc những dòng cáo buộc nói trên tôi cứ thấy lòng trĩu nặng. Một giai cấp tiên phong có độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận là đại diện duy nhất của giai cấp đó lại bị chính những người đại diện của mình hạ thấp thành những người thiếu hiểu biết dù đã được Đảng rèn luyện hơn 80 năm rồi. Trong khi những kẻ đại diện đó tự xưng mình là đỉnh cao trí tuệ.

Càng trĩu nặng hơn nữa khi nghe Hùng và Chương kể rằng sau khi xảy ra vụ đình công tại nhà máy giày Mỹ Phong nói trên, giới chủ của nhà máy người Đài Loan - Trung Quốc gọi những nữ công nhân ở đó đến và chửi rằng “Không có bọn tao thì chúng mày đã phải đi làm đĩ hết. Thế mà còn không biết ơn, lại còn đình công”. Hùng kể rằng nghe câu đó Hạnh đã phải rất cố gắng để nước mắt không trào ra, để giữ bình tĩnh mà trợ giúp cho các nữ công nhân sáng suốt tiếp tục cuộc đấu tranh của mình. Điều đáng nói là khi mà giới chủ nhà máy đã sắp phải nhượng bộ trước yêu cầu chính đáng của công nhân Mỹ Phong là phải xin lỗi, tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc thì an ninh Việt Nam xuất hiện. Cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm công nhân mà đáng lẽ đảng CSVN phải đứng ra lãnh đạo lại bị chụp cho cái mũ “phá rối an ninh” xâm phạm an ninh quốc gia theo điều luật 89 bộ Luật Hình sự. Những nhà hoạt động vì công nhân Hùng, Hạnh, Chương bị biến thành tội phạm. Các nữ công nhân Mỹ Phong bị biến thành tòng phạm, muốn không bị truy tố thì phải viết đơn tự nhận mình là kẻ thiếu hiểu biết để cho những kẻ xấu phản động lợi dụng, và xin được hưởng khoan hồng. Hơn nữa phải đồng ý đứng ra làm chứng để chống lại những người đã trợ giúp mình bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của mình. An ninh Việt Nam lại chứng tỏ “sức mạnh” của mình và ghi nhận thêm thành tích “bảo vệ đất nước”. Ba năm sau thì có lẽ không thể không ghi nhận thêm vào thành tích đó sự suy giảm nghiêm trọng đầu tư nước ngoài, giới chủ trốn về nước để lại những khoản nợ lương, nợ ngân hàng và tình trạng thất nghiệp cơ nhỡ của hàng triệu công nhân Việt Nam.

Cô bé Đỗ Thị Minh Hạnh đã ở tù hơn ba năm. Theo như gia đình thì cô bị ngược đãi nặng nề đến mức bị điếc một bên tai. Nhưng Hạnh vẫn giữ vững tinh thần và khí tiết để khích lệ cho bao nhiêu bạn trẻ tiếp bước con đường đấu tranh giành lại quyền con người và sự bình đẳng. Vừa rồi đọc được tin Nhóm Công tác chống cầm tù tùy tiện của Liên Hợp Quốc (WGAD) đã ra phán quyết rằng việc bắt giữ và kết án Hùng, Hạnh, Chương là tùy tiện và vi phạm luật pháp quốc tế, WGAD yêu cầu trả tự do ngay vô điều kiện cho 3 bạn trẻ này và bồi thường cho họ, tôi vui mừng vô hạn. Được biết Ủy ban Bảo vệ người lao động ở Ba Lan cùng với luật sư Lâm Chấn Thao và Freedom Now đang tiếp tục đấu tranh để lấy lại tự do cho các bạn, tôi dâng tràn hy vọng và sẽ tiếp sức cho cuộc đấu tranh này một cách quyết liệt.

Hôm nay sinh nhật Hạnh, tôi nghĩ sao chúng ta – những người đang cùng nhau đấu tranh vì quyền con người, vì tự do và nhân phẩm – không cùng nhau tạo nên những giải thưởng để vinh danh những người phụ nữ trẻ Việt Nam đã dũng cảm dấn thân và hy sinh cho mục tiêu cao cả đó. Lịch sử dân tộc ta luôn có sự đóng góp tiên phong và quan trọng của phái đẹp. Một giải thưởng như vậy sẽ ghi dấu một cột mốc ý nghĩa trước thềm vận hội mới dân chủ và thịnh vượng của đất nước Việt Nam.

Tôi viết bài này ngoài lòng mến mộ của mình đối với cô bé Hạnh, còn vì một lời nhắn gửi của Nguyễn Hoàng Quốc Hùng khi chia tay tôi hết án tù chuẩn bị về trong vòng quản chế. Hùng nói ngày sinh nhật Hạnh và nhờ tôi tặng cho cô bé một món quà.

Chúc mừng sinh nhật Đỗ Thị Minh Hạnh – một bông hoa rất đẹp của đất nước. Chúc cô bé luôn khỏe và sẽ sớm trở về trong vòng tay gia đình, bè bạn và tổ quốc thân yêu.

13/3/2013

L. T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn