Nhân dân và Hiến pháp

Thái Văn Cầu

Vào đầu năm, Quốc hội Việt Nam kêu gọi nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đưa ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992.

Có nhiều định nghĩa khác nhau cho Hiến pháp. Ngắn gọn, Hiến pháp được xem là khế ước xã hội giữa nhân dân với nhà nước, qua ba cơ quan quyền lực, hoàn toàn độc lập với nhau: hành pháp, lập pháp và tư pháp. Từ cơ chế này, nhà nước hành xử hiệu quả chức năng duy nhất được giao phó là bảo vệ và phục vụ quyền lợi nhân dân và đất nước của họ.

Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 đề cập đến Hiến pháp là khế ước xã hội [1].

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, trích Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ, Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Bàn về quan hệ giữa nhân dân và nhà nước, ông Hồ nói, "Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa" [2].

Quan điểm trên của ông Hồ phản ánh khái niệm khế ước xã hội, như trong Hiến pháp Hoa Kỳ.

Trước thời điểm bắt đầu phong trào đóng góp ý kiến, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH mạnh dạn tuyên bố: "nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả" [3].

Đáp ứng kêu gọi của Quốc hội, người Việt Nam trong và ngoài nước tích cực đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp, cụ thể là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp kèm theo một Dự thảo Hiến pháp mới để tham khảo của 72 nhân sĩ, trí thức, Thư nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp của Hội đồng Giám mục, cùng vô số bài viết, bài phỏng vấn, phản ánh ý kiến cá nhân [4].

Thay vì ủng hộ nhiệt tình đóng góp ý kiến của mọi người, lãnh đạo Đảng lại lên tiếng quy chụp, răn đe quan điểm tách rời Đảng ra khỏi Hiến pháp 2013 [5].

Tại sao một số người quyết tâm gìn giữ vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp?

Để nắm rõ khiếm khuyết trong Hiến pháp 1992, nhân dân cần đánh giá nhà nước trong việc thực hiện chức năng được nhân dân giao phó.

Sau đây là vắn tắt vài điểm:

1. Về an ninh quốc phòng – Biển Đông:

Biển Đông là cửa ngỏ phát triển và hướng đến tương lai của Việt Nam. Do tham vọng bành trướng, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các đảo, đá của Việt Nam, sách nhiễu, giết hại ngư dân Việt Nam, tạo bất ổn trên Biển Đông cho Việt Nam.

Bất chấp hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, lãnh đạo Đảng luôn luôn đặt nặng quan hệ với Trung Quốc trên tinh thần “đồng chí, anh em”, không nỗ lực giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế [6].

2. Về kinh tế:

Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế: Bờ biển dài hơn 3.200 km, rừng chiếm 30% diện tích tự nhiên (năm 1975), hơn 50 triệu người (hay 60% dân số năm 2011) thuộc tuổi lao động.

Dù quá trình “Đổi mới” có đổi thay tích cực, sai lầm phát xuất từ tư duy và cơ chế lạc hậu, lỗi thời, dẫn đến nợ nần chồng chất, tài nguyên tàn phá, v.v., khiến kinh tế Việt Nam còn ở một khoảng cách xa so với kinh tế các nước khác trong khu vực [7].

3. Về giáo dục:

Giáo dục là nền tảng của xã hội, là yếu tố quan trọng nhất của con người. Với truyền thống hiếu học cổ truyền, với 60% dân số dưới 30 tuổi, Việt Nam có thừa điều kiện để xây dựng một nền giáo dục hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thế giới. Tuy nhiên, thực trạng giáo dục của đất nước cho thấy một hình ảnh trái ngược [8].

Còn rất nhiều vấn đề để phân tích nhưng phạm vi giới hạn của bài không cho phép.

Trong khi đại đa số nhân dân phải đối diện với khó khăn và tiêu cực nghiêm trọng trong các lãnh vực: y tế, giao thông, luật pháp, kinh tế, giáo dục, văn hoá, đạo đức xã hội, v.v., một bộ phận không nhỏ trong Đảng và nhà nước được hưởng đặc quyền, đặc lợi, dù không làm đúng chức năng được nhân dân giao phó, dù gây thiệt hại to lớn cho đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công nhận:

“Nhưng sự đời nó không đơn giản thế. Cứ nói cùng là đảng viên cả, cùng là Ủy viên trung ương, Bộ Chính trị cả thì phải tin các đồng chí ấy chứ. Nhưng khổ là bên ấy quá nhiều việc, chưa nói là tâm lý ăn cây nào rào cây ấy, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hay không. Anh nào ra cái đề án cũng phải cố gắng bảo vệ cho mình. Thế là không có người thẩm định, không có người kiểm tra nên mới dẫn đến những cái sai như vừa rồi...

Cha ông ta có câu hay lắm về con người: “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu”. Chả bao giờ thấy khuyết điểm của mình, chỉ thấy ưu điểm, thích ca tụng, vuốt ve. Cái khó là thế. Đụng đến lợi ích là phản ứng, nhất là khi lợi ích nhóm đã móc ngoặc với nhau thành đường dây rồi thì vô cùng phức tạp[9].

“Tâm lý ăn cây nào rào cây ấy, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” là câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao một số người quyết tâm gìn giữ vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp?”.

“Tâm lý ăn cây nào rào cây ấy, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” cũng là câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao nhân dân Việt Nam vốn cần cù, sáng tạo, thông minh, đất nước Việt Nam vốn được thiên nhiên ưu đãi, rừng vàng, biển bạc, nhưng gần 40 năm sau khi hoà bình và thống nhất, Việt Nam vẫn không thể ngẩng cao đầu, sánh bước, ngang vai với bạn bè thế giới?

Để là khế ước xã hội giữa nhân dân và nhà nước, Hiến pháp có nguyên tắc chủ đạo: Trong Hiến pháp, không một chủ thuyết, đảng phái, tổ chức, hay tôn giáo nào được cho phép có vai trò nổi bật hơn một chủ thuyết, đảng phái, tổ chức, hay tôn giáo nào khác.

Hơn 60 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố, Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” và nhấn mạnh Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ.”

Để phản bác ý kiến khác biệt trong sửa đổi Hiến pháp, Đảng cho rằng vai trò lãnh đạo của Đảng đến từ công lao qua hai cuộc kháng chiến và thực hiện Đổi mới.

Trong thực tế, Đảng tước đoạt quyền đuổi "chính phủ làm hại dân" của nhân dân; Đảng tự xem đất nước là của Đảng, thể hiện rõ qua Hội nghị Trung ương 6 cuối năm qua.

Không ai trong lãnh đạo Đảng ngày nay có công lao với Đảng và chịu nhiều mất mát trong chiến tranh như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Năm 2007, ông Kiệt nói, "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả" [10].

Dựa trên nguyên tắc chủ đạo xây dựng Hiến pháp, người viết đề nghị hai điểm chính:

1. Hiến pháp mới không đề cập đến vai trò của bất cứ chủ thuyết, đảng phái, tổ chức, hay tôn giáo nào.

2. Người Việt Nam trong và ngoài nước tiếp tục tích cực tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng Hiến pháp mới trên cơ sở nó là khế ước xã hội giữa nhân dân với nhà nước, qua ba cơ quan quyền lực, hoàn toàn độc lập với nhau.

Trong điểm (2), nhà nước tạo mọi điều kiện dễ dàng để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, sinh viên, học sinh - người lãnh đạo tương lai của đất nước, đóng góp ý kiến qua những buổi thảo luận và đúc kết ý kiến công khai ở các trường đại học, các trung tâm thanh niên ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, v.v. Họ có thể sử dụng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Quốc hội đưa ra và Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp kèm theo một Dự thảo Hiến pháp mới để tham khảo của 72 nhân sĩ, trí thức, trong thảo luận [11].

Hai đề nghị như trên dứt khoát sẽ gặp chống đối quyết liệt từ bộ phận không nhỏ trong Đảng, trong nhà nước, đang hưởng đặc quyền, đặc lợi, như Tổng Bí thư Đảng nói, Đụng đến lợi ích là phản ứng, nhất là khi lợi ích nhóm đã móc ngoặc với nhau thành đường dây rồi thì vô cùng phức tạp”.

Do đó, đối tượng của hai đề nghị là nhân dân trong nước, kể cả hơn ba triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiến pháp mới phải được xây dựng để nó vẫn có giá trị, vẫn thích ứng 100, 200 năm sau; Hiến pháp mới phải được xây dựng để nó xứng đáng với hy sinh xương máu của bao thế hệ cha ông, xứng đáng với trào lưu dân chủ và tiến bộ của thời đại.

Việt Nam đang vào khúc quanh lịch sử.

Hơn bao giờ hết, đất nước chờ đợi hành động xuất phát từ trái tim mỗi người con.

Chú thích:

1. http://www.archives.gov/exhibits/charters/constitution_transcript.html

2. http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/tuanvietnam.vietnamnet.vn/Quyen-duoi-day-to-cua-dan/7604823.epi

3. http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/103205/khong-co-cam-ky-khi-gop-y-sua-hien-phap.html

4. http://boxitvn.blogspot.com/2013/01/kien-nghi-ve-sua-oi-hien-phap-1992.html

http://hdgmvietnam.org/thu-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-nhan-dinh-va-gop-y-sua-doi-hien-phap/4750.116.3.aspx#.UTBIN4KBuv4.facebook

5. http://hienphap.net/2013/02/26/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-noi-ve-gop-y-sua-doi-hien-phap-vtv1/

http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ngan-chan-viec-loi-dung-gop-y-du-thao-Hien-phap-de-chong-chinh-quyen/280111.gd

6. http://phapluattp.vn/2012102412497844p0c1013/khong-de-bien-dong-anh-huong-quan-he-viettrung.htm

7. http://hoitrongrung.gov.vn/chi-tiet/154-10-tai-nguyen-rung-viet-nam.html

http://dantri.com.vn/nghe-nghiep/viet-nam-co-tren-50-trieu-nguoi-trong-do-tuoi-lao-dong-553620.htm

http://sgtt.vn/Thoi-su/172570/Vinashin-Vinalines-truoc-khi-do-vo-van-xep-loai-A.html

http://nld.com.vn/2012033107222749p0c1010/giat-minh-voi-thu-nhap-cua-nguoi-viet-nam-so-voi-khu-vuc.htm

Huy Đức, “Bên thắng cuộc”, 2 tập, 2013

8. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/GS-Hoang-Tuy-Giao-duc-cua-ta-dang-lac-dieu-voi-the-gioi-van-minh/231851.gd

http://laodong.com.vn/Xa-hoi/Bon-trong-benh-cua-nen-giao-duc-Viet-Nam/88576.bld

9. http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/523033/toan-dan-dang-ban-viec-nuoc.html

10. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/04/070427_vo_van_kiet.shtml

11. http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/gopyhp/d-th-o-hi-n-phap-n-c-c-ng-hoa-x-h-i-ch-ngh-a-vi-t-nam-n-m-1992-s-a-i-n-m-2013-1.385106

http://boxitvn.blogspot.com/2013/01/kien-nghi-ve-sua-oi-hien-phap-1992.html

T.V.C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn