Ông Nguyễn Đình Lộc nói về Kiến nghị 72

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc vừa gây tranh cãi khi phát biểu trên Truyền hình Việt Nam phủ nhận vai trò trong kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp của các trí thức, còn gọi là Kiến nghị 72.

clip_image001

ÔNg Nguyễn Đình Lộc xuất hiện trong chương trình Thời sự nói về lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp

Hôm 4/2, ông Lộc đã dẫn đầu đoàn 15 nhân sỹ trí thức tới trao kiến nghị cho đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Nay trong một cuộc phỏng vấn ngắn phát trên Chương trình Thời sự VTV1 tối thứ Sáu 22/3/2013, ông bác bỏ vai trò đại diện của mình, nói rằng tư cách trưởng đoàn chỉ được trao cho ông vào phút chót vì "tín nhiệm".

http://www.youtube.com/watch?v=bmx6GX1PJWM

Ông nói: "Phải nói rằng… nói là trưởng đoàn thì có vẻ như to lắm, nhưng thật ra thì đến đấy mới được lên trưởng đoàn, đến lúc trao thì mới được lên trưởng đoàn".

"Còn trước đó thì thật ra những cái bản ấy tôi không tham gia. Tôi không tham gia".

Ông Nguyễn Đình Lộc giải thích: "Vì tôi là nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho nên các đồng chí, các bạn ấy có vẻ tín nhiệm giao việc trao thôi, chứ còn tôi không tham gia vào việc xây dựng cái tờ văn bản ấy. Cho nên bây giờ mọi người cứ bảo là tôi thế này tôi thế kia".

Ông nói thêm: "Nếu mà tôi làm thì tôi nhận thôi, nhưng bởi vì tôi không làm cái đó... Hôm ấy mình chỉ là người đến đấy thì được giao làm trưởng đoàn… thế thôi!".

'Có nghiên cứu'

Tuy nhiên, ông cựu Bộ trưởng thừa nhận là ông có đọc và nghiên cứu bản kiến nghị gồm bảy điểm trước khi cầm bút ký.

Kiến nghị 72 này đề cập tới việc bỏ Điều 4 Hiến pháp, vốn đề cao một chiều vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với sáu điểm khác.

Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong một phát biểu hôm 25/2, dường như đã ngầm ám chỉ tới bản kiến nghị này khi gọi các quan điểm về sự lãnh đạo của Đảng CSVN, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội... là "suy thoái đạo đức".

clip_image002

Ông Nguyễn Đình Lộc ký số 33 trong danh sách 72 người chủ xướng Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp

Ông Nguyễn Đình Lộc nói trên VTV: "Tất nhiên thì trước khi trao phải đọc. Tôi cũng có nghiên cứu, và bản thân tôi lúc bấy giờ cũng có muốn sửa một số chỗ".

"Sau các đồng chí bảo là không, vì là cái này công bố trên mạng rồi, bây giờ mình sửa thì không nên. Cho nên vẫn cứ trao. Thật ra thì đến lúc đó thì mới giao cho tôi trao. Trước đó không trao đổi kỹ".

Đối với bản Kiến nghị do nhóm 72 nhân sỹ trí thức, mà ông là một, khởi xướng, ông nói không tham gia soạn thảo dù "tất nhiên tôi có tham gia ý kiến".

Ông cũng bác bỏ liên quan tới một văn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 hiện đang được lưu truyền trên các trang mạng, được cho là phát triển từ Kiến nghị 72.

Ngay sau khi chương trình Thời sự với phỏng vấn nói trên được phát sóng, các mạng xã hội nhanh chóng tràn ngập ý kiến chỉ trích ông Lộc về điều mà một số người gọi là "bất nhất" và "đào ngũ".

Có người đặt nghi vấn là cuộc phỏng vấn đã bị cắt xén, chỉnh sửa.

BBC đã tìm cách liên lạc với ông Nguyễn Đình Lộc, nhưng không được.

Hại uy tín

Giáo sư Tương Lai, một trong 72 vị nhân sỹ trí thức khởi xướng Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, nhận xét rằng phát biểu của ông Nguyễn Đình Lộc trên VTV "không minh bạch rõ ràng, gây hiểu lầm".

"Với tư cách là trí thức, mình đã đặt bút ký thì chữ ký đó nặng ngàn cân, vì nó là danh dự và trách nhiệm của người trí thức."

Giáo sư Tương Lai

"Những điều ông ấy nói có đúng một phần, nhưng một số chỗ lại không chính xác".

Vị giáo sư, người cùng có mặt với cựu Bộ trưởng Lộc và 13 vị khác tại Văn phòng Quốc hội hôm 4/2, cho hay "không có việc ép ông Lộc nhận vị trí trưởng đoàn, mà ông vui vẻ nhận lời và làm tròn công việc một cách xuất sắc".

"Ông ấy phát biểu rất hay, cả khi mở đầu lẫn khi kết thúc, rất mộc mạc, cô đọng. Sau đó chúng tôi vui vẻ ra về."

"Thực ra, trưởng đoàn hay không trưởng đoàn không quan trọng, quan trọng là tất cả chúng ta đều là công dân tâm huyết với mệnh tình đất nước", Giáo sư Tương Lai nói với BBC từ TP HCM.

Ông cũng nhấn mạnh: "Với tư cách là trí thức, mình đã đặt bút ký thì chữ ký đó nặng ngàn cân, vì nó là danh dự và trách nhiệm của người trí thức".

Trong khi không loại trừ "có thể đã có áp lực lên ông Lộc", Giáo sư Tương Lai cho rằng cách trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Đình Lộc "có hại cho bản thân ông ấy, cho danh dự và uy tín của ông", nhưng không có ảnh hưởng gì tới nội dung bản Kiến nghị.

"Đó là tâm huyết của người dân, lãnh đạo thông minh thì cần nắm lấy thời cơ, chọn giải pháp để đưa đất nước ra khỏi tình trạng hiện nay".

Bản Kiến nghị 72 gần đây đã bị tấn công trên các luồng thông tin chính thống. Báo Đại Đoàn Kết hôm 9/3 đăng bài nói một cuộc điều tra của báo này cho thấy nhiều chữ ký ủng hộ bản kiến nghị này là "ngụy tạo".

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn