Vụ án Quảng trường Bolotnoye: Putin giở trò

Vladimir Ryzhkov*

Nhất Phương dịch

Với nét mặt tựa như của một kẻ móc túi vừa bị bắt quả tang, Putin giải thích về phiên tòa xét xử những người biểu tình chống ông ta, trên truyền hình DW (Đức): “Chuyện này không giống thời Stalin. … Stalin thích sùng bái cá nhân …”. Như vậy, ông ta gián tiếp coi chế độ Putin tốt hơn chế độ Stalin! Tuy nhiên, lời giải thích đó lại không biện minh được việc làm của ông ta.

Những mánh khóe trấn áp nhân dân của đồng chí Putin thật đáng cho các chế độ độc tài đàn em học tập. Mới đây quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Nga đi phổ biến kinh nghiệm[1]. Biện pháp đưa “dân chủ và tự do” đến cho nhân dân như trong bài viết của Vladimir Ryzhkov dưới đây không biết có thể là “trận đánh đẹp có thể dựng thành phim” không?

Mã vẫn tầm mã ngưu lại tầm ngưu thôi mà!

image

Lần đầu tiên kể từ 1991, Kremlin dàn dựng một vụ xử hình sự tập thể khiến người ta nhớ đến những “Vụ án Moscow” đầy tai tiếng của Josef Stalin của những năm 1936-38. Những cáo buộc đều không có căn cứ và vô lý nhằm làm bằng chứng cho “âm mưu do nước ngoài tài trợ chống chính phủ.”

“Vụ Bolotnoye,” nằm trong loạt vụ xử chống lại những người tham gia biểu tình trên Quảng trường Bolotnoye, Moscow, ngày 6/5/2012, đã đưa nước Nga trở lại thời Stalin. Gần 30 bị cáo bị buộc tội tổ chức và tham gia “bạo động tập thể”, trong thực tế họ bị cuốn vào chuyện cãi cọ với cảnh sát mà do chính cảnh sát cố tình tạo ra. Còn chút may mắn là các bị cáo không bị hành quyết như các đồng sự của họ những năm 1930, nhưng dưới sự cai trị của Vladimir Putin, thậm chí biểu tình hòa bình cũng có thể dẫn đến án tù dài.

Đến hôm nay, 27 người đã bị buộc tội. Một trong số họ là Maxim Luzyanin đã bị kết án 4 năm rưỡi tù giam. Mười lăm người đã bị giam cầm trong trại tạm giam, bảy người đã bị cấm xuất cảnh, hai đang bị săn đuổi, và hai người khác, trong đó có lãnh tụ Mặt trận cánh Tả Sergei Udaltsov đang bị quản thúc tại nhà.

Trong các Vụ án Moscow 2013, vai cuả Trotsky được gán cho Givi Targamadze, một chính trị gia người Georgia (Grudia), trong khi hàng chục người Nga bình thường khác bị buộc tội tham gia “bạo động tập thể”.

Các Vụ án Moscow những năm 1936-38 nhằm vào Trotsky, người bị Stalin bôi nhọ và mô tả như quỷ dữ mặc dù lúc đó Trotsky đang sống ở nước ngoài từ 1929, khi ông bị trục xuất khỏi Liên Xô. Stalin cáo buộc Trotsky từ nước ngoài đã đã ra lệnh ám sát ông ta. Trotsky cũng bị gán tội chỉ dẫn cho những người ủng hộ mình thực hiện các hoạt động chống Liên Xô.

Trong các Vụ án Moscow 2013, Givi Targamadze, một chính trị gia người Georgia, bị cáo buộc tài trợ và chỉ dẫn cho Udaltsov và cộng sự tổ chức cuộc cách mạng màu kiểu Da cam ở Nga để lật đổ chế độ Putin.

Theo các “nhà điều tra”, vào ngày 6/5/2012, ngày trước khi đoàn xe hộ tống của lễ nhậm chức của Putin đi trên phố không người thì các cuộc biểu tình bạo động được những nhà tổ chức cuộc phản đổi tổ chức nổ ra. Nhà cầm quyền kết luận do Udaltsov, Leonid Razvozzhayev và Konstantin Lebedev tổ chức, và được Targamadze tài trợ. Một vài cảnh sát bị thương, mấy mét vuông đường nhựa của thành phố bị hư hại và một số nhà vệ sinh công cộng bị lật.

Điều 212 của bộ Luật Hình sự định nghĩa các cuộc biểu tình bạo động là “giết nhiều người, đốt nhà, phá hoại tài sản, sử dụng vũ khí, chất nổ hoặc thiết bị nổ.” Nhưng không hề có bất cứ sự việc nào như ghi trong điều trên xảy ra vào ngày 6/5/2012.

Ủy ban Điều tra Công khai, do Đảng Nhân dân Tự do (People's Freedom Party) thành lập và Ủy ban Mồng sáu tháng Năm, xem xét lời khai của trên 600 nhân chứng và xem hàng trăm video, ảnh liên quan. Tuần qua, ủy ban này công bố kết quả trong một tài liệu trên 700 trang.

Điều tra của ủy ban trên kết luận rằng không có bạo động xảy ra hôm 6/5. Thay vì, chỉ có người biểu tình ôn hòa đang tự vệ trước những hành động gây hấn và đàn áp bất hợp pháp của công an. Xâm lấn con đường đã được đồng ý cho biểu tình từ trước, nhà cầm quyền dồn ép hàng trăm người vào một nút cổ chai khi họ đang cố vào quảng trường. Cảnh sát đẩy họ trở lại tạo ra sự hỗn loạn. Hơn thế nữa, cảnh sát mặc sắc phục không mang phù hiệu cấp bậc khiến cho không phân biệt được ai là người biểu tình, ai là người của chính quyền. Cuối cùng, cảnh sát bắt giữ khá nhiều người một cách vô cớ.

Ủy ban Điều tra Công khai kết luận rằng cuộc tập hợp hà bình biến thành đụng độ với cảnh sát chủ yếu vì nhà cầm quyền thay đổi đường đi của cuộc diễu hành mà không tham khảo ý kiến của những người tổ chức. Hơn thế nữa, một số nhân chứng cho biết nhìn thấy những kẻ khiêu khích đeo mặt nạ ném chai và mảnh nhựa đường vào cảnh sát. Điều đáng nói là không một tên nào trong số những kẻ khiêu khích đó bị nhận diện, bắt giữ hoặc buộc tội. Về những mảnh nhựa đường, các nhân chứng cho biết chính chính quyền thành phố cho công nhân đào lên và được xếp sẵn trên quảng trường từ hôm trước.

Ủy ban Điều tra Công khai tin rằng những hành động của nhà cầm quyền trong buổi tập hợp tại Quảng trường Bolotnaye có động cơ chính trị và rằng các điều tra viên của chính quyền đã không công bằng và thối nát. Các tài liệu của ủy ban điều tra sẽ được trình lên Viện Công tố, Ủy ban Điều tra, Tòa án Nhân quyền châu Âu tại Strasbourg, Ủy ban châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác của châu Âu và Liên hợp quốc. Hơn thế nữa, Ủy ban Điều tra Công cộng sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi tất cả các bị cáo được trả tự do và những kẻ thực thi pháp luật đã vi phạm luật pháp được đưa ra ánh sáng công lý.

V.R.

* Vladimir Ryzhkov, dân biểu Duma từ 1993 đến 2007, là người dẫn chương trình Trao đổi chính trị (Political talk show) trên đài Tiếng vọng Moscow và là người đồng sáng lập Đảng đối lập Nhân dân Tự do.

Nguồn bài gốc: The Moscow Times

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

[1] http://www.pup.edu.vn/Center_ct.aspx?Mact=262

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn