Âm vang “Tiến lên nền Dân chủ Cộng hoà”

Nguyễn Cam

Thế mà đã 68 năm, kể từ ngày khởi nghĩa của nhân dân Hà Nội, ngày 19 tháng Tám, rồi khởi nghĩa nhanh chóng lan ra toàn quốc thành một phong trào. Bấy giờ ai nấy đều gọi là phong trào “Việt Minh cướp chính quyền”. Khắp các đường phố, xóm ngõ, người ta họp mít-tinh, ca hát “Tiến lên nền dân chủ cộng hòa”.

Âm vang ấy, ngày nay nhớ lại vẫn còn xúc động. Thật ra, hồi ấy cũng không mấy ai biết dân chủ cộng hòa nghĩa là gì. Trong lớp học ở trường Khải Định bấy giờ (nay là trường Quốc học Huế) các thầy giáo giải thích đơn giản, cộng hòa là không còn vua. Càng lớn lên, trí khôn phát triển, trải nghiệm cuộc đời nhiều hơn, đối chiếu kiến thức, đối chiếu thực tiễn, so sánh với thiên hạ, âm vang ấy lại càng thôi động.

Dường như đó là một thôi thúc bản năng mà tha thiết. Tiến lên nền dân chủ cộng hòa là mơ ước có một cuộc đời mới không còn vua quan bóc lột đàn áp, cậy quyền. Cuộc đời văn minh hơn, bình đẳng hơn, công bằng hơn, an vui hơn. Đối với bọn trẻ như chúng tôi, thì bấy giờ, vui vẻ là nhiều, an ninh cũng cảm nhận rõ, trộm cắp gần như mất hẳn. Tuổi trẻ dễ (và đáng) thương thật, cứ hồn nhiên, vô tư hát, say mê hát, hát như bốc đồng!

Rõ ràng, nếu có sự sòng phẳng, thì sự lựa chọn ấy dù đầy bản năng, nhưng minh triết, nó không cần qua những phân tích lý lẽ, triết học, nó vô tư hồn nhiên như người ta vẫn mua bán cùng nhau: tin cậy, nhổ một bãi nước bọt lên lòng bàn tay, hai bên vỗ cái, thế là hợp đồng coi như đã cam kết, tôi không lừa anh, mà anh cũng không phản tôi. Lựa chọn “dân chủ cộng hòa” coi như thế là xong! Cả dân tộc say sưa hát, lao vào cuộc “chống zặc dốt, zặc đói, zặc ngoại xâm“, phó thác cái giao kèo vĩ đại ấy cho trời đất, núi sông.

Quả thật, bây giờ nhìn lại cũng thấy có hai thái độ rất trách nhiệm, rất minh triết, rất thật thà (chữ của cụ Hồ hay dùng, thật thà phục vụ nhân dân. . . thật ra nếu hiểu đúng nghĩa minh triết thì cũng không cần rườm rà nói thêm hai chữ trách nhiệm và thật thà). Thứ nhất là một nhóm trí thức ưu tú của cộng sản, của quốc gia, của những người không đảng phái đã chuẩn bị cho Dân cho Nước một bản giao kèo ngon lành - bản Hiến pháp 1946. Lịch sử xác nhận rằng cuộc chuẩn bị này rất chí công vô tư, rất kép công, văn hóa và khoa học. Nó là sự cam kết từ tâm thức dân gian, được chuyển thành ý thức triết học của nhân dân. Đáng tiếc Bản Giao kèo ấy đã không được đem ra thi hành. Nếu Nó được thi hành thì sao nhỉ. Chả sao cả, dân tộc Việt Nam đã khác hôm nay!Chắc là không phải người dân hiền lành, thật thà đã xé cái bản hợp đồng được cam kết rất hồn nhiên vô tư có cả nhẹ dạ cả tin ấy. Tôi muốn nhấn mạnh cái bản hợp đồng không thành văn theo cái phong cách truyền thống, cổ xưa “tin nhau buôn bán cùng nhau, thiệt hơn, hơn thiệt trước sau như nhời”: Tiến lên nền dân chủ cộng hòa.

Cái thái độ thứ hai, quả thật rất nhạy bén, tỉnh táo, rất nhìn xa. Mà tôi cũng không hiểu tại sao lại có cái bản lĩnh “nhìn thấu”dường vậy. Đó là một phán đoán có thể gọi là thông tuệ của một nhà nho cấp tiến là Nguyễn Hữu Cầu, một trong những nhân vật chủ chốt của Đông Kinh Nghĩa Thục. Cụ từng nói với môn đệ, rồi khi cụ mất đã được cụ Nguyễn Văn Tố, nhà văn hóa lớn, vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của VNDCCH thuật lại trong Le Peuple (Tạp chí của Đảng CS Đông Dương, số tháng 8-1946): “Nền Độc lập này mà quốc dân vừa giành lại, chúng ta phải có bổn phận gìn giữ bằng những hoạt động tinh thần. Các Dân tộc chỉ trường tồn nhờ khoa học và nghệ thuật. Ngày nay chúng ta đã quá Tây, quá Tàu, chúng ta là bọn giáo điều ba rọi, là những kẻ xã hội chủ nghĩa cậy quyền” (dịch từ nguyên văn tiếng Pháp). Cái thái độ này, ý thức này minh triết biết bao, tầm nhìn xa biết bao, mà cũng cần thiết biết bao để “Tiến lên nền dân chủ cộng hòa”. Phải chăng những hoạt động tinh thần bảo thủ, biệt phái, giáo điều, kém văn hóa và thiếu dân chủ; một nền khoa học và nghệ thuật không thể thăng hoa lên được, què quặt và lạc hậu; một tâm thức mang nặng tính lệ thuộc, vọng ngoại, cái gì cũng giáo điều, và những thiết chế cực quyền và cậy quyền…, điều đã được dự báo, chính là những phản động lực khiến cho cái lựa chọn, cái cam kết của Dân tộc “Tiến lên nền Dân chủ Cộng hòa”đã không thể thực hiện?!

Như thế là cái thông tuệ của dân tộc, vừa là để sửa soạn cho Đất nước một bản giao kèo vĩ đại, lại vừa biết sớm cảnh báo những xu thế tiêu cực, phản tiến hóa, phản dân tộc, đã không phải là cái cứu cánh (chữ nhà Phật nói về cái đích cùng tột), đã bị phản bội?

Nền Dân Chủ Cộng hòa đã không tiến lên được. Trái lại nó đã bị thủ tiêu. Bây giờ đang có một mong ước lập lại Nó, nhưng còn bị ngăn cản. Cái tên của một nhà nước mới đã bị thay rồi. Từ đây, một mô hình nhà nước rập khuôn kiểu xô viết ra đời. Điều nghịch lý là tưởng nó mới, không dè hoạt động một hồi cho đến năm 86 thì phải “đổi mới” cho như cũ. Đổi mới cho như cũ tưởng là nghịch lý, thật ra lại rất Dịch. Bởi trong cái cũ tưởng là phải xóa bỏ hóa ra lại chứa nhiều điều mới hơn. Chẳng hạn như công hữu triệt để thì chính là đã đi ngược về quá khứ cho đến tận chế độ xã hội nguyên thủy! Tưởng “đổi mới” thì sẽ xuất hiện ngày càng nhiều cái mới, hóa ra những thói xấu mà ông Liệt Ninh ví von là cái thây ma cũ trỗi dậy. Thói cướp đất như cường hào ác bá, thói nhũng nhiễu dân ngày càng tinh vi và trắng trợn, cái hiện tượng “Có ba trăm lượng mà xong nhỉ/ Đời nay làm quan cũng thế thôi![1]” đã trở thành quốc nạn, thành nội xâm. Văn hóa suy thoái, nhân cách suy đồi, khoa học, giáo dục trì trệ. Khủng hoảng chính trị, xã hội liên tục xảy ra. Những hình thức thể hiện quyền dân tộc, dân chủ, nhân quyền mà nhân dân thế giới “hưởng được, dùng được” (chữ của Hồ Chí Minh) thì bị thu hẹp, cắt xén, đánh tráo khái niệm, không cho dân mình sử dụng.

Cái mô hình xô viết tắc tị, vì không chịu nổi sự va đập của quy luật nghiệt ngã, càng tranh đua càng thua thiệt, càng buôn càng sản xuất càng lỗ, một thiên đường rao giảng mãi không thấy, nền dân chủ XHCN chỉ xuất hiện độc tài, toàn trị, tưởng như khi người ta mở nút cái lọ Pandora thì sẽ có thánh thần xuất hiện, nào ngờ lại chỉ thấy ma quỷ hiện lên. Liên Xô tan rã! Còn Việt Nam tựa như một cái vệ tinh nằm ở ngoại biên xa nên nó lưu giữ lâu hơn, bảo thủ hơn dấu vết của mô hình mẹ!

Rõ ràng “nền dân chủ cộng hòa” trong những thực thể quanh ta như Hàn quốc, Singapore, và nhiều nơi khác trên thế giới, dẫu không cộng hòa mà dân chủ như Thái Lan, như Nhật Bản, họ trước sau đều trở thành liền anh liền chị của chúng ta cả. Họ không mất thì giờ bàn tới bàn lui về luật đất đai, về Hiến pháp, về lập hội, về tái cấu trúc từng mảnh của nền kinh tế mà khi vừa bàn xong thi đã thấy vênh không khớp được với những bộ phận khác. Chúng ta càng ngày càng lún sâu vào một mô hình chính trị kinh tế xã hội rất khó hanh thông. Mỗi ngày chúng ta càng tụt hậu xa hơn so với thiên hạ. Chúng ta chẳng những đánh mất thời gian nhiều thập kỷ của dân tộc, còn phung phí quá nhiều tài sản của quốc gia. Làm gì mà chúng ta không tụt hậu.

Nhà Phật bảo quăng dao đi thì thành Phật. Hãy từ bỏ mô hình xô viết lỗi thời. Duy trì nó là có tội với dân với nước, là phản bội lại anh linh của những bậc tiền bối, của nhiều thế hệ nhân dân đã hy sinh với mong ước tiến lên nền dân chủ cộng hòa. Không thể hy sinh nhân dân vì sự thử nghiệm một mô hình vô vọng cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, cả về một nguồn nhân lực để có thể thực hành. Cái kiên trì này vừa là ngu trung vừa là ngu ngốc, vừa là thể hiện cái tâm địa tham lam. Liệt Ninh ở Nga đã từng cảnh báo về ba cái gót chân A-sin của cộng sản là dốt, tham và cậy quyền. Một gót A-sin đã đủ nguy hiểm, mạng vong.

Rất nhiều tư tương đúng đắn của Mác của Minh đáng để chúng ta dựa vào mà từ bỏ mô hình xô viết để tiến lên Nền Dân chủ Cộng hoà.

N. C.

[1]Tác giả “chế” lại câu thơ của Nguyễn Khuyến vịnh truyện Kiều: “Có ba trăm lạng mà xong nhỉ/ Đời trước làm quan cũng thế a?” (BVN)

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn