Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 4)

(Negotiating Radical Change: Understanding and Extending the Lessons of the Polish Round Table Talks)

Dịch giả: Nguyễn Quang A

Sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Bảng niên đại

Năm

Tháng

Sự kiện

1918

Mười Một

Ba Lan lấy lại sự độc lập của mình sau 123 năm chiếm đóng của nước ngoài

1926

Năm

Józef Piłsudski lật đổ chính phủ nghị viện trong một cuộc đảo chính quân sự

1939

Chín

Nước Đức Nazi là Liên Xô xâm chiếm Ba Lan; chính phủ đi lưu vong và “Quân đội Quê hương” (AK) được thành lập để chỉ huy kháng chiến

1941

Sáu

Nước Đức Nazi xâm chiếm Liên Xô

1943

Giêng-Năm

Khởi nghĩa Do Thái tại Warsaw

1944

Tám-Mười

Khởi nghĩa Ba Lan ở Warsaw

1945

Giêng

Các độ quân Nga tiến vào Warsaw

Hai

Stalin, Churchill, và Roosevelt gặp nhau tại Yalta, hoàn tất các kế hoạch phân chia châu Âu thành các khu vực ảnh hưởng tách biệt

Sáu

“Chính phủ Thống nhất Dân tộc” được thành lập ở Ba Lan, bị chi phối bởi những người cộng sản nhưng bao gồm Stanisław Mikołajczyk, người đứng đầu chính phủ lưu vong, như một Phó Thủ tướng

1947

Giêng

Những người cộng sản thắng cuộc bầu cử gian lận

Mười

Mikołajczyk trốn khỏi nước

1948

Mười Hai

Đảng Xã hội Ba Lan và Đảng Lao động Ba Lan (cộng sản) hợp nhất để tạo thành Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PZPR)

1953

Ba

Joseph Stalin chết

1955

Năm

Ký Hiệp ước Warsaw

1956

Hai

Khrushchev trình bày “báo cáo mật” tố giác Stalin tại Đại hội thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô ở Moscow

Sáu

Đình công nổ ra ở Poznań, phản đối cả điều kiện làm việc lẫn sự thống trị Soviet; đánh nhau nổ ra giữa cảnh sát và những người biểu tình; xe tăng được gọi đến để lập lại trật tự; ít nhất 74 người chết và vài trăm người bị thương

Mười

Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương PZPR đã bổ nhiệm Władysław Gomułka làm Bí thư Thứ nhất; ông được hoan nghênh một cách rộng rãi như một nhà cải cách; với khẩu hiệu “Con đường Ba Lan đến chủ nghĩa xã hội”

Mười-Mười Một

Cách mạng Hungary bị dẹp tan bởi sự xâm lấn Soviet

1964

Mười

Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thay Nikita Khrushchew bằng Leonid Brezhnew

Mười

Hội đồng Giám mục Ba Lan viết thư cho Hội đồng Giám mục Đức bày tỏ lòng mong muốn của họ cho hòa giải; cách nói nổi tiếng “chúng tôi tha thứ, và xin sự tha thứ”kích động các cuộc tấn công từ chế độ

1966

Suốt cả năm Giáo hội Công giáo và chế độ đã tổ chức các lễ kỷ niệm cạnh tranh nhau về kỷ niệm lần thứ 1000 của lễ rửa tội của nhà cai trị được ghi lại đầu tiên trong lịch sử Ba Lan, Mieszko I

1968

Ba

Các cuộc biểu tình của sinh viên chống lại sự kiểm duyệt đã gặp phải bạo lực và sự đàn áp của cảnh sát; chế độ đã đáp lại với một chiến dịch “anti-Zionist” hướng tới những người phản đối (một số trong số họ là người Do Thái); hàng ngàn người Do Thái bị áp lực để di tản

Tám

Các lực lượng Soviet, Ba Lan, Hungary, Bulgaria và Đông Đức đã xâm lấn Tiệp Khắc, dập tắt “Mùa Xuân Prague”

1970

Mười Hai

Giá tăng đột xuất dẫn đến các cuộc đình công ở Gdańsk và các thành phố khác; sự can thiệp của cảnh sát dẫn đến các cuộc nổi loạn; quân đội được cử để chấm dứt sự náo loạn; Władysław Gomułka bị thay bởi Edward Gierek như Bí thư Thứ nhất

1975

Tám

Hội nghị Helsinki về An ninh và Hợp tác ở châu Âu buộc các nước ký (gồm cả Ba Lan) “tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản bao gồm quyền tự do về tư tưởng, lương tâm, tôn giáo và niềm tin chắc đối với mỗi cá nhân”

1976

Sáu

Giá tăng đột xuất dẫn đến các cuộc đình công ở Random, Warsaw và nơi khác; sự can thiệp của cảnh sát dẫn đến các cuộc nổi loạn

Chín

KOR (Ủy ban Bảo vệ Công nhân) được lập ra bởi Adam Michnik, Jacek Kuroń, và những người khác, để giúp những người bị đàn áp trong làn sóng đình công tháng Sáu

1978

Lech Wałęsa, Andrzej Gwiazda, và những người khác thành lập “Ủy ban cho các Nghiệp đoàn Tự do ở Duyên hải”; muộn hơn Zbigniew Bujak, Zbigniew Janas, và những người khác lập ra một tổ chức song song ở Warsaw

Mười

Đức Hồng Y Karol Wojtyła được bầu làm Giáo hoàng John Paul II

1979

Sáu

Giáo hoàng John Paul II thăm Ba Lan

1980

Bảy

Giá tăng đột xuất dẫn đến các cuộc đình công khắp cả nước

Tám

“Ủy ban Đình công Liên Nhà máy” tại xưởng đóng tàu Gdańsk, dưới sự lãnh đạo của Lech Wałęsa, nổi lên như một tổ chức đại diện cho ngưng việc toàn quốc; các cuộc đình công buộc chính phủ chấp nhận việc thành lập một nghiệp đoàn tự do (“Đoàn Kết”), để đại diện các quyền dân sự và con người cơ bản, và để tăng lương

Chín

Stanisław Kania thay thế Edward Gierek làm Bí thư Thứ nhất

1981

Hai

Tướng Wojciech Jaruzelski được bổ nhiệm làm Thủ tướng

Ba

Các cuộc đàm phán giữa Đoàn kết và chính phủ đi đến khủng hoảng; Đoàn kết tổ chức đình công bốn giờ cảnh cáo để buộc chế độ tiếp tục đàm phán

Các phiếu phân phối thịt được đưa vào

Năm

Đoàn Kết Nông thôn được đăng ký một cách hợp pháp; Giáo trưởng Stefan Wyszyński chết và được thay thế bằng Józef Glemp

Mười

Wojciech Jaruzelski thay thế Stanisław Kania làm Bí thư Thứ nhất

Mười Hai

Tuyên bố thiết quân luật; Đoàn kết bị đặt ra ngoài vòng pháp luật; khoảng 10.000 người bị bắt; 6,000-10,000 người di tản; bạo lực hạn chế, nhưng 9 người bị giết khi cảnh sát tấn công các công nhân mỏ đình công ở Silesia

1982

Tuyên bố về việc thành lập Ủy ban Điều phối Lâm thời của Đoàn kết; các nhà lãnh đạo ẩn náu gồm Zbigniew Bujak, Władysław Frasyniuk, và Bogdan Lis

Tám

Trong dịp kỷ niệm ký Thỏa thuận Gdańsk mà đã tạo ra Đoàn kết, các cuộc biểu tình đã được tổ chức khắp Ba Lan; bốn người đã bị giết, hơn, 5.000 người bị giam giữ

Mười Một

Giáo trưởng Glemp nhấn mạnh khoảng cách của Giáo hội khỏi “các cuộc đấu tranh của các nhóm xã hội” và tuyên bố rằng “Giáo hội sẽ luôn luôn giữ vững lập trường hòa bình”

Đoàn kết tuyên bố một cuộc đình công 8 giờ, nhưng lời kêu gọi của họ nói chung bị bỏ qua;

Leonid Brezhnev chết

Mười Hai

Hầu hết những người bị giam được thả

1983

Năm

Grzegorz Przemyk, con trai 19 tuổi của một nhà hoạt động KOR, bị cảnh sát giết

Sáu

Giáo hoàng John Paul II thăm Ba Lan lần thứ hai

Bảy

Quân luật được dỡ bỏ; ân xá được tuyên bố cho các tội phạm chính trị

Mười

Lech Wałęsa được trao Giải Nobel Hòa Bình

1984

Mười

Cha Jerzy Popiełuszko, một linh mục Công giáo La Mã và một nhà hoạt động đối lập, bị giết bởi các sỹ quan của Lực lượng An Ninh; những kẻ giết người đã bị bắt và bị bỏ tù

1985

Ba

Mikhail Gorbachev được bổ nhiệm làm Bí thư Thứ nhất của Ủy Ban trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô

Bảy

Giá cả tăng đột xuất dẫn đến một tuyên bố đình công của Đoàn kết, nhưng các cuộc đình công không nhận được nhiều sự ủng hộ

1986

Sáu

Ba Lan trở thành thành viên của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế, IMF, và Ngân hàng Thế giới

Chín

Tổng ân xá được công bố

Mười Hai

Một báo cáo được công bố cho thấy rằng 740.000 người đã di tản kể từ 1980

1987

Sáu

Giáo hoàng John Paul II thăm Ba Lan lần thứ ba

Mười Một

Chính phủ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách kinh tế; kiến nghị không nhận được đủ sự ủng hộ để thông qua

1988

Tư-Năm

Các cuộc đình công liều lĩnh trong nhiều thành phố khắp Ba Lan; một số bị cảnh sát dẹp tan, các cuộc khác chấm dứt mà không có quyết định nào

Tám

Các cuộc gặp giữa Lech Wałęsa và Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, Tướng Czesław Kiszczak, bắt đầu quá trình đàm phán mà cuối cùng sẽ dẫn đến các cuộc đàm phán bàn tròn

Chín

Mieczysław Rakowski trở thành Thủ tướng

Mười Một

Tranh luận được truyền hình giữa Wałęsa và Alfred Miodowicz, lãnh đạo của nhóm công đoàn được nhà nước bảo trợ; được nhìn một cách rộng rãi như một thắng lợi lớn cho Đoàn kết

1989

Giêng

Các cuộc đàm phán Bàn Tròn bắt đầu

Ba

Slobodan Milošević sửa đổi hiến pháp Nam Tư, hủy bỏ sự tự trị cho Kosovo; các cuộc phản đối bạo động tiếp theo

Các Thỏa ước Bàn Tròn được ký; Đoàn kết được tái hợp pháp hóa, và các cuộc bầu cử được hứa hẹn cho tháng Sáu (với hai phần ba số ghế dành cho những người cộng sản trong hạ viện, và mọi ghế được để ngỏ cho bầu cử vào thượng viện)

Năm

Gazeta Wyborcza (Báo bầu cử) được thành lập như nhật báo đối lập hợp pháp đầu tiên trong khối Soviet

Sáu

Các cuộc bầu cử được tổ chức; Các ứng viên Đoàn kết thắng tất cả trừ một ghế tại thượng viện, và tất cả các ghế quốc hội được mở cho cạnh tranh Trong cùng ngày bầu cử được tổ chức ở Ba Lan, những người biểu tình bị tàn sát ở Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc

Các cuộc đàn phán Bòn Tròn Hungary bắt đầu

Bảy

Wojciech Jaruzelski được Quốc hội bầu làm Tổng thống

Mikhail Gorbachev tuyên bố rằng Liên Xô sẽ không còn can thiệp vào công việc nội bộ của Đông Âu nữa

Tám

Tadeusz Mazowiecki, nhà trí thức đối lập xuất sắc trở thành thủ tướng không-cộng sản đầu tiên trong khối Soviet

Chín

Hungary mở cửa biên giới sang phương Tây

Mười

Các cuộc biểu tình chống cộng sản bắt đầu ở Đông Đức

Một hiến pháp mới tuyên bố các đức hạnh của nền dân chủ được chấp nhận ở Hungary

Mười Một

Bức Tường Berlin được mở

Todor Zhivkov, nhà cai trị cộng sản của Bulgaria, bị phế truất khỏi quyền lực Các cuộc biểu tình bắt đầu ở Prague chống lại chính quyền cộng sản

Mười Hai

Việc lật đổ Nicolae Ceauşescu đi cùng với sự đổ máu

Václav Havel được bầu làm tổng thống Tiệp Khắc

Sự sụp đổ được dàn xếp của chế độ cộng sản:

Bàn Tròn Ba Lan, Mười Năm Nhìn lại

Một Hội nghị được tổ chức tại Đại học Michigan

7-10/4/1999

Sau đây là các đoạn trích từ bản dịch tiếng Anh của các bài trình bày của hội nghị. Các bài trình bày đầy đủ không chỉ phong phú và phức tạp hơn các đoạn trích ngắn này có thể chuyển tải rất nhiều, mà như với mọi trích đoạn, chúng phản ánh những mối quan tâm cá nhân của những người chọn các đoạn trích ấy. Vì thế các bạn đọc được khuyến khích mạnh mẽ để tham khảo bản gỡ băng đầy đủ của hội nghị, mà sẵn có (cả bằng tiếng Ba Lan và tiếng Anh), tại website của chúng tôi: <www.umich.edu/~iinet/Ba LanRoundTable>.[1]

PANEL MỘT: Ý NGHĨA CỦA BÀN TRÒN BA LAN

Adam Michnik

Nhà hoạt động nhân quyền suốt đời, cố vấn cho phong trào Đoàn kết và nhà đàm phán cho phe đối lập trong các cuộc đàm phán Bàn Tròn, sử gia và tác giả Adam Michnik (sinh năm 1946) là Tổng biên tập của nhật báo Gazeta Wyborcza từ khi bắt đầu trong năm 1989. Sau khi bị đuổi khỏi Đại học Warsaw và bị bỏ tù (1968-69) sau các cuộc biểu tình phản đối tháng Ba năm 1968, Michnik đã học xong và có bằng lịch sử tại Đại học Adam Mickiewicz ở Poznań năm 1975. Ông đã là thành viên sáng lập của Ủy Ban Bảo vệ Công nhân (KOR) năm 1977 và là giảng viên trong “Đại học Bay,” một tổ chức đưa các trí thức và các nhà hoạt động công nhân lại với nhau trong các seminar không chính thức. Lại bị tù từ 1981 đến 1984 và từ 1985 đến 1986, Michnik đã tiếp tục vận động cho dân chủ và xã hội dân sự. Tiếp sau các cuộc đàm phán Bàn Tròn, ông đã phục vụ như một Dân biểu trong Sejm (Hạ Viện) từ 1989 đến 1991 cho Câu lạc bộ Nghị viện Công dân. Michnik là tác giả của rất nhiều bài báo, bài phỏng vấn, và sách.

Những người bênh vực phương pháp hòa bình để giải quyết xung đột đã luôn đối mặt với những câu hỏi và các lời buộc tội tương tự. Làm thế nào người ta có thể nghĩ về việc giao kết một hiệp ước với kẻ thù? Làm thế nào người ta có thể tìm kiếm một sự thỏa hiệp với ai đó, kẻ phải bị trừng phạt vì những tội ác của hắn? Và thường các câu trả lời được đưa ra là tương tự. Bạn phải chấp nhận thỏa thuận và tìm kiếm sự thỏa hiệp với kẻ thù, chính xác bởi vì hắn là một kẻ thù. Không cần phải thương lượng với bạn bè. Lựa chọn thực sự ở đây là gì? Hoặc là một cuộc chiến tranh, dễ kích động, và có thể kéo rất dài, hoặc một con đường khó khăn hướng tới hòa bình dựa trên sự thỏa hiệp. Nhưng một sự thỏa hiệp luôn để lại một cái gì đó đáng mong muốn. Để có thể sống trong hòa bình và tự do, nhất thiết phải thay ngôn ngữ chiến tranh bằng ngôn ngữ hòa bình, và đấy là nỗ lực mà Ba Lan đã tiến hành mười năm trước…

Tôi thường nghe những lời buộc tội rằng do chọn logic thỏa hiệp, tôi đã phản bội tiểu sử của chính mình. Đó là lý do tại sao tôi muốn bắt đầu bình luận về trường hợp của riêng tôi… Những thay đổi ở Liên Xô đã tạo ra một tình huống mới, mà trong đó Bàn Tròn đã trở thành có thể. Sự thỏa hiệp đó, như thường lệ, đã là kết quả của sự yếu tương đối của cả hai bên. Các nhà chức trách đã quá yếu để chà đạp lên chúng tôi, và chúng tôi đã quá yếu để lật đổ chính quyền. Và từ hai điểm yếu đó một cơ hội mới phát sinh cho một lời giải thỏa hiệp mới…

Chúng tôi tranh luận rất nhiều. Tôi nhớ một đồng nghiệp khác của tôi đã giải thích với tôi rằng không phải là chính quyền cộng sản sẽ hợp pháp hóa Đoàn kết, mà ngược lại, Đoàn kết sẽ xác thực tính hợp pháp cho chính quyền cộng sản. Tôi nhớ một cuộc trò chuyện dài với một người bạn, tham gia vào hoạt động văn hóa độc lập bí mật, và đối với cô ấy Bàn Tròn chỉ đơn giản có nghĩa là một sự phản bội lý tưởng, khuất phục sự kiểm duyệt, và từ bỏ sự độc lập thực sự. Tôi không chia sẻ các quan điểm này nhưng tôi hiểu những người bạn ấy, bởi vì loại thỏa hiệp này có thể làm chúng tôi mất uy tín. Nó có thể! Và nó thực sự đòi hỏi loại nào đó của sự làm trái với bản thân mình, với những xúc cảm và ký ức của mình. Tôi nhớ đã khó đến thế nào để tôi vượt qua sự kháng cự nội tâm và các nỗi sợ hãi của chính mình. Tôi nhớ đã cần bao nhiêu nỗ lực để tôi thử hiểu các lý do của những kẻ thù ngày hôm qua của chúng tôi, những người bây giờ đã trở thành các đối thủ và các đối tác…

Tôi nhớ rất kỹ lễ khai mạc Bàn Tròn, khi giáo sư Geremek buộc tôi mang com lê và cà vạt, và khi, nghe những nhận xét láu cá của Walesa và những người khác, tôi đã đi đến Cung điện Phó vương ở Warsaw. Để vào phòng tranh luận, phải đi lên cầu thang, và ở trên cùng Tướng Kiszczak và Bí thư Stanislaw Ciosek đứng đón chào khách. Tôi xoay xở để nấp trong phòng tắm sao cho không bị bất cứ ai nhìn thấy phải bắt tay với cảnh sát trưởng. Tôi đơn giản sợ vợ tôi sẽ đuổi tôi ra khỏi nhà. Vì vậy, tôi đã tìm thấy một nơi ẩn nấp trong phòng tắm, đợi mấy phút ở đó, nhưng khi tôi ló ra, ông Kiszczak vẫn còn đó chìa tay ra để bắt. Bạn biết đấy, đèn chiếu sáng, máy ảnh... và đây là cách tôi đã đánh mất sự trinh tiết của mình! Chúng tôi đã có một cảm giác kỳ lạ về tình hình của mình. Chỉ hai năm rưỡi trước đây tôi đã được giải thoát khỏi nhà tù, và đã có đồng nghiệp của tôi, bạn bè thời bí mật… Nhưng cùng lúc, tôi nhận thấy rằng sự thay đổi lịch sử loại nào đó đang diễn ra mà tôi đã không có khả năng xác định tại thời điểm đó. Tôi đã hiểu một điều: phe đối lập dân chủ cuối cùng đã bước một bước qua ngưỡng của tính hợp pháp. Từ Cung điện Phó vương đó con đường của chúng tôi chỉ có thể dẫn hoặc đến nhà tù ở đường Rakowiecka hoặc đến sự chấm dứt của hệ thống cộng sản…

Đã không có các thỏa thuận bí mật nào. Chúng tôi đã tiếp tục tới các cuộc bầu cử và chúng tôi đã thắng theo cách mà đơn giản đã làm chúng tôi hoảng sợ bởi quy mô của nó. Chúng tôi không biết phải làm gì với chiến thắng của mình, nhưng điều quan trọng nhất là trong các cuộc bầu cử đó dân tộc Ba Lan đã từ chối hệ thống cộng sản…

Sự thỏa hiệp Bàn Tròn đã là có thể bởi vì ở cả hai bên đã có những người chấp nhận chịu rủi ro bị buộc tội phản bội bởi chính cộng đồng của mình. Và đó là số phận của các nhà cải cách, họ đi với nhịp độ sên bò và họ bị đập vào đầu bởi những người cực đoan của chính phe họ. Nhưng chỉ nhờ các nhà cải cách như vậy mà chúng ta có thể tin rằng triết lý thỏa thuận có một tương lai và người ta có thể xây dựng tương lai đó trên sự xác tín rằng chỉ có một nước Ba Lan được chia sẻ bởi những người đã chiến đấu chống lại nền Cộng hòa Nhân dân và những người phục vụ nền Cộng hòa Nhân dân, mới có thể là một Ba Lan thực sự dân chủ. Nếu chúng ta loại trừ bất cứ ai, chúng ta sẽ phải chấp nhận sự phân biệt đối xử loại nào đó, mà trong phân tích cuối cùng luôn luôn dẫn đến những dối trá và bất công. Ơn Chúa Ba Lan đã chọn con đường khác.

Mieczysław Rakowski

Thủ tướng trong các tháng dẫn đến các cuộc Đàm phán Bàn Tròn, Mieczysław Rakowski (sinh năm 1926) đã là một sỹ quan của Quân đội Nhân dân Ba Lan từ 1945 đến 1949 và đã nhận bằng tiến sỹ lịch sử từ Viện Khoa học Xã hội Warsaw trong năm 1956. Ông đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình trong năm 1946 như một đảng viên của Đảng Lao động Ba Lan. Từ 1948 đến 1990 ông đã là đảng viên của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PZPR), phục vụ trong Ban chấp hành Trung ương từ 1975 đến 1990. Sau một năm làm Trợ lý Biên tập, Rakowski đã trở thành Tổng Biên Tập của tuần san Polityka trong năm 1958, một chức mà ông đã giữ cho đến 1982. Ông đã là Phó Thủ tướng từ 1981 đến 1985, Phó chủ tịch Quốc hội (Sejm) và lãnh đạo của Hội đồng Xã hội-kinh tế của nó từ 1985 đến 1988, và ủy viên Bộ Chính trị của PZPR từ 1987 đến 1990. Từ tháng Chín 1988 đến tháng Tám 1989, Rakowski đã phục vụ như Thủ tướng cộng sản cuối cùng của Ba Lan; từ tháng Tám 1989 đến tháng Hai 1990, ông đã là Bí thư Thứ nhất cuối cùng của PZPR. Từ 1990, Rakowski đã là Tổng Biên tập của Dziś: Przegląd Społeczny. Ông là tác giả của nhiều xuát bản phẩm về chính trị.

… Giữa những người chỉ trích Bàn Tròn dữ dội nhất là các nhà hoạt động cánh hữu trẻ, những người nghĩ rằng Magdalenka là một sự phản bội Đoàn kết, phe đối lập, và Bàn Tròn như Adam Michnik đã nói, là “một giao dịch giữa bọn đỏ và bọn hồng.” Thế đấy, tại thời điểm đó, khi các lãnh đạo của phe đối lập, Lech Walesa, Mazowiecki, Geremek, Kuron, Frasyniuk, Michnik tất nhiên, Bujak, và những người khác ... Khi các nhà lãnh đạo này đã dồn hết can đảm của mình để tin tưởng chúng tôi, mặc dù họ đã có lý do để không làm như vậy, thì những người chỉ trích trẻ ngày nay của Bàn Tròn còn học trung học, hoặc là các sinh viên vừa vào đại học. Họ không có gì trong sơ yếu lý lịch của mình để chứng tỏ sự anh dũng chống lại chế độ cộng sản, vì vậy họ chỉ viết sơ yếu lý lịch mới, cố bù đắp cho khoảng trống đó. Phê phán Bàn Tròn, họ thể hiện cứ như họ đã từng ở đó, cứ như họ đã thực sự đánh bại những người cộng sản và họ sẽ tống bọn [cộng sản] đó đến nơi bọn nó thuộc về, đến trại giam nơi nào đó, có lẽ không ở Siberia, nhưng họ đã có thể tìm thấy một nơi. Thế đấy, nhóm này, mà chỉ đơn giản viết sơ yếu lý lịch của mình, nghĩ rằng “bọn đỏ” và “bọn hồng” đã tạo ra một huyền thoại về tầm quan trọng của các cuộc đàm phán Bàn Tròn, trong khi các cuộc gặp tại Magdalenka đã thực sự là các yến tiệc người ăn thịt người. Đó là những gì tôi nghe thấy trên một trong những chương trình truyền hình ở Ba Lan. Thế đấy, quan trọng để lưu ý rằng đôi khi thật đáng sợ phải nghe các ý kiến như vậy, bởi vì chúng chứng tỏ một phương thức tư duy hoàn toàn phi lịch sử của một bộ phận nào đó của trí thức Ba Lan, chủ yếu là trong phe cánh hữu hiện nay..

… Ý kiến của tôi là, trong giai đoạn đầu, các nhà chức trách đảng cộng sản, mà tôi thuộc về và đó là lý do vì sao tôi thường nói “chúng tôi” chứ không phải “họ,” chế độ đó đã không sẵn sàng về mặt chính trị hay tâm lý để chấp nhận phe đối lập như một cái gì đó có thể tồn tại trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, và thậm chí ít sẵn sàng hơn để chia sẻ quyền lực với nó. Và sự chấp nhận các nghiệp đoàn độc lập với chính quyền nhà nước và thực sự là với nhà nước với tư cách như vậy, không, đó không phải là một phần của chính khái niệm chủ nghĩa xã hội… sau khi thiết quân luật được áp đặt, chúng tôi ở trong đảng vẫn tin rằng chúng tôi đối mặt với một cuộc khủng hoảng, chúng tôi đã nhận thức đầy đủ về điều đó, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể tự vượt qua khủng hoảng, mà không có phe đối lập. …

Chúng tôi đã tin, chúng tôi đã tin chắc rằng chúng tôi có thể đối phó mà không có phe đối lập và sự xác tín này, trên thực tế, đã kéo dài cho đến giữa các năm 1980, nhưng nó cũng đã liên quan đến nỗi sợ hãi của chúng tôi về Liên Xô. Bởi vì thế hệ của Jaruzelski và, nói chung, các thế hệ đã trải qua các trại cải tạo, những người cộng sản Ba Lan, hoặc những người trở thành những người cộng sản muộn hơn, những người đã chặt cây ở Siberia, thế hệ này trở lại Ba Lan với một cảm giác bất lực trước quyền lực. Đó không phải là bất kỳ loại thân phận nô lệ nào nhưng là nỗi sợ hãi và sự tôn trọng tuyệt đối sức mạnh phía đông của sông Bug. Đó là một trong những bài học mà Jaruzelski đã học, và theo ý tôi, chắc chắn rằng nó có tác động đến thái độ của ông đối với phe đối lập trong những năm 1980…

Bây giờ có ý kiến cho rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đã bắt đầu với sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Tôi phải nói rằng, phải, với tất cả sự ngưỡng mộ của tôi đối với người Đức, họ đang lừa dối chúng tôi một lần nữa. Họ đã thuyết phục thế giới. Bức tường Berlin và thế thôi, sự bắt đầu của sự sụp đổ. Không, Bàn Tròn là sự khởi đầu và những người khác đã đi theo chúng tôi.

Wiesław Chrzanowski

Một Giáo sư Luật tại Đại học Công giáo Lublin, Wiesław Chrzanowski (sinh năm 1923) từ lâu đã là một nhà đối lập tích cực của chế độ cộng sản. Sau khi tham gia kháng chiến chống Nazi trong Chiến tranh Thế giới II, Chrzanowski đã nghiên cứu luật tại Đại học Jagiellonian, Đại học Warsaw, và trường Kinh tế Warsaw. Ông đã bị bắt năm 1948 và đã bị kết án tám năm tù vì sự dính líu của ông vào Liên minh Thanh niên Thiên chúa giáo. Mặc dù đã được phục hồi chính thức trong năm 1956, Chrzanowski đã bị từ chối giấy phép để hành nghề luật (trừ trong vị trí khiêm tốn của “cố vấn pháp lý”). Ông đã thành lập “Start” Câu lạc bộ Thảo luận Công giáo trong năm 1957 và đã là thành viên của “Ủy ban Thông tin” của Đức Hồng y Stefan Wyszyński từ năm 1965. Trong các năm 1980 Chrzanowski đã là một cố vấn cho Đoàn kết và một thành viên của “Hội đồng Tư vấn Xã hội” của Đức Hồng y Józef Glemp. Ông đã là một trong các nhà sáng lập của Liên minh Thiên chúa giáo Dân tộc trong năm 1989 và đã là Chủ tịch của nó cho đến 1994. Chrzanowski đã là Bộ trưởng Tư pháp trong năm 1991, Chủ tịch Quốc hội (Sejm) từ 1991 đến 1993, và một Thượng nghị sỹ từ 1997.

… Tôi hoàn toàn phản đối và quan điểm của tôi là tiêu cực khi nói về bất kỳ nỗ lực để xây dựng một huyền thoại về Bàn Tròn, liên quan đến kỷ niệm lần thứ mười của nó. Lịch sử nhìn lại từ mười năm chưa phải là lịch sử; nó là lịch sử trong hành động, và về khía cạnh này, huyền thoại có vai trò riêng của nó để đóng.….

Bàn Tròn đã không gây ra sự thối rữa trong cấu trúc đế quốc của Liên Xô; đúng hơn nó đã là hệ quả của sự thối rữa đó. Nó đã không phải là cái điềm báo trước sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản như một hệ thống kinh tế xã hội. Sự kết thúc của hệ thống đã được chính phủ của Thủ tướng Rakowski cảm nhận thấy, chính phủ đã tiến hành các bước theo một hướng mới. Tuy nhiên, nó đã làm tăng tốc, đã tăng tốc chỉ vài tháng sự thay đổi đội gác quyền lực ở Ba Lan, và nó đã ảnh hưởng đáng kể nhưng không quyết định đến cách thức chuyển giao quyền lực.….

Ngoài truyền thuyết của nó, các cuộc đàm phán Bàn Tròn đã là quan trọng trong chính trường Ba Lan. Bên trong phạm vi này, không nghi ngờ gì, chúng có ý nghĩa. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán đã không có tầm cỡ phổ quát. Sẽ là một ảo tưởng để tìm kiếm sự tương tự với sự suy tàn của các chế độ độc tài Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hoặc Chile. Ở nước ta, đó đã là một hệ thống được áp đặt từ bên ngoài, và nó có thể tồn tại chỉ với sự ủng hộ bên ngoài. Tại các nước khác này, các hệ thống đã là bản địa và sự suy tàn của chúng cũng đã thế. Đây là lý do tại sao thật khó để tưởng tượng, đáng tiếc, rằng công thức của chúng tôi có thể hữu ích trong việc giải quyết những sự kiện bi thảm ở Nam Tư cũ, có nghĩa là, các cuộc xung đột hiện nay ở Kosovo.

Thư từ Đức Giáo hoàng John Paul II

do Michael Kennedy đọc tại hội nghị

“Đức Thánh Cha hy vọng rằng sự suy ngẫm được đào luyện này về các khía cạnh tinh thần, văn hóa và chính trị của quá trình chuyển đổi hòa bình của Ba Lan dân chủ sẽ làm nổi bật nền tảng cuối cùng của chúng trong một mệnh lệnh đạo đức phát sinh từ tầm nhìn về phẩm giá vốn có của con người và thiên hướng siêu việt của con người đến tự do trong việc theo đuổi chân lý. Ngài tin tưởng rằng công việc của Hội nghị sẽ kêu gọi sự chú ý cần thiết đến tính ưu việt của sự đối thoại kiên nhẫn hơn tất cả các hình thức bạo lực trong giải quyết xung đột và xây dựng một chế độ xã hội công bằng và nhân đạo”.

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN

[1] Tất cả các đoạn trích được trích dưới đây đã được chép lại và dịch từ tiếng Ba Lan sang tiếng Anh bởi Kasia Kietlinska trừ các đoạn trích của László Bruszt, Dai Qing, John R. Davis, và Konstanty Gebert. Các phần sau được ghi lại bởi Margarita Nafpaktitis [phần tiếng Việt được lấy từ bản dịch của Nguyễn Quang A]

Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 4)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn