Cuộc chiến 100 năm không thể nào quên

clip_image002

Nguyễn Giang

BBCVietnamese.com

Năm sau châu Âu mới kỷ niệm Đại chiến Thế giới thứ nhất nhưng từ mấy tuần qua, các biên tập viên BBC như chúng tôi đã bắt đầu họp bàn về các chương trình đặc biệt đánh dấu 100 năm cuộc chiến làm biến đổi diện mạo thế giới.

clip_image004

Châu Âu bắt đầu chuẩn bị kỷ niệm cuộc chiến 1914-1918

Ghi nhận đầu tiên của tôi khi dự họp là cách nhìn cả hai cuộc thế chiến nhìn từ Anh đã thay đổi nhiều, và trang BBS History không còn nói về Đức như một kẻ thù truyền kiếp của Anh nữa.

Tưởng niệm trong hòa giải để hướng tới tương lai là Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan và nhiều nước châu Âu khác đang muốn làm.

Đây cũng là cơ hội để so sánh châu Âu với châu Á, nơi lịch sử, như trong quan hệ Trung – Việt vẫn là một vấn đề cản trở chung sống hòa bình, hướng tới tương lai của một cộng đồng Đông Á chung.

'Cùng chung chiến hào'

Hồi tháng 8 năm qua, Đức đã gửi một nhà ngoại giao, ông Andreas Meitzner sang London để bàn về kế hoạch tưởng niệm chung với Anh, và Pháp sẽ dẫn đầu các nước châu Âu trong nghị trình này, dự kiến diễn ra từ 2014 đến hết 2018.

Các ủy ban lo về nghĩa trang của Anh, Pháp và Đức đều cùng làm việc để tổ chức những lễ nhỏ hơn, nhấn mạnh đến sự mất mát của các quân nhân, bất kể thuộc bên nào.

Báo Đức trích lời ông Fritz Kirchmeier, phát ngôn viên cho Ủy ban Nghĩa trang Chiến tranh của Đức nói:

"Cảm tưởng chung của tôi là cả Đức và Anh đều nhấn mạnh đến điểm chung là châu Âu và tất nhiên mỗi dân tộc đều có cách nhìn riêng về cuộc chiến.”

Điểm chung là kinh nghiệm chiến hào tàn khốc của tất cả binh sỹ các bên, những người lính trẻ mà Anh gọi là 'Tommy', Đức gọi là 'Landser', và Pháp gọi là 'Poilu'.

clip_image006

"Quân đội Nhân dân Việt Nam chưa từng bảo vệ tổ quốc khi nhiều sư đoàn Trung Quốc đánh vào sáu tỉnh biên giới?"

Nhưng người ta không hề né tránh sự thật lịch sử tàn khốc của cuộc chiến làm chết ít nhất 8 triệu binh sỹ châu Âu và các nước thuộc địa bị lôi cuốn vào phục vụ chiến trường.

Đó là chính chủ nghĩa quân phiệt Đức làm khơi ngòi cuộc chiến, và tâm lý chiến bại của Đức sau hòa ước Versailles đã góp phần đưa Adolf Hitler và chủ nghĩa phát-xít lên ngôi, gây ra Thế Chiến II (1939-1945).

Nhưng ở châu Á có vẻ như lịch sử chưa được đánh giá công khai và cởi mở như thế vì nhiều lý do.

Xa lên phía Đông Bắc Á, tự hào dân tộc khiến vấn đề hòa giải còn vô cùng khó khăn giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Còn ở Việt Nam, trang Cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng Việt Nam mà tôi vừa

Bấm

truy cập hôm nay 4/10/2013, phần sau 1975 không có một câu nào nói đến Chiến tranh Biên giới 1979 với Trung Quốc.

Hóa ra Quân đội Nhân dân Việt Nam chưa từng bảo vệ tổ quốc khi nhiều sư đoàn Trung Quốc đánh vào sáu tỉnh biên giới?

Ai đã xóa hẳn cuộc chiến khiến Trung Quốc mất ít nhất 20 nghìn quân, theo các tài liệu Phương Tây, và Việt Nam bị tàn phá nặng nề cả về người và của ở sáu tỉnh biên giới, chưa tính nhiều năm “chảy máu” sau đó?

Vì xóa lịch sử cũng là chôn vùi những mất mát cá nhân của các binh sỹ hai bên mà dù chiến đấu trong quân phục nào, họ đầu tiên là những con người có tri giác, biết đau khi bị thương và khi chết vẫn còn để lại đau đớn khôn nguôi cho thân nhân.

Bên Trung Quốc, như báo chí đã nêu, những vấn đề hậu chiến của các cựu binh Trung Quốc, nhiều người thuộc các dân tộc thiểu số ở Quảng Tây, Vân Nam bị đẩy vào Cuộc chiến 1979 cũng bị “quên đi”.

Tôn trọng hay xóa nhòa?

Thái độ với lịch sử như thế chính là lý do vì sao hòa giải Việt – Trung khó có thể diễn ra.

Xin trích lời một nhà nghiên cứu Na Uy, Odd Arne Westad khi ông viết về vấn đề này:

clip_image008

Các vấn đề lịch sử vẫn là rào cản cho quan hệ đối tác Việt - Trung

“Trung Quốc đã đi được một chặng đường dài để bình thường hóa quan hệ của họ với nước có lẽ là láng giềng quan trọng nhất ở phía Nam trong toàn khu vực. Nhưng các vấn đề lịch sử vẫn là rào cản cho quan hệ đối tác đầy đủ (full partnership). Do hai đảng cộng sản lãnh đạo, hai nước này vẫn phải trải qua các vụ tranh cãi về những vấn đề lịch sử,"

Ông Westad, giảng viên Trường Kinh tế London (LSE) viết trong '

Bấm

China and Southeast Asia' (2012):

"Ban lãnh đạo ở cả hai bên đều nhấn mạnh rằng phía bên kia cần kiểm duyệt thái độ dân tộc chủ nghĩa của mình thể hiện trên các trang mạng hoặc blog. Nhưng tâm điểm của vấn đề là cách nhìn chưa bao giờ bị quên đi ở Bắc Kinh hay Hà Nội rằng Trung Quốc là nước lớn nhất trong vùng và vì thế, nước này trông đợi các nước nhỏ hơn phải có thái độ phục tùng.”

Phải chăng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chủ động “kiểm duyệt” mục về Cuộc chiến Việt – Trung để phía Trung Quốc nhằm giúp làm giảm đi tinh thần bài Việt trên các mạng tiếng Hoa?

Có mấy vấn đề ở đây.

Về sách lược, việc tự kiểm duyệt này không làm giảm đi căng thẳng trên biển với Trung Quốc và xu thế tăng cường quân bị của nước này mấy năm qua.

Về nguyên tắc, không ai có thể ‘đào ngũ’ khỏi lịch sử và người ta chỉ tôn trọng bạn khi bạn biết tôn trọng chính mình, nguồn gốc và cha ông mình, gồm cả những hy sinh, đau đớn, những điều sai và đúng.

Và về thái độ làm báo, một cổng thông tin công khai dù của ai cũng không nên coi lịch sử chỉ như cái bánh khảo không thích miếng nào thì bẻ miếng ấy bỏ đi.

Công bằng mà nói, trang web này cũng không nhắc gì đến các cuộc giao tranh Nam Bắc giữa quân đội miền Bắc và Quân lực Việt Nam Cộng hòa, mà chỉ nói đến cuộc chiến với người Mỹ.

Nhưng cách làm này cũng chẳng phải là hay cho hòa giải dân tộc vì nếu không công nhận đã sự thực đã có hàng triệu người Việt hai miền bắn vào nhau thì cũng chẳng có cơ sở gì mà hòa giải Quốc- Cộng.

Và xóa hẳn xung đột Việt –Trung trên giấy trắng mực đen có khi còn gây tác dụng ngược lại: các nhà quân sử Việt Nam tự rời vị trí dẫn dắt cuộc thảo luận công khai, để 'chiến trường bỏ ngỏ' cho các trang mạng nhiều cảm tính cá nhân tha hồ tung hoành.

Nhắc lại chiến tranh, dù tàn khốc, không phải là dịp để khơi dậy hận thù hay thổi lên tinh thần bài ngoại, mà như Bộ trưởng Văn hóa Anh, bà Maria Miller nêu ra trên trang web

Bấm

First-World-War-Centenary, “điều quan trọng là làm sống lại tầm vóc quan trọng của cuộc chiến để các thế hệ sau nhớ đến cái giá tất cả mọi bên liên quan phải trả”.

Đọc đến đây, tôi thực sự lo ngại cho sự ổn định lâu dài ở Đông Nam Á.

N.G.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn