Kính Chúa yêu nước?

Phạm Chí Dũng

clip_image001

Giáo dân Thái Hà cầu nguyện cho Luật sư Lê Quốc Quân, ngày 29/9/2013.

Bế tắc và âm ỉ

Bản án sơ thẩm đối với Lê Quốc Quân vào đầu tháng 10/2013 đã một lần nữa phát ra chỉ dấu bế tắc trong mối liên hệ chẳng còn mấy dấu tích khoan dung của chính quyền đối với cộng đồng công giáo Việt Nam.

Xác tín “kính Chúa yêu nước” cũng vì thế chỉ còn là khẩu hiệu được đắp vội lên bờ tường nhà thờ. Còn trong tâm tưởng giáo dân, khẩu hiệu này lại có ý nghĩa như câu dân ca rã rượi trôi dạt trên dòng sông giữa hai bờ đối nghịch.

Ba ngày sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại New York được cựu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tôn vinh “đầy nhân văn và khí phách”, dấu ấn buồn thảm còn lại sau vụ xử án giáo hữu Lê Quốc Quân là cuộc biểu tình đòi trả tự do của giới công giáo tại Hà Nội. So với cuộc biểu tình tại tòa án Long An vào tháng 8/2013 liên quan đến vụ xử Phương Uyên, số người tuần hành trên đất Hà thành đông gấp hơn mười lần.

Người công giáo đã phá vỡ tiền lệ về tụ tập đông người, nhưng chính nhà nước mới tạo nên những cuộc biểu tình.

Không khó để suy đoán là với con số hàng ngàn giáo dân tràn ngập phẫn nộ trước bản án chính trị bị màu sắc kinh tế che lấp, sẽ còn một cuộc biểu tình nữa với quy mô và tính chất có thể còn trầm trọng hơn, xảy đến tại phiên xử phúc thẩm Lê Quốc Quân sau vài ba tháng nữa.

Nếu những giáo dân đã mô tả Lê Quốc Quân là người chân thật duy nhất trên sân khấu án đường chen đầy nhân sự giả dối, thì có thể giả định là trong não trạng xơ cứng, giáo điều nhưng không thiếu thủ đoạn của các kịch sĩ chính khách, vẫn chưa hiện lên một chỉ dấu ngộ đạo nào.

Gần tương tự vụ xung đột tại Mỹ Yên, Nghệ An vào tháng 9/2013, hai bờ đối nghịch đã không được kéo gần hơn bởi thái độ cần ít nhất một lần dũng cảm của chính quyền, trên phương diện nhìn thẳng vào sự thật.

Cũng như vụ xét xử Điếu Cày lần đầu tiên, không một lần người ta dám chuyển cái bị coi là tội danh “trốn thuế” đối với Lê Quốc Quân sang điều 88 hay điều 79 của Bộ luật hình sự – can hệ đến các hành vi “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa” hoặc “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.

Sự trái khoáy trong tâm thế kém dũng khí của chính quyền càng khiến cho nội lực xung đột tại Mỹ Yên không ngớt âm ỉ. Sự âm ỉ như thế lại càng có khả năng bùng phát vào bất kỳ thời điểm nào xuất hiện một kích phát từ phía chính quyền địa phương.

‘Không đội trời chung’

Không đơn giản như nhóm biểu tình chống Trung Quốc với thành phần “ô hợp” trí thức, sinh viên hay thị dân, giới công giáo lại luôn đặc trưng cho hình ảnh hiệp thông đồng khắp, không chỉ bởi 200 linh mục và nửa triệu giáo dân ở Nghệ An, mà còn với rất nhiều giáo xứ và giáo hạt trên cả nước. Chính cái khối được coi là có tính đồng nhất mang đặc thù lịch sử đậm đặc và sâu xa như vậy đã luôn khiến chính quyền mất ăn mất ngủ từ nhiều năm qua.

Mối lo sợ của chính quyền cũng là nỗi hổ thẹn của lịch sử trong mối quan hệ giữa chính quyền và công giáo. Với hàng loạt vụ phản kháng trong những năm gần đây như Cồn Dầu ở Đà Nẵng và Tam Tòa ở Quảng Bình vào năm 2009, còn tại Nghệ An liên tiếp là các vụ Cầu Rầm vào năm 2011, Quỳ Châu và Con Cuông vào năm 2012, Trại Gáo năm 2013, hãy coi chừng điều được xem là “không đội trời chung” trong quá khứ có nguy cơ tái phát một lần nữa.

Cho dù giáo dân chưa nêu được bằng chứng về người của công an trà trộn vào đoàn biểu tình để ném đá hoặc tiến hành một hành vi nào đó tương tự như “biểu tình cuội”, song câu chuyện sắc phục và thẻ ngành được giấu trong cốp xe của những nhân viên an ninh bị giáo dân bắt giữ có lẽ đã khá đủ để mô tả cho một cuộc chiến đấu mà ngành công an đang quá thiên về các thủ thuật và thủ đoạn, thay vì chia sẻ lòng bác ái với các con chiên của Chúa.

Dân vận hay công tác tôn giáo vận cũng bởi thế đang hầu như chẳng để lại dấu tích đáng kể nào trên khuôn mặt chính thể. Hiện tượng quá kém dân trí này lại càng phổ cập kể từ khi Đảng quyết định điều động một viên trung tướng an ninh sang phụ trách Ban Tôn giáo chính phủ.

Ngược chiều với động thái điều động trên, một nhân sự có chuyển biến đáng chú ý không kém là giám mục Nguyễn Thái Hợp – người chăn dắt giáo phận Nghệ An. Trước đây, cha Hợp từng bị một vài dư luận xem là “cha xứ quốc doanh” được đưa về Nghệ An để xoa dịu không khí luôn có mầm mống kích phát nơi đây. Tuy vậy, luồng suy diễn ấy đã tỏ ra thiếu chân đứng bởi ngay khi nổ ra vụ Mỹ Yên, giám mục Nguyễn Thái Hợp đã không còn giữ nổi thái độ ôn hòa thường lệ. Trở nên một trong những người phát ngôn ấn tượng nhất, cha Hợp đã lên án mạnh mẽ về cách hành xử “côn đồ và tàn bạo” của ngành công an và chính quyền địa phương.

Chính hình ảnh “tự chuyển hóa” của một đức cha có truyền thống “kính Chúa yêu nước” như thế đã có thể làm rúng động quan điểm kiên định của đảng bộ, chính quyền và công an tỉnh Nghệ An. Sau vài chục bài “tuyên truyền định hướng” trên báo Nghệ An và cả một số tờ báo quốc doanh, dù cơ quan công an địa phương đã ra lệnh khởi tố vụ án đối với vụ việc ở Mỹ Yên, nhưng lại không kèm theo lệnh khởi tố ngay lập tức đối với một bị can nào.

Xét về lịch sử hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam, đó cũng là một câu chuyện lạ lùng. Quả thực, đến nay đã gần một tháng trôi qua kể từ ngày khởi tố vụ án, vẫn chưa có bất kỳ bị can nào bị bắt giữ. Câu chuyện này cho thấy cái gì?

Không khuất lặng

Vài phóng sự của giới phóng viên nhà nước và của cả Quân Đội Nhân Dân – một tờ báo đảng nhiệt tình trong những vụ việc “phòng chống diễn biến hòa bình” – đã cho thấy không dễ gì để cánh phóng viên lọt vào “hang ổ” các làng xã công giáo. Mà nếu giới nhà báo còn bị khó khăn thì chuyện các nhân viên an ninh đi lẻ vào giáo xứ chắc chắn đã bị cảnh báo là “rất nguy hiểm”, đặc biệt tại những nơi mà người dân có truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh đã đánh đến chết những kẻ trộm chó.

Sự đối đầu gay gắt giữa công giáo và chính quyền ở Việt Nam đang dắt dây sang trang cho lịch sử. Khác khá nhiều với “giáo hội thầm lặng” ở Trung Quốc, những gì mà giới quan sát đang chứng kiến ở Việt Nam lại cho thấy hình ảnh một giáo hội không khuất lặng chút nào.

Từ đầu năm 2013 đến nay, hoạt động diễn ra rộng khắp của nhiều giáo xứ đã bắt đầu liên quan đến “Kiến nghị 72” – đòi hỏi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp về vai trò một đảng, cùng yêu cầu về triển khai nhanh chóng các luật biểu tình, luật lập hội, luật trưng cầu dân ý và quyền tự do đầy đủ cho tôn giáo. Không lâu sau đó, vài bản tuyên bố chung của giới công giáo đã ra đời, và còn được liên tôn với cả các tôn giáo có khuynh hướng ly khai khác như Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tinh thần “tử vì đạo” cũng đang dâng cao tại các giáo xứ. Trong rất nhiều buổi thánh lễ và cầu nguyện cho những giáo dân bị bắt, bầu không khí sôi sục là điều dễ cảm nhận nhất. Ngay cả cả những nhân viên an ninh giả trang đứng khuất nơi góc thánh đường cũng có thể bị “cảm hóa” bởi tinh thần nhiệt thành không có giới hạn như thế.

Tâm trạng nhiệt thành ấy lại đang có giá trị như một bằng chứng khá chắc chắn cho tương lai không thể thầm lặng trong mối quan hệ giữa công giáo với chính quyền, và ngược lại. Trong bối cảnh những bài học về tôn giáo vận và lòng thành tâm đồng loại đã bị chính quyền nhiều địa phương gạt đi, sẽ rất khó có được một nhân tố nào giúp kềm giữ sự căng thẳng để không xảy ra những xung đột còn có thể ghê gớm và động loạn hơn nhiều so với vụ Mỹ Yên.

P. C. D.

Nguồn: voatiengviet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn