Phan Châu Thành
***
Tương lai của thể hệ trẻ là tương lai đất nước, ai cũng quan tâm, tôi cũng vậy, vô cùng quan tâm, dù chỉ là một công dân vô danh. Gần đây có hai câu chuyện khiến tôi nhìn lại vấn đề này từ hai góc độ tuy hai mà một đó: tương lai đất nước và tương lai của thế hệ trẻ (8x và 9x hiện nay). Và tôi đã đi đến cùng một kết luận, vô cùng bi quan.
Góc độ thứ nhất, tương lai đất nước phụ thuộc vào tầm nhìn, tài năng, đức độ của các nhà lãnh đạo lãnh đạo đất nước hiện nay, từ cấp cao nhất đến thấp. Ở nước ta, đó là các cán bộ đảng cộng sản VN. Về vấn đề này, cái nhìn khách quan và sắc sảo nhất từ ngoài vào có lẽ là của ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng khai quốc Singapore. Ông đã nói đại ý: Người Việt giỏi và thông minh hàng đầu Đông Nam Á, đáng lẽ họ phải là nước giàu mạnh từ lâu rồi, nhưng lãnh đạo của họ bị kìm kẹp trong ý thức hệ (cộng sản) và những người hiện là lãnh đạo chỉ nhờ (đã) giỏi đánh nhau (trong chiến tranh) nên đất nước không lên được. Bao giờ lớp người này về hưu hết, thế hệ trẻ giỏi giang sẽ lên, Việt Nam sẽ phát triển.
Nhiều người Việt trầm trồ tâm đắc vì câu nói “tiên tri” này của ông Lý, và tràn trề hy vọng về tương lai của Việt Nam, nhất là khi cái ông “đánh nhau giỏi nhất” và sống dai nhất cuối cùng cũng đã ra đi rồi. Tôi thì không nghĩ thế.
Thứ nhất, theo tôi, đây chỉ là câu nói “có cơ sở - có chê - có khen - có tiên tri - có trí tuệ” của nhà một nhà ngoại giao và lãnh đạo lão luyện và đẳng cấp. Đẳng cấp ở chỗ là nó không bao giờ sai mà không cần nói hết sự thật (mất lòng) mà vẫn được (người bị phê – người Việt) tung hô ca ngợi. Ông Hồ là số ít CSVN thỉnh thoảng nói được những câu như thế, đủ làm cả nhiều triệu dân Việt đê mê triền miên suốt vài thế hệ nay.
Nhưng câu của ông Lý chỉ đúng với những năm 80-90 của thế kỷ trước, khi lãnh đạo Việt Nam chủ yếu là các tướng lĩnh công thần. Hơn ai hết ông Lý hiểu rằng thế hệ lãnh đạo Việt Nam hiện nay là thế hệ con cháu của ông, như chính con trai ông – Lý Hiển Long – đang đĩnh đạc làm Thủ tướng Singapore vậy. Họ thông minh và tài giỏi – như ông khen, đa số họ cũng được cả đời đi học (khi đất nước chiến tranh) và có bằng cấp chẳng kém gì con trai ông, mà có khi còn làm thầy con trai ông được (về số lượng bằng cấp)… Con trai ông phải chứng tỏ (và đã chứng tỏ được) tài năng trí đức từ một sĩ quan quèn để lên Thủ tướng, còn các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng phải “hạ biết bao đối thủ” để lên cao như hiện nay, nhưng tại sao Singapore thì đã hóa rồng từ lâu, còn Việt Nam vẫn … là giun? (Việt Nam đang thua Singapore khoảng … 130 năm chứ mấy!)
Thứ hai, là người Việt cùng trong thế hệ của những người đang cầm quyền ở Việt hiện nay, và cũng được đào tạo, dạy bảo như họ, tôi biết họ không hề bị kìm kẹp bởi ý thức hệ như ông Lý nghĩ đâu, họ chỉ giả vờ theo ý thức hệ đó để có quyền và cầm quyền mà thôi. Vì họ biết, qua cha ông họ, cầm quyền sẽ mang cho cá nhân và gia đình họ tất cả mọi thứ họ muốn: giàu sang, an nhàn, danh tiếng, hạnh phúc – tức là sống trên đầu dân chúng, mà không phải chịu trách nhiệm gì cả về đất nước, xã hội. Đất nước, xã hội (mà họ đang cầm quyền) sẽ đi đến đâu, họ không thực sự quan tâm. Điều duy nhất họ thực sự quan tâm là họ sẽ cầm quyền được bao lâu và họ sẽ truyền quyền lực đó cho con cháu như thế nào?
Thế cho nên, như thế hệ trước của những người lãnh đạo đất nước Việt Nam (cùng thời ông Lý), thế hệ này (cùng thời con trai ông), hay thế hệ sau sẽ lên (con cháu họ) đều không quan tâm đến việc đất nước Việt Nam có đi lên hay không, mà họ chỉ quan tâm một điều: họ có nắm vững quyền hành trong tay hay không… là điều có lẽ ông Lý không thể hiểu được. Vì, dù ông Lý cũng quan tâm điều đó cho đảng Nhân dân Hành động của ông, nhưng ông quan còn quan tâm một điều khác hơn hết: đó là sự Thịnh vượng của cả Quốc gia Singapore.
Có thể thế hệ sau, cháu nội ông Lý cũng vẫn sẽ được làm Thủ tưởng Singapore và đảo quốc nhỏ bé của ông vẫn là điểm sáng chói trên bản đồ thế giới mà tôi luôn ngưỡng mộ, thì đó là nhờ ba điều: ông và con trai ông sẽ giúp (dạy dỗ và trau dồi) hậu duệ mình phát triển, bản thân cháu ông sẽ phải nỗ lực để xứng đáng và chứng tỏ tài năng đức trí để được đa số nhân dân Singapore tin cậy và bầu vào chức vụ đó, và thứ ba – quan trọng nhất – là nhờ thế hệ ông và con trai ông đã đặt nền móng cho một thể chế mà việc bầu bán công bằng như thế đã, đang và sẽ xảy ra.
Còn ở Việt Nam thì sao? Những người lãnh đạo đất nước và mọi cấp chính quyền không cần cả ba điều trên mà chỉ cần hai điều khác là đủ tiến thân: được cha ông mình dọn chỗ cho và diệt tất cả những người khác giỏi và tốt hơn họ, để giữ chỗ.
Với cách chọn người như thế, có thể thấy rõ điều ông Lý nói về sự thông minh tài giỏi nói chung của người Việt không hề được khai thác để từ đó tuyển chọn lãnh đạo đất nước, mà còn bị làm kiệt quệ đi với chính sách ngu dân của đảng cộng sản. Nên đất nước Việt Nam cứ đi xuống mãi là lẽ tất nhiên.
Và điều này dẫn đến vế thứ hai mà tôi nói đến ở đầu bài về tương lai nước Việt Nam: Liệu thế hệ trẻ của Việt Nam có cơ hội đóng góp tài năng (mà khi đi du học khắp nơi trên thế giới họ luôn đã và đang chứng tỏ), như ý của ông Lý Quang Diệu? Thế hệ trẻ Việt Nam có tương lai trên đất Việt Nam không?
Câu trả lời của tôi, thật đau xót, lại là: Không. Không, nếu chế độ cộng sản này vẫn cầm quyền, vì họ vẫn “chọn người” lãnh đạo cách thoái hóa giống nòi như họ đã và đang làm, thậm chí còn theo cách càng ngày càng đê tiện hơn.
Để chứng mình cho điều này ở góc độ thứ hai tôi xin kể hai câu chuyện mình biết trực tiếp, như sau.
Thứ nhất, câu chuyện chúng tôi. Thế hệ tôi 5x, ông và cha đều “vô tư theo cách mạng đến cùng” nên được học hành đầy đủ và khá “đủ điều kiện” để tiến thân tốt đẹp trong chế độ này. Chúng tôi cứ nghĩ chỉ cần mình phấn đấu và đóng góp hết mình, chứng tỏ tài năng và đạo đức xứng đáng thì sẽ được trọng dụng.
Thực tế lại không phải thế. Chỉ những ai có lớp cha chú “dọn chỗ” và “bảo lãnh” thì mới được thăng tiến. Số khác đi lên bằng thủ đoạn và hai đầu gối thì bao giờ và ở đâu cũng có thì tôi không nói đến. Những người đó thường không phải nhóm xứng đáng làm lãnh đạo, thường không đủ tài năng và đạo đức, vì không có sự tuyển chọn, cạnh tranh.
Ví dụ, tôi không có cơ hội cạnh tranh bình đẳng, vì ông nội và ông ngoại tôi đều hy sinh từ thời kháng Pháp, còn cha tôi – cán bộ tiểu đoàn 307 phục viên ngay từ 1954 sau khi tập kết, nên không thể và cũng không chấp nhận làm việc “dọn đường” cho tôi. Tôi cũng và càng không muốn thế.
Các “bạn” tôi (do có người “dọn đường”) nay rất nhiều người làm to khắp nơi, và tôi thấy việc chúng nó quan tâm nhất sau “kiếm ăn” (tham nhũng) là dọn đường cho đám con cháu ngoi lên, cũng theo “nguyên tắc” như chúng nó đã đi lên: phải có người trên bảo lãnh (thực chất là lo lót và đấu tranh ngoan cường giữ chỗ, mua chỗ) và phải mua đủ bằng cấp để làm đúng thủ tục. Những chuyện này, là bạn bè, chúng nó tâm sự hết: đã lo cho đứa này đứa kia vào chỗ này chỗ kia như thế nào, hết bao nhiêu, và tương lai chúng sẽ lên chức này chức kia ra sao… Tất cả mọi chuyện như thi công chức, tuyển chọn công khai… là đều hình thức và giả dối hết. Trong tất cả các ngành, các cơ quan nhà nước, người ta chỉ nhận người “nhà”, người “của sếp”, người được “gửi gắm chéo”. Gửi gắm chéo là: tôi gửi con tôi cho cơ quan anh và nhận con anh vào cơ quan tôi với điều kiện cơ hội thăng chức và được nâng đỡ tương đương – có đi có lại. Có lẽ trên 90% cán bộ cơ quan và doanh nghiệp nhà nước và cả các lực lượng vũ trang là các dạng “tuyển chọn” như thế nên năng lực, tinh thần và đạo đức làm việc của họ có giới hạn nghiêm trọng. Hơn thế nữa, và nguy hiểm nhất, họ bịt hết, chiếm hết mọi con đường, cơ hội tiến thân, mọi vị trí cống hiến cho đất nước của những người trong đại đa số những người cùng thế hệ có năng lực, tinh thần và đạo đức làm việc tốt hơn họ.
Như vậy, các thế hệ gần tôi, người giỏi cũng không có cơ hội tham gia lãnh đạo, dù dân tộc ta là… khá giỏi.
(Nói thêm: con tôi hai đứa đã tự đi học nước ngoài, một đứa ở lại, một về nước tự xin việc công ty nước ngoài. Vì tôi đã dạy và khuyên các con phải tự lo hoàn toàn, không có ai dọn chỗ. Cậu con trai út cũng sẽ thế).
Cho đến gần đây tôi vẫn chỉ nghĩ và coi những hiện tượng ”con ông cháu cha”, chọn người, dùng người kém như trên chỉ là một vấn nạn đạo đức chung tràn lan của xã hội hiện nay mà thể chế cộng sản này (có muốn nhưng?) không ngăn được do “lỗi cơ chế”, chỉ tạo điều kiện cho nó phát triển thêm. Tôi không ngờ… còn tệ hơn thế!
Câu chuyện thứ hai: các học trò của tôi, thế hệ 8x và 9x.
Tôi thường hay được mời giảng dạy, đào tạo, nói chuyện cho thế hệ trẻ bởi các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm đào tạo về các đề tài khởi nghiệp, lập nghiệp của các bạn trẻ. Và sau đó, tôi thường làm tư vấn (tất cả đều miễn phí) cho các bạn trẻ để giúp họ khởi nghiệp kinh doanh thành công trong cái xã hội… không thành công này (đang thua xa tất cả các nước xung quanh mà ngày xưa không có đảng thì mình hơn họ!). Tôi dậy họ những cái tôi nghĩ họ cần mà nhà trường XHCN không dậy, để họ khởi nghiệp, để họ vào đời. Học trò của tôi (đã trên cả chục ngàn người học) đa số là thế hệ 8x, 9x rất trong sáng, giỏi giang, đầy nhiệt huyết, đã học xong đại học cao đẳng, nhưng… không thấy có đường đi, không có cơ hội tiến thân, không thấy tương lai, không xin được việc làm sau khi học hay không muốn làm cho nhà nước… Nguyên tắc dạy học của tôi là: tin vào thế hệ trẻ hơn họ tự tin vào chính họ, nói những điều mình làm và làm những điều mình nói, căm ghét (không chấp nhận) tham nhũng và giả dối. Tôi viết một cuốn sách “Là Doanh nhân” để dậy các em hiểu, tự hào và tự tin là doanh nhân đích thực, không làm “ranh nhân”, làm sân sau rửa tiền cho tham nhũng…
Một hôm, một bạn trẻ 8x, học trò cưng của tôi tâm sự: “Thầy ạ, ba em là cán bộ đang tại chức ở quê em (phó chủ tịch huyện), mấy năm nay em theo thầy lập nghiệp ở TP HCM rất thành công (cậu bé học vài lớp tôi giảng xong đã lập công ty, kinh doanh mới ba năm, rất phát triển, doanh thu vài chục tỷ đồng, có vài chục nhân viên, kỹ sư…), nhưng ba em cứ muốn em về làm việc trong ủy ban huyện, vì ba nói có chính sách nhà nước khi ba về hưu thì em sẽ được thay ba làm ít nhất đến chức… phó chủ tịch huyện, nhưng em không chịu…”.
Trước đó cậu bé cũng từng tự kể cho tôi, ông phó chủ tịch huyện (ba cậu) nghi rằng các lớp học của tôi là “phản động” nên mới lung lạc con trai ông và đám trẻ ham kinh doanh như thế, và đã cử lính theo học các lớp của tôi để ghi âm mang về điều tra, nhưng… không có cơ sở gì đem công an đến bắt tôi!
Tôi rất thương cậu học trò quá giỏi và ngoan đó vì cậu bé đang bị giằng xé giữa thầy và cha và con đường tương lai cậu phải chọn đi… Mấy tháng nay, cậu bé đó ít gọi điện thăm tôi. Lần cuối cùng, cậu nói ba cậu sẽ giúp cậu lấy mấy hợp đồng xây dựng lớn theo dự án của nhà nước ở tỉnh nhà, huyện nhà… Tôi đã vội hỏi lại: “Nhưng em đang kinh doanh rất tốt ở đây (TP HCM) cơ mà?”. “Vâng, nhưng em vẫn chỉ là con tép riu thôi…”. Đã từng đưa cậu đến các Hội chợ Quốc tế ở nước ngoài, tôi hiểu giấc mơ của em. Tôi bàng hoàng hiểu ra, cậu học trò của mình đã đi thẳng đến và phải đưa ra một quyết định lớn mà tôi cũng đã phải trải qua hơn chục năm trước: Chấp nhận là con tép riu trên thị trường nhưng được sống là mình trong sạch hay lớn thành “đại gia” nhờ tham nhũng, rửa tiền cùng và cho cán bộ nhà nước, rút tiền nhà nước… Tôi vớt vát: “Em ơi, đồng tiền đó có sạch đâu em… Em làm một việc như thế nào thì em sẽ có thể làm mọi việc như thế đó – trong sạch hay không…”. Nhưng, thêm vào cái chức phó chủ tịch huyện được chế độ cho “kế thừa” cha đang vẫy gọi cậu nữa, cậu bé đã im lặng…
Hơn chục năm trước, tôi khoảng bốn chục, đã qua “tam thập nhi lập” từ lâu, còn cậu học trò của tôi hôm nay còn chưa tới ba mươi… Cậu phải lựa chọn: một “hợp đồng của ba” sẽ cho cậu doanh thu bằng cả mấy năm ở Sài gòn này, và chức vụ phó chủ tịch huyện như ba nói là “cầm chắc”, cùng cái xe Zace ba mới mua cho chỉ để chạy ở nhà…
Hơn hai tháng nay cậu bé không gọi điện, không đến thăm nữa. Chắc cậu đang về quê? Công ty đã giao lại cho bạn, cũng là học trò của tôi, điều hành tiếp…
Khỏi phải nói tôi buồn đau thế nào! Như thấy chính con trai mình dây vào tham nhũng! Sau đó, tôi mới tìm cách kiểm tra lại với các “bạn bè” quan chức của tôi về chính sách “thừa kế” chức vụ cho con cái của chính quyền cộng sản này thì được hiểu là: chính sách đó là chính sách ưu tiên con em cán bộ trong bộ đảng và chính quyền, đã được thực hiện công khai nhiều năm nay ở tất cả các địa phương và trung ương, để giữ trung thành và gắn bó của cán bộ với chế độ và “xây dựng” thế hệ cán bộ trẻ! Không còn nghi ngờ gì nữa, chế độ này đã chiếm hoàn toàn quyền lực tương lai vào tay con cháu họ, bằng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn hẳn hoi. Trong tất cả mọi ngành, kể cả các lực lượng vũ trang!
Chỉ một vài học trò trong hàng nghìn học trò tôi dạy đang kinh doanh để hướng tới tương lai đích thực của họ có “cơ hội” đó. Cả thế hệ trẻ còn lại, họ đâu có cơ hội nào để thành công trong một xã hội như thế này, kể cả trong kinh doanh lẫn trong sự nghiệp chính trị?
Vì thế, sau vụ đó, tôi không nhận lời dạy hay mở lớp đi dạy các bạn trẻ khởi nghiệp nữa, họ đâu có Tương lai bình đẳng trong xã hội này!? Tương lai của họ đã bị đảng cộng sản đánh cắp!
Có lẽ Thế hệ trẻ cần học những điều khác để giành lấy Tương lai của mình vốn đã và sẽ bị đảng cộng sản đánh cắp hèn hạ cho con cháu họ, cùng là giành lại Tương lai cho cả đất nước này.
P.C.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN