Quốc hội cũng là một nhóm lợi ích?

Phạm Chí Dũng 

clip_image002

Một đại biểu cầm phiếu bầu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản tại Hà Nội vào ngày 17/1/2011, ảnh minh họa. AFP photo

Không những không còn “của dân” và “vì dân”,  Quốc hội còn tiếp thêm một lực hút soi móc nữa đối với bầu ngân sách vốn đã bị các nhóm lợi ích xuyên đục đến tận cùng.

Từ ngủ gật…

Dù chưa kết thúc, nhưng kỳ họp thứ 6 khóa XIII Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nổi lên dấu ấn lặng cúi thấy rõ so với kỳ họp gần nhất và rõ hơn nhiều nếu nhìn lại thời gian cuối năm 2011.

40% trong tổng số đại biểu Quốc hội đã “im lặng” khi được hỏi về việc chọn người chất vấn. Tỷ lệ này vươn lên gấp đôi so với kỳ họp lần thứ 5 vào giữa năm 2013 – thời điểm mà ngay cả những quan chức cao cấp của Quốc hội cũng phải bộc lộ nỗi bức xúc không hẳn là giả dối “hàng trăm đại biểu không có ý kiến gì trong suốt vài kỳ họp Quốc hội”.

Dấu ấn duy nhất mang lại hy vọng cho cử tri vào kỳ họp thứ 5 đó chỉ là hình ảnh lóe sáng nhất thời của 32% đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và 42% cho Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Một hy vọng lấy lại những gì đã mất đối với khối cử tri, bằng vào hành động hiếm hoi trong một đánh giá có tính thực chất về tình cảnh điều hành bị coi là quá yếu kém của lớp quan chức chính phủ trong ít nhất hai năm từ giữa 2011 đến giữa 2013.

Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ, và còn xa mới thỏa mãn được cơn bức bối uất nghẹn không thể thốt lên của cử tri toàn quốc. Tối thiểu, những gì mà người dân muốn là các đại biểu Quốc hội không được ngủ gật trong một khán phòng như ngủ lặng cùng bản hiến pháp bị xem là “ngủ đông”.

… tới ngủ đông

Ngay vào ngày đầu tiên của kỳ họp Quốc hội lần này, một đại biểu từng cố gắng chống lại cơn ngủ gật trong ba kỳ Quốc hội trước đã thẳng thừng tuyên bố với báo chí: “Sẽ không nói gì về hiến pháp nữa”.

Dĩ nhiên, nếu vị đại biểu trên còn tỏ ra minh mẫn thì bản dự thảo sửa đổi hiến pháp lại diễn biến theo tâm thế ngược lại.

Sau lời chốt đóng sổ sửa đổi hiến pháp của Chủ tịch Quốc hội, cử tri đang tự hỏi liệu tâm thế lộn ngược của dự thảo sửa đổi hiến pháp có thật “tập trung tinh hoa trí tuệ” như ông Nguyễn Sinh Hùng mặc định hay không?

Hay chỉ là lớp trình diễn của một tầng lớp “tinh hoa” nào đó và mang tính khu biệt trong nội bộ – những người được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc cách “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”?

Thời quá khứ, ông Nguyễn Sinh Hùng từng là một quan chức chính phủ. Và ông cũng là một đại biểu thâm dày ở nơi mà nhiều ý kiến cho rằng “Quốc hội đã chẳng làm được gì cho dân”.

Những câu chuyện xưa cũ đến lê mòn cứ trôi dạt vào một góc phòng vô định chốn nghị trường. Quốc hội Việt Nam sẽ đi về đâu với những ảo ảnh không có cơ may nào được hiện thực hóa của nó?

Hiện thời, câu trả lời thực dụng nhất chỉ là nếu những chất  vấn thê thiết nhất của cử tri đã bị số đại biểu quan chức lấp liếm hết kỳ họp này sang kỳ họp khác, thì đừng trông mong bất kỳ tốt lành nào cho vận mệnh đất nước.

Những kẻ “giết sống”

clip_image004

Người dân di chuyển đồ đạc từ một ngôi nhà bị ngập lụt trong thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định hôm 16/11/2013. AFP photo

Hàng chục vạn ngôi nhà, xóm, làng, khu phố bị chìm ngập trong biển nước. Hàng vạn hecta đồng ruộng, hồ ao, đầm nuôi cá đến kỳ thu hoạch đã mất trắng… Đó là hình ảnh thống thiết thường thấy qua mỗi mùa mưa bão.

Nhưng sau chuỗi thời gian trầm nghẹn quá lâu, vào lúc này báo chí trong nước đã phải thét lên “Nhân tai!”.

Chỉ mới đây, cùng với tuyên bố tuyệt thực, Yeb Sano – trưởng đoàn đàm phán Philippines tại hội nghị Công ước khung của Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 – cất tiếng kêu xé lòng: “Chúng ta phải thôi gọi những sự kiện như vậy là tai họa tự nhiên…”.

Quằn quặn Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam…, tiếng khóc xé lòng dội khắp xóm làng sau cú xả lũ vào dân của các nhà máy thủy điện.

Song một điều kinh khủng là ngay cả bốn chục sinh mạng dân chúng bị cơn lũ thủy điện dã man chưa từng thấy cướp trắng ngay trong thời gian kỳ họp thứ 6 cũng không khiến nhiều đại biểu Quốc hội bận lòng.

Cũng chẳng có bất cứ kẻ “giết sống” dân nào phải ra trước vành móng ngựa từ trước đến nay.

Hình ảnh an ủi duy nhất chỉ là những chiếc áo xanh bộ đội và cả những cán bộ, chiến sĩ công an oằn mình cứu hộ cho dân.

Nhưng bức tranh khác hơn rất nhiều là sau khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cố gắng lấp liếm về trách nhiệm của ban lãnh đạo Bộ Công thương, đã chỉ có vài đại biểu Quốc hội dám lên tiếng về trách nhiệm không thể loại bỏ này.

Cho dù trong thâm tâm, rất có thể đa số dân biểu đều hiểu rằng trách nhiệm của toàn bộ chiến dịch xả lũ đó trước hết thuộc về Bộ Công thương, với gương mặt trơn bóng cùng những lời điều trần trơn tuột của bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trước toàn thể Quốc hội về “chúng ta” – ngôi thứ ba số ít mà đã trở thành một thứ dịch bệnh tồn trữ quá lâu trong lòng chế độ.

Trách nhiệm đó cũng thuộc về cá nhân bộ trưởng Vũ Huy Hoàng – người liên đới trực tiếp với những cú “áp phe” quy hoạch thủy điện và phê duyệt các dự án thủy điện.

Bất chấp những lời dẫn dụ đầy ngụy biện của giới quan chức chính phủ và bộ ngành, tất cả đều đã quá chậm. Bất chấp vài trăm dự án thủy điện cuối cùng cũng buộc phải gạt ra khỏi quy hoạch, hàng trăm dự án thủy điện còn lại đã quét đi hơn 50.000 hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến dân chúng phải chuyển nhà, chuyển cửa, mất nghề… khốn đốn trong sinh hoạt.

Nhiều người dân trắng tay và cũng trắng xóa lòng tin vào chế độ.

Những nén nhang và tiếng khóc thảm thiết của người dân huyện Đồng Xuân ở Phú Yên năm 2010 vẫn còn vang vọng. Chết mà không biết vì sao số phận lại quyên sinh đột ngột đến thế, cũng không biết kẻ nào đã cướp đi sinh mạng đời mình mà không một lời tạ tội.

Nhưng cùng với bệnh dịch quy hoạch thủy điện, những lãnh đạo của Bộ Công thương vẫn tiếp tay cho hàng loạt đợt tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – một địa chỉ mà đã gây ra cơn thảm họa lỗ lã 34.000 tỷ đồng từ đầu tư trái ngành vào chứng khoán và bất động sản. Còn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng – người không có bất cứ thành tích nổi bật nào từ khi thành lập chính phủ mới vào giữa năm 2011 đến nay – là tác giả gián tiếp cho những trận đánh đẹp bù lỗ vào dân như thế.

Do những “thành tích” về điều hành quản lý và đặc biệt mối quan hệ quá gần gũi với các doanh nghiệp điện lực và xăng dầu, ông Vũ Huy Hoàng đã nhận được 25% phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2013 – một thứ hạng chỉ xếp sau Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhưng trong lúc báo giới trong nước thường xuyên bị cấm cản đưa tin bài về nguồn cơn thực chất gây ra chết người do xả lũ, đã không một tiếng nói đủ liêm sỉ nào được cất lên từ Bộ Công thương hay Chính phủ để kềm giữ hành động đổ lỗ lên đầu người dân của EVN.

“Nhóm lợi ích Quốc hội”?

clip_image006

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong lễ khai mạc phiên họp thường niên thứ hai của Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 21/10/2013. AFP photo

Thói vô lương tâm của quan chức vẫn luôn dẫn tới vô số trác táng trên bàn tiệc và những cuộc chơi bất tận thâu đêm, bất kể cảnh khốn cùng và bất chấp lời nguyền rủa từ những kẻ đóng thuế bất hạnh.

Toàn bộ sự thể trên hẳn là nguồn cơn sâu xa giải thích cho hiện tượng ngày càng xuất hiện quá nhiều đại biểu Quốc hội “cấm khẩu” – một tâm lý mệt mỏi và chán nản đến mức không thể động mồm, bất chấp chỗ ngồi của họ vẫn ngốn đến một tỷ đồng cho mỗi ngày họp.

Từ tiền đóng thuế của tuyệt đại đa số cử tri.

Không những không còn “của dân” và “vì dân”,  Quốc hội còn tiếp thêm một lực hút soi móc nữa đối với bầu ngân sách vốn đã bị các nhóm lợi ích xuyên đục đến tận cùng.

Phải chăng vì sự thể này mà gần đây đã hiện ra mối nghi ngờ từ không ít cử tri “Có phải Quốc hội cũng là một nhóm lợi ích?”.

P. C. D.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn