Khảo sát biên giới Việt-Trung bằng Google Maps và Google Earth

Phan Văn Song, Phạm Quang Tuấn, Dương Danh Huy

Tóm tắt

Biên giới Việt-Trung là một chủ đề nhiều người Việt quan tâm nhưng ít người có thời giờ hay phương tiện để xem xét cụ thể những địa điểm gây tranh cãi. Để đáp ứng nhu cầu này cũng như để giúp các nhà nghiên cứu có thêm một phương tiện khảo sát các khu vực biên giới, chúng tôi đã vẽ biên giới Việt-Trung hiện nay (theo hiệp định biên giới 1999) song song với một phiên bản cũ trên Google Maps (GM) và Google Earth (GE). Bạn đọc có thể mở trực tiếp hay tải xuống tài liệu này (dạng kmz) từ địa chỉ mạng:

https://drive.google.com/file/d/0B_lidFOs3N1XRmdVQXRMNE1ZVEU/edit?usp=sharing (nhấp chuột trực tiếp để mở GM).

https://www.dropbox.com/s/mdr2870e3vg2gvm/Bi%C3%AAn%20gi%E1%BB%9Bi%20V-T.kmz (509 KB, tải về máy cá nhân rồi nhấp chuột để mở GE)

Bài viết cùng với tài liệu trên bao gồm các nội dung sau:

1. Thể hiện toàn bộ các cột mốc biên giới và đỉểm định vị khác của biên giới ngày nay lên GM và GE. Việc này cho phép những người quan tâm về biên giới Việt Nam - Trung Quốc khảo sát vị trí của từng cột mốc với độ chính xác và mức chi tiết rất cao của GM và GE bằng cách phóng to chỗ quan tâm trên màn hình tới mức cho phép.

2. Thể hiện đường biên giới hiện nay trên GE với sai số nhỏ tới mức có thể được trong khả năng chúng tôi bằng cách nối các cột mốc và đỉểm định vị khác của biên giới (ở điểm 1) lại với nhau (đường màu đỏ) theo như mô tả trong Nghị định thư về phân giới và cắm mốc 2009 và tận dụng những thông tin có được trên GE. Việc này cho phép những người quan tâm về biên giới Việt Nam - Trung Quốc khảo sát biên giới này bằng GM và GE.

3. Đưa ra gợi ý về một số khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc có thể đã nhượng bộ nhau, giúp cho người quan tâm về biên giới Việt Nam - Trung Quốc có thể nghiên cứu thêm qua việc so sánh biên giới ngày nay (ở điểm 2) với biên giới do Google vẽ sẵn (chúng tôi cũng đã vẽ lại [đường màu trắng] để dự phòng trường hợp Google cập nhật biên giới). Các khu vực này được liệt kê ở phụ lục 2 và 3.

4. Tìm hiểu thêm về những khu vực trong điểm 3 bằng cách so sánh biên giới do chúng tôi vẽ (trong điểm 2) với biên giới trong bản đồ 1:50 000 của quân đội Mỹ (đường màu vàng/nghệ) và biên giới trong bản đồ của Quân đội Nhân dân Việt Nam (đường màu hường/hường sậm) mà chúng cũng đã đưa lên GE. Vì bản đồ 1:50 000 của quân đội Mỹ đã dựa trên bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương, phép so sánh này đưa ra những gợi ý có thể chính xác hơn về những khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc có thể đã nhượng bộ nhau.

5. Tìm hiểu về nguồn gốc của biên giới Việt - Trung vẽ sẵn của GE và qua đó cũng thấy được chỗ còn hạn chế của của bản đồ này. Ở những đoạn có trong bộ bản đồ quân đội Mỹ mà chúng tôi tìm được, biên giới Google trùng hợp hầu như hoàn toàn với biên giới trong bản đồ của quân đội Mỹ. Ở những phần khác, có những đoạn trùng hợp với bản đồ của Quân đội Nhân dân Việt Nam và những đoạn có những khác biệt đáng kể. Chúng tôi chưa rõ Google đã dựa vào tài liệu nào để vẽ những đoạn này.

Phần chính của bài cùng 4 phụ lục sẽ nói rõ hơn về các các nội dung trên cùng với các chi tiết kỹ thuật, kể cả các đường link tới các bản đồ AMS/QĐND cho các bạn đọc nào quan tâm.

Quy ước các ký hiệu sử dụng (trong bản đồ GE)

Ký hiệu

Ý nghĩa

clip_image002

Biên giới hiện tại

clip_image004

Biên giới AMS

clip_image006

Biên giới AMS (những chỗ chỉnh lại theo sông)

clip_image008

Biên giới QĐND

clip_image010

Biên giới QĐND (những chỗ chỉnh lại theo sông)

clip_image012

Biên giới GE 2013

clip_image014

Cột mốc

clip_image016

Khu vực bg có vẻ TQ lấn sang VN hoặc có nêu trong “Bị Vong Lục”/tài liệu khác

clip_image018

Chỗ được xác nhận là có nhân nhượng qua đàm phán phân giới

clip_image020

Khu vực bg có vẻ VN lấn sang TQ

clip_image022

Vị trí cột mốc cũ (Pháp - Thanh)

4. Nậm Chảy

Tên khu vực bg nêu trong Bị Vong Lục/tài liệu khác

3. ?

Khu vực bg có vẻ TQ lấn sang VN theo GE 2013

2. ?

Khu vực bg có vẻ VN lấn sang TQ theo GE 2013

1. Giới thiệu chung

Vừa qua chúng tôi đã công bố bộ bản đồ so sánh các cột mốc mới với biên giới Việt - Trung[1] trên bộ bản đồ 1:50 000 của Cục bản đồ quân đội Mỹ (Army Map Service - AMS). Các bản đồ này được làm dựa trên các bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương của Pháp (Societé de Géographie de l’Indochine - SGI). Bộ bản đồ này cho người đọc thấy rõ vị trí các cột mốc mới so với núi đồi, sông suối…, và cho phép người đọc có thể so sánh biên giới mới với biên giới có khả năng là biên giới theo quan điểm của Pháp về Công ước Pháp – Thanh 1887 và 1895 (Công ước mà hai bên Việt Nam và Trung Quốc thống nhất dùng làm cơ sở cho việc đàm phán biên giới[2]). Tuy nhiên, bộ bản đồ này vẫn còn thiếu một số khu vực của biên giới và cũng hơi bất tiện cho người đọc vì phải tải về máy cá nhân 23 bản đồ (21 đã công bố đường dẫn + 2 sẽ nêu đường dẫn trong bài viết này) có dung lượng khá lớn. Các bản đồ này có ưu điểm là có thể hiện địa hình dưới dạng các đường đẳng cao/ sâu, tuy nhiên cũng khá bất tiện cho người tìm hiểu khi phải lần theo các đường này để hình dung ra biên giới mới từ các cột mốc. Ngoài ra, bản đồ tuy có tỉ lệ khá cao (1:50 000) nhưng vẫn chưa đủ cao để tìm hiểu những khu vực nhỏ.

Hiện nay, Google Maps (GM) và nhất là Google Earth (GE) với các kỹ thuật vệ tinh đã cho phép thể hiện bản đồ các khu vực trên thế giới với độ phân giải cao với đầy đủ địa hình dưới dạng ảnh thật, thậm chí tới từng đường phố, nhà cửa, xe cộ… Vì thế, thể hiện các cột mốc mới trên GE và GM rồi tìm cách dựa vào mô tả trong Nghị định thư về phân giới và cắm mốc biên giới Việt Trung năm 2009 (NĐT)[3] và địa hình thấy được trên bản đồ chúng ta sẽ dễ dàng hình dung chính xác biên giới mới. Hơn nữa, trên GE và GE cũng có đường biên giới Việt – Trung vẽ sẵn (đường màu vàng trên GE và màu xám sậm trên GM) cho tới lúc này vẫn chưa cập nhật theo Hiệp ước biên giới 1999. Theo đối chiếu của chúng tôi (xem hình 1a , b , c như minh hoạ) ở những chỗ có thể kiểm chứng với bản đồ của AMS, đường biên giới GE/GM hầu như hoàn toàn trùng hợp tọa độ với đường biên giới AMS. Căn cứ vào địa hình, ở một số chỗ các tọa độ trên bản đồ AMS có sai số khoảng 100-200 m, vì vậy biên giới trên GE/GM cũng có sai số tương tự. Đối chiếu biên giới có sẵn và biên giới vẽ thêm, người đọc có thể nhận ra những vị trí có khả năng thay đổi chủ qua Hiệp ước biên giới 1999 theo bản đồ GE/GM. Chúng tôi nhấn mạnh là ‘vị trí có khả năng đổi chủ’ hay nói ví von là ‘vị trí là ứng viên của các khu vực đổi chủ’ vì chúng ta không chắc đường biên giới trên GE và GM có phản ánh quan điểm của hai bên Việt Nam và Trung Quốc về Công ước Pháp - Thanh hay/và phản ánh đúng thực tế biên giới cũ hay không, ngoài ra còn có thể có những sai sót kỹ thuật chưa phát hiện được.

clip_image024

Hình 1a: Biên giới trên GE (đường vàng - lấy trực tiếp từ màn hình) sai lệch nhỏ so với biên giới AMS ở khu vực Cao Bằng (chồng bản đồi lấy từ GE lên bản đồ AMS)

clip_image026

Hình 1b: Ở khu vực Bình Liêu (Quảng Ninh), biên giới trên GE (màu xanh - trích ra qua file kml) trùng khá khít khao với biên giới AMS , chỗ AMS để trống do có nguồn mâu thuẫn (chỗ khoanh đỏ trên hình) thì GE nối liền bằng đoạn thẳng

clip_image028

Hình 1c: Biên giới GE (màu xanh - trích ra qua file kml) chồng khít khao lên biên giới AMS ở khu vực nhỏ chỗ ải Nam Quan cũ

Lưu ý rằng GM và GE có thể dùng miễn phí và người đọc có thể truy cập dễ dàng, xem xét bất cứ vị trí nào với độ phóng đại cao.[4] Tận dụng các ưu điểm đó của GM và GE, chúng tôi đã sử dụng các thông tin trong NĐT và các bản đồ kèm theo lập ra được bản đồ biên giới Việt - Trung trên GM và GE dưới dạng các file kmz (dạng nén của file kml) mà bạn đọc có thể tải về máy cá nhân để sử dụng.

Bản đồ trên GM có đường dẫn là https://drive.google.com/file/d/0B_lidFOs3N1XRmdVQXRMNE1ZVEU/edit?usp=sharing (file kmz 49KB).

và bản đồ trên GE có đường dẫn là https://drive.google.com/file/d/0B_lidFOs3N1XTnFBVmxmTVRWdm8/edit?usp=sharing (file kmz 509 KB)

Thật ra, cả hai file trên đều có thể mở bằng GM lẫn GE. Nếu nhấp chuột trực tiếp vào đường dẫn thì sẽ mở bản đồ trên GM, còn nếu tải (file kmz) về máy cá nhân thì chỉ mở được bằng GE (cũng bằng cách nhấp chuột vào tên file với điều kiện máy đã có cài đặt Google Earth). Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị người đọc nên mở bản đồ đầu bằng GM, còn bản đồ sau bằng GE vì GM hiện nay chưa cho phép thể hiện hết các tính năng có trong bản đồ sau.

Để tải các file này về máy cá nhân, bạn đọc có thể mở file bằng GM trước, sau đó nhấp chuột vào mục ‘File’ ở thanh menu của GM và chọn ‘Download’, hoặc chỉ đơn giản nhấp chuột vào ký hiệu ‘mũi tên chỉ xuống’ ngay dưới mục ‘File’ (xem hình 3b) thì sẽ tải được file kmz về máy cá nhân.[5]

Riêng file bản đồ GE cũng có thể tải về trực tiếp theo đường dẫn sau: https://www.dropbox.com/s/mdr2870e3vg2gvm/Bi%C3%AAn%20gi%E1%BB%9Bi%20V-T.kmz

2. Mô tả chi tiết

Trên hai bản đồ này đều có các chi tiết sau:

1. Vị trí các cột mốc (hoặc các điểm định vị khác trên tuyến biên giới): được thể hiện bằng ký hiệu hình bong bóng xanh có chấm tròn đen ở giữa (trên GM) hoặc bằng ký hiệu đinh ghim vàng (trên GE) . Tên cột mốc[6] sẽ hiện ra khi người đọc nhấp chuột vào nó (xem hình 2b và 3b) và còn khi nhấp chuột vào các điểm định vị khác thì sẽ cho thấy sẽ cho thấy dòng chữ ‘điểm định vị khác trên tuyến biên giới’.

2. Biên giới 1999 (màu đỏ): đây chỉ là mục tạm thời khi GE/GM chưa cập nhật biên giới theo NĐT. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức trong khả năng cho phép để đảm bảo đường biên giới theo đúng như mô tả trong NĐT, tuy nhiên do một số hạn chế kỹ thuật chưa khắc phục được nên sẽ có một số đoạn của đường biên giới này có thể có sai lệch với đường biên giới đúng. Những chỗ quá ngoằn ngoèo đã bị lược bớt chỉ theo hướng chính của biên giới, một số chỗ chưa theo thật đúng địa hình do ảnh vệ tinh ghép chưa thật chính xác (như trường hợp ở khu vực ải Nam Quan cũ... ) hoặc do ảnh bị mờ/ mây che/ độ phân giải thấp không cho thấy rõ sống núi/ đường phân thuỷ/ hẻm núi /đường mòn/ suối nhỏ phải mò mẫm vẽ theo thông tin có sẵn về độ cao của GE. Riêng các đoạn biên giới dọc theo sông lớn có mức độ chính xác cao hơn, tuy nhiên do hiện nay độ phân giải của ảnh một số khu vực chưa thật cao nên không đảm bảo biên giới là trung tuyến dòng chảy hay nằm đúng chỗ so với các cồn trên sông. Đặc biệt lưu ý rằng đường biên giới mới chúng tôi vẽ trên GM, còn sơ lược hơn nhiều, chỉ đơn giản là nối các cột mốc liên tiếp lại với nhau theo đường thẳng. Do đó, đối với những khu vực nhỏ, bạn đọc khi dùng GE/GM cần đối chiếu lại với mô tả trong NĐT và bộ bản đồ chính thức kèm theo.[7] Rất tiếc do chất lượng bộ bản đồ đó không tốt, mọi thứ chỉ thấy lờ mở nên đã không giúp chúng tôi được nhiều khi vẽ biên giới mới trên GE/GM.

3. Vị trí của một số khu vực đáng chú ý: gồm các khu vực trên bản đồ cho thấy có sự thay đổi về biên giới lớn dễ nhận ra, các địa điểm có nêu trong Bị vong lục 1979 (BVL)[8] (dù trên bản đồ cho thấy có/không có thay đổi) hoặc đơn giản là các vị trí đã được nêu trong các tài liệu chính thức của chính phủ Việt Nam hay đã từng được đề cập trên các diễn đàn. Trên GE các vị trí này được thể hiện bằng ký hiệu ‘bảng chú ý’ hoặc bằng ký hiệu khác có kèm theo dấu ‘?’(đối với trường hợp có vẻ TQ lấn VN) hoặc có kèm theo tên (trong BVL), và bằng ký hiệu bong bóng màu tía có chấm vuông ở giữa có kèm dấu ‘?’ đối trường hợp có vẻ VN lấn sang TQ. Chi tiết về các địa điểm này sẽ được hiện lên màn hình khi bạn đọc nhấp chuột vào các ký hiệu tương ứng vừa nêu. Tất cả vị trí này được liệt kê chi tiết trong Phụ lục 2 (49 trường hợp biên giới mới lấn về phía VN so với GE) và Phụ lục 3 (31 trường hợp biên giới mới lấn về phía TQ so với GE). Trên GM các ký hiệu có thể khác đi vì GM chưa cho phép thể hiện đầy đủ như GE như đã nêu và chúng tôi chỉ minh hoạ một số trường hợp. Có thể dễ dàng phát hiện vẫn còn một số khu vực khác có thay đổi theo GE/GM với diện tích nhỏ hơn mà chúng tôi chưa liệt kê ra trong 2 phụ lục này. Và cũng xin nhắc lại một lần nữa đó chỉ là những khu vực có thay đổi về biên giới theo bản đồ GE/GM 2003, chứ chưa hẳn có thay đổi thật sự trên thực tế. Những vị trí nào có vẻ không có thay đổi theo bản đồ AMS/QĐND đều có ghi chú trong hai phụ lục này.

Riêng trên GE còn có thêm 2 mục sau:

4. Biên giới Việt - Trung theo GE tháng 11/2003: mục này chỉ để dự phòng, bạn đọc chỉ phải dùng tới mục này sau khi GE cập nhật biên giới theo đúng NĐT.

5. Biên giới Việt - Trung theo bản đồ AMS/Quân đội Nhân dân Việt Nam: gồm những đoạn biên giới vẽ theo bản đồ QĐND Việt Nam /QGPND miền Nam in trong những năm 1975-1991... hay theo bản đồ AMS thập niên 1960. Những đoạn biên giới mà hai bản đồ này đều có và trùng khớp được vẽ màu vàng/nghệ, những đoạn nào chỉ có bản đồ của QĐND thì vẽ màu hường/hường sậm và đoạn nào chưa có bản đồ thì chừa trống. Lưu ý rằng ở những chỗ có sai lệch của bản đồ AMS hay QĐND (những chỗ biên giới theo sông suối nhưng không trùng với sông suối thể hiện trên GE) phát hiện được thì chúng tôi có chỉnh lại đúng như địa hình chứ không theo toạ độ trên bản đồ và vẽ với màu sậm (nghệ/hường sậm). Phụ lục 4 sẽ cho thêm các chi tiết và đường dẫn để truy cập các bản đồ này. Ngoài ra, bạn đọc có thể tải về file kmz sau đây rồi mở trên GE để xem từng bản đồ đó ứng với đoạn biên giới nào: https://www.dropbox.com/s/f5d7ov83q3f0lcv/MapList.kmz (3 KB).

3. Một số điều cần lưu ý

Bản đồ trên GM có điểm lợi là người đọc có thể chuyển từ chế độ bản đồ thông thường sang chế độ ảnh vệ tinh bất cứ khi nào mình muốn. Tuy nhiên, có vẻ GM chưa cập nhật các bản đồ dạng thông thường theo các ảnh vệ tinh mới nhất của họ (xem hình 4a và 4b). Còn bản đồ GE cho phép nhìn bất kì khu vực nào theo những góc độ khác nhau, và đối với nhiều khu vực, người đọc có thể truy cập ảnh vệ tinh ở nhiều thời điểm khác nhau (nhấp chuột vào icon có dạng đồng hồ) giúp có cái nhìn phong phú hơn chế độ một ảnh của GM, nhất là trường hợp gặp ảnh mờ hoặc bị mây che. Hơn nữa, GE có hiển thị luôn thang tỉ lệ cho phép người đọc có thể ước đoán về các khoảng cách trên bản đồ[9]. Vì thế bạn đọc chỉ nên dùng bản đồ GM như tài liệu phụ để tham khảo/ đối chiếu thêm, nhất là khi muốn xem xét dưới dạng bản đồ thường hoặc muốn có thêm chi tiết không có trong GE.

Đối với bản đồ GE, chúng tôi làm thành 5 mục riêng biệt: (1) vị trí cột mốc, (2)đường biên giới hiện nay, (3) vị trí các khu vực có khả năng đổi chủ, (4) đường biên giới theo GE năm 2013, (5) đường biên giới AMS/QĐND. Nhờ thế sau khi mở bản đồ ra, người xem có thể loại ra khỏi bản đồ mục mình không quan tâm bằng cách ‘uncheck’ (loại bỏ dấu ‘✓’) ô vuông trước tên mục đó trong phần ‘Places’ trên ‘Sidebar’. Ví dụ như ở hình 2b, mục ‘Biên giới 1999’ đã bị unchecked nên không có đường nối màu đỏ như ở hình khác - tương tự như bạn đọc có thể làm với các chi tiết có sẵn trên bản đồ ở ‘Layers’ (lớp) trên ’Sidebar’. Để có thể theo dõi bài viết này, bạn đọc khi mở file kmz của chúng tôi lần đầu nên đảm bảo có các dấu ‘✓’ ở các lớp ‘Borders and Labels’, ‘Roads’ ( và có thể cả ‘Places’) trong phần ‘Layers’.

Nhìn chung GE thể hiện rất chính xác vị trí các cột mốc như dọc theo các ranh giới tự nhiên như sông/suối, sống núi/đường phân thuỷ … (xem hình 2a và 3a), ngay cả đường nhỏ (xem hình 2c). Cả GM lẫn GE đều có một số chỗ không thật chính xác (ví dụ như giao điểm biên giới Việt- Trung- Lào có toạ độ không đúng như nêu trong NĐT hoặc các trường hợp trong hình 3b, hình 4a). Một số ảnh vệ tinh của GE ở các thời điểm khác nhau không trùng khớp (xem hình 4a). Điều này có thể do có hạn chế nào đó trong kỹ thuật lắp ráp nhiều ảnh vệ tinh của các khu vực khác nhau lại với nhau. Vì thế, đối với từng khu vực cụ thể có quan tâm, bạn đọc cần chú ý dùng các cách khác nhau để kiểm tra mức độ chính xác của GE ở khu vực đó (chẳng hạn như cách chúng tôi làm trong các ví dụ ở các hình bên dưới). Những khu vực khác nhau có thể sẽ có độ chính xác khác nhau vì chúng có thể không nằm trên cùng một ảnh vệ tinh.

clip_image030

Hình 2a: Các cột mốc nằm chính xác hai bên bờ sông, hai bên đầu cầu như mô tả trong NĐT

clip_image032

Hình 2b: Các cột mốc nằm chính xác trên đỉnh núi/sống núi/đường phân thuỷ/yên ngựa như mô tả trong NĐT

Trong hình này, ‘Sidebar’ được hiển thị nhưng đường biên giới mới (màu đỏ) đã bị loại ra khỏi bản đồ (do mục ‘Đường BG’ trong phần ‘Places’ ở ‘Sidebar’ không còn dấu ‘✓’)

clip_image034

Hình 2c: GE thể hiện cột mốc chính xác cả bên đường nhỏ dọc biên giới

clip_image036

Hình 3a: Ảnh vệ tinh độ phân giải khá cao của GE cho vi trí cốt mốc chính xác trên sông

clip_image038

Hình 3b: Cùng khu vực như ở hình 3a, nhưng trên GM cột mốc 94(1) không nằm trên bờ sông Hồng phía TQ như mô tả trong NĐT và không cho thấy cồn Tian Fang Xiao Dao (Thiên Phương) nằm giữa sông ở mốc 95(1) kế phía dưới.

clip_image040

Hình 4a: QL 1A và các chi tiết khác trong ảnh màu lệch với ảnh đen trắng (và GM) khoảng 30-40 m theo hướng Đông - Tây và cả theo hướng Bắc - Nam)

clip_image042

Hình 4b: Bản đồ GM chưa cập nhật/thiếu thông tin so với ảnh vệ tinh của GE

Hình 4c: Cột mốc 1116 có vẻ nằm bên lề phần nối dài về phía biên giới của QL 1A trên ảnh đen trắng như mô tả trong NĐT[10] (trong khi ảnh màu bên trên và GM cho thấy hình như nó nằm ngay trên lòng đường)

clip_image044

Đối với vị trí các cột mốc, GE cho phép người đọc thấy rõ vị trí của các cột mốc bằng ảnh thật với độ chính xác từ vài mét (nếu nằm trong khu vực có ảnh vệ tinh độ phân giải cao trên GE) tới vài chục mét (nếu nằm trong khu vực có ảnh vệ tinh độ phân giải kém hơn hoặc có vấn đề kỹ thuật).

Đối với biên giới mới (đường đỏ trên GE), GE cho người đọc một cái nhìn rõ ràng cả tổng thể lẫn chi tiết, không lờ mờ như bộ bản đồ kèm theo NĐT, và nói chung phản ánh đúng những gì mà NĐT mô tả ngoại trừ một số nhược điểm kỹ thuật khó khắc phục như chúng tôi đã nêu trên,

Ngoài ra, khi dùng bản đồ GE/GM người đọc có thể tự phát hiện và xem xét tường tận dễ dàng hơn những khu vực biên giới có khả năng có thay đổi như chúng tôi có chỉ ra một số trong phần ‘Vị trí đáng chú ý’ trên bản đồ GE. Tuy nhiên, để xác định các khu vực đó có thay đổi thực sự hay không, người đọc trước hết cần tự kiểm tra coi tại khu vực đó bản đồ GE/GM có bị sai số không (chẳng hạn dùng các cột mốc ở các vị trí đặc biệt như ven sông, trên sống núi, bên đường, hai bên cầu… hay những cách khác như thử đặt một placemark cho một địa điểm mà mình đã biết chắc vị trí và toạ độ...). Kế đó phải phối kiểm với bản đồ AMS (do biên giới GE/GM có sai lệch với biên giới AMS như đã nêu ở trên) vì bản đồ này cũng đã có sẵn, đáng tin cậy và có nhiều khả năng phản ánh đúng Công ước Pháp Thanh (ít ra là theo quan điểm và cách diễn giải của Pháp) so với các bản đồ được biết hiện nay. Tuy nhiên, ở bước này cần lưu ý thêm rằng trên bản đồ AMS cũng có một số khu vực bị sai lệch hoặc có nguồn mâu thuẫn, chẳng hạn như ở khu vựcThác Bản Giốc hay khu vực ải Nam Quan cũ... Ở những khu vực như thế, vì đường biên giới được số hoá đưa lên GE nên các điểm trên biên giới giữ đúng toạ độ [như bản đồ AMS], và do vậy cả đoạn biên giới không phù hợp với địa hình theo ảnh vệ tinh (tức không đúng theo các văn bản pháp lí lẫn thực tế) Điều này cho thấy việc dùng kết hợp hai bản đồ là vô cùng cần thiết: dùng GE để chỉnh lại địa hình trên AMS và dùng AMS để chỉnh lại đường biên giới trên GE cho đúng theo địa hình (ở những khu vực có sự không trùng khớp như thế này - xem Phụ lục 1).

Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm rằng biên giới trên GM và GE chỉ là do bên thứ ba (trường hợp này là Google) vẽ ra nên không có tính pháp lí. Thật ra, như đã có lưu ý trong các bài trước, ngay cả bản đồ của SGI cũng không có tính pháp lí[11] vì nó chỉ là bản đồ của một bên chứ không phải là bản đồ kèm theo công ước có chữ ký của hai bên. Ngoài các điều trên, muốn đưa ra một kết luận nghiêm túc nào đó người đọc cuối cùng vẫn phải phối kiểm lại với các tài liệu /bản đồ /bằng chứng khác, dĩ nhiên kể cả NĐT và bộ bản đồ kèm theo nó. Việc này, dĩ nhiên nằm ngoài phạm vi bài viết có tính chất giới thiệu này.

Nói tóm lại, hai bản đồ này, nhất là bản đồ GE là công cụ rất mạnh mẽ và tiện dụng. Chúng cho phép người dùng có thể xem xét chi tiết vị trí các cột mốc mới và có một cái nhìn tổng thể về đường biên giới mới nhanh chóng và dễ dàng. Chúng cũng giúp người đọc phát hiện nhanh chóng những đoạn biên giới có khả năng đã bị thay đổi sau Hiện định biên giới 1999. Đó là những là gợi ý tốt giúp những người quan tâm tới biên giới trên bộ định hướng những chỗ cần xem xét, nghiên cứu thêm. Sau khi đối chiếu với các tài liệu khác xác định ra những đoạn bị định nhầm do sai sót của Google, chúng ta có thể quay trở lại GE/GM dùng các thông tin phong phú trên đó để củng cố thêm các kết luận của mình. Chẳng hạn, chúng ta có thể ước lượng độ dài những đoạn biên giới có thay đổi và diện tích khu vực có thay đổi tương ứng (xem chú thích 9)...

PHỤ LỤC

Phụ lục 1: Sai lệch địa hình của AMS và sai lệch biên giới của GE ở Thác Bản Giốc và ải Nam Quan cũ

1. Ở khu vực Thác Bản Giốc: GE và phần mềm chuyên dụng chúng tôi dùng để vẽ các cột mốc đều cho thấy địa hình ở đây bị lệch về phía Nam khoảng 150 m (xem hình 5), và sai lệch đó đã ảnh hưởng ngược lại GE: đường biên giới trên GE nằm về phía Nam 150 m so với địa hình (do đã vẽ theo đúng toa độ như trên AMS).

clip_image046

Hình 5: Các cột mốc trong 2 bản đồ khu vực Thác Bản Giốc như nhau: điểm A (vàng) trong 2 bản đồ cho thấy biên giới trên GE vẽ theo đúng toạ độ như trên AMS, điểm x (đỏ) trong 2 bản đồ cho thấy các chi tiết địa hình trên bản đồ AMS lệch về phía Nam khoảng 150 m so với bản đồ GE (tức là so với thực tế theo ảnh vệ tinh của GE).

Do đó khi dùng GE để xem xét khu vưc này phải dời đoạn biên giới cũ lên phía Bắc khoảng 150 m mới phù hợp với thực tế địa hình và các văn bản pháp lí. Hoặc ngược lại, khi dùng bản đồ AMS cần phải dời địa hình về phía Nam khoảng 150 m mới đúng với thực tế địa hình.

2. Ở khu vực ải Nam Quan: tình hình còn phức tạp hơn, địa hình trên bản đồ AMS bị vẽ lệch về phía Nam 75 ± 30 m như đã được chỉ ra trong bài “SO SÁNH BIÊN GIỚI MỚI Ở KHU VỰC NAM QUAN VỚI BẢN ĐỒ CỦA QUÂN ĐỘI MỸ”[12] . Thêm vào đó, ảnh vệ tinh của GE ở các thời điểm khác nhau có vẻ đã bị ghép lệch khoảng 30 - 40 m theo hướng Đông - Tây như đã nêu trong phần chính. Vì Google số hoá biên giới trên bản đồ AMS để đưa lên GE nên biên giới trên GE theo đúng toạ độ, do đó biên giới trên GE sẽ nằm về phía Nam so với địa hình thực tế khoảng 85 m (số đo như trên GE) về phía Nam và có thể lệch 30 m về phía Đông (tuỳ theo ảnh - xem hình 6).

Do đó, khi xem xét khu vực này dù dùng bản đồ GE hay bản đồ AMS đều cần phải có những điều chỉnh thích hợp tương tự như đã nêu với trường hợp Thác Bản Giốc.

clip_image048

Hình 6: Đường biên giới trên GE (đường cong màu vàng) lệch về phía Nam khoảng 85 m (so sánh cột mốc 1118 hoặc 2 cột mốc 19 cũ trên 2 bàn đồ. Nếu theo đúng đia hình như thể hiện trên bản đồ AMS thì đường biên giới trên GE (điểm màu xanh dương ở giữa) sẽ đi qua đỉnh phía Nam (mốc 19 cũ) của ngọn đồi đôi.

Lưu ý rằng dù bản đồ GE và bản đồ AMS theo các phép chiếu khác nhau nhưng ở khu vực nhỏ như trong hai trường hợp trên, sự sai biệt không là đáng kể nên việc so sánh như trên là chấp nhận được.

------------------------------------------------------------------

Phụ lục 2: Vị trí những khu vực có khả năng TQ lấn VN qua so sánh biên giới mới và biên giới GE

Lưu ý:

* Do bản đồ AMS có chỗ có thể có sai số lên tới 200 m và bản đồ trên Google Earth cũng có sai số 30-50 m (biết được tới lúc này) nên sai số tổng hợp có khả năng lên tới 250 – 300 m. Do đó, nói chung chúng tôi chỉ kê ra những vị trí mà đường biên giới mới và đường biên giới GE (hay AMS) sai lệch trung bình từ 300 m trở lên. Dù vậy, vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì về các vị trí này vì chúng ta chưa biết đường biên giới AMS có phản ảnh đúng quan điểm 2 bên và/hay phản ánh đúng thực tế trên thực địa hay không.

* Tên các địa điểm trong Phụ lục 2 và 3 dựa theo bản đồ hành chánh trên cổng thông tin điện tử của chính phủ http://gis.chinhphu.vn/vbdmap.aspx?l=4&kv=2507351.16594,629129.91343. Bản đồ trực tuyến này chỉ phân giới tới cấp xã nên tên các bản không đảm bảo thật chính xác.

STT

Địa điểm

Tên trong BVL/nguồn khác

Ghi chú

1

B. Sín Chảy, X. Pa Vệ Sử, H. Mường Tè, T. Lai Châu

 

có vẻ không thay đổi theo bđ QĐND

2

B. Sín Chảy, X. Pa Vệ Sử, H. Mường Tè, T. Lai Châu

Cầu Ba Nâm Cúm

có vẻ không thay đổi theo bđ QĐND

3

X. Pa Vệ Sử, H. Mường Tè, T. Lai Châu

   

4

X. Nậm Chảy, H. Mường Khương, T. Lào Cai (mốc 2-3 cũ)

Nậm Chảy

 

5

Tả Lùng Thắng + Da Ziung Zi, X. Pha Long, H. Mường Khương, T. Lào Cai

 

(khu vực chưa có bđ AMS/QĐND)

6

X. Bản Mây, H. Hoàng Su Phì, T. Hà Giang

 

(khu vực chưa có bđ AMS/QĐND)

7

X, Thanh Thuỷ + Thanh Đức, H Vị Xuyên, T. Hà Giang (Điểm cao 1509, TQ gọi là Lão Sơn)

(Núi Đất)

có xác nhận của CPVN

8

B. Nà La, X. Thanh Thuỷ, H. Vị Xuyên, T. Hà Giang

Điểm cao 226

 

9

B. Pha Hán (?), X. Thanh Thuỷ, H. Vị Xuyên, T. Hà Giang

Điểm cao 1200

Wikipedia cho đây là Núi Bạc (Giả Âm Sơn)(?)

10

B. Mã Hoàng Phín, X. Minh Tân, H. Vị Xuyên, T. Hà Giang (mốc 14 cũ)

Tả Lũng

 

11

Chín Chu Lin + Thèn Ván 2 , X. Cao Mã Pờ, H. Quản Bạ, T. Hà Giang (mốc 1-2 cũ)

Cao Mã Pờ

 

12

Phìn Chư Sảng (X. Nghĩa Thuận) + Thào Chu Phìn (X. Bát Đại Sơn), H. Quản Ba, T. Hà Giang

 

khó có kết luận gì từ hướng bg của bđ QĐND/AMS

13

B. Sủng Lảng, X. Thắng Mố, H. Yên Minh, T. Hà Giang

   

14

B. Lũng Hoà A, X. Xà Phìn, H. Đồng Văn, T. Hà Giang

   

15

Tống Quán Chải, X. Thượng Phùng, H. Mèo Vạc, T. Hà Giang

   

16

B. Lũng Mán, X. Đức Hạnh, H. Bảo Lâm, T. Cao Bằng (mốc 136-137 cũ)

Trà Mần

 

17

B. Nà Luông, X. Cốc Pàng, H. Bảo Lạc, T. Cao Bằng

   

18

B. Ngàm Giảng, X. Thượng Hà, H. Bảo Lạc, T. Cao Bằng

   

19

B. Lũng Giảng, X. Cô Ba, H. Bảo Lạc, T. Cao Bằng

   

20

B. Kả Lò, X. Khánh Xuân, H. Bảo Lạc T. Cao Bằng

   

21

Sóc Giang, X. Sóc Hà,H. Hà Quảng, T. Cao Bằng (mốc 114 cũ)

[Đối diện] Bình Mãng (TQ)

 

22

B. Nả Rải, X. Trường Hà, H. Hà Quảng. T. Cao Bằng

   

23

B. Cô Mười, X. Vân An, H. Hà Quảng., T. Cao Bằng

   

24

B. Pác Có, X. Tổng Cọt, H. Hà Quảng, T. Cao Bằng

   

25

B. Nà Đoỏng + Na Xi, tt. Hùng Quốc, H. Trà Lĩnh, T. Cao Bằng (mốc 94-95 cũ)

Phia Un

 

26

B. Lũng Lầu, X. Ngọc Khê, H. Trùng Khánh, T. Cao Bằng

Trà Lĩnh (mốc 64 cũ)

có vẻ VN lấn sang TQ

27

B. Nà Đeng, X. Đàm Thuỷ, H. Trùng Khánh, T. Cao Bằng

   

28

X. Đàm Thuỷ, H. Trùng Khánh, T. Cao Bằng

Thác Bản Giốc

 

29

B. Lũng Nậm, X Đồng Loan, H. Hạ Lang, T. Cao Bằng

   

30

B. Kiểng, X. Quang Long, H. Hạ Lang, T. Cao Bằng

   

31

B. Khau Khoỏng, X. Việt Chu, H. Hạ Lang, T. Cao Bằng

   

32

B. Thẩm Cương, X. Thị Hoa, H. Hạ Lang, T. Cao Bằng (mốc 29-31 cũ)

Nà Pảng

 

33

B. Nà Thắm, X. Mỹ Hưng, H. Phục Hoà, T. Cao Bằng

   

34

B. Nà Nưa, X. Quốc Khánh, H. Tràng Định, T. Lạng Sơn (mốc 17-19 cũ)

Khẳm Khau

có vẻ VN lấn sang TQ

35

B. Nặm Chà, X. Quốc Khánh, H. Tràng Định, T. Lạng Sơn

   

36

B. Cọ, X. Tân Minh, H. Tràng Định, T. Lạng Sơn

   

37

Thàm Coỏng, X. Tân Minh, H. Tràng Định, T. Lạng Sơn

   

38

Long Diêu (Lung-yao), tt. Đồng Đăng, H. Cao Lộc, T. Lạng Sơn

   

39

Cửa khẩu Hữu Nghi, T. Lạng Sơn (mốc 18, 19 cũ)

Hữu Nghị quan

 

40

X. Bảo Lâm, H. Cao Lộc, T. Lạng Sơn

   

41

X. Thanh Loà, H. Cao Lộc T. Lạng Sơn (mốc 25-27 cũ)

Thanh Loà

có vẻ không có thay đổi

42

B. Pi Ang, X. Xuất Lễ, H. Cao Lộc, T. Lạng Sơn

 

hướng bg trên bđ AMS/QĐND cho thấy có nhiều khả năng có thay đổi

43

X.Mẫu Sơn, H. Cao Lộc, T. Lạng Sơn

Kùm Mu

 

44

Chi Ma, X. Yên Khoái, H. Lộc Bình , T. Lạng Sơn

[Đối diện] thị trấn Ái Điểm (TQ)

 

45

giáp xã Hoành Mô, H. Bình Liêu, T. Quảng Ninh

Trình Tường

 

46

X. Hoành Mô, H. Bình Liêu, T. Quảng Ninh

Cầu Hoành Mô

có vẻ không có thay đổi

47

Pò Hèn, X. hải Sơn, H. Móng Cái, T. Quảng Ninh

Cầu Pò Hèn

có vẻ không có thay đổi

48

P. Hải Hoà, Tp. Móng Cái, T. Quảng Ninh

(VN: 3/4, TQ: 1/4)

(Bãi Tục Lãm)

có xác nhận của CPVN

49

P. Hải Hoà, Tp. Móng Cái, T. Quảng Ninh

(VN: 1/3, TQ: 2/3)

(Bãi Dậu Gót)

nt

- Trong 49 vị trí này có 5 vị trí có khả năng không có thay đổi, 1 vị trí khó kết luận nếu so với bản đồ QĐND.

- Trong các vị trí nêu trong BVL có 2 vị trí (Khẩm Khao, Trà Lĩnh) lại có vẻ thay đổi theo hướng ngược lại (tức là VN lấn sang TQ).

----------------------------------------------------------

Phụ lục 3: Vị trí những khu vực có vẻ VN lấn TQ qua so sánh biên giới mới và biên giới GE

STT

Địa điểm

Ghi chú

1

B. Nậm Tấn Mông, X. Pa Tần, H. Sìn Hồ, T. Lai Châu

có vẻ không thay đổi theo bđ QĐND

2

Phỉn Cù, X. Mường Khương, H. Mường Khương, T. Lào Cai

có vẻ không thay đổi theo bđ QĐND

3

X. Tung Chung Phố, H Mường Khương, T. Lào Cai

có vẻ không thay đổi theo bđ QĐND

4

X Tả Ngải Chồ + Pha Long, H. Mường Khương, T. Lào Cai

có vẻ không thay đổi theo bđ QĐND

5

B. Thảo Chứ Ván, X. Pà Vầy Sủ, H. Xín Mần , T. Lào Cai

 

6

X. Chí Cà + Nàn Xỉn, H. Xín Mần T. Hà Giang

có vẻ không thay đổi theo bđ QĐND

7

B, Mả Tẻn, X. Bản Mây, H. Hoàng Su Phì, T. Hà Giang

 

8

B. Giáp Trung, X. Thàng Tín, H. Hoàng Su Phì, T. Hà Giang

(khu vực chưa có bđ AMS/QĐND nhưng hướng bg QĐND cho thấy có vẻ không thay đổi)

9

X. Lao Chải, H. Vị Xuyên, T. Hà Giang

nt

10

B. Nậm Nịch, X. Thanh Đức, H. Vị Xuyên, T. Hà Giang

 

11

Pao Mã Phì, X. Tả Ván, H Quản Bạ, T. Hà Giang

 

12

Hoa Si Pan, X. Tả Ván, H. Quản Bạ, T. Hà Giang

 

13

Xã Tùng Vài, H. Quản Bạ. T. Hà Giang

có vẻ không thay đổi theo bđ QĐND

14

Chín Chu Lìn, X. Cao Mã Pờ, H. Quảng Bạ, . Hà Giang

có vẻ không thay đổi theo bđ QĐND

15

Chín San, X. Cao Mã Pờ, H. Quản Bạ. T. Hà Giang

có vẻ không thay đổi theo bđ QĐND

16

B. Cốc Lá, X. Na Khê, H. Yên Minh, T. Hà Giang

 

17

X. Thắng Mố, H. Yên Minh, T. Hà Giang

 

18

B. Sủng Là Trên, TT. Phó Bảng, H. Đồng Văn, T. Hà Giang

 

19

Khai Hoang 2, X. Thượng Phùng, H. Mèo Vạc, T. Hà Giang

 

20

Mỏ Phàng, X. Thượng Phùng, H. Mèo Vạc, T. Hà Giang

có vẻ không thay đổi theo bđ QĐND

21

Lủng Chỉn, X. Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc, T. Hà Giang

 

22

B. Cốc Thốc, X. Thượng Hà, H. Bảo Lạc, T. Cao Bằng

 

23

B. Lũng Pú, X. Xuân Trường, H. Bảo Lạc, T. Cao Bằng

(dt khá lớn)

24

B. Thiêng Hoài, X. Lũng Nặm, H. Hà Quảng. T. Cao Bằng

 

25

B. Kéo Quyển, X. Lũng Nặm, H. Hà Quảng. T. Cao Bằng

 

26

B. Nặm Niệc, X. Cải Viên, H. Hà Quảng, T. Cao Bằng

 

27

X. Đình Phong, H. Trùng Khánh, T. Cao Bằng

 

28

B. Lũng Phiếc, X. Đàm Thuỷ, H. Trùng Khánh, T. Cao Bằng

 

29

B. Pò, X. Đức Long, H. Thạch An, T. Cao Bằng

 

30

B. Khơ Đa, X. Tân Mĩ, H. Văn Lãng, T. Lạng Sơn

chỗ đánh đổi với Cao Mã Pờ?

31

X. Quảng Đức, H. Hải Hà, T. Quảng Ninh

 

Trong 31 vị trí này có 11 vị trí có khả năng không có thay đổi nếu so với bản đồ QĐND). Như vậy so với bản đồ QĐND có khả năng có 20 vị trí VN lấn sang TQ và nếu kết hợp với PL2 có thể có tổng cộng 22 vị trí VN lấn sang TQ.

---------------------------------------------------------

Phụ lục 4: DANH SÁCH BẢN ĐỒ AMS và QĐND

- Có 23 bản đồ AMS tỉ lệ 1 : 50 000 cho các khu vực biên giới đánh số từ 1 tới 23 trong bản đồ bên dưới. Các bản đồ này có thể tải về được từ Bộ Sưu tập bản đồ AMS của trường Đại học Texas (University of Texas - UTexas) ở trang http://www.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/ (cho bản đồ 1-23) và ở trang http://www.lib.utexas.edu/maps/topo/laos/(cho bản đồ 24).

- Có 21 bản đồ QĐND tỉ lệ 1 : 50 000 cho các khu vực biên giới đánh dấu bằng các chữ cái từ A đến U trong bản đồ bên dưới. Các bản đồ này có thể dùng ‘số hiệu của bản đồ (map number)’ trong bảng mô tả bên dưới để truy tìm và tải về máy cá nhân từ Bộ sưu tập bản đồ của Đại học Kỹ Thuật Texas (Texas Tech University - TTU) ở trang http://www.virtualarchive.vietnam.ttu.edu/starweb/virtual/maps/servlet.starweb. Thật ra Bộ sưu tập này cũng có cả 23 bản đồ AMS có trong Bộ sưu tập của UTxas nhưng do Quân đội nhân dân Việt Nam/ Quân Giải phóng miền Nam in lại theo cách sao y hoặc vẽ dựa theo (dù có nêu rõ điều này trên bản đồ hay không) và có chỉnh lí theo các bản đồ tỉ lệ 1:100 000 in trong thập niên 1970.

clip_image050

(Các khung đỏ chỉ những khu vực biên giới mà các bộ sưu tập chưa có bản đồ)

Nguồn

Vĩ độ

Kinh độ

Tên (số hiệu) bản đồ

23

AMS+

22°15’-22°30’

102°00’-102°15’

Tao Phya (5453-4)

22

AMS

22°15’-22°30’

102°15’-102°30’

Giàng Mưng Pho (5453-1)

21

AMS+

22°30’-22°45’

102°15’-102°30’

Bản Mé Rắng(5454-2)

T

QĐND

22°40’-22°50’

102°15’-102°30’

Phu Tu Lủm (5454-1)

S

QĐND

22°40’-22°50’

102°30’-102°45’

Phu Nằm Sau (5554-4)

20

AMS

22°30’-22°45’

102°30’-102°45’

Bản Là Sin (5553-3)

R

QĐND

22°30’-22°40’

102°45’-103°00’

Phu Sì Lùng(5554-2)

19

AMS

22°15’-22°30’

102°45’-103°00’

Mường Boum (5553-1)

18

AMS

22°15’-22°30’

103°00’-103°15’

Tà Phìng (5653-4)

Q

QĐND

22°30’-22°40’

103°00’-103°15’

Bản Nặm Cúm (5654-3)

17

AMS+

22°30’-22°45’

103°15’-103°30’

Phong Thổ (5654-2)

P

QĐND

22°40’-22°50’

103°15’-103°30’

Giào San (5654-1)

16

AMS

22°30’-22°45’

103°30’-103°45’

Mường Hum (5754-3)

O

QĐND*

22°40’-22°50’

103°30’-103°45’

Bản Mác (5754-4)

X6

(thiếu)

22°40’-22°50’

103°45’-104°00’

(bg theo sông Hồng)

N

QĐND*

22°30-22°40’

103°45’-104°00’

Lào Kay (5754-2)

15

AMS+

22°30’-22°45’

104°00’-104°15’

Ngai Fong Tion (Bản Phiệt ở bộ bđ QĐND) (5854-3)

M

QĐND

22°40’-22°50’

104°00’

Mường Khương (5854-4)

X5

(thiếu)

22°50’-23°00’

104°15’-104°30’

 

14

AMS+

22°30’-22°45’

104°15’-104°30’

Pa Kha (Bắc Hà -QĐND) (5854-2)

L

QĐND

22°40’-22°50’

104°15’-104°30’

Bản Po (5854-1)

K

QĐND

22°40’-22°50’

104°30’-104°45’

Hoàng Su Phì (5954-4)

X4

(thiếu)

22°50’-23°00’

104°30’-104°45’

13

AMS

22°45’-23°00’

104°45’-105°00’

Hà Giang (5954-1)

J

QĐND

23°00’-23°15’

104°45’-105°00’

Quản Bạ (5955-2)

12

AMS

23°00’-23°15’

105°00’-105°15’

Na Lay (6055-3)

I

QĐND*

23°10-23°20’

105°00’-105°15’

Phó Bảng (6055-4)

11

AMS+

23°00’-23°15’

105°15’-105°30’

Na Kung (Mèo Vạc-QĐND) (6055-2)

H

QĐND*

23°15’-23°30’

105°15’-105°30’

Đồng Văn (6055-1)

X3

(thiếu)

23°10’-23°20’

105°30’-105°45’

 

G

QĐND*

23°00’-23°10’

105°30’-105°45’

Loung Mang (6155-3)

F

QĐND*

23°00’-23°10’

105°45’-106°00’

Lung Cung (6155-2)

10

AMS+

22°45’-23°00’

105°45’-106°00’

Nam Quét (6154-1)

9

AMS

22°45’-23°00’

106°00’-106°15’

Sóc Giang (6254-4)

8

AMS+

22°45’-23°00’

106°15’-106°30’

Trà Lĩnh (6254-1)

7

AMS

22°45’-23°00’

106°30’-106°45’

Trùng Khánh Phủ (Trùng Khánh - QĐND) (6354-4)

E

QĐND

22°45’-23°00’

106°45’-107°00’

Bản Không (6354-1)

D

QĐND

22°30’-22°45’

106°45’-107°00’

Bản Kiểng (6354-2)

6

AMS

22°30’-22°45’

106°30’-106°45’

Phục Hoà (6354-3)

C

QĐND

22°15’-22°30’

106°30’-106°45’

Tà Lùng (6353-4)

5

AMS

22°00’-22°15’

106°30’-106°45’

Na Chầm (6353-3)

4

AMS+

21°45’-22°00’

106°30’-106°45’

Đồng Đăng (6352-4)

X2

(thiếu)

22°00’-22°15’

106°45’-107°00’

 

3

AMS

21°45’-22°00’

106°45’-107°00’

Lạng Sơn (6352-1)

B

QĐND

21°45’-

21°59’59.7"

107°00’01.2"-

107°15’01.3"

Chi Ma (6452-4)

2

AMS+

21°30’-21°45’

107°00’-107°15’

Đình Lập (6452-3)

1

AMS

21°30’-21°45’

107°15’-107°30’

Bình Liêu (6452-2)

X1

(thiếu)

21°30’-21°45’

107°30’-107°45’

(có thể là bđ 6552 3)

A

QĐND*

21°30’-21°40’

107°45’-107°59’56"

Móng Cái (6552-2)

I

QĐND

21°30’-21°40’

108°00’-108°15’

Chiang Ping Hsu (6652-3)

GHI CHÚ:

- QĐND*: bản đồ của Cục bản đồ Bộ Tham Mưu QĐND VN hoặc Nha Địa dư QGP ND miền Nam in lại có ghi rõ theo nguồn bản đồ Mỹ.

- AMS+: có bản đồ QĐND tương ứng (trong Bộ sưu tập của TTU) và những bản đồ QĐND này hoặc sao y hoăc dựa theo bản đồ AMS và có ghi rõ nguồn là bản đồ Mỹ.

- Số trong ngoặc ở cột tên bản đồ là ‘số hiệu của bản đồ (map number)’ trong Bộ sưu tập, ví dụ bản đồ Bình Liêu có số hiệu là 6452-2. Dùng số hiệu này hoặc tên (không dấu) của bản đồ để truy tìm bản đồ tương ứng rất dễ dàng từ trang web đã nêu của TTU.

- Thật ra cũng còn 3 đoạn biên giới có chiều dài từ khoảng 300 m đến 3 km (đánh dấu bằng chữ x đỏ trong hình trên) không nằm trong phạm vi bao phủ của các bản đồ AMS/QĐND nêu trên.

Như đã giới thiệu trong phần chính, bạn đọc có thể xem vị trí tất cả các bản đồ ứng với đoạn biên giới nào trên GE bằng cách mở file kmz sau đây (sau khi đã tải về máy cá nhân):

https://www.dropbox.com/s/f5d7ov83q3f0lcv/MapList.kmz (3 KB). Nhấp chuột vào mỗi ô sẽ hiện ra tên và số hiệu bản đồ cho ô đó.

P.V.S. – P.Q.T. – D.D.H.

Các tác giả gửi trực tiếp cho BVN

[1] Xem http://boxitvn.blogspot.com.au/2013/10/so-sanh-vi-tri-cot-moc-bien-gioi-viet.html, https://danluan.org/tin-tuc/20131007/so-sanh-vi-tri-cot-moc-bien-gioi-viet-nam-trung-quoc-voi-ban-do-cua-quan-doi-my

[2] Xem http://www.QDND.vn/QDNDsite/vi-vn/61/43/120/120/120/120728/Default.aspx, hoặc http://www.tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/huongdanchidao/5685/Qua-trinh-dam-phan-va-ket-qua-phan-gioi-cam-moc-bien-gioi-tren-dat-lien-giua-Viet-Nam-Trung-Quoc

[3] Cụ thể hoá Hiệp ước phân giới năm 1999, xem Công báo từ số 634+635 (http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-36_2010_SL-LPQT-(5924)?cbid=6117) tới số 640+641 (http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-36_2010_SL-LPQT-(5924)?cbid=5937)

[3]

[4] Google Maps có sẵn trên mạng, còn Google Earth thì cần cài đặt vào máy tính cá nhân. Có thể tải GE xuống theo đường dẫn sau: http://www.google.com/earth/download/ge/agree.html, và việc cài đặt rất đơn giản.

[5] Chúng tôi cho rằng đây là cách tải file kmz về máy cá nhân an toàn nhất vì Google là một công ti lớn có uy tín.

[6] Cột mốc đầu tiên ở giao điểm biên giới Việt - Trug - Lào không ghi số, chúng tôi tạm gọi là “cột mốc 0”

[7] Xem công báo số 142+149. http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-36_2010_SL-LPQT-%285924%29?cbid=8248

[8] Xem “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc” ( Bị vong lục của Bộ ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc nhà cầm quyền Trung Quốc gây khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam ở vùng biên giới), nxb Sự Thật, 1979

[9] Thật ra, GE cho phép ta có thể biết chính xác khoảng cách giữa hai điểm (theo đường thằng hoặc đường bất kì) bằng cách dùng công cụ “Ruler” (trong “Tools”) hoặc công cụ “Add Path” (trong “Add”) để vẽ một Path (đường) nối hai điểm đó. Sau đó, mở ‘Properties’ của Path này thì sẽ thấy số đo trong mục ‘Measurements’ theo đơn vị tuỳ chọn. Từ đó, ta có thể ước lượng diện tích của một khu vực bằng cách xấp xỉ nó bằng một đa giác hay cách thích hợp nào đó. Thật ra, GE Pro (dùng phải trả tiền) cho phép tính được diện tích nhưng có lẽ không cần thiết với đa số chúng ta.

[10] Ngoài ra, hầu hết các cột mốc khác đều nằm khá đúng như mô tả trong NĐT. Do đó, có nhiều khả năng ở khu vực này ảnh màu bị ghép lệch hơn là các toán đo đạc phân giới đo/ghi sai hoặc lỗi sao chép của những người soạn văn bản.

[11] Và hơn nữa cũng có những chỗ không phù hợp với các biên bản kèm theo công ước Pháp - Thanh, ví dụ cột mốc 18 cũ gần cổng ải Nam Quan ở bên lề đường theo biên bản nhưng trên bản đồ lại nằm lưng chừng trên sườn đồi….

[12] Xem http://www.diendan.org/viet-nam/so-sanh-bien-gioi.. hay http://www.boxitvn.net/bai/20469

[12]

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn