Ông Nguyễn Văn Ban (nguyên trưởng ban Bôxit - nhôm tổng công ty khoáng sản VN): Tương lai không dễ xác định

TT - Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban bôxit - nhôm Tổng công ty Khoáng sản VN, cho rằng: “Chúng ta làm nhà máy alumin theo phương án quá lạc quan, khi giá alumin lấy vào thời điểm Trung Quốc đang mua tới 500-600 USD/tấn. Đến nay giá alumin thấp nên dự án gặp khó...”.

clip_image002

Ông Nguyễn Văn Ban - Ảnh: C.V.K.

Ông Ban cũng cho rằng không thể giảm giá điện cho riêng nhà máy sản xuất nhôm...

Tiết kiệm chỗ không thật lớn...

* Ông từng phụ trách dự án bôxit, Bộ Công thương đề xuất giảm đầu tư cho an toàn hồ bùn đỏ để không ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, theo ông có nên?

- Hồ bùn đỏ của Nhà máy Tân Rai tính toán thực tế đắt gấp bốn lần hồ bùn đỏ doanh nghiệp Mỹ làm ở Úc. Suất đầu tư cho 1m3 ở Úc chỉ có 6 USD, của VN thì gấp bốn lần. Đúng là đắt. Nhưng đắt do nhiều vấn đề. Đúng là có do yêu cầu an toàn. Nhưng vấn đề ở chỗ tại Úc, nhà máy alumin dùng công nghệ thải khô. Tức bùn đỏ khi thải có hàm lượng chất rắn chiếm 50-70%. Thải khô thì bùn sau khi ra chỉ cần tạo độ dốc, nước chảy đi thì bùn sẽ có thể chất đống, có thể đánh cao như núi. Nhưng Tân Rai không được như thế. Theo báo cáo, hàm lượng chất rắn chỉ được khoảng 46%, tức chưa đạt mức thấp nhất của thải khô, không tạo thành đống được. Vì vậy, giảm đầu tư cho an toàn cần cân nhắc kỹ.

* Rất nhiều đề nghị được đưa ra, có vẻ đều cố để dự án alumin có hiệu quả?

- Tôi nghĩ để giảm đầu tư cho an toàn cần làm đồng bộ, đảm bảo an toàn từ gốc. Theo hợp đồng mà tôi có, nhà thầu Trung Quốc đã cam kết cũng dùng công nghệ thải khô cho Nhà máy alumin Tân Rai. Nếu họ chưa đạt hàm lượng chất rắn từ 50-70% thì Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) cần đề nghị họ đảm bảo. Hungary sau khi bị sự cố cũng đã chuyển sang thải khô, dù đắt hơn một chút. Tốt nhất là đảm bảo đúng là thải khô, vì đây là gốc vấn đề.

Không thể giảm giá điện riêng cho nhà máy

* Vấn đề lớn khác là hiện có hai doanh nghiệp muốn chế biến alumin thành nhôm thành phẩm. Nhưng giá điện được Bộ Công thương hướng giảm chỉ còn 5,3-5,4 cent/kWh, thấp hơn giá điện bình quân hiện bán cho dân là khoảng 6,5 cent. Điều này có hợp lý?

- Bài toán này đã được đặt ra từ lâu rồi. Muốn làm ra 1 tấn nhôm cần tới 13.000 kWh điện. Vậy 300.000 tấn thì rất lớn, mà đó mới chỉ là một nhà máy. Trước đây, chúng tôi khảo sát và đề xuất làm nhà máy alumin công suất 300.000 tấn/năm. Khi đó chúng tôi đã tính phải để riêng Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi cho nhà máy điện phân nhôm vì chỉ có giá điện rẻ, công nghiệp nhôm mới hiệu quả được. Lúc đó phải tính TKV sẽ có trách nhiệm quản lý, bỏ chi phí vận hành rồi trả nợ dự án này, coi như tách nhà máy đó khỏi ngành điện. Nhưng Nhà máy Hàm Thuận - Đa Mi cũng chỉ đủ công suất cho một nhà máy điện phân nhôm công suất 72.000 tấn. Cuối cùng, Thủ tướng lúc đó là ông Phan Văn Khải đã kết luận do thiếu điện, tạm dừng không làm nhôm nữa. Giờ muốn có nhà máy công suất tới 300.000 tấn thì sẽ lấy nguồn điện giá rẻ ở đâu. Trong khi điện đang trong lộ trình tăng giá?

* Chính sách riêng cho nhà máy nhôm thì TKV phải tự lo ngay từ đầu, chứ giờ nếu bao cấp cho nhôm thì cả nước phải gánh thay?

- Các nước đều có chính sách giá điện riêng để phát triển công nghiệp nhôm. Nhưng thường tính từ trước, cho doanh nghiệp nhôm tự bỏ vốn đầu tư các thủy điện. Giờ thì vô cùng khó, không thể giảm giá điện riêng cho nhà máy nhôm được. Bởi điện vẫn kêu lỗ, thủy điện giá rẻ nhất, giúp giảm giá thành điện cho dân, giờ lại lấy đi sẽ ảnh hưởng không chỉ Tập đoàn Điện lực. Nếu bỏ ngân sách ra bù thì lại thành tiền thuế của dân hỗ trợ doanh nghiệp.

Thay đổi tư duy...

* Ông có nói chúng ta còn có thể tiết kiệm nhiều cái khác lớn hơn cả chi phí cho hồ bùn đỏ, vậy chúng là gì?

- Theo cam kết trong hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc, việc chúng ta dùng công nghệ Trung Quốc, tôi tính Nhà máy Tân Rai bị thiệt cỡ 20 triệu USD/năm do tỉ lệ thu hồi tinh quặng từ quặng thấp, chi phí năng lượng cao hơn tiêu chuẩn tiên tiến khoảng 30%... Đặc biệt, cái dai dẳng nhất là giải pháp vận tải ôtô. Thế giới họ không làm vậy. Chi phí vận tải đi từ Tân Rai ra cảng Gò Dầu lên tới khoảng 180km. Nếu nhân với công suất 600.000 tấn sản phẩm hằng năm, rồi nguyên vật liệu từ cảng về thì chi phí rất lớn, tính ra mỗi tấn sản phẩm mất cỡ khoảng 40 USD.

* Nhưng TKV nói tương lai sẽ lãi, nhà máy sẽ hiệu quả dù lỗ mấy năm?

- Tương lai không dễ gì xác định. Tập đoàn nhôm lớn nhất thế giới của Nga khẳng định nhôm thế giới hằng năm thừa nửa triệu tấn. Và vấn đề là nhà máy Nhân Cơ sẽ lỗ đến năm 2020. Mà chỉ cần lỗ vài năm đã nguy rồi. Bởi lãi phải trả, gốc sau hai năm cũng phải trả. Nếu lỗ thì lấy tiền đâu ra để hoạt động, trả nợ? TKV có bù tiền từ than, nhưng cũng phải vay. Mà đi vay tiếp thì lãi chồng lãi.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện

Nguồn: tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn