Cuộc đấu trí đấu sức với Trung Quốc tại vùng thềm lục địa Việt Nam – trong buổi sáng 12-5-2014 tàu kiểm ngư chúng ta đã dũng cảm giành được thế chủ động

1. Tàu Trung Quốc tấn công vòi rồng, tàu Việt Nam đáp trả thích đáng

Viễn Sự - Tấn Vũ

TTO - 7g30 sáng 12-5, một trận đấu vòi rồng dữ dội giữa một  tàu kiểm ngư Việt Nam và 15 tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc đã diễn ra tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam.

clip_image001[4]

Tàu Trung Quốc tiếp tục hung hăng, xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam

Hai phóng viên Viễn Sự và Tấn Vũ của báo Tuổi trẻ có mặt tại vùng biển Hoàng Sa, tường thuật trực tiếp từ trên một tàu kiểm ngư của VN.

Vụ đấu vòi rồng này diễn ra sau hơn 10 ngày giàn khoan HD 981 của Trung Quốc xuất hiện tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa.

15 tàu Trung Quốc bao vây, cùng tấn công tàu kiểm ngư VN

Tàu Việt Nam sau khi bị tấn công đã có những đáp trả đối với các tàu Trung Quốc. Tàu Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các quyền chấp pháp đối với các tàu Trung quốc sau đó mới diễn ra cuộc đấu vòi rồng và súng bắn nước trong thời gian hơn một giờ.

Diễn biến của trận đấu vòi rồng và súng bắn nước này được phóng viên Viễn Sự và Tấn Vũ tường thuật như sau:

Cuộc đấu vòi rồng đã diễn ra trong khoảng một giờ, bắt đầu từ khoảng 7g30 sáng, khi tàu kiểm ngư Việt Nam treo băng rôn bằng tiếng Trung Quốc yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Khi phát hiện tàu kiểm ngư Việt Nam cách giàn khoan khá gần, phía Trung Quốc bắt đầu cuộc tấn công, điều 15 tàu hải giám và hải cảnh, các tàu cá bán vũ trang bao vây tàu kiểm ngư của Việt Nam.

Các tàu hải giám và hải cảnh của Trung Quốc tập trung lao thẳng vào tàu kiểm ngư của Việt Nam.

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc bám theo thăm dò tàu kiểm ngư của ta chừng một phút sau đó bất ngờ dùng súng bắn nước tấn công. Một cách đột ngột, các tàu hải giám và hải cảnh tiến lên phía trước rồi lùi lại phía sau mũi tàu Việt Nam với mục đích dựng chuyện rằng tàu Việt Nam tấn công các tàu Trung Quốc.

Sau hành động này, bất ngờ 5 tàu hải giám và hải cảnh [TQ] tiến về hai bên hông, áp sát 2 mạn tàu kiểm ngư [VN] để xịt vòi rồng lên tàu nhằm vào các vị trí: ống khói, ca bin, hệ thống anten… nhằm làm cắt đứt nguồn thông tin từ tàu với áp lực xịt vòi rồng rất dữ dội.

Tuy nhiên, các phương án bảo vệ thuyền viên trên tàu đã được triển khai nên mọi người đều được bảo vệ an toàn.

Chúng ta đã đáp trả thích đáng!

Trước sự manh động của tàu Trung Quốc, thuyền trưởng tàu kiểm ngư của ta đã quyết định sử dụng súng bắn nước để đáp trả lại những tàu hải giám và hải cảnh của Trung Quốc.

Hai thuyền viên trên tàu đã dũng cảm đứng ra mũi tàu xịt vòi rồng để cản phá tàu Trung Quốc. Chỉ sau 5 phút liên đội tàu Trung Quốc đã bị vỡ đội hình và không còn tấn công tới tấp như trước.

Tuy vậy, các tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc vẫn điên cuồng bám theo và xịt vòi rồng về phía các tàu kiểm ngư VN. Phóng viên Tuổi trẻ đã chứng kiến áp lực nước khủng khiếp từ vòi rồng tàu Trung Quốc. Lúc này chỉ cần lớp kính vỡ là nguy cơ thương vong vô cùng cao xảy ra với các thuyền viên và phóng viên có mặt trên tàu.

Tuy nhiên, chỉ huy tàu đã khôn khéo không cho tàu Trung Quốc phun vòi rồng trực diện, đồng thời 2 kiểm ngư trên mũi tàu kiên quyết bám trụ máy của vòi rồng nên tàu Trung Quốc không thực hiện được ý đồ.

Sau hơn 1 giờ đối đầu, vào khoảng 9g45 phút toàn bộ tàu Trung Quốc đã rút lui. Tàu kiểm ngư của ta bị thiệt hại một phao bè, một anten vinasat bị thổi xuống biển, một loa tuyên truyền bị hỏng nặng.

Tuy nhiên, toàn bộ thuyền viên an toàn. Chúng ta đã đáp trả thích đáng với tất cả các tàu Trung Quốc.

Thay mặt các thuyền viên, thuyền trưởng tàu kiểm ngư thông qua báo Tuổi Trẻ gửi lời chào quyết thắng về đất liền và mong đồng bào yên tâm: Lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam sẽ đấu tranh quyết liệt, đáp trả thích đáng và không khoan nhượng với bất kể hành động nào xâm phạm chủ quyền Việt Nam!

V.S.T.V.

Tường thuật từ điểm nóng Hoàng Sa

Nguồn: tuoitre.vn

2. Tàu Trung Quốc và Việt Nam đấu vòi rồng tại nơi có giàn khoan của Bắc Kinh ở Biển Đông

clip_image002

Tàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng bắn nước vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp ngày 03/05/2014 và được phía Việt Nam cung cấp ngày 08/05/2014. REUTERS/Vietnam Marine Guard/Handout via Reuters

Đức Tâm

Tình hình tại nơi Trung Quốc có ý định đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam tiếp tục căng thẳng. Sáng sớm ngày 12/05/2014, lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, cách nay hơn 10 ngày, tàu kiểm ngư của Việt Nam đã dùng vòi rồng phun nước đáp trả quyết liệt các hành động tấn công của nhiều tàu Trung Quốc.

Theo tường thuật của các phóng viên báo Tuổi trẻ có mặt tại hiện trường, cuộc đấu vòi rồng đã diễn ra từ lúc 7 giờ 30, giờ Việt Nam và kéo dài hơn một tiếng đồng hồ.

Sau khi dùng loa kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan, tàu kiểm ngư 9226 cùng với các tàu kiểm ngư khác của Việt Nam tiến sát vào khu vực này. Phía Trung Quốc đã điều 15 tàu hải giám, hải cảnh, các tàu cá bán vũ trang ra chặn các tàu Việt Nam. Sau khi tìm cách lao thẳng vào tàu 9226 của Việt Nam, các tàu của Trung Quốc áp sát mạn tàu Việt Nam và dùng vòi rồng, với áp lực nước rất mạnh, tấn công vào ống khói, cabin và antenne liên lạc.

Tàu Việt Nam đã dùng vòi rồng đáp trả, buộc đội hình tàu của Trung Quốc phải dãn ra, nhưng vẫn bám theo tàu Việt Nam.

Sau hơn một giờ đối đầu, vào lúc 9 giờ 45 phút, các tàu Trung Quốc đã rút ra xa. Tàu Việt Nam bị thiệt hại nhẹ, nhưng toàn bộ thuyền viên an toàn.

Vẫn theo báo chí trong nước, hôm qua, lãnh đạo Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Trung Quốc dùng các tàu quân sự, hải cảnh và hải tuần, thiết lập một vành đai xung quanh giàn khoan dầu trong phạm vi 7 hải lý. Khi có tàu chấp pháp Việt Nam tới gần, nhiều tàu Trung Quốc quây lại và phun vòi rồng tấn công.

Từ nhiều ngày qua, hàng chục tàu Trung Quốc, trong đó có cả các tàu hộ vệ tên lửa và tuần tiễu tấn công nhanh, vẫn hiện diện trong khu vực có giàn khoan.

Trong hai ngày, 10 và 11/05, Trung Quốc còn điều nhiều tốp máy bay đến hoạt động trong khu vực này, thậm chí có lúc máy bay Trung Quốc hù dọa, hạ độ cao, chỉ cách tàu cảnh sát biển của Việt Nam khoảng 200 - 300 mét.

Đ.T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn