Hồng Kông – một lần tôi đã gặp

Lê Phú Khải

clip_image002

Tác giả ở Hồng Kông tháng 2-1997

 
Đầu năm 1997 tôi quyết định đi Hồng Kông vì hai lý do. Một là, đến cuối năm, Hồng Kông sẽ được Anh quốc trao trả về cho Trung Quốc – đó là một sự kiện thu hút giới truyền thông thế giới. Sài Gòn, nơi được xem là có mật độ báo chí lớn nhất nước và thị trường báo chí sôi động nhất cả nước rất cần tin tức, bài vở, hình ảnh về sự kiện này. Tôi phải đi Hồng Kông một chuyến để “phục vụ” cho nhu cầu đó của báo giới TP HCM. Hai là, tôi muốn làm một cuộc thử nghiệm về tiền nhuận bút của báo chí Việt Nam. Xem thử, bỏ tiền túi ra đi theo một tour du lịch, liệu về viết báo, nói nôm na là bán hình ảnh, tin tức, bài viết về Hồng Kông nhân sự kiện này, sẽ “hoà vốn” hay lỗ, hoặc lời?

Hồng Kông là một trung tâm giao dịch tài chính thương mại lớn của thế giới thì ai cũng biết rồi. Nhưng thu hoạch lớn nhất của tôi trong chuyến đi đầu năm 1997 đến Hồng Kông là, đây là một thị trường tin tức lớn nhất thế giới. Ngày đầu đặt chân đến Hồng Kông tôi đã rất thú vị. Buổi sáng, mở cửa phòng ra, đã thấy người ta để cho khách cả một đống báo chí, tiếng Nga, tiếng Anh… ở trước cửa phòng. Còn gì thú vị hơn với một nhà báo là có được tin tức, sự kiện ở nơi sở tại trong khi mình có mặt ở đó. Tiếng Hoa ư? Tiếng Anh ư? Nhằm nhò gì “ba cái lẻ tẻ” đó! Tôi có cả một rừng bạn bè ở TP HCM, cứ khuân các tờ báo, tạp chí này về, sẽ có người giúp tôi dịch để khai thác tài liệu. Lại còn hình ảnh trong báo, tạp chí nữa, phong phú vô cùng.

Ở Hồng Kông một buổi sớm anh có thể biết những gì xảy ra trong đêm qua cho đến lúc anh tỉnh dậy. Những cuốn sách lớn mới ra lò, kể cả những cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất trên thế giới cũng được người ta tóm tắt ngay nội dung để bán cho anh. Ở Hồng Kông, nếu có tiền người ta có thể mua được tất cả mọi tin tức trên thế giới, có cả những “hãng” sản xuất ra thứ hàng hoá thông tin này để bán cho anh đặt mua hàng tháng hay hàng ngày. Vì thế các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều đặt phóng viên thường trú tại đây. Mật độ nhà báo thế giới ở đây vào loại cao nhất. Vì thế, Thông tấn xã Việt Nam những năm 60 thế kỷ trước đã phải nhiều lần điều đình để nhà báo Lê Phú Hào, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã đang thường trú tại Bắc Kinh có thể qua làm thường trú cho Thông tấn xã Việt Nam tại Hồng Kông. (Nhà báo Lê Phú Hào thông thạo bốn ngoại ngữ Pháp, Hoa, Anh, Tây Ban Nha sẽ có lợi cho cơ quan thông tấn Việt Nam lúc đó). Nhưng điều đình mãi, chờ đợi mãi, Thông tấn xã Việt Nam vẫn không đặt được phóng viên thường trú tại Hồng Kông. Cuối cùng phải cử ông Lê Phú Hào qua thường trú tại Alger (Algérie).

clip_image004

Nhà hàng nổi trên vịnh Victoria Hồng Kông

Điều thu hoạch thứ hai của tôi qua chuyến đi là, Hồng Kông là một trong những nơi có kinh tế dịch vụ lớn nhất và chuyên nghiệp nhất thế giới. Hồng Kông có những nhà hàng nổi trên vịnh Victoria có thể phục vụ một lúc 3000 thực khách một cách chu đáo, nhanh chóng… trong yên lặng. (Không ồn ào như các nhà hàng ở Quảng Châu mà tôi vừa thấy trước đó). Tôi muốn nói đến tính chuyên nghiệp cao của các dịch vụ ở Hồng Kông. Vào một nhà hàng ăn sáng ở Hồng Kông, người ta thấy nó rộng như một sân vận động và được chăng đèn kết hoa đỏ đến loá mắt. Các nhân viên chạy bàn 100% là thanh niên, phụ nữ không đủ sức làm công việc nặng nhọc này. Tôi vừa thấy một tốp khách chừng hơn 10 người ăn sáng xong đứng dậy, lập tức bốn nhân viên chạy bàn lao tới, cầm bốn góc khăn trải bàn nhấc bỗng lên rồi túm bốn đầu khăn lại, bát đĩa kêu loảng xoảng bên trong… Họ vứt cái túm khăn ấy lên một xe đẩy và lập tức khăn trải bàn mới, bát đũa mới được bày ra, xe đẩy thức ăn lăn tới… thế là bắt đầu cho một tốp ăn sáng khác… Nhanh như điện!

clip_image006

Trong một tiệm ăn sáng ở Hồng Kông

Kinh tế Hồng Kông là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển được xây dựng trên nền kinh tế thị trường, thuế thấp và ít có sự can thiệp kinh tế của chính phủ. Đây là một trung tâm tài chính thương mại quan trọng và là nơi tập trung nhiều đại bản doanh công ty của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Kinh tế Hồng Kông chủ yếu là dịch vụ. Tỷ trọng của khu vực này trong GDP của Hồng Kông lên đến 90%. Trong quá khứ, chế tạo là khu vực quan trọng nhất của nền kinh tế do Hồng Kông đã tiến hành công nghiệp hoá sau chiến tranh thế giới thứ hai. Với xuất khẩu làm động lực, kinh tế Hồng Kông đã tăng trưởng với tốc độ bình quân hằng năm là 8,9% trong thập niên 1970. Hồng Kông đã trải qua một quá trình chuyển dịch nhanh sang một nền kinh tế dịch vụ trong những năm 1980, khi tốc độ tăng trưởng đạt 7,7% bình quân mỗi năm. Phần lớn các hoạt động sản xuất được chuyển qua Trung Hoa đại lục trong thời kỳ này và công nghiệp hiện nay chỉ còn chiếm 9% nền kinh tế. Khi Hồng Kông đã lớn mạnh để trở thành một trung tâm tài chính, tăng trưởng chậm lại xuống còn 2,7% mỗi năm trong những năm 1990. Cùng với Singapore, Hàn quốc và Đài Loan, Hồng Kông được gọi là một trong Bốn con hổ châu Á do tốc độ tăng trưởng cao và công nghiệp hoá nhanh chóng trong thời kỳ từ thập niên 1960 đến thập niên 1990.

clip_image008

Đường phố Hồng Kông

Cái “con hổ” châu Á ấy, người dân tiêu đồng đôla Hồng Kông có tỷ giá 7,75 đến 7,85 một đôla Hồng Kông ăn 1 đôla Mỹ, sinh sống trên 262 hòn đảo có tổng diện tích 1103 km2 với hơn 5 triệu dân, nói tiếng Anh và tiếng Quảng Đông, không nói tiếng Quan Thoại như Trung Hoa lục địa. Cái “con hổ” ấy vào đêm 1 tháng 7 năm 1997 đã trở về với… đất mẹ Trung Hoa!

Những ngày tôi ở Hồng Kông, các nơi công cộng đều gắn những đồng hồ chạy ngược rất lớn. Những đồng hồ đó chạy giật lùi đếm những ngày còn lại cho đến thời điểm Hồng Kông về với Trung Hoa lục địa. Một làn sóng di dời khỏi Hồng Kông diễn ra trong những ngày đó. Người ta đã làm một cuộc thăm dò sau này ở Đại học Hồng Kông vào năm 2012 thì thấy 70% người được hỏi nói là họ tự nhận là người Hồng Kông chứ không phải là người Trung Quốc.

Làm sao lại di tản trước 1-7-1997? Làm sao lại muốn ly dị với chính tổ tiên của mình là người Hán và đất mẹ Trung Hoa, Nếu không phải đó là khát vọng của Tự do và Dân chủ – xu hướng của thời đại?

Cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người đang diễn ra nhiều ngày qua ở Hồng Kông đang là cơn địa chấn rung động dư luận toàn thế giới. Đó là cuộc biểu tình đòi phổ thông đầu phiếu của nhân dân Hồng Kông. Đó là sự phản ứng mạnh mẽ của người dân Hồng Kông trước sự lật lọng, nuốt lời hứa, lá mặt lá trái của chính quyền độc tài Bắc Kinh.

Ngày 31 tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh đã quy định rằng những ứng cử viên trong cuộc bầu đặc khu trưởng Hồng Kông phải là những người được chỉ định bởi một uỷ ban do Trung Quốc thành lập. Đó là sự lật lọng vốn có của Bắc Kinh, hệt như họ đã từng lật lọng trong các vấn đề ở Biển Đông những ngày tháng vừa qua.

Tháng 7 năm 1997, cả thế giới đã chứng kiến Hồng Kông từ một lãnh thổ phụ thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland từ 1842 chuyển giao chủ quyền cho Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Tuyên bố chung Trung – Anh và Luật Cơ bản của Hồng Kông quy định rằng Hồng Kông được hưởng một quy chế tự trị cao cho ít nhất 50 năm sau khi chuyển giao chủ quyền (ít nhất đến năm 2047). Dưới chính sách một quốc gia hai chế độ, chính quyền Bắc Kinh chịu trách nhiệm về quốc phòng, ngoại giao, còn Hồng Kông duy trì phần lớn chế độ chính trị, hệ thống pháp luật, lực lượng cảnh sát, chế độ tiền tệ, chính sách hải quan, nhập cư, xuất bản, báo chí, hệ thống giáo dục Anh, các đại biểu trong các tổ chức, đảng phái và các sự kiện quốc tế.

Nhưng nhân dân Hồng Kông đã phải ngỡ ngàng với “quy định mới” của Bắc Kinh ngày 31 tháng 8/2014.

Những gì đang xảy ra ở Hồng Kông là tất yếu. Bởi vì Hồng Kông không phải là Thượng Hải, Bắc Kinh. Sinh viên và nhân dân Hồng Kông đã từng hít thở không khí dân chủ tự do hàng trăm năm.

Sẽ có một Thiên An Môn ở Hồng Kông như 25 năm về trước hay không? Đó là câu hỏi đau đầu các nguyên thủ quốc gia, các nhà bình luận quốc tế và sự quan tâm của nhân loại tiến bộ.

Tôi đã một lần gặp gỡ Hồng Kông, đã thấy tận mắt xã hội dân sự phát triển rất mạnh ở xứ này. Dân trí Hồng Kông rất cao. Tôi nhờ nhân viên khách sạn dẫn đi các phố, các chợ để chụp hình. Chỗ nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Tôi cố tình tìm một hình ảnh “xấu” để chụp. Khi thấy một đống gạch vụn trên hè phố gây rác bẩn, tôi đưa máy lên chụp… thì người nhân viên này che ống kính của tôi lại. Khi về đến khách sạn, anh ta tìm người phiên dịch đến, giải thích cho tôi rằng, đó là do chủ sửa nhà chưa kịp dọn, không phải là rác bẩn. Người Hồng Kông không vứt rác ra đường bao giờ cả, do tôi hiểu lầm. Anh ta còn xin lỗi tôi về việc đã ngăn cản du khách chụp hình.

Do Hồng Kông đất hẹp người đông nên việc xây dựng nhà cửa rất hợp lý. Người ta có thể bạt một triền núi đá để san một mặt bằng rồi làm nhà cao tầng bên vách núi chênh vênh, giải quyết nạn thiếu nhà. Nhưng cả Hồng Kông lại là một công viên cây xanh lớn, với 40% đất được dành cho công viên thôn quê và các khu dự trữ thiên nhiên. Người đến mua sắm, du lịch ở Hồng Kông nườm nượp.

Hồng Kông thường được mô tả là nơi phương Đông gặp phương Tây, điều này được phản ánh trong hạ tầng kinh tế, giáo dục và văn hoá đường phố. Trên một góc phố nào đó, có thể có các tiệm truyền thống Trung Hoa bán thảo dược Trung Hoa, các đồ dùng linh tinh có liên quan đến Phật giáo hay bát súp vi các mập bằng chất dẻo. Nhưng tại góc phố tiếp theo, người ta có thể tìm thấy các rạp hát đang chiếu các bộ phim ăn khách của Hollywood, một quán rượu theo phong cách Anh, một nhà thờ công giáo hoặc một quán thức ăn nhanh MacDonald’s. Ngôn ngữ chính thức của Hồng Kông là tiếng Hoa và tiếng Anh; các biển hiệu bằng hai thứ tiếng này hiện diện khắp nơi ở Hồng Kông. Chính quyền, cảnh sát, và phần lớn các nơi làm việc đều sử dụng cả hai thứ tiếng. Sự cai trị của người Anh đã kết thúc một thập kỷ trước nhưng văn hoá phương Tây vẫn thấm sâu vào Hồng Kông và cùng tồn tại liền một mạch với triết lý và phong tục truyền thống phương Đông.

Cái xã hội Hồng Kông đa dạng, phong phú, đa nguyên cả văn hoá và chính trị như tôi đã thấy tận mắt, nghe tận tai ấy khó có thể một sớm một chiều rập khuôn theo những “quy định” của Trung Hoa đại lục. Trừ phi Trung Hoa cải cách theo Hồng Kông để phát triển, trỗi dậy trong hoà bình như ngài Tập Cận Bình đã… phán!

Tôi nghĩ như vậy.

Vả lại, cả một rừng báo chí thế giới đang có mặt ở Hồng Kông, không dễ gì tái diễn một Thiên An Môn giữa thế giới phẳng này.

Để kết thúc bài viết, tôi muốn trở lại đề tài “thử nghiệm” về vấn đề tiền nhuận bút của báo chí ở Việt Nam như đã nói ở trên.

Kể từ đầu năm 1997, nhất là gần đến ngày 1/7 năm đó, tin, bài, phóng sự ảnh của tôi về Trung Quốc và Hồng Kông liên tục xuất hiện trên các báo. Vậy mà, tiền nhuận bút thu về cũng không đủ chi phí cho chuyến đi (khoảng hơn 1000 đôla Mỹ)... Có thể nói, tôi là nhà báo đầu tiên đã làm một cuộc thể nghiệm, điều tra về chế độ nhuận bút hiện hành ở Việt Nam lúc đó với bài toán “tự đầu tư, tự trang trải”, và đi đến kết luận: nhà báo Việt Nam không thể sống bằng nhuận bút như các nhà báo ở các nước tự do khác. Nhà báo ở Việt Nam vẫn là các công chức ăn lương tháng, đi đâu thì ăn nhờ ở đậu các nhà khách của các địa phương, viết theo lời cán bộ địa phương nói. Rời cái vú sữa bao cấp ấy ra là chết liền! Sau này, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh thì cái quái thai này sinh ra các tờ báo sống chủ yếu bằng quảng cáo, đi chạy quảng cáo để ăn phần trăm. Một số nhà báo giàu lên, tậu được xe hơi nhà lầu thì chủ yếu là đi doạ dẫm các doanh nghiệp, tống tiền các đại gia vì họ sợ bị vu khống, bị bới móc các bí mật trốn thuế của họ. Nếu họ bị vu oan thì không được đính chính. Nếu có đính chính thì chỉ được vài dòng lí nhí ở trang tư, còn khi vu cáo họ thì đem lên trang nhất. Cái thứ báo chí như thế chỉ ngu dân và góp phần tạo nên những công dân ngu ngơ… chỉ biết cúi đầu vâng dạ.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến cuộc tranh luận nảy lửa giữa một bên là phái “xét lại” Liên Xô và phái “bảo thủ” Trung Quốc vào những năm 1960. Những người “xét lại” nhận định rằng đặc điểm của thời đại chúng ta đang sống là sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật. Chính khoa học kỹ thuật sẽ chi phối toàn bộ sự phát triển của loài người hôm nay.

Những sinh viên đi biểu tình ở Hồng Kông hôm nay, mỗi người đều có một điện thoại di động với phần mềm Firechat kết nối các điện thoại không phụ thuộc vào mạng dữ liệu trung tâm, tạo nên hàng ngàn phòng ‘chat’ di động. Họ kêu gọi toàn thể loài người bênh vực họ – những người biểu tình ôn hoà không bạo động.

Loài người đứng về phía họ, trong đó có những người dân Việt Nam, các ngư dân Việt Nam, những người đang bị độc tài Trung Quốc lật lọng 16 chữ vàng và 4 tốt!

L.P.K.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn