Ngô Đình Diệm – Dấu ấn về “Cải cách điền địa”

Thiện Tùng

Theo Hiệp định Genève năm 1954, Việt nam tạm thời chia 2 miền Nam – Bắc. Lúc bấy giờ, Việt Nam còn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Có lẽ vì vậy, chính phủ cả hai Miền đều chú tâm đến nông thôn và nông dân.

Miền Bắc đã có chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiến hành “cải cách ruộng đất” sớm hơn; Miền Nam chưa có chính phủ, vừa phải tiến hành Trưng cầu dân ý, lập chính phủ Việt Nam Cộng hòa, vừa phải lo định cư cho hơn 900.000 di dân từ miền Bắc vào, mãi đến năm 1957 mới ra chỉ vụ 57 và tiến hành “cải cách điền địa”.

Ngô Đình Diệm, sinh ngày 03/01/1901clip_image004

Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa

(26/10/1955 – 02/11/1963 = 8 năm, 7 ngày )

Tôi còn nhớ, Chỉ vụ 57 có 4 nội dung chính: Để ổn định nông thôn, phát triển Nông nghiệp bằng cách: “Cải cách điền địa”, cho vay “Nông tín cuộc”, làm thủy lợi, thay giống tăng vụ.

Cải cách điền điền địa: Chính phủ mua đất của Địa chủ và Phú nông với giá rẻ, cấp và làm bằng khoán cho những hộ nông dân chưa có đất, đồng thời lập bằng khoán mới cho các hộ nông dân đã có đất, kể cả đất do Việt Minh cấp cho họ trước đây.

Cho vay Nông tín cuộc: Tùy diện tích canh tác của mỗi hộ, cho vay theo định lượng, lãi suất thấp - mang tính chất tượng trưng.

Phải thừa nhận tính ưu việt của chỉ vụ 57, ngoài kích thích nông dân hưng phấn sản sản xuất nông nghiệp, còn tạo cho Địa chủ và Phú nông có số vốn (vốn tư bản) nhứt định, chuyển đổi thành phần, trở thành những nhà tư sản, thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Vì đất được cấp quyền sở hữu, được vay vốn Nông tín cuộc, nông dân cải tạo mặt bằng, tận dụng hết bìa chéo phần đất của mình, sản lượng nông nghiệp năm 1958 tăng lên đáng kể, chẳng những đủ trang trải còn có dư để xuất khẩu.

Về thủy lợi, để thau chua rửa mặn cải tạo Đồng Tháp Mười, ngoài nạo vét những con kinh xuôi chiều nước lũ, chính phủ của ông Diệm còn cho đào 2 con kinh dài mút tầm nhìn: kinh Xáng An Long bắt nguồn từ Sông Tiền và kinh Phước Xuyên bắt nguồn từ Sông Sở Hạ (biên giới Việt Nam - Campuchia ) xuôi theo chiều lũ, xuyên qua trung tâm ĐTM, gắn vào đầu kinh Tư Bíc (Casbic) tại Gãy Cờ Đen để góp phần thau chua, đẩy lùi mặn ra biển qua 2 con kinh lớn Nguyễn văn Tiếp A và B.

Về giống lúa, theo tập truyền, nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ làm một vụ lúa mùa, giống lúa mang tên các nàng: Nàng Hương, Nàng Chanh, Nàng Keo, Nàng Quớt, Nàng Tây, Nàng Tri, Nàng Rừng, .v.v. Vùng ngập nước 2 m trở lên có hai nữ kiệt gạo tím than, vượt nước tài tình là Nàng Tri, Nàng Rừng. Đã mang biệt danh là “lúa mùa”, dầu cấy hay sạ sớm hay muộn, các nàng cũng đứng đó chờ sang mùa Xuân mới trổ, thu hoạch rộ vào đầu tháng 12 âm lịch.

Từ năm 1960 trở về trước, ĐBSCL làm lúa mùa, chi phí đầu vào không đáng kể, không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu, chỉ dựa vào phân xanh, phân chuồng và phù sa do lũ để lại, năng suất chỉ 2-3 tấn trên 1 héc-ta (ha). Nếu tôi nhớ không lầm, từ năm 1962, xuất hiện đầu tiên giống lúa “Thần Nông 8” - còn gọi là lúa 3 trăng (3 tháng thu hoạch), xuất xứ đâu từ Philippines. Nhơn giống lúa ngắn ngày nầy, khởi đầu, xung quanh khu vực trường trung học Nông nghiệp Long Định (Mỹ Tho). Từ lúc có giống lúa 3 trăng mới có việc tăng vụ ngày một rộng về diện và dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Việc nầy có lẽ Giáo sư Nông học Võ Tòng Xuân rõ hơn ai hết. Tôi đã không cầm được xúc động, khi thấy anh chị em giao liên mang những bao lúa “Thần Nông 8” vượt Đồng Tháp Mười lên miền Đông Nam Bộ để chuyển nó ra Miền Bắc.

Chiến tranh xảy ra ngày mỗi khốc liệt, nông dân phải tản cư rời bỏ ruộng đồng. Nếu không, chỉ trong thập niên 60, chắc chắn Nam Việt nam đã nổi danh là nơi xuất khẩu lúa gạo.

Công tâm mà nói, Chính phủ Việt Nam Công hòa, do ông Diệm đứng đầu có công lớn trong “Cải cách điền địa” theo chỉ vụ 57.

05/10/2015

T.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn