“Hội nghị Diên Hồng” trước nguy cơ môn Lịch sử bị xoá sổ

Hoàng Thùy

Hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức tổ chức ngày 15/11 đã thu hút sự tham gia của hàng trăm giáo sư, phó giáo sư và các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử.

Giáo sư Phan Huy Lê cho biết, qua các lần cải cách giáo dục, môn Lịch sử với Tiếng Việt - Văn học, Toán đều được coi là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Nhưng dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì môn Lịch sử lại bị tích hợp vào các môn học khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc".

Tích hợp môn Sử ở cấp tiểu học là phù hợp về phương diện khoa học và tâm lý học sinh. Nhưng đến THCS và THPT mà vẫn bị cắt xén, lấy một ít kiến thức tích hợp với các môn khác là không có cơ sở. "Thực chất là xoá bỏ môn lịch sử trong nền giáo dục phổ thông", Giáo sư Phan Huy Lê nói.

Ông cho biết, cấp THPT có môn Lịch sử tự chọn, nhưng với sách giáo khoa và cách dạy, cách học như hiện nay thì sẽ không có nhiều học sinh lựa chọn. Kết quả thi THPT quốc gia vừa qua đã minh chứng điều này.

clip_image001

GS Phan Huy Lê. Ảnh: HT

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, thông tin nói trên đã làm xã hội hết sức kinh ngạc vì nếu môn Sử bị xoá sổ sẽ gây hậu quả to lớn. Một thế hệ trẻ sẽ lớn lên, trở thành những công dân chỉ biết lờ mờ, thậm chí biết sai về lịch sử dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên, những thành tựu dựng nước và giữ nước của cha ông.

Trên thế giới, hầu hết các nước văn minh đều xem lịch sử là môn cơ bản và bắt buộc trong nền giáo dục quốc dân. "Với yêu cầu của giáo dục phổ thông, môn học nào cũng quan trọng, nhưng xét về chức năng giáo dục thì các môn quốc ngữ, quốc văn, quốc sử và toán học là cơ bản nhất, hay còn gọi là cốt yếu, cốt lõi nhất và đều mang tính bắt buộc", thầy Lê nói.

GS Trần Thị Vinh (Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích, về cơ sở khoa học, ba môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng - An ninh có đối tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy khác nhau. Lịch sử là môn khoa học cơ bản giúp học sinh thông hiểu những kiến thức lịch sử cốt lõi của nhân loại, dân tộc. Đối tượng là toàn bộ tiến trình phát triển của nhân loại, khu vực, dân tộc. Còn mục tiêu của môn Quốc phòng an ninh là đảm bảo cho học sinh có hiểu biết ban đầu về quốc phòng, an ninh nhân dân, mang tính thực hành cao do tính chất rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật. Còn môn Đạo đức là giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân...

Theo GS Vinh, môn Giáo dục - Quốc phòng An ninh và Đạo đức công dân có thể sử dụng một số kiến thức Lịch sử để đạt được mục tiêu giáo dục, như kiến thức về lịch sử chống giặc ngoại xâm. Nhưng Lịch sử khi được tích hợp sẽ trở thành môn khoa học bản lề, học sinh sẽ nhìn nhận phiến diện lịch sử chỉ bao gồm chiến tranh, cách mạng. Như vậy, hiểu biết của các em về lịch sử sẽ thiếu tính hệ thống, phiến diện.

"Ai sẽ là người dạy môn Công dân với Tổ quốc trong khi các trường đại học sư phạm hiện nay cả trong nước và trên thế giới đều không đào tạo những môn lắp ghép kiến thức như vậy", GS Vinh trăn trở.

clip_image002

PGS Vũ Quang Hiển. Ảnh: HT

PGS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, cắt ghép và xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại. Ngày càng có nhiều công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách lắp ghép và xuyên tạc lịch sử theo một logic chủ quan đã định trước, nhưng lại núp bóng "cách nhìn mới" về lịch sử. Vì vậy, việc giáo dục lịch sử thiếu tính hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước hiểm hoạ thấy rõ.

"Nguy cơ lịch sử bị xuyên tạc và lợi dụng là không thể xem thường. Đây là bài toán mà Đảng, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam đều phải quan tâm", PGS Hiển nói và băn khoăn, liệu thế hệ trẻ Việt Nam mai sau có biết và tin rằng "Kẻ thù buộc ta ôm cây súng?", có còn phân biệt được đúng - sai, chính nghĩa - gian tà, xâm lược và chống xâm lược? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào thái độ ứng xử của ngành giáo dục với môn Lịch sử.

Cũng nhấn mạnh lịch sử là bất biến, không thể xuyên tạc, Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh (Vụ trưởng Giáo dục Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng vị trí của môn học Lịch sử trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phải được đặt đúng tầm quan trọng của nó. Đó là môn học cốt lõi nhất trong các môn học cốt lõi, phải được hệ thống lại, bổ sung cho đủ nội dung, không thể lồng ghép vào một môn học khác.

"Nếu không coi trọng lịch sử, chúng ta sẽ nhận lại hệ luỵ không thể lường trước cho chính chế độ, an nguy của đất nước", ông nhấn mạnh.

Tham dự Hội thảo, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ rất tôn trọng ý kiến của các chuyên gia sử học. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết, vì chưa nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo nên một số nội dung các chuyên gia phê phán là "oan cho Bộ". Cụ thể, trong dự thảo đã nói rõ Lịch sử là bắt buộc.

"Nhưng chúng tôi không đồng tình bắt buộc thì phải độc lập, vì đây là hai việc khác nhau. Về phản ánh chưa có tiền lệ tích hợp Lịch sử vào môn học khác, tôi cho rằng không phải cứ có tiền lệ thì mới đổi mới", ông Hiển nói và cho hay dự thảo Bộ đã đưa công khai trên website để tiếp nhận ý kiến công dân nên các giáo viên có thể đóng góp ý kiến.

GS Phan Huy Lê cho biết, Hội thảo đã nhận được hàng trăm ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử gửi về. Sau khi tổng hợp, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ gửi kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông.

Mặc khác, Hội cũng nhất trí kiến nghị Bộ Giáo dục không thể chậm trễ hơn nữa, bổ sung ngay nội dung về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không thể chờ đợt đến khi biên soạn lại sách giáo khoa vì phải vài ba năm nữa mới hoàn thành.

H.T

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoi-nghi-dien-hong-truoc-nguy-co-mon-lich-su-bi-xoa-so-3312471.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn