Bầu xong Ban Chấp hành Trung ương khóa XII

clip_image002copyright Reuters

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 với trên 80% phiếu bầu, theo các nguồn tin.

Hãng tin AP dẫn nguồn từ nhiều đại biểu, trong lúc trang tin Infonet.vn của Bộ Thông tin Truyền thông cũng nói ông Trọng được Đại hội Đảng 12 bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 với số phiếu cao (trên 80%).

Trước đó hôm 25/1, Đại hội Đảng Cộng sản đã bỏ phiếu đồng ý để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rút khỏi danh sách đề cử.

Với những diễn biến mới nhất, gần như chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được Ban chấp hành Trung ương bầu lại làm Tổng Bí thư.

Ngày 26/1, Đại hội Đảng đã bầu xong Ban chấp hành Trung ương gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.

Có bất ngờ khi ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ không có tên trong danh sách trúng cử.

Ông Tranh là một trong 5 người được Trung ương khóa 11 giới thiệu đặc biệt tái cử.

Một người trong đó là ông Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi.

Ba người khác quá tuổi cũng được bầu lại vào Trung ương khóa 12 là ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

[...]

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/01/160126_central_committee_list

Phụ lục:

1. Đại hội 12: ‘Người nào lên cũng phải cải cách’

Nguyễn Hoàng BBC Tiếng Việt, Hà Nội

clip_image004

Ảnh: Internet

Những yếu tố nào thúc giục thay đổi tại Đại hội Đảng và vì sao ghế tổng bí thư lại quan trọng vào lúc này?

Trả lời BBC Tiếng Việt tại Hà Nội hôm 25/1, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói rằng “người nào lên cũng phải cải cách vì Việt Nam đã hội nhập và sức ép từ Trung Quốc là khủng khiếp”.

"2015 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 32.2 tỷ USD và Trung Quốc làm gì ở Biển Đông thì chúng ta đều thấy.

“Người nào lên làm Tổng bí thư trong giai đoạn quyết định và cần phải có bước ngoặt như thế này là điều rất hệ trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Dân biểu Dương Trung Quốc cũng chia sẻ quan điểm này. Nhà sử học, dân biểu đã làm việc trong 14 năm qua mô tả sự kiện Đại hội Đảng 12 là “rất quan trọng”.

“Nó càng quan trọng bởi diễn ra vào thời điểm rõ ràng có những thay đổi rất to lớn đối với ba yếu tố.

“Yếu tố thứ nhất là đòi hỏi của người dân ngày càng lớn. Đặc biệt là tiến trình dân chủ hóa.

Không ai có chương trình hành động gì - TS Lê Đăng Doanh nói về các ứng viên lãnh đạo

“Yếu tố thứ hai chính là công cuộc hội nhập nó buộc anh phải thay đổi, anh không chỉ phải thay đổi về chính sách và pháp luật mà còn phải thay đổi cả về tập quán và thói quen.

“Và cái thứ ba tôi nghĩ là bản thân Đảng cũng muốn thay đổi”, ông Dương Trung Quốc nói với BBC cũng vào hôm 25/01 tại Hà Nội.

Bình luận về ghế Tổng bí thư, chủ đề được truyền thông trong và ngoài nước theo dõi và bình luận nhiều, ông Lê Đăng Doanh nói vào hôm 25/01 rằng theo cơ chế hiện nay là phải để Đại hội quyết định và chúng ta hãy xem xem Đại hội quyết định thế nào.

“Nhưng theo tôi thì sự quyết định cũng tương đối rõ ràng. Có nhiều chỉ dấu cho thấy có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được bầu làm Tổng bí thư kỳ này”.

clip_image005

Dân biểu Dương Trung Quốc nói ai cũng quan tâm Đại hội Đảng mặc dù mức độ thì khác nhau.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói thêm rằng việc chọn lãnh đạo hiện nay được dựa theo các tiêu chí mà ông mô tả là "chưa rõ ràng".

Chẳng hạn như tiêu chí chọn lãnh đạo thì dựa theo tuổi. Rồi dựa vào tiêu chí là người có ‘tham vọng chính trị’. Đã là lãnh đạo mà không có tham vọng chính trị thì là làm sao?

"Nếu tham vọng là làm sao để đất nước Việt Nam trở nên giàu mạnh thì tham vọng đó là phải được hoan nghênh chứ.

“Chính vì các tiêu chí thiếu rõ ràng và không thuyết phục nên người dân đang có nhiều ý kiến”, ông Doanh nói.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng bình luận rằng trong tất cả các ứng viên vào các chức cao nhất "không ai có chương trình hành động gì".

Trả lời câu hỏi của BBC rằng liệu ông đã tiếp xúc với những người dân không hề quan tâm gì tới Đại hội Đảng hay chưa, Dân biểu Dương Trung Quốc mô tả điều ông gọi là “ai cũng quan tâm cả nhưng tùy mức độ".

“Có những người quan tâm trực tiếp tới diễn biến, rồi động thái và đặc biệt là những thay đổi sau một đại hội trong đó có thay đổi về đường lối và thay đổi về con người.

“Có những người tưởng như không quan tâm, nhưng thực ra họ lại rất quan tâm tới đời sống sẽ tốt đẹp hơn hay khó khăn hơn, tự do thoải mái hơn hay khó chịu hơn.

“Có những người có thể nói là họ theo dõi từng ngày từng giờ, theo dõi những biến động khác nhau. Theo dõi thông tin trên hệ thống chính thống cũng như ở Việt Nam gọi là “lề trái” và đôi khi trở thành câu chuyện hàng ngày, thậm chí còn là một hứng thú.

“Cho nên có thể nói Đại hội Đảng tác động trực tiếp tới đời sống xã hội người dân còn mức độ quan tâm thì có khác nhau", ông Dương Trung Quốc nói.

N.H.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/01/160126_nguoi_nao_len_cung_phai_cai_cach

 

2. VNTB - Tản mạn ĐH XII: giấc ngủ đầy tớ, bầu bán, và chàng Đông Ki Sốt

Phạm Mạnh Tuân

Các vị tuyên giáo hay nhắc nhân dân chớ nghe bọn phản động ru ngủ, nhưng xem ra, báo cáo của ông Tổng bí thư lại là liều thuốc ngủ hiệu quả không kém.

Giấc ngủ của đầy tớ và đôi chân trần trên băng của ông chủ

ĐH XII được chuẩn bị kỹ càng, qua nhiều kỳ họp chuẩn bị, tập trung về đây là các đại biểu ưu tú mà đảng lựa chọn, những đầy tớ mẫn cán, trung thành của dân, với tư duy tầm cao đỉnh của trí tuệ. Một kinh phí khổng lồ được lấy ra từ ngân khố đang cạn kiệt để chi cho sự kiện này, các tấm băng rôn chào mừng có khắp thôn cùng ngõ hẻm, đèn hoa, cờ giong trống mở, cấm đường, bếp ăn đặc biệt, cùng hơn 5.000 lính tinh nhuệ với khí tài hiện đại phô trương thanh thế, đi kèm hệ thống truyền thông ra rả báo cáo công phu... Có nhẽ vì thế mà trước ống kính máy quay, các đại biểu ưu tú của đảng vẫn có thể ngủ ngon lành.

clip_image006

Các vị tuyên giáo hay nhắc nhân dân chớ nghe bọn phản động ru ngủ, nhưng xem ra, báo cáo của ông Tổng bí thư lại là liều thuốc ngủ hiệu quả không kém.

Trong khi đó, rất nhiều “ông chủ” hay thậm chí là “chủ nhân” tương lai vẫn đi trân chần trong thời tiết băng giá [xem hai bài trên BVN trước bài này].

Bầu bán

Theo tin từ báo chí chính thống thì việc chọn nhân sự kỹ lưỡng trong đoàn kết và nhất trí cao, về nhân sự được giữ bí mật tuyệt đối, thế nhưng những gì báo lề dân đưa tin về nhân sự lại trúng 100%.

Hóa ra việc “bầu bán” chỉ là hình thức, mọi thứ đã được định sẵn. Bí mật vì thế lại được bật mí.

Trong khi đó, sự đoàn kết, thống nhất lại “lộn tùng phèo” với với những tin tức mang hướng nóng, lạnh - đấu đá bất thường…

ĐH với từng ĐBQH về tham dự lại hóa thân vào vai hề mồi trong chèo cổ xướng lên: "Anh em chúng ta ra đây... coi nhau bằng vàng í ì ì... iii".

Báo cáo chính trị và chàng Đông Ki Sốt với cối xay gió

Lại nói về báo cáo chính trị của ông Tổng, nó kiên định đến mức đại biểu ngủ gục, nhìn mái tóc bạc phơ với cái tuổi nhân sinh thất thập cổ lai hy, cảm thấy thương ông mang cái báo cáo nặng nề quá sức... Nhớ lại câu tuyên bố trước đó của ông về việc, không biết bao giờ mới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, lại thấy ông Tổng hệt như vai hề chèo hay anh thầy bói mù trong nhận định, với cái tráp sự nghiệp vinh quang... Bói nếu sai thì Bói Bù là cùng chứ gì!

Tiếp đó, là tham luận của ông Chủ tịch Công đoàn Việt Nam với lời cảm ơn Chủ tịch nước, và Thủ tướng đã lên tiếng khi ngư dân bị cướp bóc, biển bị xâm lấn. Thấy chua xót gì đâu! Bởi lẽ, thói thường, khi "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", xã tắc lâm nguy thì con dân phải lên tiếng. Ấy vậy mà theo lời ông Chủ tịch Công đoàn, thì chỉ có hai trụ là lên tiếng, còn hai trụ thì có thấy vẫn như không.

May thay! Trong cái tham luận, báo cáo chính trị dày đặc chữ và khéo làm cho người ta ngủ đó, thì lại nổi lên ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tham luận của ông như tiếng sấm giữa trời quang, chỉ có điều tiếng sấm ấy không đánh thức được kẻ ngủ say...

Thế nên, ông Vinh như một Đông Ky Sốt với cả hệ thống cối xay gió!

Sau đại hội đất nước sẽ ra sao

Nhân dân, ông chủ của đất nước không được bầu ra người chèo lái của mình, thậm chí không được đuổi cả những thằng đầy tớ mất nết, nên nói hay cho ai làm Tổng thì cũng vậy mà thôi. Tuy nhiên, chỉ cần quan sát những điều đang diễn ra thì thấy sự phân rã đã đến tầm cao nhất, bởi khi chốn uy nghiêm thành cái chợ, thì cá mè một lứa là lẽ thường.

Dù ai nắm quyền thì sau đại hội cũng phải đối mặt với tình trạng ngân quỹ cạn kiệt. Sức dân chẳng còn mấy để cõng phí, giá, nợ, trong bối cảnh chung của thế giới giá dầu mỏ xuống dốc, thì cái sự khốn lại càng thêm khó.

ĐCSVN muốn tồn tại chỉ còn cách mạnh mẽ cải tổ, tận dụng cơ hội mà TPP đem lại, nhưng muốn chơi thì phải theo luật, các hành lang pháp lý sẽ hình thành và được mở ra, người lao động với công đoàn độc lập sẽ bảo vệ mình hiệu quả hơn, các hội đoàn cũng được hoạt động tự do và từ đó thông tin không bị bóp nghẹt – dân trí sẽ tăng.

Nếu mọi sự diễn ra như vậy sẽ là kết cục đẹp, còn ngược lại, sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát. Chỉ bởi, mọi thứ đã, đang và sẽ diễn biến theo một quy luật nhất định, đó là nguyên tắc Mác-xít cơ bản mà tôi đã được học.

Tin hay không tuỳ bạn!

P.M.T.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/01/vntb-tan-man-h-xii-giac-ngu-ay-to-bau.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn