Tin buổi chiều 25-1 Đại hội 12 chấp nhận thủ tướng Dũng rút

clip_image002

Cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trương Tấn Sang đều xin rút lui khỏi danh sách đề cử và đã được Đại hội đồng ý

Báo Việt Nam nói Đại hội 12 chấp nhận Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch QH nhiệm kỳ Đại hội 11 rút khỏi danh sách ứng cử viên Trung ương khóa tới.

Công tác kiểm phiếu chọn các ứng viên được giới thiệu bổ sung tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được thực hiện tại Hà Nội chiều 25/1.

Trước đó, việc các đại biểu bỏ phiếu đối với 29 trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử đã diễn ra vào lúc 5 giờ chiều 25/1.

Trong danh sách các ứng viên cuối cùng, có 221 người do Ban Chấp hành khóa cũ giới thiệu đã chắc chắn có mặt.

Vào lúc 20 giờ giờ Hà Nội, báo Tuổi trẻ ở Việt Nam đăng tin rằng "đa số đại biểu của Đại hội XII đã đồng ý cho 29 ứng cử viên (23 chính thức và 6 dự khuyết) rút khỏi danh sách bầu cử".

Đó là những ứng cử viên được giới thiệu (ngoài danh sách đề cử của Trung ương khoá XI) và đã xin rút trước đó.

Họ gồm có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, nguyên Bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải và một số người khác.

Truyền thông tiếng Anh cũng vừa có tin về sự kiện Thủ tướng Dũng không còn 'trong cuộc chạy đua'.

Reuters viết rằng Đại hội Đảng Cộng sản ở Việt Nam đã chấp nhận "đơn xin rút" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trước đó, hãng tin này trích lời bình của nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, ông David Brown nói "cách vận hành của bộ máy quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam quả là gây chóng mặt".

Ông Brown cũng nói "đây quả là một cuộc thi đấu" (contest) và người ta có những sự lựa chọn khác nhau".

Điều này khiến Đại hội Đảng CSVN lần này khác với những lần trước khi mọi việc chỉ là "buồn tẻ và chia lại ghế".

"Đại hội quyết định"

Số lượng nhân sự ứng cử, đề cử bổ sung sẽ không được vượt quá 36 người để bầu cử ủy viên chính thức.

clip_image003

Truyền thông tiếng Anh cũng vừa có tin về sự kiện Thủ tướng Dũng không còn 'trong cuộc chạy đua'

Tính đến sáng 25/1, có 62 người được Đại hội đề cử vào danh sách ứng cử viên chính thức và khoảng 30 người vào danh sách bầu ủy viên dự khuyết.

Đã có 23 người xin rút khỏi danh sách đề cử ứng viên chính thức, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trương Tấn Sang và toàn bộ bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 11 khác, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường được trang tin VnExpress dẫn lời.

Những người nhận được trên 50% số phiếu "không cho rút" sẽ được gộp vào danh sách các ứng viên được đề cử và không xin rút; tất cả sẽ qua một vòng bỏ phiếu nữa để chọn 36 đại diện.

Trong vòng bỏ phiếu thứ hai, các gương mặt được chọn sẽ tính theo thứ tự số phiếu cao nhất tính từ trên xuống, không nhất thiết phải đạt quá bán hay đa số tối đa.

Danh sách ứng viên chính thức, gồm 221 người do Ban Chấp hành cũ đề cử, và 36 người do Đại hội chọn ra sau hai phiên bỏ phiếu chiều tối nay, sẽ được chốt lại để Đại hội bầu vào Ban Chấp hành mới.

Việc bầu Ban Chấp hành mới sẽ được tiến hành vào sáng 26/1.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/01/160125_party_congress_candidate_list_finalised

Phụ lục: Tin buổi sáng 25-1

Thủ tướng Dũng 'được đề cử nhiều nhất'

clip_image005

Thủ tướng VN ông Nguyễn Tấn Dũng nhận được đề cử bổ sung nhiều nhất tại Đại hội 12, theo truyền thông Việt Nam.

Đương kim Thủ tướng Việt Nam được 'đề cử nhiều nhất' tại Đại hội 12 trong số hàng chục trường hợp được giới thiệu nằm ngoài 'danh sách đã chốt' của Hội nghị Trung ương 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo truyền thông trong nước.

Báo Pháp luật Việt Nam viết:

"Trong danh sách các đoàn giới thiệu có các đồng chí: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Được biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người được giới thiệu nhiều nhất. Danh sách được giới thiệu đề cử còn có thêm Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị..."

Báo Đất Việt cũng đưa tin:

"Một nguồn tin khác cho biết, Thủ tướng là người được giới thiệu nhiều nhất trong dánh sách được đề cử bổ sung".

Giới thiệu ngoài danh sách

clip_image006

62 người được giới thiệu bổ sung ngoài danh sách Trung ương ĐCSVN đề nghị, theo báo Việt Nam.

Cũng hôm Chủ nhật, tờ Pháp luật TPHCM đưa tin về Đại hội 12 cho hay đã có 62 người được 'giới thiệu thêm' ngoài danh sách Trung ương đề nghị. Dẫn lời ông Vũ Ngọc Hoàng, tờ này khẳng định:

"Nhiều Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI thuộc diện quá tuổi như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tổ chức trung ương Tô Huy Rứa… đều đã được đại biểu ở nhiều đoàn đại biểu dự Đại hội XII tiếp tục giới thiệu tái cử vào Trung ương khóa XII.

"Ngoài ra, nhiều đảng viên không phải là Ủy viên Trung ương khóa XI cũng được đại biểu các đoàn giới thiệu thêm, bổ sung vào danh sách mà Trung ương khóa XI gửi tới Đại hội trước đó".

Danh sách bổ sung này sẽ được chọn từ trên xuống dưới, theo tỷ lệ ủng hộ, đảm bảo tổng số ứng viên do Trung ương khóa XI giới thiệu và số giới thiệu bổ sung tại Đại hội không dư quá 30% con số được bầu, tức 200 ủy viên trung ương cả chính thức và dự khuyết của Trung ương khóa XII - Pháp luật TPHCM

Theo tờ báo này, công việc giới thiệu bổ sung nhân sự và tiến hành bầu chính thức vẫn tiếp tục còn chờ quyết định thêm của Đại hội.

"Như đã thông tin, thực hiện Quy chế bầu cử 244 của Trung ương khóa XI và Quy chế bầu cử của Đại hội XII, tất cả ủy viên trung ương khóa XI, nếu không được Trung ương giới thiệu tái cử, thì tới Đại hội này, dù được đại biểu các đoàn giới thiệu tiếp, thì cũng phải từ chối", tờ Pháp luật TPHCM cho biết thêm.

"Tuy nhiên, việc họ có được rút khỏi đề cử hay không sẽ phải qua một quy trình để Đại hội biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín để quyết định. Nếu đa số yêu cầu họ ứng cử tiếp, thì những người này sẽ được đưa vào danh sách bổ sung.

"Danh sách bổ sung này sẽ được chọn từ trên xuống dưới, theo tỷ lệ ủng hộ, đảm bảo tổng số ứng viên do Trung ương khóa XI giới thiệu và số giới thiệu bổ sung tại Đại hội không dư quá 30% con số được bầu, tức 200 ủy viên trung ương cả chính thức và dự khuyết của Trung ương khóa XII.

"Sau đó, cuộc bỏ phiếu chính thức để bầu ra Trung ương khóa XII mới được tiến hành".

clip_image007

Nhiều bloggers hay Facebookers hàng đầu của Việt Nam tiếp thục bình luận, theo dõi chặt chẽ và chia sẻ trên mạng xã hội về kỳ Đại hội 12.

'Giọt nước tràn ly'

Đã và đang có các nhận định, bình luận khác nhau của dư luận và các giới quan sát về bầu chọn nhân sự cao cấp của kỳ Đại hội.

Trên FB của mình hôm 24/01, blogger Osin Huy Đức - Trương Huy San, trong một bình luận, nêu quan điểm:

"Cho dù kết quả thế nào thì Đảng CSVN đã không còn như trước nữa (ít nhất về mặt thông tin, mọi diễn tiến đều được các bên cập nhật)".

Trước đó, vài giờ đồng hồ, cũng blogger này nêu bình luận:

"Khi 75% ủy viên TW quay lưng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dồn phiếu cho TBT Nguyễn Phú Trọng (trong BCT cũng chỉ duy nhất 1 phiếu giới thiệu ông Dũng vào chức vụ TBT), có nghĩa là "giọt nước đã tràn ly". Đảng đang cầm quyền chứ không phải chỉ một người hay một gia đình chia chác và cầm quyền.

Khi 75% ủy viên TW quay lưng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dồn phiếu cho TBT Nguyễn Phú Trọng (trong BCT cũng chỉ duy nhất 1 phiếu giới thiệu ông Dũng vào chức vụ TBT), có nghĩa là "giọt nước đã tràn ly". Đảng đang cầm quyền chứ không phải chỉ một người hay một gia đình chia chác và cầm quyền - FB Osin Huy Đức

"Tôi nghĩ, nếu ông Dũng ra đi, chính quan chức các tỉnh miền Tây, miền Đông, sẽ là những người mừng nhất. Từ nay, lượng các ông hoàng, bà chúa mà họ phải phục dịch giảm đi rất nhiều.

"Đại hội vẫn còn 3 ngày then chốt. TS. Nguyen Duc Thanh, trên FB của mình, đưa ra một dự đoán rất táo bạo về kết quả phiếu bầu đối với TBT Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta cũng nên dự đoán số phận chính trị của cậu ấm Nguyễn Thanh Nghị. Liệu đại hội đại biểu toàn quốc có được sự "sáng suốt" như đại hội đại biểu Sài Gòn".

Còn trong bài trả lời phỏng vấn BBC hôm Chủ nhật, TS. Vũ Cao Phan, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Đại học Bình Dương, nêu bình luận và dự đoán về nhân sự ở kỳ Đại hội. Ông nói:

"Sự chuẩn bị cho Hội nghị TW 14 cũng như cho Đại hội 12 của Đảng là khá kỹ, hơn hẳn các Hội Nghị TW 6, 7 và 10 trước đây. Các “biện pháp tổ chức” cũng đã được thực thi khá nặng và triệt để để bảo đảm sự thành công của Đại hội như nó được trông đợi. Có thể nhìn thấy kết quả.

clip_image008 PGS. TS. Phạm Quý Thọ đặt dấu hỏi liệu chủ nghĩa bảo thủ trong Đảng đang và sẽ cản trở quá trình đổi mới, cải tổ của Việt Nam.

Sự ổn định cũng là cần thiết cho thời kỳ phát triển rất quan trọng của Việt Nam sắp tới. Nhưng theo tôi nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu lại làm Tổng Bí thư, ông cũng chỉ nên tái tại vị tối đa nửa nhiệm kỳ. Những người được thấy sẽ kế tục ông cũng đã là các cụ cứng cựa cả, đâu còn cần chăm sóc, chỉ bảo nữa".

Bảo thủ cản đổi mới?

Trong khi đó, từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam, PGS. TS. Phạm Quý Thọ trong bài viết trên BBC hôm 24/1, bình luận về khía cạnh mà ông cho là cần lưu ý về chủ nghĩa bảo thủ trong đảng và ảnh hưởng của nó tới quá trình cải tổ, đổi mới ở Việt Nam hiện nay và tương lai.

Nhà nghiên cứu viết: "Trong ngày đầu, các diễn văn, báo cáo chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng của lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước được trình bày.

Chưa có nghiên cứu chỉ ra một cách thuyết phục tính đúng đắn của quan điểm này trong thực tế, song điều hiển nhiên về mặt lý luận là chủ nghĩa Mác-Lê Nin đối nghịch với kinh tế thị trường hiện đại. Mặc dù có nhiều phản biện, quan điểm này hiện vẫn là kim chỉ nam trong đường lối của đảng CSVNPGS - TS. Phạm Quý Thọ

"Sau đó có các tham luận của các đại biểu, trong đó có một số bài được coi là ‘dốc ruột’, mà một số báo trong nước đã đăng tít như ‘Bài phát biểu tâm huyết, thẳng thắn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh’ trên Vietnamnet, ngày 23-01-2016), hay bài 'Ông Đặng Ngọc Tùng: 'Nhân dân cần lãnh đạo khí phách'' trên Vnexpress.net cùng ngày..., đã đang gây được sự chú ý trong công luận.

"Tuy nhiên quan sát từ các văn kiện có điều không thay đổi, mang xu hướng bảo thủ (hiện giờ và sẽ là ít nhất trong nhiệm kỳ đại hội 12) là ‘kiên định chủ nghĩa Mác-Lê Nin, là kinh tế thị trường ‘định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)’.

"Phải chăng mục tiêu của Chủ nghĩa Xã hội, về mặt lý thuyết, được cho là ‘tốt đẹp’ hơn Chủ nghĩa Tư bản cho nên phải hướng tới?

"Chưa có nghiên cứu chỉ ra một cách thuyết phục tính đúng đắn của quan điểm này trong thực tế, song điều hiển nhiên về mặt lý luận là chủ nghĩa Mác-Lê Nin đối nghịch với kinh tế thị trường hiện đại. Mặc dù có nhiều phản biện, quan điểm này hiện vẫn là kim chỉ nam trong đường lối của đảng CSVN," PGS. TS. Phạm Quý Thọ nêu quan điểm với BBC".

Sẽ thắng áp đảo?

Bình luận TS về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa được đề cử bổ sung 'với tỷ lệ cao' vào danh sách Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 12 tại kỳ Đại hội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với BBC hôm 24/1:

"Nếu mà ông Nguyễn Tấn Dũng tận dụng được cơ hội mong manh này để trụ lại..., thì ông sẽ có một quyền lực rất lớn.

Bất luận là ông Dũng hay là ông Trọng thắng trong cuộc này, thì ĐCSVN sau Đại hội này cũng sẽ không còn là cái đảng cộng sản trước Đại hội - TS. Nguyễn Quang A

"Và điều đó chứng tỏ rằng tất cả những tính toán để loại ông ấy ra là thất bại và trong mọi trường hợp, nó sẽ là một sự cố đánh dấu một sự thay đổi chưa từng có trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

"Có thể nó đánh dấu một giai đoạn mới và nó thể hiện một sự chia rẽ, trước kia nó cũng có, nhưng mà đến bây giờ, nó lộ ra thanh thiên bạch nhật.

"Và như thế thì thực sự nó sẽ dẫn đến những bước phát triển mới của tình hình chính trị Việt Nam.

"Tôi nghĩ rằng bất luận là ông Dũng hay là ông Trọng thắng trong cuộc này, thì Đảng Cộng sản Việt Nam sau Đại hội này cũng sẽ không còn là cái đảng cộng sản trước Đại hội", nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự và dân chủ hóa của Việt Nam nói với BBC.

Được biết, theo lịch trình làm việc của Đại hội 12, ngày bế mạc Đại hội hôm 28/01 sẽ chính thức ra mắt tân Tổng Bí thư khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước đó, toàn bộ kết quả bầu các ủy viên mới của Ban chấp hành Trung ương của đảng này sẽ được công bố, cùng với chi tiết về thành phần nhân sự trong các cơ cấu quyền lực tối cao của Đảng như Bộ Chính trị và Ban bí thư v.v...

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/01/160124_pm_nguyentandung_nominated

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn