Tri ân mái nhà xanh thiên nhiên

Nguyễn Thị Khánh Trâm

Ảnh Lê Việt Dũng bổ sung bài Tri ân mái nhà xanh

Ảnh Lê Việt Dũng

Vào đúng ngày cuối cùng của tháng Ba, nghệ sỹ thị giác - nhà thơ Ly Hoàng Ly tổ chức buổi trình diễn – xếp đặt ( performance - installation): ÔM CÂY – ÔM NGƯỜI TA YÊU THƯƠNG – ÔM CHÍNH MÌNH.

Cách đây khoảng mươi ngày, truyền thông đưa tin về một dự án mà khi tiến hành xây dựng người ta sẽ chặt bỏ, di dời hàng cây này. Đây là những hàng cây xà cừ cổ thụ có tuổi đời cả thế kỷ. Trước tình thế xót xa này, con tim người nghệ sỹ yêu cái đẹp, yêu một di sản thiên nhiên gắn bó lâu đời với Sài Gòn sắp bị xóa sổ, Ly Hoàng Ly đã mời gọi những trái tim cùng nhịp đập tham dự vào buổi trình diễn này với tư cách “mỗi người là một nghệ sỹ”.

Nhóm “Tri ân cây” sáng nay khoảng hơn 20 người, phần lớn là những gương mặt trẻ. Có nhà thơ, nghệ sỹ, nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu, nhà báo… và cả hưu trí (là tôi). Mỗi “nghệ sỹ” đều gắn lên mình chiếc huy hiệu xanh với biểu tượng bé gái đứng trước thân cây, mang dòng chữ: “Cảm ơn cây - Thank you, trees”. Điều gây ấn tượng sâu lắng với cả nhóm là sản phẩm này do chính con gái bé bỏng của người nghệ sỹ sáng tác - trái tim nhỏ LoLo đã cùng mẹ đồng hành.

Chúng tôi tập trung nhau lúc 4h30 ngày 31/3/2016 khi màn đêm còn dầy đặc. Hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng hiện ra dưới ánh đèn đêm màu vàng nhạt. Nghệ sỹ Ly Hoàng Ly nói vài lời về lý do của chương trình và chỉ dẫn cách thể hiện cho nhóm tham gia. Ai ai cũng đang rất chăm chú thì bỗng dưng bị ngắt đoạn bởi sự xuất hiện của những nhân viên công quyền. Họ yêu cầu trình giấy phép. Tiếng người đàn ông vang to: “Các chị đang làm công việc tuyên truyền như thế này có giấy phép không”? Rồi tiếp: “Đề nghị giải tán, cấm tập trung đông người…”. Cả nhóm chúng tôi không đồng tình, vì thế chẳng ai chấp thuận. Tôi ôn tồn giải thích ngay: “Nghệ sỹ Ly Hoàng Ly không tuyên truyền anh ạ. Chúng tôi chia sẻ suy nghĩ thôi”. Và, có bạn tiếp lời tôi: “ Nếu chúng tôi đi tập thể dục cùng nhau thì cũng “cấm tập trung đông người à”?…

Chúng tôi biết việc phải làm vì có chung mục đích. Cả nhóm tản ra. Ly Hoàng Ly cũng như chúng tôi, mỗi người tự chọn cây cho mình. Người người đứng bên cây, ôm cây trò chuyện, tâm sự, vỗ về, tri ân, cùng hơi thở nhịp nhàng hít vào thở ra, hướng nghĩ suy về một thực thể sống được con người đặt chung cho cái tên là: Thực vật. Không giống như động vật, đây là loài duy nhất bị phụ thuộc vào không gian. Ôm ghì “người bạn” vào lòng, trong tôi văng vẳng câu nói: “Thực vật là loài bị phụ thuộc vào không gian nên khi bị “xơi tái” vẫn phải đứng im đó, không chạy đi đâu được”! Càng nghĩ tôi càng thấy thương chúng! Con đường rợp bóng cây quý giá này nặng trĩu những giá trị không dễ gì đo đếm được chẳng lẽ sẽ chịu số phận bi thảm thật sao? Vâng, tôi cũng đọc được những bài giải thích trên báo, rằng: “một số sẽ được di dời…”. Nhưng, di dời đi thì những cây cổ thụ dễ gì sống lại và (giả sử) có hồi sinh thì giá trị mang tính “di sản” sẽ không còn nữa bởi chúng tồn tại ở một không gian khác rồi. Tôi lần lượt đi, lần lượt chạm vào từng “người bạn” của tôi. Yêu thương, lo sợ, tiếc nuối cứ đan xen nhau…

Vẫn biết phát triển đô thị là một bài toán khó, nhưng nếu thật sự thiện chí và làm việc có trách nhiệm thì sẽ tìm được giải pháp khả thi để đáp ứng nhu cầu xây dựng mà vẫn bảo tồn được di sản ở mức tối ưu nhất. Nhìn ra thế giới chúng ta thấy khá rõ và ngay tại thành phố này cũng đã được tính đến (như Thương xá Tax, sau khi có kiến nghị của công dân). Bài học về bảo tồn di sản mà tôi theo học đã lâu lại hiện về. Francais Metzer, KTS công trình 9 quả cầu nổi tiếng của Bỉ có nói: “ Bảo tồn di sản có hiện tượng, những gì người con muốn quên đi thì người cháu lại nhớ đến”. Người phương Tây đi trước chúng ta có kinh nghiệm phát triển đô thị. Chúng ta đi sau nên học hỏi những truyền đạt chân tình ấy. Đừng để con cháu mình sau này chỉ còn thấy những di sản qua tranh ảnh và tư liệu mô tả… Tôi ước gì những người lập kế hoạch đọc được lời chia sẻ của vị KTS Francais Metzer thì hay biết mấy. Tôi hy vọng và hy vọng.

Gần 2 tiếng đồng hồ đi trong sớm mai, thăm thú trò chuyện với những người bạn thiên nhiên, tôi chợt thấy cây cũng như con người ở ngay hình thức bên ngoài. Tôi đã chụp hình ghi lại hết bởi sợ… (lỡ dại mồm). Mỗi cây một vẻ, một dạng. Có “bạn” ôm cục bứu, có “bạn” còn rất trẻ, có “bạn” cả 100 tuổi. Ngước mặt nhìn theo những chú chim sẻ bay vút lên cành, tôi phát hiện ra mảnh trăng lưỡi liềm lửng lơ trên bầu trời… và khi đang vỗ về một gốc cây cổ thụ, có một bác gái đứng gần tuổi trung niên hỏi tôi đang làm gì đấy, tôi tâm sự về lo sợ hàng cây cổ thụ xanh mát này sẽ không còn nữa nên đến đây âu yếm chúng, cảm ơn về những tháng ngày che nắng che mưa cho bao mái đầu qua lại suốt thế kỷ qua… Bác trung niên xúc động, đồng tình. Tôi thấy vui trong lòng. Thứ niềm vui chợt đến. Thế rồi niềm vui nối tiếp niềm vui. Khoảng mươi phút sau, khi tôi vừa buông tay khỏi một cây nhỏ, có bạn nam thanh niên (mặc áo đỏ) đến hỏi tôi: cô có cùng nhóm với anh Ly Hoàng Ly không? Biết ngay bạn chưa biết gì về người nghệ sỹ, tôi lấy điện thoại di động mở trang FB Ly Hoàng Ly đưa bạn xem, và nói: Ly Hoàng Ly là nghệ sỹ, nhà thơ nữ bạn à. Công việc của chúng tôi sáng hôm nay đây (tôi đưa xem status Trình diễn-xếp đặt). Bạn trẻ cũng lấy điện thoại, mở địa chỉ tôi hướng dẫn và chăm chú đọc. Lại thêm một niềm vui bất ngờ!

Sáng nay tôi cũng ấn tượng về một bạn an ninh có thái độ đúng mực trước hành động “Tri ân cây” này. Bạn ân cần nhắc nhở mỗi khi chúng tôi mải mê với công việc của mình mà không chú ý xe cộ dễ gặp nguy hiểm.

Đi dọc con đường từ đầu Tôn Đức Thắng đến Ba Son là kết thúc. Lúc này khoảng gần 7 giờ sáng. Trước khi chia tay, chúng tôi chụp hình lưu niệm. Mỗi bàn tay nhọ nhem là những tình cảm NGƯỜI-CÂY, CÂY-NGƯỜI. Tháo chiếc huy hiệu đặt giữa lòng mỗi bàn tay, cả nhóm xoè thành hình tròn. Tôi nói: It’s so nice. Unforgetable hands ! (Đẹp quá, những bàn tay khó quên!). Nghệ sỹ Ly Hoàng Ly khe khẽ thốt lên: “Xúc động quá”!

Chia tay người nghệ sỹ và cả nhóm, tôi vừa vui và cũng vừa lo. Một nỗi lo mất mát: Người mất bóng cây, mất sự sống trong lành vì không còn lá phổi, mất vẻ đẹp, mất ký ức, chim chóc mất nơi trú ngụ, nhà thơ mất nguồn cảm hứng, và con người mất niềm tin về sự minh bạch cần phải có nếu muốn xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh.

Chẳng lẽ : “ Cây cao bóng cả nghĩa lý gì

Tuổi tầm thế kỷ bỗng ra đi”???

Ôi, những hàng cây yêu dấu- những hàng cây nhớ thương !

TRI ÂN CÁC BẠN !

Sài Gòn 31/3/2016

N.T.K.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn