Khi quyền lực không thuộc về nhân dân

Luật sư Ngô Ngọc Trai gửi cho BBCVietnamese.com

clip_image002

Hà Nội đang phát triển và nhiều công trình xây dựng (ảnh minh họa)

Báo Thanh Niên mới có bài ‘Miễn xử lý hình sự lãnh đạo Vinaconex vì vi phạm lần đầu’, thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận quần chúng.

Nội dung bài báo cho biết, quá trình điều tra đã xác định ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân - nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cùng 3 thành viên HĐQT "có dấu hiệu tội phạm nhưng do khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu nên không xem xét trách nhiệm hình sự".

Kết quả điều tra cho thấy từ năm 2004, Hội đồng quản trị Vinaconex lúc đó là các ông: Phí Thái Bình - Chủ tịch, Nguyễn Văn Tuân, Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên khi thực hiện vai trò nhiệm vụ của chủ đầu tư cấp nước sông Đà đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite sợi thủy tinh khi chưa thẩm định; lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực và kinh nghiệm, cung cấp sản phẩm cho dự án không đảm bảo chất lượng nên công trình liên tục bị hư hỏng trong quá trình vận hành, khai thác. Cơ quan tố tụng xác định cả 5 người này đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật Hình sự.

Cũng theo thông tin bài báo thì từ khi công trình đưa vào sử dụng đến khi khởi tố vụ án (tháng 7/2014) đã có 9 lần vỡ ống và đến thời điểm có kết luận điều tra là 14 lần. Việc tuyến ống không đảm bảo chất lượng buộc doanh nghiệp khai thác dự án phải đầu tư thêm số tiền lớn hơn 1.000 tỉ đồng để khẩn cấp xây dựng thêm tuyến ống mới.

Qua điều tra xác định 14 lần vỡ ống đã có 18 ống cốt sợi thủy tinh bị phá hủy, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp quản lý khai thác dự án sau đầu tư là Công ty CP nước sạch Vinaconex. Số tiền doanh nghiệp đã chi để khắc phục, sửa chữa thay thế các lần vỡ tuyến ống là hơn 13,458 tỉ đồng. Ngoài ra, việc tuyến ống liên tục bị vỡ phải dừng cấp nước sinh hoạt đã gây ảnh hưởng đến 177.000 hộ dân với lượng nước ngừng cấp hơn 1,5 triệu m3, thời gian ngừng cấp là 343 giờ.

Cho đến nay, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ đến lần thứ 18, lần gần nhất là ngày 11/7.

Ít nghiêm trọng?

Xét về góc độ tâm lý, con số 18 lần vỡ đường ống nước rất trái ngược với yếu tố pháp lý ‘vi phạm lần đầu’ và do vậy công chúng có lý do chính đáng để bất bình phẫn nộ.

Xét ở góc độ pháp lý thì yếu tố vi phạm lần đầu chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu nó đi kèm với một yếu tố pháp lý khác đó là tính ít nghiêm trọng. Vì theo điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 thì một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là ‘Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng’.

Do vậy nếu phạm tội lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu.

Với các thông tin về hậu quả như hàng chục lần đường ống bị vỡ, hàng trăm nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, hàng chục tỷ đồng khắc phục hậu quả, cả nghìn tỷ đồng phải bỏ ra xây dựng đường ống mới thì thử hỏi nó có thuộc trường hợp gây hậu quả ít nghiêm trọng hay không?

Cho nên việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu trong trường hợp này là không hợp lý, trái luật vì hành vi không thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Các cơ quan đã thiếu tôn trọng hiểu biết của người dân và tự ý làm theo ý mình.

Nhiều việc phi lý

clip_image003

Trong thực tế nhiều trường hợp các cơ quan công quyền làm những việc phi lý trái lẽ.

Ví như có tỉnh lên dự án xây những công trình tượng đài hàng nghìn tỷ đồng, họ nói là do người dân yêu mến Bác Hồ nên cần dựng tượng. Trong khi đó rất nhiều vấn đề dân sinh cấp thiết lại không được giải quyết, ví như trường lớp học của các cháu học sinh thì bỏ bê không xây, cầu đường đi lại thì ghồ ghề không sửa, người dân không có nước sạch để dùng.

Cũng chính những tỉnh muốn xây tượng đài nghìn tỷ lại là địa phương hàng năm phải xin trợ cấp từ ngân sách trung ương (do một số tỉnh có thu nhập lớn nộp về). Tài chính yếu kém là thế nhưng chi tiêu lại vung vãi, bỏ bê không quan tâm đầu tư phát triển kinh tế địa phương để nâng cao mức sống người dân.

Hoặc như có tỉnh vừa mới xin trợ cấp chính phủ phát gạo cứu đói cho dân trong dịp giáp hạt nhưng lại bỏ ra hàng chục tỷ đồng để bắn pháo hoa ngày lễ tết, họ nói rằng người nghèo cũng muốn xem bắt pháo hoa để có niềm vui tinh thần. Trong khi cái nhu cầu thể xác còn lo chưa xong thì còn mong cái thú vui tinh thần được không?

Còn ở Hà Nội đây mới có thông tin là người ta định lắp đặt điều hòa nhiệt độ cho những nhà vệ sinh công cộng ở những khu vực nhiều khách du lịch trong nội đô, trong khi đó hãy về mà xem những mạn nông thôn như Thạch Thất, Thanh Oai, Chương Mỹ đời sống người dân còn hết sức nhọc nhằn.

Tại sao không dành tiền lo cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng? Hàng vạn hộ dân ven đô nằm ngay trên tuyến đường ống cấp nước từ Sông Đà về Hà Nội song từ bao nhiêu năm nay vẫn phải tự khoan nước để dùng.

Không biết chất lượng nước ra sao và sẽ ảnh hưởng gì đến sự phát triển của sức khỏe trẻ nhỏ, thử hỏi các quan chức rằng đời sống dân sinh của người dân không đáng quan tâm, không đáng được chăm lo hay sao?

Cũng ở Hà Nội, nhiều tuyến đường vỉa hè còn tốt, gạch lát còn nguyên, nhưng rồi cũng bị người ta cày xới lên phá bỏ đi để lát đá mới hết sức lãng phí, thấy thật cay đắng khi nghĩ về những cảnh đời khốn khổ và tình cảnh thiếu thốn công trình nơi thôn quê.

Trên phạm vi cả nước thì biết bao công trình dự án hàng nghìn tỷ đồng bị bỏ hoang đắp chiếu do tính toán sai về tính kinh tế hoặc tính kỹ thuật, mà rồi tiền của công sức của nhân dân đổ sông đổ bể.

Không thuộc nhân dân

clip_image004

Liệu quyền lực có thuộc về nhân dân?

Tất cả những việc làm phi lý trái lẽ đã xảy ra đều có chung một nguyên nhân bản chất đó là quyền lực không thuộc về nhân dân.

Vì quyền lực không thuộc về nhân dân nên người ta mới không sợ làm điều ngang ngược, bất chấp cảm nhận suy nghĩ của người dân. Họ không sợ nhân dân vì nhân dân không có khả năng truy cứu trách nhiệm được họ.

Ví như mới đây vị cựu Bộ trưởng Bộ Công thương bị phanh phui trách nhiệm trong việc cất nhắc con trai vào vị trí lãnh đạo của một doanh nghiệp nhà nước lớn thuộc Bộ quản lý, khi xử lý trách nhiệm thì người ta lại bao biện là do cơ sở ở dưới họ yêu cầu.

Hay như vị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang vừa bị xóa tư cách Đại biểu Quốc hội do trước đó trong quá trình điều hành doanh nghiệp nhà nước gây thua lỗ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Với cái thành tích công trạng như vậy mà người ta vẫn được đề bạt thăng chức, và khi xác định trách nhiệm thì lại bảo là đúng quy trình.

Trong những việc làm và phát ngôn kiểu đó người ta không coi nhân dân ra gì cả.

Quyền lực đã không thuộc về nhân dân như đúng ra phải thế.

Nếu quyền lực thuộc về nhân dân, các đại biểu dân cử thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân, các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân đúng là cơ quan nắm thực quyền thì đã không để xảy ra những chính sách trời ơi, những việc làm trái lẽ như vậy.

Nếu quyền lực thuộc về nhân dân, cán bộ công quyền làm sai sẽ bị kỷ luật mất chức, họ sẽ phải cân nhắc làm việc theo pháp luật thay vì dẫm đạp lên nó để làm theo ý mình.

Khi quyền lực thuộc về nhân dân sẽ buộc công quyền phải lắng nghe, cầu thị tiếp thu, thay vì thấy sai không sửa, làm sai làm bậy mà vẫn làm tiếp, hoặc trấn áp bức hại những tiếng nói chính trực.

Nguồn:

http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/07/160718_vinaconex_case

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn