Muốn ăn sạch phải có chính quyền sạch

Trung Bảo

Ô hô! Lâu nay mình hơi bị ngu, cứ nghĩ chính quyền ta sạch. Từ nay cạch.

Võ Văn Tạo

Thưa anh Trung Bảo, nếu chính quyền cứ nhất quyết không chịu sạch, cứ ăn bẩn và chơi rất bẩn, thì làm thế nào?

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Ca sĩ Mỹ Linh phát biểu tại diễn đàn về thực phẩm sạch. Ảnh: Thành Đạt

Giống như nhiều người trong chúng ta, ca sĩ Mỹ Linh giờ đây sẽ phải trả một mức giá cao hơn nhiều nếu cô muốn ăn hải sản không có xyanua từ nhà máy Formosa. Trường hợp này hoàn toàn đúng với phát biểu của cô được báo chí dẫn lại trong hôm nay và tạo ra nhiều tranh cãi trên mạng: "Muốn rẻ đừng đòi hỏi thực phẩm sạch".

Tiếc thay, hải sản - một loại thực phẩm bị bẩn lại không phải vì người nông dân hám lời làm bậy mà bởi vì những người đã tiếp tay đưa Formosa vào để giết chết cả vùng biển miền Trung. Vậy chúng ta đang phải trả tiền nhiều hơn cho món hải sản mà chẳng liên quan gì đến ngư dân hay trình độ của người tiêu dùng.

Ca sĩ Mỹ Linh có thể hát rất hay nhưng khi cô phát biểu: "Thực phẩm sạch thì phải đắt, không thể rẻ được, muốn rẻ thì đừng đòi đồ sạch, bản thân nhà tôi trồng cũng thấy rất đắt" thì tôi đồ rằng cô ngày thường ít quan tâm đến đời sống của người nông dân.

Chỉ đơn giản tìm kiếm trên Google sẽ thấy người nông dân đang gánh trên 1.000 (một ngàn) loại phí, lệ phí khác nhau - theo Vnexpress. Chắc chắn không ai muốn làm cái việc thất đức là rải độc vào rau mình trồng để đem đi bán, nhưng nếu không có thuốc tăng trưởng thì làm sao rau lớn đủ nhanh để đem ra chợ, để kịp quay vòng đồng tiền mà trồng vụ sau, mà kịp lo cái ăn, kịp đóng học phí cho con, kịp đóng cái thứ phí khác nếu không thì bị khiêng luôn cả cái giường. Và để kịp có tiền đóng cả ngàn loại phí kể trên, chẳng phải giá thành sản phẩm được cấu thành từ tất cả điều này đó sao?

Chúng ta không thể lấy vườn rau kiểng được trồng để phục vụ gia đình của mình để khái quát cho cả nền kinh tế nông nghiệp. Như tất cả các lĩnh vực kinh tế khác, giá thành một sản phẩm nông nghiệp luôn luôn phụ thuộc vào các chi phí bỏ ra của người nông dân. Các chi phí này lại phụ thuộc rất lớn vào sự trong sạch của bộ máy chính quyền. Kể cả sự kiểm soát chất lượng nông sản cũng hoàn toàn nằm ở sự trong sạch này. Và, để có được sự trong sạch thì cần có những định chế giám sát khác trong xã hội.

Tôi không tin vào sự tự giác lâu dài của mỗi cá nhân khi đứng trước cái lợi của bản thân mà thiếu sự kiểm soát, dù đó là người Mỹ hay người Việt. Một anh nông dân Mỹ nếu ngày này qua tháng khác không bị kiểm soát bởi những quy định gắt gao và nhận thấy mình có thể đút lót các cơ quan kiểm soát chất lượng thì rồi đến lúc anh ta cũng sẽ trồng rau phun nhớt, bón phân công nghiệp và tiêm thuốc tăng trưởng.

Giá cả hàng hóa lại phụ thuộc vào thị trường, khi cung - cầu không cân bằng thì thị trường sẽ tự điều chỉnh giá cả. Phát ngôn về việc muốn ăn sạch thì phải trả mắc của ca sĩ Mỹ Linh là một ví dụ về nhận thức này. Tuy nhiên, phát biểu của cô “giúp” rất nhiều cho việc biện bạch về sự tắc trách của những cơ quan chịu trách nhiệm việc kiểm soát chất lượng thực phẩm. Bởi vì, ngoài rau thì người ta còn ăn cả thịt, cá, trứng, sữa... và những thứ này thì không thể trồng được bằng khu vườn kiểng trên mái hoặc trong sân nhà được.

Còn nhớ khi còn ở Mỹ, tôi và người em mỗi lần đi chợ với đầy đủ thịt, cá, trứng, sữa và rau quả cho đủ 3 tuần nấu ăn chỉ tốn khoảng 100 đô la Mỹ. Đó là vào thời điểm những năm 2009 – 2012 và đến nay giá cả cũng không thay đổi nhiều. Chưa nói đến sự so sánh giá cả mà chỉ nói rằng sự yên tâm và tin tưởng vào chất lượng thực phẩm cũng xứng đáng với số tiền bỏ ra. Có được điều đó là nhờ vào sự kiểm soát gắt gao ngay từ khâu sản xuất cho đến khâu thương mại.

Thật ngán ngẩm khi nhìn toàn xã hội đang phải quay lại thời tự cung tự cấp để bảo vệ mình trước thực phẩm bẩn tràn lan. Thực phẩm bẩn đã bị gọi là “vấn nạn” nhưng nếu chỉ đổ hết trách nhiệm lên vai người nông dân thì không công bằng, bởi họ cũng chỉ đóng một khâu sản xuất trong chuỗi rất nhiều khâu khác trước khi đến tay người tiêu dùng. Gốc rễ của câu chuyện vẫn phải nằm ở khâu kiểm soát chất lượng. Và muốn có thực phẩm sạch mà không mắc, ngoài sự trung thực của người nông dân, sự khôn ngoan của người tiêu dùng còn cần hơn nữa yếu tố trong sạch của chính quyền khi đóng vai trò kiểm soát.

T.B.

Nguồn: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/muon-an-sach-phai-co-chinh-quyen-sach-41302.html

Phụ lục:

Bé tự tử vì không có quần áo mới đi học: Gia đình không thuộc diện được hỗ trợ

Đoàn Văn

Chờ đảng nè!

Võ Văn Tạo

Người ta làm từ thiện tự phát thì cho rằng thế lực thù địch VT xúi giục, không biết bao nhiêu lần xe chở quần áo từ thiện cho các em vùng cao bị chặn lại hạch sách!!! Chờ đảng chờ nhà nước chỉ có tự vẫn mà chết !!!?

Tu Nguyen

Nguồn: https://www.facebook.com/tao.vovan.1/posts/1385558458127033?pnref=story.unseen-section

- Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, căn nhà dột nát như lán trại của người làm rẫy nhưng gia đình em Sôn vẫn không thuộc diện được hỗ trợ của UBND huyện Ia Grai, Gia Lai.

Báo cáo rồi lại báo cáo...

Chiều ngày 25/8, ông Ngô Khôn Tuấn - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương bình và Xã hội, UBND huyện Ia Grai cho biết: "Hôm qua đã nhận được báo cáo của lãnh đạo Ia Der về trường hợp tự tử của em Ksor Sôn (11 tuổi, ngụ làng Breng 3) treo cổ tự tử vì gia cảnh quá nghèo, không có quần áo mới đến trường".

Theo ông Tuấn, trường hợp của em Sôn không nằm trong chế độ trợ cấp phục sức. "Trước đây trường hợp trẻ em chết đuối nước nằm trong diện hỗ trợ chết trong thiên tai, tai nạn nhưng em Sôn không nằm trong diện hỗ trợ này" - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn khẳng định: "Nếu có muốn hỗ trợ thì cũng phải theo quy định của nhà nước. Nếu như không nằm trong diện quy định thì cũng không thể làm được. Ví dụ như đối tượng hỗ trợ đột xuất theo Nghị định 136, chết đột xuất, rủi ro thiên tai mới có trong chủ trương của nhà nước. Trên địa bàn có mấy ngàn hộ nghèo, hộ nào cũng có người chết thì làm sao mà hỗ trợ hết".

clip_image002

Dân làng Breng 3, xã Ia Der tổ chức đám tang cho em Sôn vào ngày 22/8.

Gia đình của em Sôn năm 2015 là hộ nghèo, được hỗ trợ 1 con bò nhưng sau vài tháng lại bị bệnh chết, cuộc sống quanh năm lam lũ mà không đủ ăn, đủ mặc. Thậm chí, cách đây 1 năm, người anh trai của em Sôn cũng bước vào lớp 6 nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên cũng tìm đến cái chết.

Tuy nhiên, ông Tuấn không được nghe báo cáo về vụ việc này. Chỉ đến khi báo chí phản ánh vụ việc của em Sôn có nói đến cái chết của người anh trai trước đó thì ông Tuấn mới biết.

"Xã không báo cáo, đến khi chuyện xảy ra rồi họ mới báo cáo... nên cũng chỉ biết nhận thông báo vậy rồi báo lên lãnh đạo huyện để chờ phương án xử lý chứ không biết làm sao" - ông Tuấn chia sẻ.

Truyền thống tốt đẹp của dân làng

Trước đó, vào sáng ngày 22/8, vợ chồng anh Ksor Phơ vay mượn được 130.000 đồng về may quần áo mới cho đứa con út Ksor Sôn tới trường, nhưng khi vừa về tới nhà thì nhận được thông tin con trai tự tử. Hiện trường để lại chiếc xe đạp cũ cùng tệp sách vở.

Người thân của Sôn kể lại, mấy hôm nay em tỏ ra buồn rầu vì năm học mới tới gần mà không có bộ quần áo mới để mặc. Từ khi được sinh ra, Sôn chưa có cho riêng mình bộ quần áo mới mà toàn phải mặc lại từ hai người anh vì gia cảnh quá nghèo.

Chiều ngày 25/8, ông Ksor H’Leo, trưởng làng Breng 3, xã Ia Der kể, các hộ dân trong làng đóng góp mỗi người 100.000 đồng để vợ chồng anh Phơ lo đám tang cho con trai. "Đây là truyền thống có từ nhiều năm nay của dân làng. Cứ gia đình nào có người chết thì các hộ gia đình người góp tiền, người góp heo để cùng làm đám tang, xây mộ cho người đã qua đời. Mình phải yêu thương, đoàn kết lấy nhau chứ" - Trưởng làng Breng 3 nói.

Đối với trường hợp của em Sôn, hơn 100 gia đình đóng góp tiền cũng được khoảng gần 10 triệu đồng. Số tiền này vừa đủ làm đám tang, mua vật liệu xây mộ, còn công xây mộ thì người trong làng tự đứng ra làm nên không tính toán.

Ông H'Leo cho biết: "Chính quyền xã chắc chắn cũng biết về cái chết của cháu Sôn nhưng theo tôi được biết họ không có hỗ trợ gì cho gia đình. Cái chết trước đây của anh trai cháu Sôn cũng vậy".

Đ.V.

Nguồn: http://m.phunuonline.com.vn/xa-hoi/tin-tuc/be-tu-tu-vi-khong-co-quan-ao-moi-di-hoc-gia-dinh-khong-thuoc-dien-duoc-ho-tro-81703/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn