Nhận trợ cấp thất nghiệp là quyền chứ không phải… ân huệ

Thảo Vy

Khi nhận lương, người lao động và chủ sử dụng lao động đều phải trích ra 2% để đóng cho khoản gọi là "bảo hiểm thất nghiệp". Khi người lao động thất nghiệp, cần trợ cấp để giải quyết nhu cầu cuộc sống, và đó là quyền chứ không phải xin. Việc chậm trả trợ cấp dù với bất cứ lí do gì đều thuộc về trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Không những không được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp một lần như trước kia mà khi làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động đang gặp phải rất nhiều phiền toái vì nhiều quy định quá cứng nhắc.

Lỗi của ngân hàng và bưu điện?

Bà Lê Minh Lý, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết như vậy về những khiếu nại gần đây của người lao động tại Bình Dương bị thất nghiệp.

Ông Cao Văn Sang, Trưởng phòng Tiếp dân - Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương nói rằng chỉ trong vòng 2 tháng, do phát sinh nhiều vấn đề trong thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp nên trung tâm đã phải thay đổi đến 4 ngân hàng. Điều này cũng gây khó khăn cho cả trung tâm và người lao động trong công tác phối hợp thực hiện chi trả tiền.

Có lẽ việc phối hợp này đến nay vẫn chưa trơn tru. Bà Chu Thị Thơ, công nhân Công ty TNHH Triều Đằng Việt Nam, nói với báo chí rằng bà có mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 2,4 triệu đồng/tháng nhưng 2 tháng nay bà vẫn chưa nhận được số tiền nói trên, trong khi người thất nghiệp có đời sống khó khăn và rất chật vật tìm công việc mới.

Tương tự, ông Trần Văn Tánh, công nhân Công ty Gỗ Phụng Toàn, được hưởng 3 tháng trợ cấp với mức 2,5 triệu đồng/tháng. Ông Tánh dù đã có thẻ ATM và tài khoản đăng kí với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương nhưng 2 tháng nay vẫn chưa có một đồng tiền trợ cấp nào vào thẻ để ông trang trải cuộc sống.

Cũng hai tháng qua, ông Trương Tấn Phát (Trường ĐH Bình Dương) vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp gần 4 triệu đồng/tháng.

Đến chậm 3 ngày là… mất tiền trợ cấp thất nghiệp!

Ông Đ.V.P (ngụ xã Phước Tân - TP Biên Hòa) kể ông đến Bảo hiểm xã hội TP Biên Hòa để lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp tháng. Tuy nhiên nhân viên bảo hiểm xã hội thông báo rằng ông không được hưởng tiền trợ cấp tháng đó do đến trễ ngày hẹn quá 3 ngày. Ông P cho biết sau hơn 7 năm làm công nhân, ông thất nghiệp và hiện chưa có công việc mới. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương công nhân của vợ. Tháng nào không được nhận tiền trợ cấp là ảnh hưởng ngay đến sinh hoạt của gia đình ông.

Bà Phạm Phương Dung (45 tuổi, ngụ phường Tân Vạn - TP Biên Hòa) than vãn: "Tôi thất nghiệp, giờ chỉ ở nhà làm nội trợ, nhưng tôi vẫn phải lên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai để thông báo tìm việc theo quy định. Nhà ở xa, tháng nào chồng hoặc con tôi cũng phải nghỉ làm một ngày để chở tôi đến trung tâm. Điều này gây phiền toái và bất lợi cho gia đình tôi rất nhiều. Lên trễ so ngày hẹn thì cũng bị cắt trợ cấp thất nghiệp tháng đó".

Rất nhiều người lao động cho rằng quy trình và cách thức hưởng trợ cấp thất nghiệp còn nhiều rắc rối, cứng nhắc và chưa thật sự tạo điều kiện cho người lao động. Chỉ riêng việc phải "trình diện" tại trung tâm dịch vụ việc làm mỗi tháng một lần, hàng tháng phải đến bảo hiểm xã hội nhận tiền đã khiến nhiều người thấy bất tiện.

Chuyện bất tiện này cho người lao động không phải lỗi của địa phương. Năm 2015, Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành Thông tư 28 hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều liên quan bảo hiểm thất nghiệp. Ông Võ Sơn Thu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho hay trước đây theo Thông tư 04, Nghị định 32, nếu người lao động có việc làm rồi thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần, còn nay theo Thông tư 28, khi người lao động đã có việc làm thì sẽ bị cắt tiền trợ cấp thất nghiệp. Thông tư 28 cũng quy định rõ thời gian người lao động đến bảo hiểm xã hội nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. "Việc người lao động phải đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng vào đúng ngày hẹn là một cách để thông báo tìm việc làm hoặc để "điểm danh". Mặc dù điều đó gây ra một số phiền toái cho người lao động nhưng không có cách nào khác vì đó là quy định của pháp luật" - ông Võ Sơn Thu nhấn mạnh.

Nói về việc người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp nếu không đến đúng hẹn, ông Thu cho biết số tiền này nằm trong quỹ trợ cấp thất nghiệp chung, nếu ai không đến nhận đúng hẹn thì tiền này sẽ được sung vào quỹ chung và người lao động mất khoản tiền trợ cấp của tháng đó. Tháng sau, nếu người lao động đến bảo hiểm và báo với nhân viên bảo hiểm thì sẽ tiếp tục được hưởng.

T.V

(VNTB gửi BVN)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn