TS Lưu Bích Hồ: "Chỉ số tăng trưởng kinh tế quý III rất khó hiểu và khó lường"

Thu Phương

Thấy "điều này không có thông lệ trong lịch sử, cũng không đúng với lí thuyết kinh tế nhưng lại thực tế qua số liệu của Tổng cục Thống kê" mà vẫn "phấn khởi", TS Lưu Bích Hồ quả rất khéo đùa.

Bauxite Việt Nam

Tăng kỉ lục

Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III-2017 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho thấy kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao bất thường trong quý III, với mức tăng 7,46%, cao nhất trong vòng 7 năm qua, cao hơn nhiều so với quý trước cũng như cùng kì các năm trước.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,41%, tăng đáng kể so với cùng kì năm 2016 (6,0%) tuy vẫn thấp hơn một chút so với năm 2015 (6,5%). Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 7,25% trong ba quý đầu năm, liên tục gia tăng trong các năm từ 2015-2017. Trong đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn nửa thập kỉ, lần lượt đạt 7,89% và 3,99%.

Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cũng cho thấy rõ sự phục hồi so với năm 2016. Tăng trưởng khu vực này trong 9 tháng đầu năm đạt 2,78%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm ngoái và cũng cao hơn đáng kể so với mức 2,08% của năm 2015. Tình hình thời tiết từ đầu năm đến nay khá thuận lợi cho hoạt động của ngành thủy sản và lâm nghiệp, đưa tăng trưởng của hai ngành này lần lượt đạt 5,42% và 5,00%. Trong khi đó, tình trạng mưa lũ trên diện rộng trong quý III khiến nông nghiệp chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn là 1,96%.

Trong khi đó, tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục đạt thấp, chỉ 7,17%, thấp hơn so với cùng kì hai năm trước đó, đặc biệt thấp hơn đáng kể so với năm 2015. Sự suy giảm này vẫn chủ yếu đến từ ngành khai khoáng (giảm 8,08%).

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn không ngừng cải thiện tốc độ tăng trưởng với mức tăng trưởng rất cao 12,77% trong ba quý đầu năm, cao nhất so với cùng kì nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, ngành xây dựng vẫn tăng trưởng khả quan ở mức 8,3%, mặc dù thấp hơn mức tương ứng của hai năm trước, đều trên 9%.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, mức tăng trưởng cao trong quý III phần nào cho thấy kết quả của hàng loạt biện pháp và chỉ thị quyết liệt của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận tín dụng đối với cả hộ gia đình và các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, các biện pháp và chỉ thị này mới chỉ mang tính ngắn hạn vì chưa hướng đến các nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế như năng suất lao động hay sức sản xuất của nền kinh tế - ông Thành cho biết

"Khó hiểu và khó lường"

Nhận định về mức tăng trưởng 7,46% của kinh tế Việt Nam trong quý III-2017, tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III-2017, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lí kinh tế trung ương cho biết mức tăng trưởng của Việt Nam trong quý III tăng kỉ lục, tuy nhiên chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn như Formosa, Samsung... Nếu không có các doanh nghiệp này, có lẽ nền kinh tế Việt Nam sẽ không có được con số này. Trong khi đó, tác động của các chính sách từ Chính phủ như thực hiện đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra rất chậm, công cuộc tái cơ cấu ngân sách, giảm chi thường xuyên còn nhiều nan giải... Điều này đang hạn chế rất nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay và trong những năm tới nếu Việt Nam không thay đổi. Do đó, con số tăng trưởng kỉ lục trong quý III cần được xem xét một cách bình tĩnh hơn - ông Doanh nhấn mạnh.

Theo TS Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cũng cho rằng chỉ số tăng trưởng kinh tế quý III rất khó hiểu và khó lường. Điều này không có thông lệ trong lịch sử, cũng không đúng với lí thuyết kinh tế nhưng lại thực tế qua số liệu của Tổng cục Thống kê. "Chúng ta phấn khởi nhưng cũng ngỡ ngàng trước những con số này. Song cần tiếp tục theo dõi những diễn biến kinh tế trong thời gian tới trước khi đưa ra kết luận" - TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh

Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Thế Anh, chuyên gia đến từ Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại nhiều yếu tố tăng trưởng bất ổn, không bền vững do bị phụ thuộc rất nhiều vào FDI. Xuất siêu của Việt Nam trong quý III lớn nhưng chủ yếu đến từ khu vực vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực này đã bù đắp cho sự suy giảm của khu vực doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, động lực tăng trường lại phụ thuộc một số doanh nghiệp FDI lớn. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Lấy ví dụ tại Samsung, quý vừa qua xuất khẩu của doanh nghiệp này tăng mạnh, tuy nhiên tăng trưởng này chỉ mang tính chu kì, phụ thuộc việc họ ra mắt sản phẩm mới. Do đó, không phải lúc nào họ cũng có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao như quý vừa qua. Với mức tăng trưởng kinh tế 7,46% trong quý III, có thể nói mục tiêu đạt 6,7% năm 2017 là trong tầm tay, Tuy nhiên, một nền kinh tế không phát triển từ những yếu tố nội tại sẽ khó có thể bền vững. Hi vọng Chính phủ sẽ bớt chạy theo những mục tiêu ngắn hạn để tập trung cho phát triển dài hạn trong tương lai – PGS-TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

T.P

Nguồn: http://theleader.vn/ts-luu-bich-ho-chi-so-tang-truong-kinh-te-quy-iii-rat-kho-hieu-va-kho-luong-20171011162147384.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn