Sự bành trướng của Trung Quốc có thể tàn phá nhiều hơn ta thấy

Nhiều nhà quan sát về sự bành trướng của chương trình toàn cầu hoá của Trung Quốc tập trung vào đầu tư nước ngoài và phát triển cơ sở hạ tầng đang hồi hộp chờ đợi vào một kết quả tốt nhất. Xét về độ lí tưởng, những tham vọng của Trung Quốc sẽ hỗ trợ cải thiện tăng trưởng kinh tế, an ninh lương thực và phát triển xã hội ở nhiều quốc gia nghèo cũng như làm giàu cho chính Trung Quốc. Với chủ nghĩa biệt lập của chính quyền Trump, những hi vọng như vậy vào thời điểm này là đúng lúc vì thoả mãn được mong muốn của Trung Quốc lấp đầy khoảng trống trong vai trò lãnh đạo quốc tế. Nhưng nếu đánh giá kĩ hơn thì sẽ thấy chương trình quốc tế hoá của Trung Quốc có tính tàn phá nhiều hơn là mọi người vẫn thấy, đặc biệt đối với môi trường toàn cầu. Và tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc về việc đẩy mạnh "phát triển xanh" trong nhiều trường hợp chỉ mang tính tuyên truyền hơn là thực tế.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn, xin được cung cấp một bản tóm tắt về các tác động môi trường hiện tại của Trung Quốc. Liệu những lời khẳng định của Trung Quốc là có lí lẽ và có thể bào chữa được không, hoặc đằng sau đó là ý nghĩa gì khác hoàn toàn?

Đoàn quân cướp bóc?

Lúc khởi đầu, Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ lớn nhất thế giới các sản phẩm động thực vật hoang dã trái phép. Từ sừng tê giác, tê tê, vây cá mập tới các các loài chim hoang dã, việc tiêu thụ của Trung Quốc đã thúc đẩy thương mại toàn cầu trong việc khai thác và buôn lậu động vật hoang dã. Trong 15 năm qua, nhu cầu tăng vọt của Trung Quốc đối với ngà voi đã phần nào dẫn đến sự huỷ diệt toàn cầu của quần thể voi. Để đối phó những lời chỉ trích không ngừng gia tăng của quốc tế, Trung Quốc đã cam kết ngừng việc kinh doanh ngà voi trong nước vào cuối năm 2017. Nhưng ngay cả trước khi lệnh cấm của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực, thị trường ngà voi chợ đen đang phát triển ở nước láng giềng Lào. Ở đó, các doanh nhân Trung Quốc đang sản xuất ra số lượng lớn các sản phẩm bằng ngà chạm khắc được thiết kế đặc biệt cho thị hiếu người Trung Quốc và được bán cho khách Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu gỗ bất hợp pháp lớn nhất thế giới, gây ra mối đe doạ khủng khiếp với rừng, trong khi vẫn đang gian lận hàng tỉ đô-la mỗi năm về thuế gỗ với các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc tuyên bố sẽ nỗ lực giảm nhập khẩu gỗ bất hợp pháp nhưng những nỗ lực của họ hết sức nửa vời, bằng chứng là số lượng gỗ bất hợp pháp vẫn chảy qua biên giới với Myanmar.

Cơn sóng địa chấn về hạ tầng

Các kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc còn mang lại nhiều nguy hại không thể khắc phục hơn nữa đối với thế giới tự nhiên. Sáng kiến một vành đai - một con đường của Trung Quốc sẽ tạo ra các cung đường mới, đường sắt, cảng và các ngành công nghiệp khai thác như khai thác mỏ, khai thác gỗ và các dự án dầu khí tại ít nhất 70 quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn rằng Sáng kiến ​​một vành đai - một con đường sẽ là "xanh, carbon thấp, bao phủ và bền vững" nhưng một tuyên bố như vậy là hoàn toàn xa rời thực tế.

Theo các cuộc tranh luận gần đây về khoa học và sinh học hiện tại, thảm hoạ về hạ tầng hiện đại phần lớn đang do Trung Quốc gây ra và sẽ mở ra một cuộc khủng hoảng khủng khiếp về môi trường, bao gồm phá rừng quy mô lớn, phân mảnh môi trường sống, săn bắn động vật hoang dã, ô nhiễm nước và khí thải, hiệu ứng nhà kính.

Việc theo đuổi các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc cũng đang lan ra khắp châu Mỹ La-tinh. Ví dụ ở Amazon, các dự án khai thác mỏ lớn - rất nhiều trong số đó đang cung cấp cho các ngành công nghiệp của Trung Quốc - không chỉ gây suy thoái nghiêm trọng ở địa phương mà còn thúc đẩy việc phá rừng rộng khắp để mở rộng các mạng lưới đường xá đến các vùng hẻo lánh nhằm tiếp cận các mỏ dễ dàng hơn. Nhìn chung, Trung Quốc là nước tiêu thụ mạnh nhất các khoáng sản trên hành tinh và là tác động lớn nhất đối với nạn phá rừng nhiệt đới. Hơn thế nữa, Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng một tuyến đường sắt dài 5.000 km trên khắp Nam Mỹ nhằm giảm giá thành vận chuyển nhập khẩu gỗ, khoáng sản, đậu nành và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác từ các cảng dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ cho Trung Quốc. Nếu tiến hành, số lượng các hệ sinh thái quan trọng có thể bị ảnh hưởng bởi dự án này là đáng kinh ngạc.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về hơn 3.000 dự án ở nước ngoài được tài trợ hoặc vận hành bởi Trung Quốc đã cho thấy Trung Quốc thường coi các quốc gia nghèo là "nơi tập kết ô nhiễm" - chuyển dịch các dự án gây huỷ hoại môi trường cho các quốc gia đang phát triển đang tuyệt vọng trông chờ vào đầu tư nước ngoài để phát triển.

Cuối cùng, phần lớn những chuyện này xảy ra là do Trung Quốc đang bắt đầu hạ nhiệt đối với nhu cầu năng lượng hoá thạch trong nước. Hiện Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu về năng lượng mặt trời và năng lượng gió, gần đây đã trì hoãn xây dựng hơn 150 nhà máy điện đốt than ở Trung Quốc. Thực tế này cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng của nó. Xét về khí thải nhà kính, Trung Quốc đã vượt mặt mọi quốc gia khác. Quốc gia này tạo ra hơn hai lần lượng khí thải carbon của Hoa Kỳ, nước gây ô nhiễm lớn thứ hai, sau khi xây dựng các dự án có quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại về thủy điện và hạt nhân. Mặc dù vai trò hậu Trump mới của Trung Quốc là nhà tiên phong về khí hậu trên thế giới, chương trình hành động chung của Trung Quốc chắc chắn là khó có thể được mô tả là "xanh".

Núi băng trôi phía trước

Một số người cho rằng không công bằng khi chỉ trích Trung Quốc như thế này. Họ sẽ lập luận rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần theo một con đường phát triển mang tính bóc lột và tàn phá mà trước đây bị các nước khác gây ra. Nhưng Trung Quốc không giống như bất kì quốc gia nào khác. Sự phát triển và quy mô đáng kinh ngạc của nền kinh tế, tầm nhìn độc đoán nguy hiểm của quốc gia này đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và đất đai trên thế giới, sự không khoan dung đối với những lời chỉ trích nội bộ và bên ngoài, và việc thắt chặt kiểm soát chặt chẽ đối với các phương tiện truyền thông ngày càng tạo ra sự khác biệt cho quốc gia này.

Chủ tịch Tập thừa nhận rằng nhiều tập đoàn, nhà đầu tư và các định chế tài chính hoạt động ở nước ngoài thường xuyên có các hành động hiếu chiến và thậm chí là bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông nói chính phủ của ông không đủ quyền để chấn chỉnh hiện tượng này. Phản ứng đáng chú ý nhất của chính phủ Trung Quốc cho đến nay là một loạt " văn bản xanh" có ghi các hướng dẫn có vẻ tốt trên lí thuyết nhưng hầu như bị bỏ qua bởi các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Liệu những lời khẳng định của ông Tập về việc không đủ quyền có thể tin được không? Ông ngày càng cai trị Trung Quốc bằng bàn tay sắt. Trung Quốc có thực sự là không thể hướng dẫn và kiểm soát các ngành công nghiệp ở nước ngoài của mình hay không, hay chỉ là vì các ngành này mang lại lợi nhuận quá lớn cho Trung Quốc nên chính phủ đã nhắm mắt làm ngơ?

Tất nhiên, tham vọng quốc tế to lớn của Trung Quốc sẽ mang lại một số tác động tích cực và thậm chí có thể chuyển đổi kinh tế cho một số quốc gia, nhưng nhiều yếu tố khác sẽ có lợi cho Trung Quốc trong khi gây tổn hại sâu sắc đến hành tinh của chúng ta.

Ngân Giang (theo BI)

Nguồn: http://tiepthithegioi.vn/loi-song/van-de-quan-tam/su-banh-truong-cua-trung-quoc-co-the-tan-pha-nhieu-hon-ta-thay/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn