Gian lận thương mại để được ‘kinh tế thị trường’?



Kẹt lớn rồi. Ông Trọng phải lo tìm một thứ lý thuyết khác thôi, chứ vừa “thị trường” vừa “xã hội chủ nghĩa” giả cầy như thế thì bị lật kèo là chết đứng. Hay lại phải cắp ô sang “ông anh” vấn kế thôi. Trong sổ ghi được điều gì chưa dùng đến thì hãy mở ra. Nhưng cũng coi chừng “lão anh”, tướng của nó là tướng đại xỏ xiên đấy, chẳng phải lần trước mời lão vào điện Diên Hồng hẳn hoi mà khi sang đến Singapore lão ta lật ngược lại một cú khiến cả đám quan chức và nghị sĩ các ngài đều ngay râu đấy là gì.

Bauxite Việt Nam

Không phải chuyện nhỏ

Chỉ một tháng sau việc bất thần tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” lên đến 531%, Hoa Kỳ đã khiến giới chức thương mại Việt Nam chịu sốc thêm một lần nữa khi thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về 8 công ty mà lẽ ra Việt Nam phải đăng ký là “doanh nghiệp nhà nước” theo quy tắc thương mại toàn cầu.

Tám công ty mà Mỹ khai báo với WTO đều là những cái tên nổi đình nổi đám ở Việt Nam: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và công ty con là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco/SKYPEC), Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Thoạt nhìn, sự kiện trên có vẻ không mấy bất thường trong quan hệ các thỏa thuận giao thương đa phương quốc tế. Tuy nhiên xét về chiều sâu quan hệ thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam cũng như quan hệ thương mại đa phương giữa Việt Nam với nhiều quốc gia, sự kiện này không chỉ mang tính cảnh báo hay như một động tác trừng phạt mới về thương mại của Mỹ đối với Việt Nam, mà còn có thể khiến Việt Nam bị không ít quốc gia quay lưng vì thói “gian lận thương mại” đã và đang hiển lộ một cách có hệ thống.

Gian lận thương mại” như thế nào?

Quốc nạn độc quyền nhà nước

Toàn bộ 8 doanh nghiệp Việt Nam mà Mỹ “tố” với WTO đều là doanh nghiệp nhà nước và do Chính phủ Việt Nam sở hữu trên 50% cổ phần. Trong quan hệ làm ăn ở Việt Nam, các doanh nghiệp này vẫn thường rất tự hào với mác “quốc doanh” của họ. Không những thế, một số trong các doanh nghiệp nhà nước này đã từ quá lâu nay được hưởng thế độc quyền kinh doanh và do đó luôn tạo áp lực đáng kể đối với người tiêu dùng và xã hội về giá cả theo lối “một mình một chợ”. 

Hai tiêu biểu về thế độc quyền như trên là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Bất kể nền kinh tế Việt đã lao vào năm suy thoái thứ 10 liên tiếp kể từ năm 2018 và đời sống người lao động Việt ngày càng phải thắt lưng buộc bụng trước gánh nặng tróc thuế lẫn tham nhũng hoành hành, quốc nạn độc quền vẫn “bóc lột dân ta đến tận xương tủy”.

Một thực tồn khốn quẫn mà thế giới nếu chưa biết thì hãy cần biết là nạn độc quyền ở Việt Nam đã bất chấp từ lâu phát sinh nhiều phản ứng xã hội đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải xóa bỏ vai trò độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước trên, trả kinh doanh về môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng, cũng bất chấp những yêu cầu liên tục từ WTO và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về việc Việt Nam phải thỏa mãn được các tiêu chí tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa hoạt động tài chính của doanh nghiệp nhà nước và phải chống tham nhũng có hiệu quả thì mới đủ điều kiện để quốc tế công nhận Việt Nam là “kinh tế thị trường”.
Độc quyền đến mức vào năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trở thành một thứ đại án về nạn tham nhũng và thất thoát tài sản ghê gớm.

Hậu quả nào cho “giấu gốc nhà nước”?

Cần nhắc lại, liên quan vụ thép Trung Quốc, Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép Trung Quốc hồi năm 2015 và 2016. Ngay sau đó, thép được nhập dồn dập vào Hoa Kỳ từ nhiều ngả khác nhau. Các nhà sản xuất thép của Mỹ phát hiện ra sản phẩm của Trung Quốc được chuyển sang các nước thứ ba để lách thuế nên đã khiếu nại lên cơ quan hữu trách Hoa Kỳ.

Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng Việt Nam, mặt hàng thép cuộn lạnh nhập vào Mỹ năm 2015 đã tăng vọt, từ 11 triệu đôla lên tới 295 triệu đôla. Biện pháp trừng phạt này chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực lên toàn bộ ngành thép Việt Nam, trong đó có nhiều sản phẩm thép do chính Việt Nam sản xuất.

Ngay trước mắt, vụ việc 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam bị phía Hoa Kỳ cáo buộc lên WTO chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp này, bởi cả 8 doanh nghiệp nhà nước này đều tham gia hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu.

Trong trường hợp nếu Việt Nam không đưa ra được các chứng cứ có tính thuyết phục để bác bỏ cáo buộc từ phía Hoa Kỳ, mà điều này thì quá khó, rất có thể việc xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ - thị trường đang giúp cho Việt Nam xuất siêu đến gần 30 tỷ USD/năm – sẽ giảm sút. Và sau đó, các nước phát triển có thể sẽ ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ, dẫn đến khối lượng hàng hóa xuất khẩu của 8 doanh nghiệp nhà nước trên sẽ giảm sút, thậm chí các doanh nghiệp khác ngoài 8 doanh nghiệp nhà nước bị cáo buộc xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài cũng có thể gặp khó khăn.


Vì sao Việt Nam quá cần “kinh tế thị trường”?

Vụ việc 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam cố che giấu nguồn gốc nhà nước không ngoài mục tiêu được lọt vào tiêu chuẩn ưu ái về thuế xuất nhập khẩu của quy chế “kinh tế thị trường”.

Trong thực tế, “kinh tế thị trường” rất quan yếu đối với các nhu cầu vay tín dụng, nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài và hưởng ưu đãi trong hoạt động xuất nhập khẩu quốc tế của Việt Nam. Nếu được công nhận “kinh tế thị trường”, hàng Việt Nam xuất khẩu sang nhiều quốc gia sẽ được hưởng mức thuế suất nhẹ nhàng hơn nhiều so với hiện thời, do đó mang lại lợi ích cho các danh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh ngiệp độc quyền nhà nước, bổ trợ cho chân trụ của khối “còn đảng còn mình” hãm bớt đà rệu rã hiện thời và củng cố thêm hy vọng cho đảng “thở được ngày nào hay ngày nấy”.

Nếu được công nhận “kinh tế thị trường”, Việt Nam sẽ được các tổ chức tín dụng lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á Châu cho vay tín dụng với những điều kiện ưu đãi hơn là cơ chế mặt bằng lãi suất tăng gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa như hiện nay. Điều này sẽ đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh cả đảng lẫn cầm quyền ở Việt Nam đang phải bán đi những doanh nghiệp cuối cùng thuộc loại “bò sữa” –như Sabeco (Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải hát) và Vinamilk (Tổng công ty Sữa Việt Nam) – để có thêm tiền đắp đổi cho một ngân sách hụt thu nghiêm trọng và đang hiện ra nhiều dấu hiệu cạn kiệt và trống rỗng.

Từ năm 2013 đến nay, những chuyến đi Mỹ của các nhân vật như ông Trương Tấn Sang – khi đó còn là Chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng – khi đó còn là Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng đương nhiệm, vẫn một mực đề nghị “Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam”. Nhưng không hề có tính từ “xã hội chủ nghĩa” gắn kèm cửa miệng.

Đó là thói khôn vặt của giới chính khách Việt! Khi cần tỏ ra kiên định thì luôn “chua” tính từ trên vào bất cứ khẩu hiệu nào. Nhưng để đối ngoại thì lại giấu kín vào túi quần. Hành vi 8 doanh nghiệp Việt Nam giấu kín gốc gác “nhà nước” của họ là một minh chứng về thói biển lận đó.

Rốt cuộc, quốc tế đã không còn kiên nhẫn nổi với thói lập lờ về mặt khái niệm trong lúc không có bất kỳ cải cách nào của Việt Nam. Vào tháng 5/2017, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã phải nhắc lại “Khởi động lại cơ chế trao đổi về quy chế thị trường cho Việt Nam” khi gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Washington.

“Đảng ngáng chân Chính phủ” và tính quả báo

Nhưng cũng vào tháng 5/2017, đã xảy đến hiện tượng “đảng ngáng chân chính phủ”. Cho dù Thủ tướng Phúc – với đức tính thực dụng về các giá trị buôn bán – có thực lòng muốn đạt được quy chế “kinh tế thị trường” chăng nữa, “Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do cấp trên của ông Phúc là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên định lặp lại tại Hội nghị trung ương 5, đã khiến ông Phúc không biết ăn nói ra sao với quốc tế về sự khác biệt một trời một vực giữa “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” và “kinh tế thị trường”, chưa kể việc làm sao để đạt được “kinh tế thị trường” đó.

Trong thực tế ở Việt Nam, sẽ rõ nhất nếu đối chiếu giữa khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân. Khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 2/3 tổng tài sản, 60% nguồn vốn tín dụng, 70% nguồn vốn ODA và được ưu đãi rất lớn về khả năng tiếp cận tín dụng và những điều kiện về chính sách, nhưng lại hoạt động quá tệ. Ít nhất 30% doanh nghiệp nhà nước bị lỗ và khối này chỉ đóng góp được khoảng 1/3 tổng sản phẩm xã hội. Gần như ngược lại, khối doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 1/3 tài sản, chẳng mấy được ưu đãi về tín dụng và chỉ có thể “hớt cặn” vốn ODA, lại còn bị phân biệt đối xử đủ đường, nhưng lại tạo ra đến 2/3 tổng sản phẩm xã hội.

Nhưng đến năm 2017, khi hơi thở khủng hoảng toàn diện đang phả hầm hập vào gáy chế độ, nghị quyết “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn khư khư ôm ấp doanh nghiệp nhà nước cùng vai trò chủ đạo của nó, trong lúc chỉ hé miệng đôi chút về “kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng.”
Đến lúc này, ngay cả những tờ báo tỏ ra chuyên chính nhất như Nhân dân, Quân đội nhân dân cũng không còn quá mặn mà với điệp khúc “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Giờ đây luật “nhân quả” đã báo ứng. 8 doanh nghiệp mang trên mình gốc gác nhà nước và thói độc quyền “thu cùng diệt tận” đối với dân chúng Việt Nam đang phải đưa đầu nhận lãnh hậu quả quay lưng từ Mỹ và cộng đồng quốc tế. Tiếp sau đó, rất có thể sẽ xuất hiện thêm những cái tên doanh nghiệp nhà nước khác bị quốc tế xếp vào danh mục “gian lận thương mại”.

P.C.D.
Tác giả gửi BVN. Bài đã đăng VOA.


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn