Sau 40 năm nhìn lại hải chiến Hoàng Sa

Phỏng vấn nhà nghiên cứu Dương Danh Dy
Huỳnh Phan thực hiện

Trong con mắt dân chúng mấy chục năm nay, ông Nguyễn Cơ Thạch là một người CS có phẩm chất yêu nước. Tuy vậy, những quan điểm của ông thời ấy, không phải tất cả đến nay vẫn còn là khuôn vàng thước ngọc. Khi ông Thạch hỏi ông Dy “Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn?” hàm ý chiếm miền Nam là việc hệ trọng hơn mất biển đảo, thì chẳng cần đôi co làm gì nữa, hãy nhìn sang Hàn quốc và Triều Tiên rồi thử đặt lại câu hỏi: Nếu để cho Hàn quốc rơi vào tay cha con ông cháu họ Kim, vận mệnh dân tộc Hàn sẽ như thế nào. Trường hợp Việt Nam không còn là “nếu” mà đã là hiện thực của cái “nếu” ấy từ 42 năm trước, thưa ông Dương Danh Dy.


Bauxite Việt Nam

"Tôi có thể khẳng định rằng các thế hệ đàm phán của Việt Nam đều không bao giờ cắt đất cho Trung Quốc cả. Nhưng cũng còn những chuyện khác do hoàn cảnh lịch sử..."

LTS: Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa, 19.1.1974, có một băn khoăn của nhiều người là tại sao lúc đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng.

Có phải chăng như sử gia Nguyễn Đình Đầu đã nghĩ rằng tình đồng chí giữa những người Cộng sản lúc đó còn lớn hơn lãnh thổ?

Tuanvietnam có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Trung Quốc lão thành Dương Danh Dy – người có may mắn biết được nội tình câu chuyện.

- Có một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là, hồi Trung Quốc đánh Hoàng Sa đầu năm 1974, tại sao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng phản đối?

Và, đối với một số người, thậm chí còn đặt vấn đề nặng hơn là Việt Nam lúc đó đã nể, sợ Trung Quốc. Thậm chí không ít người còn chỉ trích Ban Lãnh đạo Việt Nam lúc đó còn đặt tình đồng chí cao hơn lãnh thổ quốc gia?

Tôi xin nói rằng đó chính là câu hỏi mà tôi cũng thắc mắc cách đây 40 năm, khi còn là một tổ trưởng theo dõi quan hệ Việt - Trung. Tất nhiên, tôi phàn nàn với mấy anh bạn đồng nghiệp thôi. Nhưng không hiểu sao, ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, nghe được, và cho gọi tôi lên gặp ông.

Ông Thạch, vốn rất quý tôi vì biết rõ tính ngay thẳng của tôi, đã nói luôn:
"Dy ơi, sao cậu dại thế! Đất nước đã thống nhất chưa? Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn?

Cậu có biết rằng viện trợ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu dành cho chúng ta chủ yếu đi qua đường nào? Rồi cậu chắc biết hơn những người khác rằng Trung Quốc viện trợ cho chúng ta như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...

Thế mà bây giờ, vì cái chuyện Hoàng Sa, mà đằng nào họ cũng chiếm của Việt Nam rồi, chúng ta lên tiếng, đã không làm được gì còn ảnh hưởng tới sự nghiệp lớn hơn".

Lúc đó, ông Thạch chỉ nói cho tôi đến thế thôi, và tôi cũng thông.



Ảnh vệ tinh đảo Quang Hòa (Duncan) - nơi bắt đầu trận hải chiến Hoàng Sa 1974

Đến tháng 4.1975, khi chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã đồng thời giải phóng luôn những hòn đảo ở Trường Sa, tôi mới ngã ngửa người ra rằng Ban lãnh đạo Đảng ta quả thật là tài tình, và quá hiểu Trung Quốc.

Vì sao? Việc không nói để không ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước thì rõ rồi. Nhưng việc không nói còn làm cho Ban Lãnh đạo Trung Quốc chủ quan, nghĩ rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi nhẹ vấn đề biển đảo mà không tìm cách đánh chiếm luôn quần đảo Trường Sa nữa.

Tôi có đọc được một tài liệu của Trung Quốc nói rằng họ tiếc tại sao trong đầu năm 1979, khi tấn công Việt Nam, lại không chiếm luôn những hòn đảo mà Việt Nam chiếm giữ thuộc Trường Sa đi.

- Tức là theo ông, nếu chúng ta lên tiếng khi họ đánh quân Việt Nam Cộng hòa năm 1974, họ sẽ cảnh giác hơn và có khi chiếm luôn Trường Sa từ Việt Nam Cộng hòa?

Tôi nghĩ vậy. Trong lúc chúng ta tập trung quân trên bộ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung Quốc sẽ thừa cơ chiếm các đảo.

Hơn nữa, có khi chuyện này còn ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước ấy chứ. Chắc anh còn nhớ vụ Pháp, thông qua Tùy viên Quân sự - Tướng Vanusseme, định can thiệp với Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cuối Tháng Tư năm 1975, về khả năng đưa quân Trung Quốc vào Việt Nam, chứ?

- Vâng.Nhưng tôi muốn hỏi thêm rằng lúc đó ý niệm về biển đảo của chúng ta có rõ ràng như hiện nay không, hay vẫn mơ hồ?

Ý thức rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ Việt Nam là bất di bất dịch. Ngay cả thời gian trước khi Trung Quốc đánh Hoàng Sa, trên bản đồ của họ đã vẽ rành rành cái đường lưỡi bò, và chúng tôi bên ngoại giao có phản ứng lại họ, hỏi tại sao trên bản đồ của Trung Quốc lại vẽ đường lưỡi bò. Họ mới giải thích, đấy là của bọn Quốc dân đảng vẽ thôi, chứ Đảng Cộng sản Trung Quốc không cho chuyện đó là nghiêm túc, nhưng có điều họ dứt khoát không bỏ cái đường lưỡi bò đi.
- Đường lưỡi bò có trên bản đồ của họ từ lúc đó?

Từ năm 1947, thời Quốc dân đảng, đường lưỡi bò bắt đầu xuất hiện trên bản đồ chính thức của Trung Quốc. Khi chính quyền cộng sản lên nắm quyền vào 1950, đường lưỡi bò vẫn tiếp tục tồn tại trên bản đồ cho đến nay.

Nhân chuyện Hoàng Sa, tôi muốn hỏi ông về mối nghi ngờ đây đó trong dân chúng rằng, khi đàm phán biên giới trên bộ, Việt Nam đã chịu mất đất. Với tư cách là người nghiên cứu kỹ Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, ông có thể trả lời được không?

Tôi có thể khẳng định các thế hệ đàm phán của Việt Nam đều không bao giờ cắt đất cho Trung Quốc. Nhưng cũng còn những chuyện khác do hoàn cảnh lịch sử...

Ví dụ, có một thời gian để viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ, mỗi đêm Trung Quốc có 500 chiếc ô tô để chở vũ khí, hàng hóa hay lương thực, nhu yếu phẩm cho Việt Nam, và những xe này phải về ngay trong đêm để không ảnh hưởng đến chuyện khác.

Muốn vậy, phải làm đường cho tốt, và chỗ biên giới giáp nhau nếu làm theo đúng biên giới Trung Quốc thì đường phải đi vòng, hoặc qua đèo lội suối, nhưng để làm việc đó chúng ta đã để cho Trung Quốc được thuận tiện làm đường cho ngắn nhất, đơn giản nhất. Đến lúc sau này khi đàm phán với Trung Quốc, họ bảo đường của họ đến đâu thì đất của họ ở đấy (!).

Hay, trong thời gian đó, từ năm 1966, Trung Quốc tiến hành Cách mạng Văn hóa, một số người Trung Quốc trốn tránh đấu tranh áp bức của Hồng vệ binh truy đuổi, chạy sang Việt Nam, và chúng ta đã cho nương nhờ theo nghĩa "đồng chí", cấp đất cho họ ở. Từ đó đến nay, làng xóm hình thành, mồ mả có, và khi đàm phán Trung Quốc nói dân của họ ở đâu thì đất Trung Quốc đến đấy (!!!)

Vấn đề biên giới Trung - Việt chỉ có chuyện từ khi Trung Quốc tiếp đón Nixon năm 1972, và Việt Nam phản ứng dữ dội lại, từ đó Trung Quốc mới dùng vấn đề biên giới tác động. Chứ trước năm 1972, biên giới Trung - Việt cơ bản là biên giới hữu nghị và hòa bình.

Cám ơn ông.
H.P.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/sau-40-nam-nhin-lai-hai-chien-hoang-sa-156702.html


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn