Ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hãn

(Bài phát biểu tại cuộc họp ở trụ sở Liên Hiệp Hội KHKT, 67 Bà Triệu, Hà Nội, ngày 4-2-2013)

Về bản Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992, đã có nhiều ý kiến phong phú đề cập nhiều nội dung đáng suy ngẫm với tình hình thế giới và Việt Nam hiện nay. Ý kiến chủ đạo của tôi là cố gắng và phải giữ gìn bằng được những gì mà Hồ Chí Minh đã làm cho dân tộc ta, những gì liên quan đến trước thời Hồ Chí Minh, xin không bàn, sau Hồ Chí Minh, ta phải xem lại, nhưng không phải ở đây. Riêng lĩnh vực giáo dục - đào tạo, các tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục, theo thiển nghĩ của tôi là tiến bộ, đúng đắn và thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Vì vậy, trong văn bản này tôi tập trung vào những điều liên quan tới giáo dục đào tạo.

Thành tựu giáo dục – đào tạo nước ta sau gần 70 năm xây dựng và phát triển là vĩ đại không ai phủ nhận được. Trong những năm đổi mới vừa qua, bên cạnh những thành tích góp phần vào thành tựu chung của cả đất nước, thì những sự đổi mới của ngành đã không làm được điều Đảng và dân mong muốn. Phát triển giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu. Đầu tư của Nhà nước và dân cho giáo dục ngày càng tăng song chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống.

1/ Năm 1990 cả nước có 12 triệu học sinh - sinh viên, Nhà nước chi cho ngành giáo dục 767 tỷ đồng (120 triệu USD theo giá USD khi đó). Năm 2011, Nhà nước và nhân dân chi cho ngành giáo dục 12 tỷ USD (trong đó Nhà nước 7 tỷ, 5 tỷ còn lại do dân đóng góp), lớn gấp 100 lần so với năm 1990, trong khi số HSSV tăng chưa tới 2 lần.

2/ Năm 1996, Liên Hiệp Hội KHKT Việt Nam đã cảnh báo về sự “khủng hoảng” giáo dục – đào tạo. Năm 2008, nhóm giáo sư Đại học Harvard cũng đã cảnh báo giáo dục nước ta đang “khủng hoảng”[1]. Trong thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây, nhóm giáo sư Đại học Harvard đã viết "Sự thất bại của ngành giáo dục không những kìm hãm sự phát triển của quốc gia mà còn duy trì sự bất công bằng trong xã hội", “Một điều đáng ngạc nhiên hơn, đó là tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục trong GDP của Việt Nam là khá cao so với các nước trong khu vực. Vậy tiền đi đâu? Phải chăng đã bị “nuốt chửng” bởi cơ chế hiện nay?”, “Chất lượng giáo dục đứng vào bậc thấp nhất so với các nước đang phát triển trong khu vực, hiện sẽ không đủ giúp Việt Nam sản sinh ra những lao động chất lượng cao hơn để thay đổi điều ấy” (BBC- Cập nhật: 13:13 GMT - thứ Tư, 11 tháng 7, 2012). Theo GS Hoàng Tụy, giáo dục nước ta không chỉ lạc hậu, mà còn lạc lối!

3/ Giáo dục – đào tạo bao gồm giáo dục phổ thông, đại học và dạy nghề - được ví như ba chân kiềng, phát triển cân đối hài hòa tạo thành hệ thống giáo dục quốc dân hoàn chỉnh. Các nước, ví dụ Trung Quốc, sau trung học cơ sở – sau 9 năm đầu bậc phổ thông, số lượng học sinh được chia thành hai nhóm, nhóm vào trường nghề từ 50-60%, nhóm còn lại khoảng hơn 40% học sinh học tiếp trung học phổ thông, sau đó thi đại học. Năm 1993, nhân danh đổi mới, gần như xóa bỏ nhánh nghề, hệ thống giáo dục quốc dân có “dạng hình trụ”. Tôi đã hỏi trực tiếp việc chỉnh sửa này với người thân của đ/c Võ Văn Kiệt là ai làm việc này? Trả lời: “Không phải anh Kiệt làm”! Học sinh vào lớp 1 phổ thông và đầu ra thi đại học, cái kiềng chỉ còn hai chân, chênh vênh không bền vững. Rất nhiều Nghị quyết nói về vấn đề đào tạo thầy nhiều hơn thợ, song hệ thống “giáo dục quốc dân” vẫn chưa được Nhà nước chỉnh sửa một cách căn bản về con người và tổ chức ở đây!? Việc gộp một số trường đại học thành các đại học quốc gia, đại học vùng, là mô hình sao chép của Thái Lan, người Thái Lan sang nói, việc gộp các trường đại học Thái Lan đã mắc SAI LẦM, Việt Nam không nên học, song ta vẫn học và duy trì. Việc quản lý được nêu là thống nhất? Ông Giám đốc ĐHQG TP HCM - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã gửi công văn đóng dấu quốc huy gửi ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói Bộ GD-ĐT vi phạm quy chế (!?) hoạt động của ĐHQG (báo Tuổi Trẻ TP HCM 3/2002)?

4/ Triết lý giáo dục trên thế giới: i/ Giáo dục của dân, do dân và vì dân. Việc chấp nhận thể chế Nhà nước – thể chế XHCN, việc tổ chức nền giáo dục miễn phí là lẽ đương nhiên và là một tiêu chí bắt buộc, nước này có theo con đường XHCN hay không; ii/ Giáo dục của các nước dân chủ: giáo dục là lợi ích công, lấy tiêu chí công bằng cơ hội học tập cho lớp trẻ làm trọng, hầu hết các nước trên thế giới ngày nay theo triết lý này; triết lý thứ ba ra đời năm 1994, coi giáo dục là hàng hóa, tính đúng tính đủ vào học phí, bỏ vai trò quản lý của Nhà nước, trao giáo dục cho thị trường điều tiết. Việt Nam vô tình đang sa vào triết lý thứ ba qua việc cổ phần hóa trường học, việc tính đúng tính đủ vào học phí. Nghe trên truyền hình người cầm đầu chính phủ của nước XHCN tuyên bố tính đúng tính đủ vào học phí trên diễn đàn Quốc hội năm 2004– Ông Lê Văn Giạng – nguyên Thứ trưởng Bộ ĐH&THCN, đã gửi thư cho Bộ Chính trị do tôi chuyển qua Cố vấn Đỗ Mười – Việc tính đúng tính đủ học phí trong giáo dục mà Thủ tướng phát biểu trên diễn đàn Quốc hội – tư duy của người đứng đầu Chính phủ như vậy chưa từng có trong lịch sử giáo dục nhân loại. Rõ ràng, về danh nghĩa nói CNXH, song nội dung nó là gì? Do không tìm hiểu kỹ, nên việc làm lại đi ngược với bản chất của cụm từ XHCN?

5/ Chương trình là cốt lõi của nền học, sách giáo khoa là tài liệu pháp lý trong dạy và học. Hiện nay ta chưa có chuơng trình giáo dục chính thức từ phổ thông, đến đại học. Sách ở bậc phổ thông làm cho học sinh bị bội thực (Lớp 1 có khoảng 80 cuốn sách, gồm 20 cuốn sách bắt buộc, 59 cuốn sách tham khảo; số lượng sách từ lớp 2 đến lớp 12, nằm trong khoảng từ 100 cuốn/lớp đến 500 cuốn /lớp); còn ở bậc đại học đói sách triền miên. Nghịch lý này kéo dài suốt 25 đổi mới chưa có giải pháp khắc phục. Chưa kể tiền của dân bỏ ra mua sách, việc đổi mới chương trình và thay sách ở bậc phổ thông từ 2002 đến 2011 nhà nước đã chi khoảng 2 tỷ USD. Việc thay sách ở bậc phổ thông sau năm 2015, người ta vẽ số tiền 70.000 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD)!

Xin lưu ý, để tăng lương trong toàn quốc theo lộ trình của năm 2013, cần 60.000 tỷ đồng - 65.000 tỷ đồng. Cần nói thêm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng 32 năm qua, kể từ năm 1980 đến nay, ta chưa hề làm được chương trình, sách giáo khoa chuẩn. Trong khi đó "một số nhà khoa học nêu ý kiến cho rằng, có thể giải quyết vấn đề chương trình và sách giáo khoa chuẩn cho cả phổ thông lẫn đại học trong vòng một năm và với kinh phí 100 tỷ đồng" (bài "Đổi mới căn bản nền giáo dục và đào tạo hiện nay: những việc cần làm ngay" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên nhiều tờ báo lớn từ trung ương đến địa phương, báo Nhân Dân ngày 10-9-2007 nêu rõ như vậy song hình như nhiều nhà lãnh đạo chưa đọc – báo Đại Đoàn kết ngày 11-10-2012). Việc làm chương trình, sách giáo khoa chuẩn, theo GS Phạm Minh Hạc – cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng nêu chỉ cần 100 tỷ đồng là làm được (Phụ nữ Thủ đô ngày 8-11-2012). Nếu những đề xuất của những nhà giáo, nhà khoa học và những người quản lý được chấp nhận, bộ chương trình, sách giáo khoa chuẩn chắc chắn sẽ được hoàn thành để ổn định giáo dục phổ thông, và còn thừa tiền giải quyết việc tăng lương theo lộ trình.

Lưu ý, so với các nước trên thế giới, chương trình giáo dục của ta về khối lượng kiến thức nặng hơn khoảng 30%-50% , thậm chí 60% như môn Toán, cách viết không liền mạch, ngôn ngữ trừu tượng, khó học và khó nhớ, chương trình giáo dục như vậy thật bất lợi cho HS.

6/ Thi cử và nhận bằng cấp ở nước ta, theo truyền thống được xem là phép nước, gần đây có một ĐH lớn “liên kết với các trường RỞM” đã cấp một số lượng lớn các bằng Thạc sỹ không đạt chuẩn - chưa nói là bằng RỞM. Thanh tra Chính phủ[2] đã kiến nghị không chấp nhận các bằng cấp này. Vậy chúng ta có thu các bằng cấp này, theo truyền thống nước ta để giữ phép nước? Theo thông tin cá nhân các quan chức sử dụng bằng cấp này, có người đã giữ chức vụ lãnh đạo tỉnh, và có người còn có vị trí cao hơn. Nhìn ra thế giới những người có bằng cấp RỞM[3], phải từ chức. Vậy ở Việt Nam có học tập kinh nghiệm của thế giới và kế thừa truyền thống của nước ta?

7/ Các cấp học cơ bản mang tính chất bắt buộc phải miễn phí. Đây là thành tựu của nhân loại, được hầu hết các nước trên thế giới vận dụng. Trong các bản Hiến pháp của Việt Nam, Hiến pháp 1946 thời Hồ Chí Minh, Hiến pháp ở miền Nam vào năm 1955 và 1967, các cấp học bắt buộc đều miễn phí. Việt Nam là một nước có dân số đứng hàng thứ 13 trong tổng số 200 nước trên thế giới, lại là nước theo chính thể XHCN, Việt Nam lại đứng ngoài các chuẩn mực chung của nhân loại?

Điều 66 (sửa đổi, bổ sung Điều 35, Điều 36) – những chỉnh lý, sửa chữa và bổ sung các Điều đã kể trên, mù mờ không rõ ràng hay nói thật khó chấp nhận từ lý thuyết lẫn thực tế. Độc lập của giáo dục liên quan chặt chẽ với độc lập dân tộc. Giáo dục nước ta lúc đầu thì sao chép từ các nước trong khu vực không thành công, nay nhập khẩu chương trình, nhập khẩu các trường đại học… trong khi đó khắp nơi vang lên khẩu hiệu – độc lập và CNXH, song thực chất của những cụm từ này trong thực tế thì không được quan tâm tìm hiểu.

Kết luận:

Dựa vào những lý do đã nêu ở trên tôi đề nghị giữ nguyên nội dung của các Điều 35 và Điều 36, thêm vào một ý giáo dục phổ cập miễn phí, và sửa lại câu chữ cho thích hợp với hoàn cảnh hiện nay. Ngày 15-5-1995 trên báo Nhân Dân, Cố vấn Phạm Văn Đồng đã viết “Chúng ta nói trồng cây, trồng người, nhưng Ai trồng? Một câu hỏi ở nước ta hiện nay là vấn đề thách thức…”. Vấn đề cốt lõi vẫn là con người và tổ chức, con người ta có, nhưng phải biết chọn và dùng.

N.X.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

[1] Trích từ tài liệu "Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của VN" vừa được các giáo sư ĐH Harvard gửi tới Thủ Tướng”.

[2] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thu-tuong-chinh-phu-ket-luan-ve-lien-doanh-lien-ket-dao-tao-tai-dhqghn-665584.htm

[3] http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3327