29.10: Vụ án xử người dùng Facebook đầu tiên trên thế giới

Thụy Minh, VRNs

VRNs (24.10.2013) – Sài Gòn – Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới xử người sử dụng Facebook, vào ngày 29.10.2013, tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An, số 116 Trương Định, phường 1, thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Với sự kiện này, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên chỉ ra cho ông Mark Zuckeberg biết mạng xã hội nổi tiếng trên thế giới do ông đang điều hành có nguy cơ trở thành cái bẫy để đưa công dân Việt Nam vào tù.

Facebooker Đinh Nhật Uy đối diện với phiên tòa xét xử theo điều 258 của Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam. Theo bản cáo trạng thì những lý do khởi tố Đinh Nhật Uy hoàn toàn xuất phát từ mạng xã hội Facebook. Trong đó, (trang 3, Bản cáo trạng) liệt kê anh Uy ba tội: Một là có ba bài viết xâm hại Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, hiệu quả kinh doanh của tổ chức này. Tuy nhiên Bản cáo trạng không cho biết qua Facebook, anh Uy đã xâm hại cái gì của hai tập đoàn này? Hai tập đoàn này bị ảnh hưởng xấu về thương hiệu ra sao? Và nhất là hiệu quả kinh doanh giảm như thế nào? Đối tượng và các con số đánh giá dựa trên các cuộc khảo sát, lượng giá về các bài viết của anh Uy trên hai Tập đoàn này đều không có.

Thứ hai, một số bình luận của anh Uy ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan công an và viễn thông, xâm hại danh dự, uy tín một số cá nhân. Nhưng văn bản này cũng không đưa ra cá nhân nào cụ thể bị xâm hại danh dự, uy tín cũng như sự xâm hại đó được đánh giá theo tiêu chuẩn nào, và ở mức độ nào? Liệu uy tín của lực lượng công an có thực sự bị xâm hại vì một bài viết hay vì chính hành vi vi phạm pháp luật của ngành đang làm cho các công an viên không còn dám hiên ngang nhận mình là công an nhân dân? Về các tập đoàn viễn thông cũng thế.

Thứ ba, văn bản đó nói rằng anh Uy đã liên kết và chia sẻ trên trang facebook của người khác có hại đến trật tự xã hội, ảnh hưởng đến công an. Nói đến các trang facebook của người khác thì sao lại không đưa ra xem ai là người quản lý trang bị/được anh Uy bình luận liên kết? Họ có thấy những bình luận và liên kết của anh Uy làm cho tình trạng xã hội mất trật tự hay vì thế mà uy tín ngành công an bị giảm không? Chính họ là người ảnh hưởng trực tiếp mà không lên tiếng thì VKS và công an đã hoàn toàn suy diễn thiếu cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, trong những ngày này, đang tìm mọi cách để bảo vệ con mình. Bà đã viết thư mời ông chủ của Facebook đến Việt Nam tham dự phiên tòa với tư cách là người “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án “258″ của con tôi”. Lá thư nguyên văn như sau:

“Kính gởi Ông Mark Zuckeberg.

Chủ trang http://www.facebook.com/

Địa chỉ:1601 Willow Road Mento Park. CA 94025. USA

Tôi là Mẹ của Đinh Nhật Uy , người mà 29-10 này sẽ ra tòa, và lần đầu tiên vụ án nầy có liên quan tới trang FB của ông.

Vì vậy là một người Mẹ tôi xin thay mặt con tôi, mời ông đến dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án “258″ của con tôi.

Rất mong sự có mặt của Ông.

Xin chào Ông.

Mẹ Uy Kha”

Bà Liên nhắn thêm với mọi người: “P/S: Bà con nào có thể giúp mình dịch sang tiếng Anh, mình xin cảm ơn”.

Theo chúng tôi, ông Mark Zuckeberg nên đến Việt Nam tham dự, hoặc ít ra cần gởi luật sư của công ty Facebook đến tham dự, vì với sự kiện này, có thể Tòa án ở Việt Nam sẽ làm “xâm hại danh dự, uy tín” của đại công ty Facebook. Và từ đó có thể nhiều người Việt Nam sẽ cảm thấy không được bảo vệ an toàn khi sử dụng Facebook để diễn tả tư tưởng theo như các Công ước quốc tế quy định và cả Hiến pháp Việt Nam cam kết bảo vệ nữa.

Theo Wikipedia, “Facebook là một website mạng xã hội truy cập miễn phí do công ty Facebook, Inc điều hành. Người dùng có thể tham gia các mạng lưới được tổ chức theo thành phố, nơi làm việc, trường học và khu vực để liên kết và giao tiếp với người khác. Mọi người cũng có thể kết bạn và gửi tin nhắn cho họ, và cập nhật trang hồ sơ cá nhân của mình để thông báo cho bạn bè biết về chúng. Tên của website nhắc tới những cuốn sổ lưu niệm dùng để ghi tên những thành viên của cộng đồng campus mà một số trường đại học và cao đẳng tại Mỹ đưa cho các sinh viên mới vào trường, phòng ban, và nhân viên để có thể làm quen với nhau tại khuôn viên trường.

Ông Mark Zuckerberg thành lập Facebook cùng với bạn bè là sinh viên khoa Khoa học máy tính và bạn cùng phòng Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes khi Mark còn là sinh viên tại Đại học Harvard.

Việc đăng ký thành viên website ban đầu chỉ giới hạn cho những sinh viên Harvard, nhưng đã được mở rộng sang các trường đại học khác tại khu vực Boston, Ivy League, và Đại học Stanford. Sau đó nó được mở rộng hơn nữa cho sinh viên thuộc bất kỳ trường đại học nào, rồi đến học sinh phổ thông và cuối cùng là bất cứ ai trên 13 tuổi. Website hiện có khoảng 1 tỷ thành viên tích cực trên khắp thế giới. Với con số ấy, Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất, vượt mặt MySpace và Twitter”.

Nói về phiên tòa, luật sư Hà Huy Sơn cho biết: “Có lẽ đây là trận mở màn, làm điểm của Chiến dịch “258″ (thay cho chiến dịch 79; 88), ví như Đắc Tô – Tân cảnh. Nếu trận đầu họ thắng lợi, họ sẽ làm tới với các Blogger. Là LS của ĐNU tôi rất cần sự trợ giúp của mọi người quan tâm, nhất là giới LS để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý”.

T.M.

Nguồn: chuacuuthe.com