“Chủ nghĩa lý lịch Việt Nam”

Thiện Tùng

Xem qua cái tựa của bài viết, chắc có người cho rằng người viết bài bầy uống lộn thuốc sao mà cường điệu, chỉ có cái ngữ lý lịch mà cũng gọi là chủ nghĩa.

Sở dĩ tôi gọi “Chủ nghĩa lý lịch VN” là vì tôi không biết trên hành tinh này, ngoài VN, còn có nước nào chọn người vào bộ máy công quyền không dựa vào tài đức mà chủ yếu dựa vào lý lịch hay không.

Chắc chúng ta ai cũng ít nhất một lần nghe câu châm ngôn “Con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Từ câu châm ngôn này tôi mới ngộ ra, việc chọn người dựa vào lý lịch là dựa vào huyết thống (dòng máu) chớ không dựa vào tài đức. Chọn người theo huyết thống là kéo lùi lịch sử trở về thời vua chúa phong kiến.

Ở Việt Nam ta, tuyển người có dựa vào lý lịch theo kiểu “Con vua thì được làm vua” hay không ? Tôi dám khẳng định là có, có khắp trời từ trung ương đến cơ sở. Đã nói có khắp trời thì mọi người tự tìm sẽ thấy, đừng ép tôi bày ra xem nó ở đâu, thuộc dòng họ nào. Hãy dành thời gian tìm hiểu xem nó tác động tốt xấu thế nào vào đời sống xã hội đương đại của chúng ta.

Do kén chọn người nặng về lý lịch nhẹ về tài đức nên người lãnh đạo cao nhất chưa hẳn là người có tài đức nhất. Từ 1975 đến nay, chất lượng người lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước mỗi ngày một kém so với tiền nhiệm và với mặt bằng xã hội. Nguyên nhân chính là do theo lối mòn “Đảng chọn Dân bầu”. Đảng cơ cấu nhân sự dựa hẳn vào 2 tiêu chuẩn: một là đảng viên, hai là 5C - con cháu các cụ cả.

Ham lãnh đạo mà tài đức kém thì họ “đục” những ai hơn mình về tài đức. Họ trọng dụng những trí thức “nhẹ roi” chỉ biết gọi dạ bảo vâng, ghét cay ghét đắng những trí thức “cứng đầu”, thường hay phản biện đường lối, chủ trương, chính sách của lãnh đạo ban ra.

Nếu trong chiến tranh là thời kỳ cống hiến thì sau chiến tranh là thời kỳ hưởng thụ, việc lãnh đạo kén chọn người dựa hẳn vào hai chuẩn vừa nói trên cũng là điều dễ hiểu. Phần lớn con em cán bộ đảng viên được ưu tiên: sớm được chọn vào bộ máy công quyền, sớm được vào đoàn vào đảng, sớm được thăng quan tiến chức, sẵn sàng trong tư thế kế vị cha ông. Tình cờ, tôi chứng kiến 2 học sinh tiểu học đối đáp với nhau, xin kể vắn tắt để xem mọi người nên cười hay mếu:

- Bạn phải cố gắng học cho thành tài để kế thừa Bác Hai chớ!?

- Lo gì, cha tao làm tỉnh ủy, tao chẳng cần học nữa cũng làm tỉnh ủy thôi.

Phong kiến ngày xưa đất nước chỉ có một vua, phong kiến trá hình ngày nay vua tập thể. Trong khi một dòng họ chưa đủ sức thống lĩnh giang sơn, nhiều dòng họ liên minh ma quỷ với nhau, tạo bè cánh, tạo quyền thế, chia nhau làm vua từng lĩnh vực, lãnh địa, thi nhau rút rỉa, thực thi luật giang hồ “mi không đánh ta ta không đánh mi”. Không êm đâu, như đàn khỉ, con khỉ đực nào thắng thế, nó sẽ cắn d… tất những con khỉ đực khác để độc chiếm…, giống như vua chúa ngày xưa, thiến tất cả nam phục vụ nội cung để độc chiếm… Họ còn thích kết thông gia với nhau, để con anh rể tôi, con tôi dâu anh, chúng ta có trách nhiệm lo cho chúng có cuộc sống cao sang, có vị thế xã hội xứng đáng. Liên minh là giải pháp tình thế, chỉ là phương tiện để thực hiện tham vọng gia tộc trị mà họ luôn ấp ủ.

Chủ nghĩa lý lịch tạo điều kiện cho lãnh đạo sống ngoài vòng pháp luật, vô kỷ, vô cương. Từ thực trạng hiện nay, chúng ta thử lấy người đương nhiệm làm trung tâm, hãy cùng xét xem : Có khi nào họ mạnh tay xử lý sai phạm của hậu duệ, và có khi nào họ truy cứu lỗi lầm của tiền nhiệm hay không ? Chắc chắn là không, bởi vì họ là dòng tộc với nhau nỡ nào ? - ứng với câu “tay cắt tay bao nỡ, ruột cắt ruột sao đành”. Đã vậy thì dại gì không “quậy”, quậy cũng được “đôn”, cũng được “hạ cánh an toàn”.

Hy sinh đời bố để củng cố đời con” là câu nói biếm đời khá phổ biến, nhằm châm chích bọn tham quan, nó thường thốt ra từ cửa miệng những người thích đùa. Có một số đảng viên hồi hưu chơi thân vời tôi, dường như cố tật, họ thường gợi tôi nói và phân tích thời sự cho họ nghe, xem mòi họ bực bội với những tệ nạn xã hội, nhất là tệ tham nhũng. Bữa nọ tôi vui miệng nói :

- Bóc lột vừa vừa thôi các cha – sao chỉ nghe tôi nói mà không nói cho tôi nghe?!.

- “Hy sinh đời bố củng cố đời con” – một trong số nhìn tôi cười nói.

- Bộ hồi còn đương nhiệm quơ quào nhiều, giờ đây cứng họng? – tôi đùa.

- Quơ quào cái con khỉ, chúng tôi đang ém tức vào trong, vì con cháu phải á khẩu - Con cháu chúng tôi đang làm việc trong bộ máy đảng và nhà nước, nếu nói thẳng ruột ngựa như anh lũ nó bị đì, mỗi khi bị đì về nhà chúng cằn nhằn chịu không nổi.

- Lớn cả rồi, đầu ai chí nấy chớ?! – tôi thăm dò.

- Anh không phải người lâm cảnh không hiểu hết nói vậy thôi – “tru di nhị tộc” chớ bộ!... Chúng tôi đang bị kẹt cứng, phải chấp nhận 19 điều cấm. Đã “quy y thì phải đầu Phật thôi”!

- Sao không rời “chùa” cho nó khỏe?

- Lũ nhỏ càng chết – “tru di tam, cửu tộc” chớ chẳng chơi!

v.v…

Qua đối thoại ngắn này, tôi càng thấy rõ hơn sự độc hại của việc tuyển người qua lý lịch theo tiêu chuẩn đảng viên5C. Từ đó, tôi tự ý nâng tầm rồi đặt đại cho nó cái tên “Chủ nghĩa lý lịch”, nếu ai muốn dùng thì cùng dùng, không ép.

25/10/2013

T.T.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN