Chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Việt Nam

Một thỏa thuận thương mại do Mỹ dẫn dắt có giúp gì cho các nhà cải cách Việt Nam hay không?

The Economist, Oct 19th 2013

Phạm Nguyên Trường dịch

Một số người cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển động khá nhanh. Tốc độ lạm phát với hai con số trong năm 2011 đã đã bắt đầu hạ nhiệt, còn kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và hàng điện tử thì đang gia tăng nhanh chóng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 36% mỗi năm, đấy là theo đánh giá của cơ quan xếp hạng, có tên là Fitch.

Nhưng, GDP lại gia tăng khá chậm: năm ngoái chỉ đạt 5%, thấp nhất kể từ năm 2009. Rắc rối phần lớn là do đảng Cộng sản cầm quyền thất bại trong việc ép các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tuân thủ kỷ luật và không xử lý được những khoản nợ xấu trong trong các ngân hàng. Cũng như nước láng giềng Trung Quốc, các ông trùm trong đảng và đàn em của họ không muốn thay đổi hiện trạng vì nó có lợi cho họ.

Nhưng, muốn có tính hợp pháp thì chính phủ phải cải thiện được cuộc sống của người dân trong cái đất nước có tới 90 triệu người này. Trong mấy tháng gần đây, các quan chức bắt đầu tung ra kế hoạch cải cách kinh tế quan trọng. Dấu hiệu đáng khích lệ gồm có Nghị quyết của Bộ Chính trị hồi tháng Tư, coi hội nhập kinh tế là ưu tiên hàng đầu; và những cuộc tranh luận gần đây của các nhà làm luật của Việt Nam về biện pháp "cổ phần hóa" hay tư nhân hóa một phần doanh nghiệp nhà nước. Tháng 9 vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết sẽ xử lý 1.300 doanh nghiệp nhà nước như các công ty tư nhân và tăng mức cổ phần trong các ngân hàng mà các nhà đầu tư ngoại quốc có thể sở hữu lên từ 30% đến 49%.

Một nhà ngoại giao phương Tây nói rằng hiện nay vấn đề không phải là có cải cách hay không mà là cải cách sẽ diễn ra nhanh đến mức nào. Nếu đúng như thế thì tốc độ thay đổi có thể phụ thuộc vào Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tức là phụ thuộc vào Thỏa thuận thương mại tự do của hơn một chục nước do Mỹ lèo lái, đang được trù liệu. Ngoài những vấn đề khác, TPP sẽ yêu cầu các thành viên kiềm chế những hành động thái quá của doanh nghiệp nhà nước.

Việc TPP tập trung chú ý vào doanh nghiệp nhà nước tạo ra vỏ bọc chính trị cho các nhà lập pháp có tinh thần cải cách của Việt Nam, để họ có thể theo đuổi chương trình nghị sự của mình, một nhà kinh tế học là ông Phùng Đức Tùng nói như thế. Họ sẽ đi xa đến đâu vẫn là một câu hỏi mở, nhưng ông Tùng cho rằng tư nhân hóa hầu hết các DNNN sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế và tạo được nền tảng thuế khóa vững chắc hơn.

Doanh nghiệp nhà nước, chiếm 40 % sản lượng kinh tế, đang có nguy cơ gắn chặt với các ngân hàng quốc doanh – tức là gắn với những người cho vay từng tài trợ cho việc tham gia vào thị trường bất động sản đầy rủi ro trong vụ bùng nổ kèm theo việc Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007.

Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước đang tích cực "tái cơ cấu", báo chí do nhà nước kiểm soát nói như thế. Không có người nào tin rằng những khoản tín dụng khổng lồ sẽ tái diễn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động không hiệu quả, một số nợ nần chồng chất đến nỗi không có tiền trả lương cho nhân viên.

Không có gì tốt đẹp cho hàng trăm ngàn thanh niên đang bước vào thị trường lao động thiếu sinh khí của Việt Nam, những người đang chán ngấy nạn tham nhũng và bất bình đẳng còn đáng buồn hơn thế. Cùng với tâm trạng thất vọng về hệ thống giáo dục, y tế và chính sách về quyền sử dụng đất, những vấn đề đó có thể là nhiên liệu cho một vụ bùng nổ xã hội trong một ngày nào đó.

Trong khi đó, các nhà đàm phán trong lĩnh vực thương mại của Mỹ đang nóng lòng muốn kết thúc những cuộc đàm phán TPP. Sự hấp dẫn đối với Việt Nam là một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc và giày dép sẽ dễ tiếp cận hơn với thị trường Mỹ. Nhưng đại sứ Mỹ ở Việt Nam, ông David Shear, nói rằng nước này cần phải thể hiện "sự tiến bộ rõ ràng" về nhân quyền để có thể giúp cho dư luận Mỹ ủng hộ họ tham gia vào TPP. Về mặt này, việc luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân bị phạt tù vì tội danh trốn thuế giả mạo sẽ chẳng giúp được gì. Mặc dù vậy, rất có thể hai bên sẽ ký thỏa thuận trong năm tới.

Nguồn: economist.com