Hội chứng domino vỡ, lún sụt của các đập thủy điện: điểm chiếu vuông góc hội tụ của thể chế chính trị và đạo đức khoa học

Hải Yến

Mấy ý kiến về hiện tượng domino các sự cố  xảy ra gần đây tăng dần đều: vỡ, lún sụt, và xả nước vô tôi vạ của các đập thủy điện, gây nên nhiều nhân tai cho con người và môi trường ở miền Trung hiện nay:

1) Sự yếu kém của một hệ thống chính phủ độc tài:

1.1. Bất chấp các phản biện khoa học độc lập, tùy tiện ký duyệt cho các chủ đầu tư các dự án phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh để khai thác tài nguyên, xây dựng thủy điện và kinh doanh trồng cao su và cà phê tràn lan. Mất rừng, mất đất, mất sinh cảnh của sinh vật, dẫn đến mất đa dạng sinh học, và tất yếu cân bằng sinh thái bị phá vỡ, giảm sức tải của hệ sinh thái. Tốc độ mất rừng kỷ lục và không kiểm soát [1], trong khi đó địa hình của miền Trung là rất dốc, thì lượng nước khổng lồ của các trận mưa nhiệt đới sẽ ngay lập tức ập xuống cuốn trôi nhà cửa hoa màu ở khu trung phần và nhấn chìm các cộng đồng dân cư và cơ sở hạ tầng phía hạ nguồn. Rủi ro và tổn thương đối với an sinh xã hội và thiệt hại về kinh tế của cả nước sẽ tăng theo tỷ lệ phá rừng. Đó là hậu quả của một chính phủ bất tài và độc tài toàn trị, nơi mà các phản biện khoa học của một hình thái xã hội dân sự văn minh bị bóp nghẹt và chà đạp.

1.2. Bất chấp các tôn chỉ cho phép từ kết quả đánh giá môi trường chiến lược (Strategic Environmental Assessment = SEA) trong qui hoạch thủy điện. Ví dụ: Văn bản 4621/VPCP-KTN năm 2008 của chính phủ cho phép xây dựng hai dự án đập ngăn trên dòng chính ĐN 6 và 6A thay vì một dự án ĐN 6 dạng hồ chứa theo qui hoạch dựa trên kết quả SEA đã được ký duyệt theo văn bản 1483/CP-CN năm 2002 [2]. Hai thủy điện ĐN 6 và 6A nghễu nghện ngoạm vào 150 ha vùng lõi của VQG Cát Tiên, thách thức và chà đạp thiên nhiên và xã hội. Điều này không những cho thấy việc hành xử theo cái kiểu ”nhổ ra rồi lại liếm” của các quan chức chính phủ Việt Nam, mà còn là chỉ dấu của việc cố tình đặt mục đích lợi ích nhóm bất chấp các thông tin và số liệu khoa học như trong một bài tôi đã đề cập: vì lợi ích của chủ đầu tư mà chính phủ ”cố gọt chân cho vừa giày” để lại ”lời nguyền tài nguyên cho đất nước”.

1.3. Vi phạm luật trong nước và thiếu trung thực trong cam kết quốc tế. Luật Đa dạng Sinh học (ĐDSH) và các nguyên tắc về ecosystem services/ benefit sharing đã được ban hành và hiệu lực, nhưng chính phủ vẫn bất chấp để ký duyệt hàng loạt các dự án thuỷ điện (TĐ) và các loại công trình khác xâm hại ĐDSH và quyền lợi của các cộng đồng. Vi phạm các công ước quốc tế trong vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên: Ví dụ trong trường hợp hai dự án TĐ ĐN 6 và 6A, với việc ký quyết định cho lập và xây dựng 2 dự án này chính phủ VN đã vi phạm trắng trợn công ước Ramsar mà VN đã cam kết. Đó là cách hành xử cuội với dân và lừa đảo quốc tế.

1.4. Không minh bạch trong hệ thống và tiến trình lập và đấu thầu xây dựng dự án: Việc cho một chủ đầu tư ví dụ tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) độc quyền một mình một sân khấu với hai dự án TĐ ĐN 6 và 6A, tiếp tay cho việc làm ăn gian dối và dễ dàng chiếm đoạt tài sản công. Đó là mục đích của độc tài để độc chiếm tài sản của nhân dân của một chính phủ chuyên chế.

1.5. Một hệ thống chính phủ rối như canh hẹ và chằng đụp, chức năng và nhiệm vụ của các Bộ ngành chồng chéo, giành giật về chức năng nhưng né tránh trách nhiệm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thay vì trách nhiệm cung cấp thông số khoa học kỹ thuật cho Bộ TNMT thì lại ra nghị định chuyển đổi sử dụng đất từ VQG sang làm thủy điện. Bộ Công thương thì ra quyết định thay đổi qui hoạch bất chấp việc chờ đợi kết luận của Bộ TNMT. Việc ra quyết định bừa bãi để chủ đầu tư đạt mục đích khai thác gỗ từ hàng trăm ha VQG dưới chiêu bài xây thủy điện, là ăn cướp tài sản của nhân dân của xã hội làm lợi cho nhóm lợi ích, đó là hậu quả của một chế độ tập trung dân chủ, không tam quyền phân lập.

1.6. Hệ thống thực thi chính sách ất ơ của VN: chẳng đâu trên thế giới lại có kiểu một báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được gọi là thảm họa như báo cáo của chủ đầu tư ĐLGL đối với hai dự án TĐ ĐN 6 và 6A, nhưng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan thay vì phế truất vì năng lực quá kém lại cho chủ đầu tư tiếp tục làm lại, và một BC ĐTM lại được cho chỉnh sửa đến vài lần.

1.7. Căn bệnh mù màu trong việc đưa ra các qui chế và qui định các chỉ số sử dụng trong ĐTM của chính phủ và các nhà khoa học có chức quyền. Một báo cáo ĐTM mà các thông số về số điểm lấy mẫu nghiên cứu rất ít, không đủ đại diện về mặt không gian và thời gian, và chỉ số của các thông số về sinh thái và ĐDSH mới hoàn toàn chỉ thể hiện được một phần số liệu về định tính, và hoàn toàn không đưa ra được bất kỳ chỉ số (indicators) nào để quan trắc và đánh giá kể cũng như không đưa ra được bất cứ phương án nào khả thi về các giải pháp giảm thiếu ảnh hưởng của dự án đến ĐDSH từ cấp độ loài đến cấp độ hệ sinh thái như báo cáo ĐTM lần thứ 3 về TĐ ĐN 6 và 6A [2] của ĐLGL vẫn được cho là báo cáo ĐTM ”ưu việt” từ trước đến giờ [3]. Thử hỏi mấy thập niên vừa qua chính sách của chính phủ cho phép ồ ạt xây thủy điện đã xóa sổ hàng bao nhiêu diện tích rừng và các loài sinh vật?

2) Chất lượng và sự băng hoại đạo đức nghề nghiệp của các nhà khoa học:

2.1. Việc cắt dán thông tin của các đơn vị kỹ thuật tư vấn và thực hiện ĐTM và của chủ đầu tư là một điều sỉ nhục của giới khoa học VN [2,4,5].

2.2. Từ sự cố tình sử dụng số liệu và phương pháp phân tích số liệu và xây dựng kịch bản không phù hợp, sự gượng ép đưa ra các thông số khoa học mơ hồ đến việc đưa ra các kết luận phản khoa học trong báo cáo ĐTM các nhà khoa học là thành viên trong nhóm tư vấn cho mục đích làm mờ đi những tác hại môi trường sinh thái của các dự án TĐ [6].

2.3. Rất nhiều quan chức phụ trách của khối chính phủ và các thành viên trong hội đồng thẩm định các báo cáo ĐTM yếu về chuyên môn hoặc đã bắt tay với chủ đầu tư để cố tình nhắm mắt với những khuất tất và phản khoa học của các thông tin và số liệu sai một cách lồ lộ trong các bản báo cáo ĐTM. Đây là hậu quả của việc bóp nghẹt các ý kiến phản biện khoa học độc lập, nổi bật là sự sai phạm của Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg [7].

Từ hai vấn đề 1 và 2 dẫn đến vấn đề 3 dưới đây.

3Chất lượng các công trình thủy điện xây dựng gần đây rất kém, do hai nguyên nhân:

3.1) Tại sao rất ít các sự cố xảy ra đối với các công trình TĐ lâu năm và các công trình hạ tầng khác (kể cả các công trình được xây dựng trong thời kỳ còn chiến tranh). Chuyện rút ruột công trình thay vì đổ bê tông xi măng, thì trộn xi măng lẫn đất (bà đương nhiệm PCT nước đã nói là “người ta ăn mọi thứ, cái gì cũng ăn, ăn ở mọi nơi”). Một công trình thủy điện vừa mới xây xong chưa sử dụng đã nứt, sụt lún, và đổ bể hoàn toàn khi chỉ cần 1 cái ô tô tải húc nhẹ [8]. Đó là hậu quả của một bầy sâu tham nhũng (cách diễn đạt của ông đương nhiệm Chủ tịch nước) từ thượng tầng đến hạ tầng mà nguyên nhân chính là thiếu sự minh bạch trong quản lý của khối chính phủ.

3.2) Yếu kém trong công việc tính toán thiết kế công trình thủy điện. Do thiếu đánh giá sức tải của hệ sinh thái, chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài là ngay tức khắc tình thế vượt quá ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái, và đương nhiên những công trình nửa vời đó sẽ bị lật bài, và tiền thuế của dân bị cuốn đi. Đây là hậu quả của việc ngu dốt trong sử dụng và quản lý nguồn nhân lực có chất lượng cao của chủ nghĩa cộng sản với nền chuyên chính vô sản mà chính quyền Hà Nội đang sống chết theo đuổi. Nhưng xin được trích dẫn nhận định của GS toán học Nguyễn Tiến Dũng “chuyên chính vô sản về bản chất là chuyên chính vô học" [9]./.

Tham khảo

1. http://www.baomoi.com/GSTSKH-Nguyen-Ngoc-LungCao-su-va-thuy-dien-tan-luc-pha-rung/148/12077174.epi

2. BC ĐTM TĐ ĐN 6 và 6A (lần 3) tháng 6 năm 2013 của tập đoàn Đức Long Gia Lai

3. http://vietstock.vn/2013/09/thuy-dien-tay-nguyen-qua-lo-thanh-lo-co-hoi-1351-313441.htm

4. BC ĐTM TĐ ĐN 6 và 6A lần 1 ( ) của tập đoàn Đức Long Gia Lai.

5. BC ĐTM TĐ ĐN 6 và 6A lần 2 ( ) của tập đoàn Đức Long Gia Lai.

6. Những sai phạm khoa học của hai báo cáo ĐTM (lần 2 và 3) hai dự án TĐ ĐN 6 và 6A của tập đoàn ĐLGL.

7. http://www.viet-studies.info/kinhte/GiaiThe_IDS.pdf

8. http://phapluattp.vn/20130616104249853p0c1015/tu-vu-vo-thuy-dien-ia-krel-2-hang-loat-thuy-dien-thi-cong-au.htm

9. http://zung.zetamu.net/2013/10/th%E1%BA%AFng-trong-chi%E1%BA%BFn-tranh-thua-trong-hoa-binh/

H.Y.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN