Trang nhất báo Trung Quốc "L'expresse Nouveau", ngày 23/10/2013, với hàng tựa "Làm ơn thả anh ra". RFI / Stéphane Lagarde
Nhiều ngày sau vụ bắt giữ một phóng viên gây rất nhiều tranh cãi, Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc đã hứa sẽ bảo vệ “các quyền căn bản của thông tin”, một cử chỉ hiếm hoi của nhà cầm quyền Bắc Kinh theo hướng thúc đẩy tự do báo chí.
Nhà báo Trần Vĩnh Châu (Chen Yongzhou) của tờ Tân Khoái Báo (Xinkuaibao) ở Quảng Đông đã bị công an thành phố Trường Sa (Hồ Nam) câu lưu ngày 18/10, vì bị cho là đã xúc phạm thanh danh của một tập đoàn thiết bị xây dựng lớn, tập đoàn Trung Liên Trọng Khoa (Zoomlion).
Tập đoàn này, mà trong đó Nhà nước nắm 20% vốn, có cổ phiếu niêm yết trên các thị trường chứng khoán Hồng Kông, Thượng Hải, với trị giá chứng khoán hơn 8 tỷ đô la, một nguồn thu thuế đáng kể cho thành phố Trường Sa. Tuy nhiên, phóng viên Trần Vĩnh Châu đã viết nhiều bài tố cáo tập đoàn Trung Liên Trọng Khoa giả mạo sổ sách kế toán, thổi phồng lợi nhuận.
Hôm qua, ban biên tập tờ báo này đã đăng trên trang nhất lời kêu gọi công an trả tự do cho phóng viên Trần Vĩnh Châu, một hành động hiếm hoi thách thức chính quyền từ cho phóng viên Trần Vĩnh Châu, một hành động hiếm hoi thách thức chính quyền từ một tờ báo Trung Quốc. Hôm nay, tờ báo lại đăng trên trang nhất hàng tựa: ”Một lần nữa, làm ơn thả anh ra”.
Hành động này đã nhận được ủng hộ của nhiều cư dân mạng ở Trung Quốc. Tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, cũng đã ra thông cáo hoan nghênh hành động “dũng cảm” của tờ Tân Khoái Báo và kêu gọi chính quyền trả tự do cho nhà báo Trần Vĩnh Châu.
Đa số các báo Trung Quốc chỉ trích việc bắt giam phóng viên Trần Vĩnh Châu. Trên trang blog của mình, một tuần báo ở Quảng Đông, Southern Weekly, cho rằng công an đang cố tạo ra một “bầu không khí khủng bố” trong giới nhà báo.
Điều bất ngờ là tối hôm qua, 23/10/2013, Nhật báo Xuất bản và Báo chí, cơ quan ngôn luận của Tổng cục Báo chí và Xuất bản, cho biết cơ quan này “rất quan ngại” về vụ bắt giữ phóng viên Trần Vĩnh Châu. Tờ báo trích lời một quan chức Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc khẳng định là cơ quan này đã thảo luận với các cấp có thẩm quyền để bảo đảm cho vụ này được giải quyết “một cách đúng đắn và hợp lý”.
Quan chức nói trên còn tuyên bố là Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc “yểm trợ mạnh mẽ các cơ quan truyền thông trong hoạt động bình thường nhằm thông tin cho công chúng và rất chú ý bảo vệ các quyền chính đáng này”. Tuy nhiên, cơ quan quản lý truyền thông Trung Quốc chống lại mọi “lạm dụng” các quyền thông tin, đồng thời yêu cầu báo chí loan tin về vụ này một cách khách quan.
Trả lời phỏng vấn cổng thông tin Sina.com, một đại diện của tập đoàn Trung Liên Trọng Khoa đã bác bỏ những lời cáo buộc của phóng viên Trần Vĩnh Châu. Thế nhưng, tờ báo chính thức Global Times lại cho biết là Ban Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc trách chống tham nhũng, đã tham gia điều tra về vụ này.
Tự do báo chí cho tới nay vẫn là chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc, nhưng theo hãng tin Reuters, các nhật báo Anh ngữ do Nhà nước quản lý trong hai ngày qua đã tường thuật về vụ bắt giữ nhà báo Trần Vĩnh Châu mà dường như không bị kiểm duyệt.
Nguồn: Viet.rfi.fr