Kinhtebien online: Năm 1990, Viện Cơ học, Phòng Cơ học Biển do PTS Hoàng Xuân Nhuận thực hiện "Nghiên cứu chế độ khí tượng hải văn và đặc điểm thủy thạch động lực khu vực cửa Định An phục vụ thiết kế luồng chạy tàu". Tài liệu của Nhóm Hoàng Xuân Nhuận là một tài liệu đầu tiên mô tả rõ hiện tượng động của luồng Định An. Tiếc rằng các thế hệ nghiên cứu sau đã không tìm ra nguyên nhân hiện tượng động của luồng Định An mà đã quyết định mở kênh Quan Chánh Bố. Kinhtebien online xin giới thiệu toàn văn bức thư của PGS-TS Hoàng Xuân Nhuận. |
Hà Nội ngày 30/10/2013
Kính gửi: Bà Võ Thị Dung, đại biểu Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh
Tôi là PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận, nguyên cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy viên chấp hành Hội Cảng đường thủy và thềm lục địa VN, CMT nhân dân số 011336702, CA Hà Nội cấp ngày 20/10/2004, hiện trú tại số 17, lô 3A, ĐTM Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại: 0988455058, Email: hoangxn@gmail.com .
Sau khi đọc báo Đại đoàn kết ngày 29/10/2013 có bài “Tăng bội chi để đầu tư cho các dự án dang dở…”, tôi quyết định viết thư này để ủng hộ ý kiến của bà về việc cần làm rõ những địa chỉ chịu trách nhiệm về dự án vận tải biển vào sông Hậu (Dự án kênh tắt Quan Chánh Bố (QCB) cho tàu trọng tải lớn).
Với tư cách là một công dân và một chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm về xây dựng cơ sở khoa học nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận hàng hải cho vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, đã nhiều lần tham gia hội thảo liên quan đến “Dự án kênh tắt QCB”, tôi thấy mình có trách nhiệm trình bày với bà những khuyến nghị như sau:
Vào thời điểm nghiên cứu lập dự án (cuối thập niên 1990), chúng ta chưa có dữ liệu điều tra cơ bản đồng bộ, chưa có hệ thống phương pháp luận và quy phạm nghiên cứu đã được kiểm chứng qua thực tiễn và đủ cơ sở pháp lý pháp lý để lập luận chứng khoa học cho các dự án hàng hải tại những vùng bờ biển bùn với lưu lượng rắn lớn và nước biển phân tầng mạnh. Trong tương lai từ 5 đến 10 năm tới, vẫn chưa thể hoàn thành một cách bài bản nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển các phương pháp bán thực nghiệm và mô phỏng toán học phục vụ lập luận chứng khoa học kỹ thuật để đưa tàu biển trọng tải lớn đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù nhiệm vụ mô phỏng toán học trong “Dự án kênh tắt QCB” do các chuyên gia Đan Mạch đảm nhận, tuy nhiên trong việc xây dựng, điều chỉnh mô hình và tiến hành mô phỏng còn rất nhiều thiếu sót. Xin nêu ra hai khiếm khuyết nổi cộm nhất: 1) Không có bất cứ chuyên gia nào có kinh nghiệm về nghiên cứu hệ thống sông Mekong, một con sông có lưu vực khổng lồ (khoảng 795.000 km² từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam) và lưu lượng phù sa vào loại lớn nhất thế giới và 2) Họ và công ty của họ không bị ràng buộc bởi bất cứ trách nhiệm pháp lý hoặc tài chính nào nếu kết quả nghiên cứu có sai sót.
Với hiện trạng nghiên cứu như đã nêu tại các mục 1 và 2, việc kiến nghị Chính phủ đầu tư duy ý chí để tiếp tục thực hiện “Dự án kênh tắt QCB” là hành động vô trách nhiệm về mặt khoa học công nghệ và phiêu lưu về mặt quản lý nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải và các công ty tư vấn cảng và đường thủy. Ngay từ giai đoạn lập dự án khả thi, nhiều chuyên gia, trong số đó có tôi, đã thẳng thắn phát biểu và bảo lưu ý kiến không đồng tình. Bởi vì để đối mặt với với lượng phù sa tiềm tàng như đã nêu, kinh phí thực tế để xử lý hiện tượng tái bồi trong quá trình thi công và để nạo vét duy tu trong quá trình khai thác có khả năng vượt xa kinh phí dự tính. Không chỉ vậy những nguy cơ tác động môi trường trên diện rộng được xem là nhỡn tiền nhưng chưa được đánh giá khách quan bao gồm: Sạt lở bờ kênh trên diện rộng, xâm nhập mặn gia tăng, biến động bất lợi của cửa Định An, thậm chí sông Hậu có thể chuyển dòng chảy chính sang kênh tắt QCB.
Bằng việc từ chối tài trợ cho “Dự án kênh tắt QCB” thiển nghĩ Ngân hàng Thế giới WB đã cố gắng hoàn thành tốt nhất bổn phận của mình, đó cũng là cảnh báo kịp thời cho Chính phủ về thực trạng xây dựng cơ sở khoa học và những nguy cơ mà tôi đã trình bày thẳng thắn và có trách nhiệm trong các mục từ 1 đến 3.
Cuối cùng, là con trai GS. Hoàng Xuân Nhị, cố Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp, là cháu của liệt sĩ Hồ Hảo Hớn và có quê ngoại là xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, Bến Tre, vì thế dù ở bất cứ đâu và làm bất cứ việc gì, tôi vẫn luôn hướng về miền Tây với những tình cảm và hy vọng tha thiết nhất. Bởi vậy, tôi muốn kết thúc lá thư gửi bà – một đại biểu Quốc hội của TP Hồ Chí Minh, bằng một đề xuất ngoài tầm trách nhiệm của một chuyên gia khoa học, đó là: Chiến lược phát triển kinh tế vùng và hệ thống đô thị của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được định hình từ cách đây gần 20 năm, vì vậy đã đến lúc cần được điều chỉnh một cách quyết liệt trên cơ sở đánh giá khách quan hiện trạng, cơ hội mới và nguy cơ mới với sự vận dụng những thành tựu tiên tiến của thế giới trong các lãnh vực: giảm nhẹ tác động thiên tai, phát triển kinh tế địa phương, phát triển đô thị nói chung và thành phố cảng nói riêng.
Lá thư này chỉ trình bày cô đọng những khuyến nghị độc lập của một chuyên gia, thiển nghĩ bà nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia khác và một khi đã có đủ thông tin xác tín, đề nghị bà, với trọng trách và thẩm quyền của mình, yêu cầu Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải trình theo đúng quy định hiện hành của Quốc hội.
Kính gửi bà lời chào trân trọng.
PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận
Nguồn: kinhtebien.vn