Dương Danh Dy
Báo Sài Gòn Giải Phóng cơ quan ngôn luận của thành phố Hồ Chí Minh ngày 28 tháng 10 năm 2013 đưa tin: ngày 27/10 khi tiếp ông Lạc Huệ Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM đã “bày tỏ hy vọng trong thời gian tới mối quan hệ giữa TPHCM và tỉnh Thanh Hải ngày càng tốt đẹp hơn, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng”.
Và ông Lạc Huệ Trung đã bày tỏ: “TPHCM có nhiều kinh nghiệm trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ, kinh tế dịch vụ rất phát triển, vì vậy, tỉnh Thanh Hải mong muốn hợp tác với TPHCM trong các lĩnh vực kinh tế, thưong mại, văn hoá du lịch…”.
Qua mấy dòng chữ do chính báo chí của thành phố đưa tin đó có thể thấy ngay một điều: trong khi lãnh đạo phía ta chỉ nói chung chung (góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng) thì lãnh đạo phía bạn đã chỉ rõ những ưu điểm của TPHCM và những lĩnh vực cụ thể mà họ muốn hợp tác (như đã dẫn trên). Sự đối chiếu này nói lên cái gì, chắc bạn đọc tự thấy!
Điều thứ hai – điều quan trọng hơn – là điều mà người viết bài này muốn hỏi: ban lãnh đạo TPHCM đã biết những gì về tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc?
Tôi nghĩ là Ban lãnh đạo TPHCM chắc chắn đã có những kiến thức tối thiểu như diện tích, dân số, tình trạng phát triển, GDP… của tỉnh này. Nhưng để bạn đọc thấy rõ hơn tình hình, xin cung cấp một số số liệu được lấy từ mạng chính thức của Trung Quốc:
Thanh Hải ở về phía Đông Bắc cao nguyên Thanh Tạng, độ cao trung bình là trên 3.000m so với mặt nước biển, nơi cao nhất đạt 6.800 m, nơi thấp nhất cũng cao tới 1560m. Diện tích tự nhiên là 717.480,52 km2, đứng thứ tư trong cả nước, chỉ xếp sau Tân Cưong, Tây Tạng, Nội Mông.
Dân số 5.386.000 người (người Hán khoảng trên 2,7 triệu, chiếm 54,5% người Tạng 1,09 triệu, chiếm 20,87%, người Hồi 750.000 chiếm 14%, ngoài ra còn có người Thổ, nguời Mông Cổ, v.v.).
Kinh tế Thanh Hải kém phát triển, chủ yếu dựa vào nguồn khoáng sản của địa phương (trong đó có kim loại màu), sản lượng dầu mỏ đạt khoảng 4,59 triệu tấn/năm. Thanh Hải có nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước. GDP của Thanh Hải đứng thứ 30 trên 31 đơn vị cấp tỉnh và tương đương trong cả nước (trong khi Quảng Tây xếp thứ 19). Có người đã tính ra rằng GDP của Thanh Hải chưa bằng 1/40 GDP của tỉnh Quảng Đông, và GDP của riêng thành phố Quảng Châu đã gấp 10 lần GDP của Thanh Hải.
Qua những số liệu trên, xin phép được hỏi Ban lãnh đạo TPHCM: Các vị định hợp tác với Thanh Hải trong lĩnh vực nào và nếu hợp tác sẽ thu được những lợi ích cụ thể gì?
Và xin nhắc là đưòng đi lối lại khá xa đấy. Không rõ đường bay từ TPHCM đến Thanh Hải dài bao nhiêu và phải chuyến tiếp mấy lần. Chỉ biết đoạn đưòng sắt từ Bắc Kinh đến thành phố Tây Ninh (thủ phủ của Thanh Hải) cũng đã dài tới khoảng 2000 km rồi. Có người bảo tôi là anh già lẩn thẩn, có xa cách thế thì mỗi chuyến thăm để bàn bạc hợp tác mới thú vị chứ, tiền vé đi về là nhà nước trả, lại thêm rủng rỉnh công tác phí nữa chứ. Tội gì mà không hợp tác (dù chưa biết là sẽ tiến hành trong lĩnh vực nào)!
D. D. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.