Shannon Tiezzi (*)
The Diplomat, December 2017
Huỳnh Hoa dịch
Khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các nhà phân tích ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều lo ngại quan hệ song phương giữa hai nước sắp rẽ sang hướng xấu. Dù sao, Trung Quốc cũng là một trong những con dê tế thần mà ông Trump ưa thích nhất trong suốt thời gian tranh cử; sự trỗi dậy của Trung Quốc tượng trưng cho cái mà ông Trump coi là sự yếu kém của Hoa Kỳ. Một cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) ngay sau cuộc bầu cử càng củng cố nỗi lo sợ rằng quan hệ Mỹ-Trung sắp suy thoái nghiêm trọng.
Nhưng các nhà quan sát không phải chờ đợi lâu sau ngày ông Trump nhậm chức để nhận ra rằng, trong thực tế, ông ta đã thi hành một chiến thuật trái ngược hẳn đối với Trung Quốc. Bất chấp những lời hứa sẽ cứng rắn trong lĩnh vực thương mại, những lời chê trách mà ông Trump dành cho các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Nam Hàn còn cứng rắn hơn những lời dành cho Trung Quốc. Ngay cả trong vấn đề Bắc Hàn, ông Trump luôn dao động giữa việc kêu gọi Trung Quốc hãy làm nhiều hơn và việc nhắc lại như con vẹt lập trường của Bắc Kinh rằng họ có rất ít quyền kiểm soát đối với Bình Nhưỡng. Lập trường đầy mâu thuẫn đó được tóm tắt rõ nhất trong một tin ngắn tweet của ông Trump hồi tháng 6/2017: “Trong lúc tôi đánh giá cao những nỗ lực giúp đỡ của Chủ tịch Tập và Trung Quốc trong vấn đề Bắc Hàn, mọi việc vẫn không suôn sẻ. Ít nhất tôi biết Trung Quốc đã cố gắng”.
Điều gì giải thích cho sự trở mặt này? Dựa trên một số bình luận của ông Trump, dường như có một câu trả lời đơn giản nhưng giả dối: đó là mối quan hệ thân thiết giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong chuyến công du Nhật Bản, khi được hỏi về khả năng xảy ra xung đột Trung-Mỹ chẳng hạn, ông Trump đã hạ thấp khả năng đó với lý do chủ yếu là mối quan hệ cá nhân với ông Tập. “Liên quan tới Trung Quốc, các bạn biết đấy, quan hệ của tôi với Chủ tịch Tập là rất tuyệt vời”, ông Trump tuyên bố. “Tôi rất thích ông ấy. Tôi coi ông ấy là một người bạn”. Ông Trump thậm chí còn tuyên bố rằng quan điểm của ông và ông Tập là “khá tương đồng về thương mại” - một điều gây ngạc nhiên nếu để ý đã bao nhiêu lần ông Trump phàn nàn về khoản thâm hụt thương mại khổng lồ mà Hoa Kỳ gánh chịu trong buôn bán với Trung Quốc.
Thật vậy, sau lời tố cáo khét tiếng trong thời gian tranh cử rằng Trung Quốc “hãm hiếp” Hoa Kỳ, giờ đây ông Trump có vẻ nghiêng hẳn sang việc đổ trách nhiệm gây ra mất cân đối thương mại cho các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm chứ không cho các chính sách của Trung Quốc. Trước cuộc họp với ông Tập hôm 9/11, ông Trump khẳng định rằng “Hoa Kỳ thật ra phải thay đổi chính sách, bởi vì họ đã tụt hậu quá xa trong thương mại với Trung Quốc… Thật tệ hại rằng các chính phủ [Hoa Kỳ] trong quá khứ đã để cho [chính sách thương mại] bị lệch lạc quá xa”. Trong thực tế, ông ta chỉ ra rằng, ông có “niềm kính phục sâu sắc” đối với ông Tập, bởi vì, theo suy nghĩ của ông, ông Tập đã lợi dụng những chính sách thương mại yếu kém của Hoa Kỳ để làm lợi cho Trung Quốc. Như ông Trump sau này nói rõ hơn trong nhận xét với một nhóm doanh nhân Hoa Kỳ và Trung Quốc: “Ai có thể chê trách một đất nước vì có khả năng lợi dụng một đất nước khác cho quyền lợi của công dân mình? Tôi khen ngợi Trung Quốc”. Đây quả là một việc làm khác thường: ca ngợi một nhà lãnh đạo nước ngoài vì [ông ta] đã thành công trong việc lừa gạt nước Mỹ!
Cũng khác thường là việc ông Trump ca ngợi quá đáng cuộc diễu binh mà Trung Quốc tổ chức để tôn vinh ông. Ông gọi cuộc diễu binh là “hoành tráng” và thêm rằng “cả thế giới đang nhìn… Tất cả họ đang nhìn. Bạn sẽ không thấy điều gì đẹp đến thế”. Trong xúc cảm tràn trề về cuộc diễu binh của quân đội Trung Quốc, ông Trump dường như quên rằng, Trung Quốc được coi là đối thủ cạnh tranh chính của Hoa Kỳ về công nghệ và sức mạnh quân sự. Có lẽ trong thâm tâm, ông Trump không hình dung Trung Quốc là một mối lo ngại an ninh tiềm tàng của Hoa Kỳ - phát biểu tại một diễn đàn doanh nhân ở Trung Quốc, ông nói rằng ông và ông Tập “hầu như đứng cùng một mặt bằng khi đụng đến vấn đề an ninh”.
Có lẽ ông Trump tin rằng ông và ông Tập là bạn hữu, nhưng về phần ông Tập, mọi mối quan hệ mà họ có được đều là một nỗ lực được tính toán kỹ nhằm rút tỉa những hành động ưu ái mà họ mong muốn từ phía Hoa Kỳ. Trong cuốn sách “About Face: A History of America’s Curious Relationship with China” (Thể diện: Lịch sử mối quan hệ kỳ lạ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc), tác giả James Mann nhìn ra một mô thức trong cách tiếp cận của Trung Quốc với Hoa Kỳ: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thích thương lượng với một quan chức Mỹ đơn nhất, cấp cao, người có thể bị tán tỉnh, bợ đỡ và tâng bốc là thông minh sắc sảo”. Trong quá khứ, vai trò của quan chức đó thuộc về các cố vấn gần gũi của Tổng thống như Henry Kissinger và Zbigniew Brzezinsky; còn hôm nay Mann nhìn thấy lịch sử lặp lại với bản thân ông Tổng thống.
Trong một bài viết trên trang mạng Daily Beast ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump, ông Mann giải thích: “Trump có một bản ngã rất lớn. Người Trung Quốc yêu những bản ngã lớn. Tâng bốc là một kỹ năng mà các quan chức Trung Quốc đã hoàn thiện sau hàng ngàn năm… Trump không thích những luật lệ trừu tượng; ông ta nhìn thế giới theo những điều kiện cá nhân, có thể thương lượng được. Và Trung Quốc cũng vậy”.
Việc tâng bốc như thế rõ ràng đã mang lại lợi ích. Chưa đầy một năm của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Trump nói về ông Tập (và rộng hơn là về Trung Quốc) bằng những từ ngữ lấp lánh nhất. Ông Trump gọi ông Tập là “một con người đặc biệt” trong cuộc họp báo chung của hai người; ông nhiều lần nhắc lại rằng ông Tập là một người bạn. Thậm chí ông Trump còn lặp đi lặp lại các quan điểm của ông Tập cứ như chúng là những sự thật tuyệt đối, không cần bàn cãi. Trong lần trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal hồi tháng 4/2017, ông Trump nói rằng ông đã thay đổi ý kiến về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Bắc Hàn chỉ sau “10 phút” trò chuyện với ông Tập: “Tôi cảm thấy khá vững chắc rằng họ [Trung Quốc] có một sức mạnh khủng khiếp đối với Bắc Hàn… Nhưng đó không phải là những gì bạn nên nghĩ tới”. Cũng trong cuộc đối thoại đó, ông tuyên bố “Thật sự Triều Tiên [Nam và Bắc Hàn] từng là một bộ phận của Trung Quốc” - một ý kiến vừa sai sự thật vừa là điều mà lịch sử nặng tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc vẫn thường rêu rao.
Như vậy, vào lúc này, chúng ta thấy một mối quan hệ bồ bịch Trump-Tập vượt xa khỏi phạm vi các mối quan hệ cấp cao nhất mà Hoa Kỳ và Trung Quốc từng có trước đây. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi ngày càng rõ ràng rằng Trung Quốc không thật sự muốn thay đổi cung cách hành xử họ đã theo đuổi từ trước tới nay cho hợp ý ông Trump?
Trump muốn quan hệ thương mại “công bằng, có đi có lại” chẳng hạn, nhưng trở ngại lớn nhất của mục tiêu đó chính là chính sách của Trung Quốc nuôi dưỡng và bảo vệ những doanh nghiệp nội địa để những doanh nghiệp này vươn lên hàng đầu trong các ngành công nghiệp thiết yếu. Điều đó sẽ không thể thay đổi. Trong cuộc họp báo chung với ông Tập, ông Trump thừa nhận “những sự hạn chế quyền tiếp cận thị trường và những đòi hỏi chuyển giao công nghệ của Trung Quốc”, nhưng ngay lập tức ông chuyển sang ca ngợi theo đúng kiểu của Trump “những hợp đồng to lớn, không thể tin được, tạo ra rất nhiều việc làm” được ký kết trong chuyến viếng thăm của ông. Sự kiện này cho thấy ông Trump rất dễ bị lôi kéo ra khỏi những vấn đề cốt lõi, dài hạn bằng những lợi ích ngắn hạn - cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục hạn chế các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường trong nhiều ngành công nghiệp, từ giải trí đến công nghệ thông tin chừng nào họ [Trung Quốc] còn thỉnh thoảng đưa ra được vài hợp đồng lớn để đổi chác. Điều đó từ lâu đã là lối làm ăn tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Bắc Hàn là một ví dụ rủi ro hơn. Trung Quốc có một lịch sử lâu dài làm giảm nhẹ những nỗ lực cấm vận Bình Nhưỡng, sợ rằng sức ép kinh tế có thể làm sụp đổ chế độ Bắc Hàn. Giống như những người tiền nhiệm, ông Trump hy vọng sẽ thay đổi cách tính toán đó. “Chúng ta phải hành động nhanh và hy vọng Trung Quốc sẽ hành động nhanh hơn, hiệu quả hơn bất kỳ ai trong vấn đề này”, ông Trump tuyên bố như vậy tại diễn đàn doanh nghiệp ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, chúng ta chưa thấy chỉ dấu nào cho thấy chính phủ của ông Trump có một kế hoạch mới để huy động sự cộng tác của Trung Quốc. Trong khi đó, bản thân Trung Quốc cũng không bộc lộ dấu hiệu nào cho thấy họ rời khỏi cái lập trường ưa thích vẫn thường được họ tuyên bố xưa nay là dàn xếp vấn đề Bắc Hàn thông qua đối thoại - một điều mà trước đây ông Trump cho là chỉ lãng phí thời gian.
Dựa trên thái độ của ông Trump trong vấn đề Bắc Hàn, ta thấy dường như sự tự nguyện của ông tha thứ cho thái độ chậm chạp của Trung Quốc có mối tương quan trực tiếp với cách thức ông trò chuyện với các quan chức Trung Quốc gần đây. Và điều đó cũng phù hợp với một mô thức rộng hơn trong thói quen của ông Trump từ thời ông còn là doanh nhân.
Theo một phân tích trên tờ Washington Post, dựa trên những cuộc phỏng vấn các nhân viên cũ của ông Trump, ông ta có khuynh hướng tiếp nhận và theo lập trường của người cuối cùng vừa nói chuyện với ông, nhất là khi người đó biết khéo léo lợi dụng tính kiêu căng tự phụ của ông Trump. Ông Tập Cận Bình chắc chắn là một người như vậy, như chúng ta thấy trong cuộc viếng thăm “trên cả cấp nhà nước” hồi tháng 11 vừa qua. Cuối cùng, khi thời gian và khoảng cách chen vào giữa hai người, ông Trump có khả năng lại quay trở về với cái nhìn bớt lạc quan về Trung Quốc - nhưng rồi chỉ cần một cuộc điện thoại từ bồ bịch của ông ở Bắc Kinh thì ông lại có thể thay đổi lập trường lần nữa.
S.T.
__________
(*) Shannon Tiezzi là Tổng biên tập tạp chí The Diplomat.
Nguồn bản dịch: http://www.viet-studies.net/kinhte/TrumpXoBromance_Diplomat_trans.html