Nguyễn Đình Cống
I. Giới thiệu Quy định 102
Ngày 15 tháng 11/2017 Đảng CSVN ban hành QĐ số 102 - QĐ/TW về XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐẢNG VIÊN VI PHẠM. QĐ này thay cho QĐ số 181 - QĐ/TW ngày 30/3/2013. Về hình thức: QĐ 102 gồm 31 trang A4, tổng trên 2 vạn chữ, quá dài. Về nội dung, có 5 chương với 37 điều. Chương I - Qui định chung (6 điều). Chương II - Các vi phạm về chính trị, tổ chức. Điều 7 - Quan điểm chính trị. 8 - Tập trung dân chủ. 9 - Bầu cử. 10 - Tuyên truyền, phát ngôn. 11 - Tổ chức, cán bộ. 12 - Bí mật. Chương III - Các vi phạm về chính sách, pháp luật. Điều 13 - Phòng chống tội phạm. 14 - Thanh tra, kiểm tra. 15 - Khiếu nại tố cáo. 16 - Tham nhũng lãng phí. 17 - Đầu tư xây dựng. 18 - Tài chính ngân hàng. 19 - Nhân đạo từ thiện. 20 - An sinh xã hội. 21 - Đất đai, nhà ở. 22 - Văn bằng chứng chỉ. 23 - Lập hội, biểu tình. 24 - Hôn nhân gia đình. 25 và 26 - Kết hôn, quan hệ với người nước ngoài. 27 - Kế hoạch hóa gia đình. 28 - Đạo đức y tế. Chương IV - Các vi phạm về đạo đức lối sống, tín ngưỡng tôn giáo. 29 - Lãnh đạo điều hành. 30 - Chức trách công vụ. 31 - Tệ nạn xã hội. 32 - Bạo lực gia đình. 33 - Đạo đức, nếp sống. 34 - Tín ngưỡng tôn giáo. Chương V - Điều khoản thi hành (3 điều).
QĐ 102 có hình thức và nội dung tương tự so với QĐ 181, có thêm 1 điều về thời hiệu xử lý kỷ luật (điều 3). Mỗi điều của các chương II; III; IV có 3 mục 1; 2; 3 ứng với 3 mức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo (hoặc cách chức), khai trừ. Mỗi mục (1; 2; 3) lại có các tiểu mục a; b; …I, k, kể ra chi tiết các hành động, lời nói, ý nghĩ vi phạm kỷ luật.
Tôi chưa so sánh toàn bộ từng chi tiết của QĐ 102 và 181, chỉ xin lấy vài so sánh làm thí dụ: mấy chữ cuối tiểu mục a, mục 3, điều 8 QĐ 102 viết là “Đảng và dân tộc” thì ở QĐ 181 viết là “Đảng và nhân dân” (thay Nhân dân bằng Dân tộc), ở cuối mục 3 điều 8 của QĐ 102 là: “đơn vị nơi mình sinh hoạt”, còn tương đương ở QĐ 181 là: “đơn vị nơi mình sinh hoạt, công tác” (bớt chữ công tác), ở cuối mục 3 điều 10 là “đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta”, còn ở QD 181 là “đối với Đảng” (thêm Nhà nước và chế độ ta), hoặc như tiểu mục e và g, mục 3 điều 13 là chia đôi nội dung tiểu mục e của QĐ 181. v.v…
Tôi chỉ mới tập trung xem các vi phạm bị khai trừ (mục 3 trong các điều), vấn đề được nhiều người quan tâm. Thấy rằng Ở QĐ 102 thêm vào khá nhiều việc mà ở QĐ 181 chưa nói tới. Lấy dẫn chứng điều 7 QĐ 102, có 10 tiểu mục (a đến k) với khoảng 350 từ, tương đương của QĐ 181 có 6 tiểu mục (a đến e) với 174 từ. QĐ 102 thêm vào các việc như là: “Phản bác nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế ‘tam quyền phân lập’, ‘xã hội dân sự’, ‘đa nguyên, đa đảng’. Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Tác động, lôi kéo, định hướng dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng. Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi ‘phi chính trị hóa’ quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Điều 8, có thêm: “Trả thù người góp ý, đấu tranh, phê bình, tố cáo hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vi phạm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân mình”. Điều 16 thêm 7 tiểu mục (từ e đến m) về các vi phạm liên quan đến lợi dụng chức vụ để tham nhũng, trục lợi, Điều 18 thêm tiểu mục e về thông đồng với cấp dưới để tham nhũng. Điều 31 vẫn giữ nguyên 5 tiểu mục, nhưng nội dung về đánh bạc được chuyển từ tiểu mục a (QĐ181) xuống tiểu mục đ (QĐ102).
II. Vài lời bình luận
Đọc xong QĐ 102 tôi có một số nhận xét sau:
1. Sự quá suy yếu của ĐCS
Một tổ chức (hoặc xã hội) là vững chắc, mạnh mẽ khi các thành viên tự giác hiểu rõ và thực thi đúng đắn, đầy đủ nghĩa vụ của mình mà ít cần đến khen thưởng hoặc kỷ luật. ĐCSVN đang mắc vào lỗi nặng. Một mặt khi đảng viên (ĐV) vi phạm luật pháp thì được tổ chức Đảng bao che bằng Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 7/7/2007, mặt khác, trong nội bộ lại ban hành nhiều qui định quá rườm rà về kỷ luật. Năm 1988 có Chỉ thị số 27-CTCT/TW, ngày 4 tháng 2. Tiếp đến Qui định số 94/QĐ-TW ngày 25/10/2007, tiếp theo là 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013, rồi đến QĐ 102. Trong QĐ 94 năm 2007 mới chỉ có 12 điều. Càng ngày QĐ càng dài thêm.
Người ta nhầm tưởng ban hành QĐ kỷ luật ĐV càng dài, càng chi tiết chứng tỏ sự nghiêm minh và sáng suốt của cấp trên. Không phải. Nghĩ như thế, làm như thế là vấp phải nhầm lẫn lớn. Đảng đã có điều lệ, trong đó viết khá rõ về kỷ luật ĐV.Đối với một tổ chức có trí tuệ, vững mạnh, như thế là đủ. Tại sao ĐCSVN lại thấy chưa đủ. Phải ban hành thêm hết QĐ này đến QĐ khác chỉ với một nội dung xử lý kỷ luật ĐV, rồi cảm thấy còn thiếu nên ban hành thêm 19 điều cấm.
Để thắt chặt một tố chức có hai loại liên kết: bên trong và bên ngoài. Liên kết bên trong là chất keo, đó là lý tưởng, là đoàn kết. Liên kết bên ngoài là các dây buộc, đó là các điều cấm, các loại kỷ luật. Liên kết trong làm cho người ta yêu thương, tin cậy nhau. Liên kết ngoài làm người ta nghi kỵ nhau, đề phòng nhau. Đã không thể tạo lập liên kết trong mà phải nhờ cậy liên kết ngoài thì còn đâu là tổ chức vững mạnh, chỉ cần đứt một vài dây buộc là tất cả sẽ tung ra. Hiện trạng của ĐCS bây giờ là không có cách gì tạo được liên kết trong rộng rãi. Đúng ra khi đã rơi vào trạng thái như vậy thì phải tìm cách thay đổi từ gốc, tìm một loại liên kết trong khác, phù hợp, nhưng lãnh đạo ĐCSVN. vì thiếu trí tuệ nên chỉ thấy liên kết ngoài, chỉ có thể dùng dây buộc mà không thể dùng keo.
2. Ẩn giấu sự thiếu lòng tin vào cấp dưới và ĐV
Điều lệ Đảng đã ghi rõ 3 hình thức kỷ luật, cách tự kiểm điểm và kiểm điểm tại chi bộ, thẩm quyền thi hành kỷ luật, báo cáo, quyết định, khiếu nại. Mặc dầu trong điều lệ không ghi rõ các lĩnh vực và mức độ vi phạm ứng với từng mức kỷ luật, nhưng mỗi ĐV có trình độ bình thường đều hiểu được rằng mắc lỗi nhẹ thì chỉ phê bình, góp ý, mắc lỗi vừa thì khiển trách, nặng hơn thì cảnh cáo, quá nặng thì khai trừ. Như thế nào là nhẹ hoặc nặng thì tập thể chi bộ thảo luận trên từng sự việc cụ thể, nếu không thống nhất thì còn báo cáo cấp trên, nếu không thỏa đáng thì còn khiếu nại. Tôi nghĩ, chỉ trừ vài trường hợp quá đặc biệt, tuyệt đại đa số các chi bộ đủ trí tuệ để biết mức độ kỷ luật cần thiết cho từng trường hợp.
Nếu đã tin vào khả năng các cơ sở đảng có thể vận dụng điều lệ thì cần gì phải ban bố hết QĐ này đến QĐ khác với những hướng dẫn rất chi tiết. Chỉ vì cấp trên không tin. Họ nghĩ rằng nếu không được hướng dẫn thật chi tiết thì cấp dưới có thể không biết, làm sai, không bảo đảm tính nghiêm minh. Việc này còn che giấu thói kiêu ngạo, coi thường người khác.
Người ta cho rằng phải vạch ra cho đầy đủ mọi trường hợp, mọi tình huống. Nhưng trí tuệ một vài người làm sao bao quát được mọi chuyện có thế xẩy ra, chưa xẩy ra trong cuộc đời. Mà thực ra không nên làm như vậy, không thể làm như vậy. Để đề phòng chuyện này trong QĐ cũng có nêu: “Trường hợp đảng viên vi phạm những nội dung chưa có trong Quy định này thì căn cứ vào quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận dụng Quy định này để xử lý kỷ luật cho phù hợp” (điều 1). Đã có Điều lệ Đảng và Pháp luật Nhà nước thì cần gì phải thêm QĐ 102. Còn nữa: “Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi thì báo cáo để Bộ Chính trị xem xét, quyết định” (điều 37).
3. Thể hiện sự kém trí tuệ, làm một việc quá lãng phí.
ĐCSVN từ một đảng làm cách mạng chuyển thành đảng cầm quyền. Điều này đòi hỏi phải thay đổi nhiều thứ để phù hợp với vai trò và nhiệm vụ mới. Nhưng lãnh đạo của đảng vẫn cố duy trì cung cách cũ nên gặp phải nhiều mâu thuẩn, phát sinh nhiều khó khăn. Để giải quyết các khó khăn và mâu thuần này lãnh đạo không nghĩ ra được điều gì hay mà lại không chịu nghe những góp ý chân thành. Đó chỉ là do họ muốn bảo vệ lợi ích cá nhân và nhóm
Nếu không vì lợi ích cá nhân và nhóm mà thật sự vì lợi ích của Đảng và của Dân tộc thì những người lãnh đạo nên và phải làm theo cách khác. Cách nào? Cách mà phần lớn các nước đang thực hành có hiệu quả là dựa vào 3 nguồn: Kinh tế thị trường tự do, Chế độ dân chủ đa nguyên với tam quyền phân lập, Xã hội dân sự.
Lãnh đạo cứ tưởng ban hành QĐ 102 sẽ củng cố được kỷ luật, tăng cường đoàn kết. Không đâu, ngược lại thì có. Có thể các ĐV sẽ dè dặt hơn trong phát ngôn và hành động, nhưng sẽ sôi sục hơn trong ý nghĩ. Các ĐV sẽ đề phòng nhau, tỏ ra sợ sệt hơn. Sự kém trí tuệ còn thể hiện trong một số chỗ nhầm lẫn và trinh bày ngô nghê, mà phải phân tích kỹ mới thấy được. Về trình bày: Tuy nêu ra nhiều chi tiết vi phạm thuộc nhiều lĩnh vực, nhưng nhiều việc vẫn ở dạng tù mù vì chỉ là định tính trong một khoảng rất rộng. Nhiều câu văn, nhiều nội dung trùng lặp hàng vài chục lần, quá nhàm chán.
Cứ cho rằng khi mà kỷ luật trong đảng đã quá rệu rã, nguy cơ tự diễn biến quá cấp bách, rất cần xiết chặt tổ chức thì phải ban hành QĐ về xử lý kỷ luật ĐV vi phạm như là một giải pháp tình thế. Nếu thế thì việc gì phải ra QĐ 102 dài dòng, chỉ cần bổ sung và sửa chữa một chút QĐ 181 là được. Việc soạn thảo, ban hành QĐ 102 gây ra tốn kém không cần thiết. Hay QĐ 181 do một người khác ký, bây giờ người mới phải ký để tạo uy danh. Không phải thế đâu. Với những người hiểu biết thì họ xem việc đó như là một kiểu đạo văn.
4. Ẩn giấu sự run sợ
Ban hành QĐ 102, bên ngoài tỏ ra kiên quyết, nhưng bên trong ẩn giấu sự run sợ, thể hiện bởi tăng cường kỷ luật khai trừ đối với nhiều vi phạm vừa được thêm vào. Đó là những lời dọa dẫm những kẻ yếu bóng vía, là nắm giẻ bịt miệng những kẻ cầu an, nhưng là trò cười đối với người có bản lĩnh. Các lãnh đạo ĐCSVN quá tôn thờ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHVN nên ĐV nào có ý phản bác là khai trừ ngay. Họ cũng quá thù hận thể chế ‘tam quyền phân lập’, ‘xã hội dân sự’, ‘đa nguyên, đa đảng’. nên ĐV nào dám đòi thực hiện thì phải khai trừ ngay. Họ cũng phải giữ cho được sự toàn trị, phải nắm thật chắc lực lượng vũ trang và báo chí,văn học, nghệ thuật, ĐV nào nghi ngờ đến sự lãnh đạo trong 2 lĩnh vực đó phải khai trừ ngay. Thử hỏi tôn thờ những thứ độc hại và mơ hồ, thù hận những xu hướng tiến bộ mà đại đa số các nước văn minh theo đuổi thì liệu có tồn tại được lâu dài. Chắc họ biết dư luận cho rằng khó có thế lực bên ngoài đánh đổ được CS, mà CS chỉ bị sụp đổ từ bên trong. Họ quá lo sợ cái thế lực bên trong ầy nên tìm cách tận diệt. Nhưng diệt thế nào được lực lượng phát sinh và phát triển theo đúng quy luật.
5. Ra oai và lên gân
Những vi phạm về tham nhũng, lảng phí viết ở điều 16.. Điều này được bổ sung nhiều tiểu mục, kể ra rất nhiều hành vi, nhưng xem ra chỉ là đánh trống và hô khẩu hiệu. Việc chống tham nhũng và lãng phí ở dạng “đã hổ” tuy có làm dăm ba vụ nhưng hiệu quả chưa rõ ràng, còn loại ruồi nhặng tràn lan khắp nơi thì vài chục cái QĐ 102 chẳng làm gì được.
III. Nhận xét chung
Toàn bộ tinh thần, nội dung và văn bản của QĐ 102 thể hiện một trình độ trí tuệ quá thấp, có cái nhìn thiển cận, sự bảo thủ nặng nề, sự độc đoán lên tột đỉnh, sự quẩy đạp trong hấp hối. Rồi cũng sẽ giống như số phận của nhiều quyết định hoặc nghị quyết khác, tốn nhiều công sức và giấy mực để làm ra, tốn nhiều thời gian và công sức để phổ biến và quán triệt, nhưng rồi chẳng mang lại được nhiều kết quả tích cực, sẽ là lợi ít hại nhiều. Để cứu vớt phần nào uy tín và danh dự của Đảng thì phải có những cải cách triệt để chứ không phải bằng cách tạo ra nhiều nghị quyết hoặc quyết định có giá trị quá thấp, mà lại cứ nhầm tưởng là kết quả của đỉnh cao trí tuệ.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.