BVN tập hợp dưới đây mấy bài viết mới nhất có trên các trang báo "lề đảng" về các hiệu trưởng của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, đồng nghiệp của Sầm Đức Xương, Lê Xuân Trung, Tạ Thị Bích Ngọc... Bà Nadezhda Krupskaya (vợ của Lenin) có nói cơ sở của mọi nền giáo dục là niềm tin vào thày giáo. Với nhiều, rất nhiều những "thày cô" hiệu trưởng như vậy, hẳn là nền giáo dục vừa nhắc tới ở trên không có gì là cơ sở. Bauxite Việt Nam |
Một thày giáo bị đuổi việc sau khi tố cáo tiêu cực của hiệu trưởng
Đan Quỳnh
Nguồn tin của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đang xem xét xử lí số tiền thu chi chưa minh bạch xảy ra tại Trường THPT thị xã Bình Long.
Theo Kết luận số 262/KL-UBND của UBND tỉnh Bình Phước, việc nhà trường sử dụng quỹ phục vụ học tập để chi hỗ trợ cho Đoàn thanh niên trực theo dõi nề nếp học tập của học sinh là chưa đúng với mục tiêu của quỹ học tập. Đối với nguồn dạy thêm, học thêm thì một số nội dung chi phát sinh không nằm trong dự toán, chứng từ chi chưa được chặt chẽ về mặt hồ sơ. Đơn vị cần lập dự toán chính xác với tình hình thực tế và thực hiện đúng quy trình về thanh, quyết toán.
Nội dung Kết luận của UBND tỉnh Bình Phước thể hiện qua kiểm tra thanh, quyết toán của nguồn dạy thêm, học thêm, đơn vị cơ bản thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số chứng từ chưa bảo đảm theo quy định.
Kết luận nội dung tố cáo đối với ông Hồ Trọng Lộc (Hiệu trưởng) và Ban giám hiệu Trường THPT thị xã Bình Long.
Cụ thể: Phiếu chi số 07 ngày 26-4-2016, chi tiền mua cây cảnh, số tiền 7,5 triệu đồng không có trong dự toán đầu năm; phiếu chi số 21 ngày 29-6-2016, chi tiền mua gạch lát nền, số tiền 5,9 triệu đồng không có bảng giá, không có thống kê hư hại; phiếu chi số 45 ngày 31-12-2015 chi thanh toán tiền quản lí dạy phụ đạo học kì 1, số tiền hơn 158,3 triệu đồng; phiếu chi số 17 ngày 30-5-2016 thanh toán tiền quản lí học phụ đạo học kì 2, số tiền trên 59,6 triệu đồng, không có quyết định phân công cán bộ quản lí; phiếu chi số 19 ngày 28-6-2016, thanh toán tiền thuê nhân công quét vôi hàng rào khu B, số tiền trên 19,2 triệu đồng, không có dự toán.
Tổng số tiền không có chứng từ bảo đảm theo quy định khoảng 250 triệu đồng.
Ông Trương Văn Phương, cựu giáo viên của Trường THPT thị xã Bình Long khẳng định UBND tỉnh không kết luận sai phạm liên quan số tiền trên, cũng không nêu cách xử lí đối với số tiền chi ngoài mục đích. Trong Kết luận còn bỏ sót nhiều khoản tiền mà ông Phương từng tố cáo hiệu trưởng nhà trường nhưng vẫn không được làm rõ.
Điều đáng nói, trong quá trình tố cáo tiêu cực xảy ra tại trường, ông Phương đã bị đuổi việc xuất phát từ lá đơn của Trưởng ban thường trực Hội cha mẹ học sinh Trường THPT thị xã Bình Long.
Đ.Q
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/gdvn-post181854.gd
Bị kỉ luật rồi điều chuyển 2 lần, hiệu trưởng vẫn làm hiệu trưởng
M. Tuấn
Ngày 6-12, UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết cơ quan này vừa tiếp tục có thêm quyết định điều chuyển bà Cao Thị Mỹ Thuyết - Hiệu trưởng Trường TH xã Hải Trạch, người từng bị kỉ luật bằng hình thức khiển trách khi đang công tác tại Trường TH Nam Dinh (thị trấn Nông trường Việt Trung) - sang một trường học khác trên địa bàn.
Trước đó, ngày 15-11, UBND huyện Bố Trạch kí quyết định kỉ luật bà Cao Thị Mỹ Thuyết, Hiệu trưởng Trường TH Nam Dinh bằng hình thức khiến trách vì vi phạm thực hiện các khoản thu không đúng quy định đầu năm học, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở không tốt, gây mất đoàn kết nội bộ…
Đến ngày 23-11, UBND huyện Bố Trạch có quyết định điều chuyển cán bộ quản lí trường học, điều bà Cao Thị Mỹ Thuyết về giữ chức vụ Hiệu trưởng tại Trường TH xã Hải Trạch. Tuy nhiên, tại đây một số phụ huynh học sinh đã không đồng tình với quyết định trên, họ cho rằng ngôi trường có bề dày truyền thống, đạt chuẩn quốc gia cấp độ I cho nên việc thuyên chuyển một cán bộ vừa mới nhận quyết định kỉ luật về quản lí là không hợp lí. Trước kiến nghị trên, UBND huyện Bố Trạch tiếp tục tổ chức một cuộc họp với Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT huyện, sau đó thống nhất ra quyết định điều chuyển bà Thuyết về giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường TH Cự Nẫm.
Trước băn khoăn của dư luận vì sao bị kỉ luật vẫn được làm hiệu trưởng, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho rằng các khoản lạm thu mà cô Thuyết đề ra đã được trả lại đầy đủ cho phụ huynh học sinh, bản thân cô Thuyết cũng có vài thành tích cống hiến cho ngành giáo dục địa phương. Vấn đề ở đây không phải là lạm thu để cô Thuyết thực hiện hành vi tham ô, tham nhũng mà để phục vụ cho việc nâng cao cơ sở vật chất của nhà trường. "Tuy nhiên, do chưa nắm được bản chất vấn đề nên một số phụ huynh có ý kiến không đồng tình cô Thuyết về làm Hiệu trưởng Trường TH Hải Trạch. Để ổn định tình hình địa bàn thì qua làm việc với Thường vụ Đảng ủy, UBND xã Cự Nẫm và cô Thảo, Hiệu trưởng Trường TH số 1 Cự Nẫm, thống nhất để cô Thuyết về làm Hiệu trưởng Trường TH số 1 Cự Nẫm. Còn cô Thảo sẽ được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường TH Hải Trạch" - ông Hồng khẳng định.
M.T
Giáo viên cắm sổ lương, nợ ngân hàng cho hiệu trưởng vay hàng trăm triệu đồng
Đậu Tình
Hiệu trưởng 2 trường mầm non (MN) trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lấy lí do xây dựng cơ sở vật chất trong trường để mượn hàng trăm triệu đồng của các giáo viên. Tuy nhiên, tới khi các hiệu trưởng này về hưu hay chuyển công tác, số tiền nợ giáo viên vẫn chưa được trả hết.
Mượn hàng trăm triệu đồng để xây dựng trường?
Theo phản ánh của hàng chục giáo viên, nhân viên Trường MN thị trấn Cẩm Xuyên, năm học 2015-2016, toàn bộ giáo viên trong trường cho hiệu trưởng Trần Thị Thanh vay nợ hơn 350 triệu đồng. Để có tiền cho bà Thanh vay, 22 giáo viên, nhân viên cắm sổ lương hàng tháng được 150 triệu đồng. Ngoài ra, một số giáo viên đi vay thêm ngân hàng hơn 200 triệu đồng.
Ngoài tiền vay giáo viên, sau khi về hưu, bà Trần Thị Thanh còn bàn giao lại cho hiệu trưởng mới trả số nợ công trình xây dựng từ trước lên đến 650 triệu đồng.
Một giáo viên thông tin: "Tháng 5-2015, Hiệu trưởng Trần Thị Thanh tổ chức cuộc họp toàn bộ giáo viên, nhân viên trong trường. Trong cuộc họp, cô Thanh có đặt vấn đề mượn tiền của giáo viên, nhân viên để trả nợ cho nhà thầu khi các hạng mục đã xây dựng nhưng chưa có kinh phí".
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, bà Thanh phân trần khi còn làm hiệu trưởng có vay số tiền lớn của giáo viên và đang nợ nhà thầu tiền xây dựng công trình trong khuôn viên trường nhưng bà vay mượn tiền để sử dụng cho việc chung, không tiêu dùng cá nhân. Giải thích cho việc nợ tiền giáo viên, bà Thanh nói: Năm 2012, bà làm Hiệu trưởng Trường MN thị trấn Cẩm Xuyên. Công tác ở ngôi trường xuống cấp, nhiều hạng mục không có nên bà đứng ra làm nhiều công trình. Vì chưa có nguồn ngân sách nên phải nợ nhà thầu và vay tiền giáo viên. Sở dĩ có những công trình đã làm nhưng không có hồ sơ do trường thay 3 nhân viên kế toán, bản thân bà không am hiểu quy trình xây dựng.
Cùng lâm vào tình trạng bị hiệu trưởng nợ tiền, giáo viên đang công tác tại Trường MN Cẩm Thịnh (xã Cẩm Thinh - huyện Cẩm Xuyên) cho biết: Năm học 2015-2016, Hiệu trưởng nhà trường là bà Vũ Thị Mai Hoa ngỏ ý mượn tiền giáo viên với lí do cần xây dựng thêm các hạng mục để đạt trường chuẩn. Các giáo viên trong trường đã đi vay ngân hàng để cho bà Hoa mượn 270 triệu đồng. "Cho chị Hoa vay tiền để xây dựng trong trường, chúng tôi không hề tính toán. Tuy nhiên, chị Hoa đã chuyển công tác nhưng chưa trả nợ chúng tôi. Lương giáo viên đã thấp, hàng tháng lại phải bỏ thêm một khoản để trả lãi suất ngân hàng, chúng tôi rất khó khăn" - một giáo viên chia sẻ.
Còn bà Hoa thì cho biết: "Sau khi dãy nhà học 2 tầng được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, huyện và Phòng Giáo dục chỉ đạo làm trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, ngân sách địa phương chưa có, một số cán bộ nói tôi đi vay mượn, có nguồn trả lại sau nên tôi phải mượn tiền giáo viên để làm".
Ngoài số nợ trong biên bản bàn giao giữa hai hiệu trưởng trường mầm non Cẩm Thịnh, bà Hoa còn nợ tiền giáo viên |
Không có hồ sơ, chứng từ
Bà Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng đương nhiệm Trường MN thị trấn Cẩm Xuyên cho biết khi về nhận công tác ở trường, bà Thanh có bàn giao 650 triệu tiền nợ nhà thầu và một số khoản tiền nợ giáo viên song bà Hợi chỉ nhận 450 triệu đồng tiền nợ công trình và đã trả được 80 triệu đồng. Số tiền còn lại sẽ tiết kiệm trả dần. Theo bà Hợi, sở dĩ bà không nhận hết số tiền nợ bà Thanh bàn giao vì một số hạng mục xây dựng không có hồ sơ chứng minh, khoản nợ tiền của giáo viên là do bà Thanh vay mục đích cá nhân.
Còn về việc hiệu trưởng nợ tiền giáo viên ở Trường MN Cẩm Thịnh, ông Phạm Đình Nông, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh cho biết: "Sau khi cô Hoa luân chuyển công tác có bàn giao số nợ cho hiệu trưởng mới song cô này không nhận các khoản nợ đó. Lúc này, chính quyền mới biết có nợ nần giữa hiệu trưởng và giáo viên… Cô Hoa đã có báo cáo về khoản nợ 270 triệu đồng liên quan xây dựng hạng mục nhỏ trong khuôn viên nhà trường. Tuy nhiên, xã chỉ hỗ trợ được 70 triệu đồng với hạng mục có đầy đủ hồ sơ như làm vườn cổ tích. Số nợ còn lại, địa phương không chịu trách nhiệm vì không có hồ sơ, chứng từ".
Bà Nguyễn Thị Xuân Hoàng, Phó phòng Giáo dục huyện Cẩm Xuyên khẳng định: "Có sự việc cô Thanh, cô Hoa từng làm hiệu trưởng MN trên địa huyện Cẩm Xuyên vay mượn hàng trăm triệu đồng của giáo viên trong trường. Phòng Giáo dục sẽ kiểm tra họ vay tiền sử dụng mục đích cá nhân hay vì việc công".
Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Cẩm Xuyên, ông Hoàng Văn Lí cũng cho hay: "Khi các hiệu trưởng này còn công tác tại trường, Phòng Tài chính - kế hoạch không nhận được báo cáo công nợ. Đến lúc người về hưu, người luân chuyển công tác mới nhận được phản ánh của giáo viên. Phòng đã báo cáo sự việc lên Chủ tịch huyện, sắp tới sẽ thành lập đoàn thanh tra làm rõ".
Đ.T
Thanh Hóa: Hiệu trưởng trường mầm non "mất tích" bí ẩn với số tiền lớn
Lê Anh
Đang là hiệu trưởng tại Trường MN xã Tế Lợi (huyện Nông Cống - Thanh Hóa), bà Đỗ Thị Tình bỗng dưng "mất tích" bí ẩn với số tiền lớn.
Ông Đỗ Khắc Minh, Chủ tịch UBND xã Tế Lợi xác nhận hiệu trưởng trường MN trên địa bàn "mất tích". Hiện UBND xã cũng đã báo cáo sự việc với huyện để có hướng xử lí.
Theo người dân xã Tế Lợi cho biết, khoảng 10 ngày nay, bà Đỗ Thị Tình (sinh năm 1972, ngụ xã Tế Lợi), đang là Hiệu trưởng Trường MN Tế Lợi không đến trường làm việc, không có mặt ở địa phương. Nhiều người cho biết bà Tình vay nợ của người dân và giáo viên trong trường với số tiền nhiều tỉ đồng không có khả năng chi trả nên đã bỏ trốn.
Liên quan vấn đề này, ông Minh nói chưa dám khẳng định bà Tình có bỏ trốn hay không vì đang trong thời gian đi học lớp quản lí ở TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, bà Tình không đến trường cũng như mất liên lạc từ ngày 24-11 đến nay là đúng. Theo ông Minh, trước khi "mất tích" khỏi trường, bà Tình có nợ của hàng loạt giáo viên trong trường với số tiền trên 1 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Tình đã tự ứng số tiền gần 120 triệu đồng (là tiền đóng góp quỹ phụ huynh học sinh, tiền giáo viên đóng góp mua tài liệu, tiền mua đồ chơi cho học sinh…) nói là đi trả tiền mua bàn ghế cho lớp nhưng kiểm tra thì chưa thấy trả; mang 25 triệu đồng tiền phụ huynh đóng góp mua đồ ăn sáng cho học sinh nhưng mới trả cho nơi cung ứng 3 triệu đồng...
Ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết đang giao Công an huyện vào cuộc làm rõ. Còn về góc độ quản lí nhà nước, dù bà Tình có bỏ trốn hay không thì quan điểm của huyện là cho nghỉ việc vì một hiệu trưởng nhà trường mà tư cách như thế thì không xứng đáng.
L.A