Sáng 5-9-2017, dự lễ khai giảng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị học viện này "tập trung luận chứng khoa học thuyết phục" về "cơ sở lí luận và thực tiễn của một chính phủ kiến tạo, phát triển". BVN chọn đăng 4 bài báo "lề đảng" thuộc loại mới nhất, đặng góp phần vào việc trên. Bauxite Việt Nam |
Doanh nghiệp kêu "chi phí khủng khiếp" vì thủ tục nhập khẩu
Hà Chính
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự án Luật Chăn nuôi (sửa đổi) ngày 6-12, nhiều ý kiến bức xúc đề cập việc việc kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rất chồng chéo, mất thời gian, cụ thể là kiểm tra nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Theo ông Lê Giang từ Công ty TNHH Vĩnh An, từ năm 2013 tới nay, doanh nghiệp này mất gần 1 tỉ đồng cho chi phí kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mỗi năm mất khoảng 300 triệu đồng. Ngay cả với những nguyên liệu đã được kiểm nghiệm, xác nhận từ Mỹ hay G7, cơ quan quản lí Việt Nam cũng không chấp nhận. "Mà nói thật là theo chúng tôi biết thì họ không kiểm tra gì cả. Ví dụ chỉ tiêu về đạm, chỉ cần lệch nhau nửa độ đạm thì các doanh nghiệp đã nhảy lên rồi nhưng kết quả kiểm tra họ lệch tới 3 độ. Khi chúng tôi kêu thì các ông ấy chỉnh sửa, lại đúng" - ông Giang nêu thực tế tại hội thảo do VCCI phối hợp với Cục Chăn nuôi tổ chức.
Theo ông Giang, thời gian kiểm tra thực tế kéo dài đến 48 tiếng, thậm chí có trường hợp kéo dài 72 tiếng, tức 3 ngày. Như vậy, chi phí lưu kho lưu bãi của các doanh nghiệp là "khủng khiếp" bởi tại khu vực cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, mỗi năm có khoảng 80 triệu TEU (container tiêu chuẩn) hàng hóa, trong đó có khoảng 10% là thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tức là khoảng 8 triệu container. "Từ đầu năm tới nay, riêng doanh nghiệp chúng tôi mất khoảng 1 tỉ đồng chi phí lưu kho lưu bãi trong khi chúng tôi nhập khẩu không nhiều lắm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 tỉ đồng mỗi năm" - ông Giang nói và cho rằng nếu cải cách được vấn đề này sẽ giảm ngay được hàng chục nghìn tỉ đồng chi phí kiểm nghiệm cho doanh nghiệp, chưa kể chi phí lưu kho, lưu bãi.
Ông Giang cho biết thêm, chi phí thuê tàu lúc cao điểm lên tới 30 nghìn USD một ngày, vậy mà doanh nghiệp phải mất nhiều ngày lưu lại cảng.
Thời gian làm thủ tục "dài lê thê"
Để giải quyết vấn đề, ông Giang cho rằng khi sản xuất thành thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp còn phải chịu sự quản lí về hợp chuẩn, hợp quy mới được đưa sản phẩm ra lưu hành, nên chăng chất lượng đầu vào của nguyên liệu nên giao cho doanh nghiệp tự quản lí? Mặt khác, với các nguyên liệu đã được các quốc gia phát triển như Mỹ công nhận thì không kiểm tra lại nữa.
Hơn thế nữa, chi phí kiểm tra còn tính trên giá trị lô hàng. Chi phí kiểm tra độ đạm mất khoảng 350.000 đồng mỗi lần nhưng cơ quan quản lí thu phí tính trên giá trị lô hàng, ví dụ lô hàng trị giá nửa triệu USD mất khoảng 9 triệu đồng tiền phí.
Mặt khác, cùng một con tàu, cơ quan quản lí chỉ lấy 1-2 mẫu, tuy nhiên tàu đó chở hàng cho khoảng 60 chủ hàng thì vẫn lấy phí của tất cả 60 chủ hàng đó, nhiều trường hợp chi phí cả tàu lên tới 1 tỉ đồng.
Một vấn đề khác khiến doanh nghiệp đau đầu là tình trạng kiểm tra chồng chéo. Các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vừa bị cơ quan quản lí chất lượng kiểm tra, vừa bị các cơ quan kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật kiểm tra. "Ở các cảng phía nam việc kiểm dịch rất nhanh, sáng hàng đến thì chiều thông quan nhưng ở cảng Hải Phòng phải mất 48 tiếng mới cấp chứng thư. Thời gian kéo dài lê thê, mệt mỏi vô cùng, nhất là nếu trùng thứ bảy, chủ nhật" - ông Giang bức xúc.
Cùng ý kiến với ông An, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thường có khối lượng rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tấn, nếu thời gian làm thủ tục kéo dài thì chi phí rất lớn, chất lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng, rất phiền toái cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cho rằng cơ quan quản lí không nên phân tích quá nhiều những chỉ tiêu không cần thiết, chỉ nên kiểm tra một số chỉ tiêu như chất cấm, chất gây hại… mà thôi.
Bộ cam kết "đã nói là làm"
Phát biểu phản hồi tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết trong thời gian qua, Chính phủ rất kiên quyết trong cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng đã thành lập tổ công tác đi kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, hiện đang tập trung xử lí vấn đề thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Bà Kim Anh thừa nhận trong việc quản lí vật tư nông nghiệp đang có sự chồng chéo giữa các đơn vị kiểm tra chất lượng, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật trong cùng bộ. "Tuy nhiên, chúng tôi đã làm việc với các cơ quan và thống nhất theo hướng một mặt hàng thì chỉ một đơn vị chủ trì, các đơn vị khác phối hợp và chỉ lấy mẫu 1 lần" - bà nói.
Cho rằng các đơn vị của bộ đã có nhiều nỗ lực để phục vụ doanh nghiệp song bà Kim Anh cũng cho biết bộ sẽ kiểm tra lại những phản ánh của doanh nghiệp, nếu đúng sẽ cương quyết chấn chỉnh. "Sang tuần tới, chúng tôi sẽ đi kiểm tra ở Hải Phòng và Quảng Ninh, chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp của anh Lê Giang. Bộ đã hứa là sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bộ sẽ làm" - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cam kết và đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Chăn nuôi sửa đổi.
Không cấm có chắc được sử dụng?
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI nhận định dự thảo luật có nhiều điểm tiến bộ, thể hiện tư duy quản lí hiện đại. Trong đó, có những quy định như danh mục cấm đối với thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, ông Ngô Tiến Dũng từ Tập đoàn TH đặt vấn đề loại thức ăn không có trong danh mục cấm nhưng cũng không có trong danh mục được phép thì có được sử dụng không? "Cách đây chưa lâu, chúng tôi muốn sử dụng một số loại nguyên liệu mà thế giới dùng lâu rồi nhưng không có trong danh mục được phép tại Việt Nam. Không biết làm thế nào, chúng tôi phải lên tận bộ trưởng xin chấp nhận. Vậy xin hỏi là nguyên liệu không nằm trong danh mục cấm có được sử dụng không?" - ông nói.
Ông Dũng cũng cho biết theo dự thảo, tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi để tưới cây thì phải sạch gấp hàng chục lần tiêu chuẩn nước thải ra môi trường. Đây là một điểm chưa hợp lí.
Còn theo ông Nguyễn Duy Lý từ Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, dự thảo luật quy định một số chất thải rắn trong chăn nuôi không được phép vận chuyển ra khỏi trang trại dưới mọi hình thức, thế nhưng quy định về môi trường hiện hành lại yêu cầu một số chất thải nguy hại phải được vận chuyển ra khỏi trang trại và được xử lí bởi các đơn vị chuyên nghiệp. Do đó, cần rà soát lại quy định để bảo đảm tính thống nhất
H.C
Doanh nghiệp ô-tô "kêu" mất 10.000 USD/lô hàng nhập vì khâu thử nghiệm
Nguyễn Tuyền
Đây là khẳng định của Nhóm công tác ô-tô và xe máy thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) về các quy định về sản xuất, nhập khẩu ô-tô vào Việt Nam tại Nghị định 116 vừa được Chính phủ thông qua, có hiệu lực tháng 10-2017 nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn. Theo ông Toru Kinoshita, Trưởng nhóm Công tác ô-tô và Xe máy: Nghị định 116 quy định về sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô-tô vừa được ban hành và có hiệu lực còn tồn tại nhiều bất cập, cần sửa đổi.
Thử nghiệm từng lô sẽ tốn 10.000 USD/lô và không có ý nghĩa
Theo nhóm ô-tô và xe máy, quy định tại Nghị định 116 về yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu dù cho cùng chung dòng xe, đơn hàng, các doanh nghiệp (DN) ô-tô không thể tuân thủ được quy định này. Gánh nặng của việc cùng một kiểu loại xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm lại nhiều lần về khí thải và an toàn theo từng lô hàng nhập khẩu không có ý nghĩa, gây thiệt hại. "Quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lí chất lượng, chỉ làm lãng phí thêm thời gian (lên tới 2 tháng) và tăng chi phí (lên tới 10 nghìn USD) cho việc thử nghiệm theo từng lô hàng" - nhóm công tác trên khẳng định.
Trưởng nhóm ô-tô và xe máy khẩn thiết đề nghị: Bộ Giao thông vận tải và Cục đăng kiểm Việt Nam khi tiến hành dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 cần bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định hiện hành mà không cần thử nghiệm lại.
Ngoài ra, 3 vấn đề nêu trên có thể đặt Việt Nam vào tình huống không tuân thủ các thông lệ và cam kết quốc tế. Ví dụ theo Hiệp định thương mại Việt Nam - EU tới đây, Việt Nam sẽ tự động chấp thuận mà không yêu cầu phải thử nghiệm lại đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn tương đương hoặc cao hơn đã được chứng nhận bởi Liên minh châu Âu.
Chỉ có Việt Nam mới yêu cầu chứng nhận kiểu loại
Báo cáo của Nhóm công tác ô-tô và xe máy cho rằng quy định yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô-tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. "Đa số các doanh nghiệp ô-tô đều không thể tìm được bất kì một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào theo như mô tả tại Nghị định 116" - nhóm báo cáo cho biết.
Theo nhóm chuyên môn của VBF, Chính phủ của mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ô-tô tiêu thụ trong nước mà thôi, các xe ô-tô sản xuất để xuất khẩu không thuộc đối tượng này.
Các xe ô-tô xuất khẩu được sản xuất với mục tiêu đáp ứng mong đợi của khách hàng và tuân thủ tiêu chuẩn kĩ thuật cụ thể của từng quốc gia nhập khẩu. Do đó, sẽ luôn có sự khác biệt nhất định giữa thông số kĩ thuật của xe xuất khẩu và xe tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, một số quốc gia cũng không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho toàn xe vì Chính phủ chỉ kiểm tra khí thải hoặc để nhà sản xuất tự chứng nhận.
Đường thử chuẩn, nhiều DN xe không thể đáp ứng
Yêu cầu mới về chiều dài đường thử, theo Điểm a - Khoản 1 - Điều 7 và Mục IV của Phụ lục I, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô cần phải có "đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800 m" với tối thiểu 400 m đường thẳng trước ngày 17-4-2019.
Theo Nhóm công tác, Nghị định yêu cầu bắt buộc đối với các nhà sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước phải sở hữu hoặc thuê đường thử có tổng chiều dài lên tới 800 m. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hầu như không có doanh nghiệp nào có sẵn đường thử đáp ứng điều kiện của Nghị định 116. Điều này có nghĩa là các DN cần phải xin thêm đất và đầu tư thêm vào việc xây đường thử mới hoặc mở rộng đường thử hiện tại, hay phải có hợp đồng thuê đường thử.
"Nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu này do không có đủ đất cho việc xây dựng mới hoặc mở rộng thêm đường thử. Việc thuê đường thử cũng có nhiều khó khăn do chi phí lớn. Đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT không áp dụng hồi tố yêu cầu này đối với các nhà sản xuất đã đầu tư và đang hoạt động bình thường hiện nay" - nhóm công tác cho hay.
N.T
Doanh nghiệp thích nhanh, cán bộ thích tiền
Tô Hội
PGS-TS Đỗ Đức Định (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) nhận định việc có đến 31% doanh nghiệp thừa nhận "đi đêm" với cán bộ thuế là bởi chúng ta chưa có hệ thống kiểm tra, kiểm soát tốt, còn tồn tại trong bộ máy những người thích làm ăn chộp giật. Giống như kiểu cung gặp cầu, doanh nghiệp thích thủ tục nhanh chóng, gọn nhẹ, bỏ qua sai phạm, còn cán bộ thì thích tiền.
Kiểm tra để kiếm ăn
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính trong kì họp Quốc hội vừa qua, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu thực trạng trong lĩnh vực thuế vẫn tiềm ẩn nhiều tham nhũng với thủ đoạn từ vòi vĩnh đến thông đồng để bỏ sót nguồn thu, áp mức thuế khoán, giá tính thuế không đúng, thậm chí bày cho hộ kinh doanh cách trốn thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2015, qua khảo sát đánh giá có 63% hộ kinh doanh đi đêm với cán bộ thuế, nhưng 2016 đánh giá lại thì khoảng 31%. Ông nghĩ sao về con số 31% này?
Đó đúng là một con số không nhỏ. Nhiều người mới nói với nhau rằng kinh doanh ở Việt Nam khó gấp 2 lần các nước khác, là do bởi tham nhũng, cán bộ nhũng nhiễu như thế này.
Nguyên nhân của tình trạng ấy là do đâu?
Xưa nay không có sự kiểm tra giám sát nghiêm túc, thông tin thiếu tính minh bạch, hệ thống quản lí thiếu sự giám sát. Cơ quan kiểm tra thay vì đi kiểm tra để bắt lỗi doanh nghiệp để chấn chỉnh thì đâu đó có chuyện đi kiểm tra để có thu nhập, đi kiểm tra để kiếm ăn. Đó là thực trạng rất buồn. Rồi tình trạng luật còn chồng chéo, các cơ quan quản lí cũng trùng nhau về chức năng nhiệm vụ, thành ra thế.
Cơ quan kiểm tra, giám sát mà như thế thì nguy?
Thế nên báo chí mới nêu đấy. Nhiều cơ quan đi kiểm tra bảo rằng chúng tôi chỉ có chức năng kiểm tra thôi chứ không có chức năng xử phạt, không có chức năng đình chỉ…
Tôi thì lại thấy vấn đề ở đây chính là công tác cán bộ?
Đúng là thế. Vấn đề lựa chọn, tuyển dụng, sử dụng cán bộ cũng có vấn đề. Không chọn được người có tâm huyết mà đâu đó lại lựa chọn những người làm ăn chộp giật. Chuyện bảo vệ tổ dân phố cắt cổ cháu bé đấy, thì đúng là việc chọn người vào các vị trí công việc có vấn đề, thay vì bảo vệ dân thì cắt cổ dân đấy.
Bản chất của việc này là tham nhũng?
Đáng tiếc là tham nhũng này lại phổ biến chứ không phải là cá biệt nữa. Ở một số nước, tham nhũng là cá biệt nhưng ở ta tham nhũng kiểu này rất phổ biến.
Muốn nhanh, gọn, phải tiền
Nói gì thì nói, tôi cho rằng cũng không đổ hết lỗi cho cán bộ, mà doanh nghiệp cũng có sai trong việc "đi đêm" với cán bộ?
Ý thức của doanh nghiệp chưa cao, chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Ví dụ một người vi phạm luật giao thông, lỗi đó bị phạt 800 ngàn đồng. Có hai lựa chọn. Nếu đưa cho cảnh sát 400 ngàn đồng không cần hóa đơn, thì xong việc, đi luôn. Nếu yêu cầu viết hóa đơn thì sẽ phải nộp cả 800 ngàn đồng, phải ra kho bạc nộp rồi mới quay lại cơ quan công an lấy giấy tờ xe. Sẽ mất nhiều thời gian, nhiều tiền hơn. Thế là nhiều người mới chọn phương án 1. Doanh nghiệp cũng thế, thay vì phải thủ tục lằng nhằng, lỗi này bị phạt 10 triệu đồng thì thôi, đưa cho cán bộ 5 triệu, thế là xong. Nhanh. Gọn.
Nhưng khi doanh nghiệp chấp nhận "đi đêm" cũng đồng nghĩa bởi họ có sai phạm?
Họ chấp nhận việc đó cũng vì nhiều lí do. Có thể họ sai, họ muốn giải quyết cho nhanh. Có thể họ không sai, nhưng không muốn bị cán bộ "hỏi thăm" nhiều nên họ cũng chấp nhận bỏ tiền cho xong. Thế mới thấy kinh doanh khó khăn đến thế nào. Thay vì đăng kí, kinh doanh, đóng thuế thì ở ta khâu nào cũng cần phải "bôi trơn", "chạy chọt".
Ví dụ ạ?
Thì muốn đăng kí kinh doanh cũng phải xin phép, kinh doanh có vấn đề nọ kia cũng phải xin xỏ chạy chọt, rồi đóng thuế thì cũng không minh bạch. "Đi đêm" với cán bộ để ăn chia, để có lợi chút nào hay chút ấy. Cán bộ có chút thu nhập mà doanh nghiệp cũng được lợi. Nói chung là nhiều việc phức tạp.
Giả sử như doanh nghiệp không sai gì cả, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, nộp thuế đầy đủ, thì liệu cán bộ có điều kiện nhũng nhiễu?
Ôi trời ôi, cán bộ họ giỏi lắm. Không có lỗi gì họ cũng có thể tìm ra lỗi để phạt. Họ giỏi tìm lỗi lắm.
Xem ra cán bộ là một "cản trở" của doanh nghiệp?
Vừa rồi chúng ta nói nhiều đến giấy phép con, đó chính là thực trạng cán bộ tìm ra mọi điều khoản để gây khó dễ cho doanh nghiệp đấy. Cũng may chúng ta nhận ra và đang nỗ lực tháo gỡ, xóa bỏ những quy định không phù hợp, kìm chân doanh nghiệp.
Giàu lên nhờ "làm quan"
Thực trạng đó dẫn đến một hiện tượng xã hội là người ta coi tham nhũng như một tất yếu?
Tôi muốn nói đến một thực trạng khác, đó là ở Việt Nam, số người giàu lên nhờ "làm quan" luôn nhiều hơn số người giàu nhờ buôn bán kinh doanh. Cô bảo dễ gì mà buôn bán làm ăn lãi được tiền tỉ, nhưng "làm quan" có người kiếm hàng chục tỉ không khó khăn gì. Ở TP HCM cách đây khoảng hơn chục năm, có người đã thực hiện điều tra xã hội học về vấn đề này và kết luận số người giàu lên nhờ làm ăn buôn bán kinh doanh ít hơn số người giàu lên nhờ con đường làm quan chức.
Thật vậy ư?
Người thực hiện điều tra đó cũng tên là Định, làm ở Viện Khoa học xã hội TP HCM. Người kinh doanh có hàng chục, hàng trăm tỉ là rất hiếm nhưng người "làm quan" có khoản tiền đó chắc cũng không ít. Hay muốn kinh doanh tốt thì phải chạy chọt có chân trong bộ máy, hoặc phải móc ngoặc với lãnh đạo, "đi đêm" với quan chức. Còn quan chức thì ngược lại, chỉ việc hưởng mà thôi.
Theo ông chúng ta phải làm gì để giải quyết thực trạng này?
Chừng nào chúng ta thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, đúng nghĩa thì chúng ta mới khắc phục được thực trạng này. Nghĩa là doanh nghiệp được làm ăn sòng phẳng, cạnh tranh sòng phẳng, không cần phải tạo quan hệ, "đi đêm" với cán bộ nào… cũng được kinh doanh thuận lợi. Còn nếu chúng ta vẫn cứ duy trì kiểu kiểm tra để "kiếm ăn", không xử lí những người sai phạm, để luật có những lỗ hổng cho người ta lách, tuyển dụng, sử dụng những cán bộ thiếu tâm, biến chất, cơ hội… thì chừng đó chúng ta phải chấp nhận thực trạng này.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Ghi nhận những cố gắng trong việc cải cách thủ tục làm lành mạnh hóa nợ thuế, tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng đâu đó vẫn còn những tồn tại, bất cập chưa thể hiện đầy đủ sự minh bạch, gây nhiều bức xúc như sự thông đồng giữa người nộp thuế với cán bộ thuế nhằm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn trả lại. Việc kê khai khoản nộp thuế cũng chưa rõ ràng, minh bạch để có lợi cho người nộp và có thể cũng có thuận lợi cho cán bộ thuế, gây thất thu ngân sách, không công bằng giữa các doanh, làm triệt tiêu tính cạnh tranh lành mạnh mà thay vào đó là cạnh tranh nhau một cách tiêu cực thông qua các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cán bộ thuế, gây so bì trong cộng đồng doanh nghiệp.
Tô Hội (thực hiện)
Nguồn: http://khoahocdoisong.vn/doanh-nghiep-thich-nhanh-can-bo-thich-tien/
Khi cả trăm doanh nghiệp viết tâm thư kêu cứu
Anh Đào
28% doanh nghiệp (DN) phàn nàn về việc "tiếp cận đất đai", yếu tố phàn nàn nhiều nhất trong những nhiễu nhương và khó khăn mà DN gặp phải. Hoá ra, nguồn lực đất đai, dẫu là của chung, nhưng lại không dễ tiếp cận.
28% phàn nàn là con số mà Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Trương Gia Bình đưa ra tại Hội nghị Đối thoại DN do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức tại TP HCM chiều 4-12-2017.
Nghĩ cũng xót xa. Bởi trong khi các nghị quyết, chính sách đang dần đề cao vai trò của khu vực kinh tế phi nhà nước thì các DN vẫn như những đứa con ghẻ, ít nhất trong lĩnh vực tiếp cận các yếu tố thuộc về nguồn lực như vốn vay, như đất đai. Và trong khi càng chứng minh năng suất lao động, hiệu quả nguồn vốn, tính chịu trách nhiệm và khả năng tạo công ăn việc làm... ngày càng ưu việt thì các DN ngày càng phải tự bơi.
Nhân kì họp HĐND TP Hà Nội đang diễn ra, xin mở ngoặc về bức tâm thư mà hơn 100 DN ở Phú Minh - Sóc Sơn gửi tới lãnh đạo thành phố.
Chuyện nghe qua tưởng nhỏ. Hầu hết DN, những người đang tạo ra một doanh thu bình quân 10 ngàn tỉ đồng mỗi năm, nộp thuế 200 tỉ đồng, sử dụng hơn 8.200 lao động... lại tạo ra của cải vật chất và việc làm ấy trên đất nông nghiệp, đất hoang. Và vừa rồi, trong nỗ lực dẹp loạn đất đai ở Sóc Sơn, chính quyền đang muốn xử phạt, đập bỏ, cưỡng chế toàn bộ cơ ngơi nhà xưởng xây dựng trái phép trên địa bàn. Phải nói ngay, vi phạm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn Phú Minh là có thật, thậm chí đến mức độ trầm trọng. Phải nói ngay, chính quyền dẹp loạn hoàn toàn không có gì sai cả. Nhưng vấn đề lại không chỉ ở chỗ lãng phí của cải vật chất hay ảnh hưởng đến việc làm của hơn 8.000 lao động mà lại ở chỗ sự tồn tại của cả trăm DN, hay xa hơn, ở thân phận của bộ phận DN tạo ra của cải vật chất nhiều nhất trong xã hội.
Năm ngoái, Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 vừa được VCCI công bố đã chỉ ra hai chữ "bấp bênh" trong tiếp cận và sử dụng đất đai của DN. Đó là tỉ lệ rủi ro bị thu hồi đất của họ ở mức cao kỉ lục (1,73 điểm, tương ứng với mức độ rủi ro rất cao).
Khả năng tiếp cận vốn, đất đai là những yếu tố sống còn với DN. Nhưng sự bất bình đẳng trong tiếp cận đang sinh ra tình trạng DN phải chạy chọt, trở thành "thân hữu" hoặc phải làm chui, làm lậu, đứng trước nguy cơ bị thu hồi, mất trắng (như trường hợp cả trăm DN ở Phú Minh) nếu muốn có chẳng hạn một mảnh đất tối thiểu để sản xuất.
Có lẽ, bên cạnh việc đề cao vai trò khu vực kinh tế phi nhà nước thì việc tiếp cận nguồn lực cũng phải được xem xét tương ứng. Có lẽ, DN cần sự thấu cảm, lắng nghe hơn là một quyết định hành chính đẩy họ ra đường.
A.Đ
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-ca-tram-doanh-nghiep-viet-tam-thu-keu-cuu-579825.ldo