Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng - Công tác cán bộ

(Phần 8: Nguyễn Nhật -Thứ trưởng Bộ GTVT)

David Trần Hiếu

Như tiền lệ, để tránh sự ồn ào không mong muốn thời điểm bắt một nhân vật cấp cao tại Việt Nam thường rơi vào một ngày cuối tuần.

Một buổi chiều ảm đạm của thứ 6 tuần trước, ngày 8/12, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Ban Kinh tế Trung ương, cựu Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt nam - ông Đinh La Thăng đã bị bắt, tạm giam.

Vụ việc làm người ta liên tưởng tới các chính khách cấp cao từng là Ủy viên Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc như Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang… đã vào vòng lao lý. Trong đó, “hổ lớn” Chu Vĩnh Khang là người đã từng giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, giống như Đinh La Thăng đã từng là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Trước khi Đinh La Thăng bị bắt, một loạt thân tín của Thăng đã bị khởi tố. Những ngày này, hàng loạt tay chân của Thăng tuy miệng cố cười nhưng tim đập chân run, biết ngày nào cánh cửa “nhà kho” lại mở rộng với mình!

Phần 8, sở dĩ tác giả dành số 8 cho một nhân vật sẽ giới thiệu sau đây, bởi lẽ ông ta rất thích con số này, do theo Hán âm là gần với nghĩa “phát” trong Việt ngữ. Nhưng đôi khi con số 8 nằm ngang lại là hình ảnh không mong chờ với những ai đã là thuộc hạ của Đinh La Thăng!

Bạn đọc sẽ được giới thiệu một nhân vật là đệ tử của Đinh La Thăng, người này từng sát cánh với Đinh Tư lệnh thời triển khai dự án Tổng kho Xăng dầu Vũng Áng; nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng tại Hà Tĩnh, còn gần gũi với Thăng hơn cả Đinh Mạnh Thắng (em ruột của Thăng, người vừa bị bắt sau Thăng chỉ một ngày), đó là đương kim Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật.

David T.H.

Tháng 9 năm 2014, Nguyễn Nhât (sinh 1961) đang là Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, với sự hậu thuẫn của Đinh La Thăng đã ra làm Cục trưởng Cục Hàng hải thay cho Dương Chí Dũng bị khởi tố, truy nã do những bê bối thời còn làm Chủ tịch Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Thân với Đinh La Thăng như anh em thời còn làm dự án tại Hà Tĩnh nên Nguyễn Nhật được Tư lệnh Đinh La Thăng cam kết vị trí Cục trưởng chỉ là chặng dừng chân đưa Nhật tới vị trí Thứ trưởng, và sau này khi Đinh Tư lệnh được “Thăng” lên Phó Thủ tướng thì chức Bộ trưởng GTVT không ai khác sẽ dành cho Nguyễn Nhật.

Nguyễn Nhật, đệ tử của Đinh La Thăg có những “thành tích” ra sao, Tác giả chỉ xin sơ lược một số nét chính dưới đây:

1. Nguyễn Nhật có bằng Tiến sĩ?

Thời còn làm ở Hà Tĩnh (Tổng giám đốc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, sau đó là Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh), Nguyễn Nhật kê khai có bằng Tiến sĩ do Southern Pacific University (Đại học Nam Thái Bình Dương) của Mỹ cấp.

Dương Chí Dũng (trái) và Nguyễn Nhật (phải) có điểm giống nhau: đều từng là Cục trưởng Cục Hàng hải và đều khai trong hồ sơ có bằng Tiến sĩ

Tuy nhiên, trước khi ra Hà Nội nhậm chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, hồ sơ của Nguyễn Nhật đã không còn khai tấm bằng Tiến sĩ do Đại học Nam Thái Bình Dương cấp nữa.

Nguyên do, thời điểm ngay trước khi ra Hà Nội làm Cục trưởng, vào tháng 9/2014, được một thân tín ở Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam cho biết chương trình và bằng cấp của Trường Đại học Nam Thái Bình Dương, nơi Nguyễn Nhật ghi danh, nộp tiền và cấp bằng Tiến sĩ cho Nguyễn Nhật là không được công nhận (sau này, báo chí đã đăng tải thông tin các trường của Mỹ diện nằm trong danh sách đen: https://baomoi.com/ve-thong-tin-21-truong-dai-hoc-quoc-te-ma-bo-giao-duc-dao-tao-noi-gi/c/15258143.epi).

Trang Web của Southern Pacific University (Trường Đại học Nam Thái Bình Dương), nơi cấp bằng Tiến sĩ cho Nguyễn Nhật, nay không còn hoạt động

Để tránh rắc rối sau này, Nguyễn Nhật đã kịp thời sửa lý lịch, rút bỏ tấm bằng Tiến sĩ (dỏm) ra khỏi hồ sơ cán bộ để nộp cho Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GT-VT.

Trường Đại học Nam Thái Bình Dương, tên tiếng Anh là Southern Pacific University, thành lập năm 1995, không có cơ sở đào tạo (non campus), trước đây khi chiêu sinh trường đã sử dụng trang web http://www.spuni.edu/, hiện trang này không còn hoạt động. Đây là một trong những trường nổi tiếng về “bán bằng”, mà nhiều học viên Việt Nam, trong đó có nhiều vị hiện là quan chức đã sở hữu tấm bằng Thạc sĩ - Tiến sĩ do trường này cấp, hay nói chính xác hơn là “bán”.

Nếu Nguyễn Nhật không nhanh tay rút bằng Tiến sĩ dỏm ấy khỏi hồ sơ, hẳn cũng sẽ rơi vào tình trạng dính tội “kê khai, sử dụng bằng cấp không trung thực; vi phạm những điều đảng viên không được làm” như Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bị ngã ngựa giữa đường một phần do sử dụng bằng Tiến sĩ của Đại học Mỹ – mà bằng này không được công nhận; hay như đệ tử của Nhật là Nguyễn Xuân Sang, hiện là Cục trưởng Cục Hàng hải, dính án khai man hồ sơ là Tiến sĩ Hàng hải của một trường ĐH không đào tạo chuyên ngành hàng hải, mà chỉ về điện, điện tử, ô-tô… của Liên bang Nga. Nguyễn Xuân Sang kế nhiệm chức Cục trưởng Hàng hải của Nguyễn Nhật, do Thăng và Nhật dựng lên khi Nguyễn Nhật lên làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Hồ sơ về Nguyễn Xuân Sang đã được nêu tại Phần 7 và Phụ lục của Chuyên đề này.

2. Nguyễn Nhật và Formosa

Năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ trách nhiệm liên quan tới Formosa thuộc về ông Võ Kim Cự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 và Nguyễn Nhật, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh (2010-2012) phụ trách việc cấp phép và giải phóng mặt bằng cho dự án.

Nguyễn Nhật có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật:

Nguyễn Nhật đã cố tình làm trái pháp luật về đầu tư, dự án như Formosa Hà Tĩnh cần có hai quyết định bắt buộc là: (a) Quyết định của TTCP cho phép đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện (Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư); (b) Ngoài ra đối với dự án với thời hạn đầu tư 70 năm phải được Chính phủ quyết định (Luật Đầu tư 2005, Điều 52 quy định “Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá bảy mươi năm”.

Thực tế, dự án Formosa Hà Tĩnh chưa có 2 quyết định này; tuy nhiên Nguyễn Nhật và Võ Kim Cự đều lý giải rằng Thủ tướng Chính phủ và các Bộ/ngành đã đồng ý, và dự án này nằm trong khu kinh tế Vũng Áng. Lý luận của Nhật và Cự là lấp liếm, do khu kinh tế này Thủ tướng mới chỉ phê duyệt đến năm 2025. Rõ ràng Nhật và Cự đã có hành vi cố ý làm trái pháp luật.

Nguyễn Nhật (thứ 2 phải qua) tại dự án Formosa

Nguyễn Nhật tạo ưu đãi về thuế cho Formosa:

Ngoài việc cấp phép cho Formosa xây dựng dự án 70 năm trái pháp luật, Nguyễn Nhật cùng Võ Kim Cự đã: (a) hướng dẫn cho Formosa cách hưởng các ưu đãi, nhất là cho hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; (b) cam kết ưu đãi khi dự án đi vào hoạt động, tỉnh Hà Tĩnh sẽ trình Thủ tướng xem xét cho hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong cả thời gian thực hiện dự án; (c) Sau khi quyết toán thuế, nếu bị lỗ thì Formosa được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế, thời gian chuyển lỗ dưới 5 năm; (d) Formosa được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùng để tạo tài sản cố định của dự án trong 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm phải nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được; (e) Formosa được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao, bao gồm cả thu nhập thường xuyên và không thường xuyên, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng; (g) Formosa được hỗ trợ giảm 50% chi phí quảng cáo trên Báo Hà Tĩnh và Đài Phát thanh truyền hình Hà Tĩnh cho sản phẩm mới của nhà máy trong 01 năm…

Nguyễn Nhật chỉ đạo trái luật về thu hồi, tái định cư... dự án Formosa:

(a) Cho thuê 33 km2 đất (bằng diện tích của 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng của Hà Nội), gồm đất liền và bờ biển chạy dọc gần Đèo Ngang đến đường xuống cảng Vũng Áng, Kỳ Anh – Hà Tĩnh cho Formosa để làm dự án đầu tư. Với thời hạn 70 năm, giá thuê 96 tỷ đồng VN trong 70 năm (tức là chỉ khoảng 3,45 đồng/1m2/tháng; có nghĩa Formosa chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng, tương đương một ổ bánh mỳ thì đã có thể thuê được gần 3.000 m2 đất tại Vũng Áng trong 01 tháng); (b) Trong quá trình triển khai, Nguyễn Nhật đã cho Formosa đào một con sông và xây "chiến lũy" chạy dọc theo đường Quốc lộ 1A, trở thành như một vùng lãnh thổ “nội bất xuất, ngoại bất nhập" trên vùng đất này. (c) Nguyễn Nhật đã chỉ đạo huyện Kỳ Anh ép buộc, cưỡng bức hơn 1.300 nghìn hộ dân, khoảng 33.000 nhân khẩu rơi vào cảnh cùng cực, đền bù không đúng, tái định cư đưa dân đến nơi như “ấp chiến lược” không còn lối thoát cho cuộc sống hôm nay và mai sau. Người dân ở Kỳ Anh đã bức xúc, kêu cứu từ nhiều năm nay; (d) Nguyễn Nhật đã chỉ đạo cấp huyện triển khai vi phạm pháp luật đất đai, không có quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình (vấn đề này đã được UBKTTW Đảng kết luận); thời gian đó nhiều văn bản không đưa bản chính mà chỉ đưa bản photo cho dân, số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng không công bố cụ thể mà chỉ bắt ép dân đến lấy, còn bao nhiêu tiền đúng sai dân khiếu nại không cần biết.

3. Nguyễn Nhật và BOT

Câu chuyện BOT Cai Lậy đã quá nóng, chỉ sau khi ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 4 tháng 12, ra lệnh tạm dừng hoạt động trạm thu phí này 1-2 tháng để Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất phương án báo cáo lại Chính phủ, thì trạm BOT Cai Lậy mới tạm yên.

Thực tế không chỉ BOT Cai Lậy, trong số 88 trạm thu phí BOT trên cả nước có 73 trạm do Bộ GTVT quản lý, với 55 trạm đang thu, trong đó rất nhiều nơi người dân địa phương và chủ phương tiện phản đối dữ dội, trong đó phải kể tới các trạm tại Khánh Hòa hay trạm Bờ Đậu (Thái Nguyên), Phú Gia (Thừa Thiên-Huế), hay trước đó là Bến Thủy (Nghệ An), Thanh Nê (Thái Bình), Lương Sơn (Hòa Bình), Quán Hàu (Quảng Bình), Cầu Rác (Hà Tĩnh)…

Nguyễn Nhật tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, hay trả lời báo chí trước đó cũng vậy, vẫn cố giải thích rằng vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy là đúng, nhất định không dịch chuyển, nếu có sai thì là do một số đối tượng cố tình gây rối. Quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Nhật đối với các trạm BOT khác cũng vậy.

Thời Đinh La Thăng còn làm Tư lệnh Giao thông Vận tải, nhất là kể từ 2015, Nguyễn Nhật sau khi lên Thứ trưởng đã là một đệ tử tin cậy trong việc triển khai các dự án BOT. “Ăn cây nào, rào cây ấy”, nhưng Nguyễn Nhật và Đinh La Thăng “ăn” hầu hết tất cả các “cây BOT”, nên nay phải ra sức “rào cây BOT” mà họ đã “trồng” là vậy!

Nguyễn Nhật khẳng định tại cuộc họp báo tháng 11/2017: không di dời trạm BOT

Dễ hiểu thôi, Nguyễn Nhật (cùng Đinh La Thăng) đã “ăn” của nhà đầu tư BOT quá nhiều, “há miệng, mắc quai”, nay sao dám nhận sai, càng không dám di chuyển trạm, lại không thể đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ mua lại các dự án BOT…

Cái sai của BOT Cai Lậy và các trạm BOT khác, rất rõ ràng không chỉ sai ở vị trí đặt trạm thu phí! Mà sai ở chỗ người tổng chỉ huy, lúc đó là Đinh La Thăng và người triển khai chính, tức Nguyễn Nhật đã không lấy dân làm gốc rễ…, mà lại đặt lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân lên trên hết!

Đưa trạm thu phí BOT Cai Lậy về đúng chỗ của nó, theo ý kiến người dân là cần thiết, và nhiều trạm BOT khác chắc chắn còn phải thay đổi vị trí. Một số tài xế thông minh và quả cảm xuất hiện ở trạm BOT Cai Lậy và một số trạm BOT khác, để thể hiện sự bức xúc, nhưng phía sau họ là lòng dân và lẽ phải.

Vấn đề của người dân không chỉ bởi mấy chục nghìn bị móc túi, trong khi họ chỉ đi trên Quốc lộ, là con đường dân sinh đã có hàng trăm năm được gìn giữ bằng cả xương máu của cha anh và bằng tiền thuế của chính họ. Cái người dân cần là sự minh bạch và lẽ công bằng, nhưng lại là cái mà Đinh La Thăng, Nguyễn Nhật đã lấp liếm, lợi dụng con bài BOT, chính là cái sách “lập lờ đánh lận con đen”, để hòng “vơ vét cho đầy túi tham”… mà thôi!

4. Nguyễn Nhật và dự án Luồng Sông Hậu

Tháng 5/2017 vừa qua, Bộ GTVT bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số vấn đề sai sót trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn tại Dự án Luồng sông Hậu. Bộ này và các đơn vị liên quan bị yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật có nội dung chưa tuân thủ thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công chưa đầy đủ thông tin; phê duyệt dự toán vượt 5% thuế giá trị gia tăng; phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chưa đầy đủ nội dung; chưa có phương án so sánh để tiết kiệm chi phí đầu tư đối với công trình nạo vét luồng, thảm đá mặt ngoài và phía ngoài kè; điều chỉnh đơn giá trúng thầu ngoài hướng dẫn của cấp có thẩm quyền… (http://baodautu.vn/nhieu-sai-sot-tai-du-an-luong-song-hau-d63983.html).

Việc này có trách nhiệm rất lớn của Nguyễn Nhật, dù Nhật đã khôn khéo đẩy trách nhiệm cho Ban quản lý dự án hàng hải, cho Cục Hàng hải, cho các Vụ tham mưu…

Dự án Luồng Sông Hậu tại tỉnh Trà Vinh này có tổng mức đầu tư gần 9.800 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ, nhằm xây dựng tuyến luồng cho tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đến 20.000 tấn (giảm tải) đi lại, vào các cảng trên sông Hậu. Đầu năm 2014, sau một thời gian bị gián đoạn đã được Quốc hội thông qua và tái khởi động.

Ngược dòng thời gian, Nguyễn Nhật liên quan tới việc “ôm” dự án này thế nào phải nói tới Quyết định số 376/QĐ-BGTVT ngày 08/02/2014 của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, giao Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải kiêm giữ chức Giám đốc Ban quản lý dự án Hàng hải III (trực thuộc Cục Hàng hải) kể từ ngày 10/02/2014. Quyết định này đồng nghĩa với việc “phế truất” ngôi Giám đốc Ban quản lý dựa án Hàng hải III của ông Trịnh Văn Thái, người có công theo sát dự án này từ cả chục năm trước.

Đinh La Thăng quyết định Nguyễn Nhật, Cục trưởng Hàng hải kiêm Giám đốc một Ban quản lý dự án thuộc Cục này là sai các văn bản, quy định hiện hành. Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, hay sau này Nghị định 59/2015/NĐ-CP về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng… cũng nêu rõ việc không được kiêm nhiệm chức danh quản lý dự án như Đinh La Thăng đã giao cho Nguyễn Nhật.

Nguyễn Nhật đẩy thuộc cấp đi để “ôm” cả dự án Luồng Sông Hậu 9.800 tỷ

Trịnh Văn Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án hàng hải III, người phụ trách dự án luồng Sông Hậu này đã hơn chục năm, đã phải “bỏ tiền túi” ra thu xếp cho dự án được tái khởi động, đã phải chi gần hai chục tỷ đồng từ nguồn vay mượn cũng như của cá nhân cho việc chung và trực tiếp cho Nguyễn Nhật, nay lại bị Nguyễn Nhật dùng Đinh La Thăng mà hớt tay trên. Trịnh Văn Thái nghe quyết định mà rã rời chân tay, khi đó có câu ví “Từ Hải chết đứng cũng không bằng Trịnh Thái bị hớt tay trên” là thế...!

Nguyễn Nhật vỗ về Trịnh Văn Thái: “Bộ trưởng (Đinh La Thăng) quyết thế thì phải nghe, chứ tôi nào muốn vậy! Rồi ta sẽ cùng lo, đâu có đó, cứ yên tâm!”. Cái vỗ về của Nguyễn Nhật bao giờ cũng ngọt hơn mật kẹo Cu-đơ Hà Tĩnh, đặc sản của quê Nguyễn Nhật, rồi những con ruồi như Trịnh Văn Thái rốt cuộc chịu cái đắng của mật ngọt mà thôi!

5. Nguyễn Nhật và “Cát tặc”

Hút cát trái phép và sạt lở bờ sông là nỗi ám ảnh của nhiều địa phương. Nhiều năm nay nhiều vụ hút cát lậu thường xuyên xảy ra. Kể từ khi Nguyễn Nhật lên làm Thứ trưởng Giao thông Vận tải phụ trách đường sông, đã bật đèn xanh cho hàng trăm vụ hút cát trái phép, núp bóng nạo vét sản phẩm tận thu...

Điển hình một việc gây sạt lở bờ sông tại Bắc Ninh, gần đây là ngày 01/3/2016, tại vị trí K74+400 đê hữu Cầu, bờ bãi sông đã bị sạt lở đứng thành với chiều dài 50 m, ăn sâu vào bãi từ 5-10 m. Để khắc phục hậu quả xảy ra, tỉnh Bắc Ninh đã phải bố trí hơn 30 tỉ đồng khắc phục.

Ai chống lưng cho “cát tặc” nếu không có chỉ đạo của cấp cao như Nguyễn Nhật?!

Dù tỉnh Bắc Ninh liên tiếp kiến nghị tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường sông kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu nhưng Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT lại có văn bản số 1689/BGTVT-KCHT ngày 22/02/2017 chỉ đạo tiếp tục thực hiện dự án trên. Đúng là “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”, cái lợi quá lớn nó đã bất chấp sinh tử của người dân!

Sau khi Bắc Ninh kêu cứu Chính phủ, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo phải dừng triển khai dự án nạo vét, lúc ấy Nguyễn Nhật mới cho dừng và như thường lệ, đã liền đổ trách nhiệm cho Cục Đường sông cùng cơ quan cấp Vụ đã tham mưu không đúng...

***

Hồ sơ của Nguyễn Nhật đã quá dài, Tác giả không thể nêu hết các “thành tích” của ông “học trò cưng” của Đinh La Thăng này trong một bài viết.Vì vậy, chỉ sơ qua vài nét để bạn đọc thấy được cái mánh khóe, cái lưu manh đã ăn vào máu của Nguyễn Nhật, cánh tay mặt đắc lực của Đinh La Thăng! Cái kết của ông ta sẽ ra sao, xin để dành lời phán xét cho bạn đọc.

D.T.H.

Tác giả gửi BVN