Hà Nội - ‘niềm tin và hy vọng’ của cả đất nước tiếp tục gây sốc dư luận bằng báp cáo 1 năm chống tham nhũng.
Theo đó, tài sản thiệt hại do tham nhũng gây ra được tổng kết là: 49.000m2 đất và 75 tỷ đồng.
Con số này có vẻ quá khiêm tốn, nhưng sốc hơn khi mà số tài sản thu hồi được chỉ ở mức 3.700m2 đất và 3 tỷ đồng.
Thực ra, đây là một ‘kết quả khả quan’ chứ không đến nỗi tồi tệ cho lắm, còn cho thấy Hà Nội còn tồn tại tham nhũng,… Nhất là khi so với năm 2015 - năm không phát hiện ra bất kỳ tham nhũng nào; hay tổng kết 10 năm chống tham nhũng của thành phố Hà Nội vào năm 2016 chỉ phát hiện đúng 7 vụ.
Tham nhũng hay chống tham nhũng của thành phố Hà Nội nó rất đặc trưng, nếu nhìn Hà Nội là một cái làng lớn, thì ‘văn hóa làng xã’ sẽ bao vây và làm cho tính khép kín của tham nhũng được phát huy. Một hệ thống mà khiến cho một cá nhân tham nhũng thì phải được hiểu là một đường dây tham nhũng, và việc ‘phô bày tham nhũng’ sẽ khiến cho cả đường dây đó lộ hết ra ngoài - đúng như câu tục ngữ ‘một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ’.
Với 75 tỷ đồng, con số này so với 6.000 tỷ đồng thất thoát, sai phạm chỉ riêng lĩnh vực nhà ở trong năm 2017 là một con số hàng ‘cháu chắt’. Nhưng đúng thôi, chúng ta không kỳ vọng lớn hơn như thế được nữa, bởi cả hệ thống vốn dĩ là một tập đoàn tham nhũng rồi thì ai sẽ chống ai?
Không ai có thể thắt cổ bằng sợi bún được!
Cần nhắc lại, vào đầu năm 2014, Chỉ đạo của UBND Hà Nội đã ra Quyết định số 8017 về việc giải thể Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố. Và cũng từ đó đến nay, Hà Nội liên tiếp có những báo cáo ‘trong sạch, vững mạnh’.
Trong một câu chuyện khác, các ‘đồng chí dân biểu’ trực thuộc HĐND thành phố Hà Nội đã tán thành việc thông qua ghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2018. Theo đó, mức phí sử dụng lòng đường hè phố tăng 300%, phí trông giữ xe máy tăng từ 3.000 lên 5.000/xe/lượt hay ô tô tăng từ 30.000 lên 50.000 xe/lượt. Và phí mới này được áp dụng từ ngày 1/1/2018 nhằm ‘tăng ngân sách’.
Câu chuyện này có liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng không? Rất tiếc là lại có.
Chưa cần đến ngày 1.1.2018, cũng như chưa cần các vị ‘dân biểu’ của thành phố Hà Nội biểu quyết tán thành mức phí mới thì khi phí gửi xe máy tại khu vực nội đô Hà Nội, giá thường gấp 3-4 lập so với quy định. Ví như, giá xe máy được quy định là 3.000 thì tại khu vực Hoàn Kiếm nó sẽ là10.000 đồng/ lượt xe. Tương tự, giá xe oto cũng gấp đôi mức phí quy định - từ 30.000 lên 50.000 đồng/lượt xe. Và cái vé - vốn là thứ để truy thu Ngân sách Nhà nước thì thường không có tác dụng lắm, thậm chí một phóng viên của chương trình Chuyển động 24h có thể được các nhân viên giữ xe ‘tặng’ 3-4 vé xe như vậy để làm kỹ niệm.
Do vậy, sự kiện thông qua mức phí nêu trên không những không làm gia tăng ngân sách mà ngược lại, chỉ tạo điều kiện cho các ‘đồng chí thầu điểm giữ xe’ ăn lớn hơn; cũng như làm gia tăng gánh nợ thuế phí đối với người dân tại thủ đô.
Kết của câu chuyện này là gì? Chính quyền Hà Nội chỉ chống tham nhũng, thất thoát nguồn ngân sách trên ‘ngọn’, trong khi gốc rễ là kiểm soát - giám sát (nhất là kê khai tài sản cá nhân) thì Hà Nội lại không hề vội vàng, tận tâm. Âu cũng là hợp lý, vì ngay cả việc đảm bảo giữ xe đúng giá quy định Hà Nội còn không làm được, thì kỳ vọng gì khi chính quyền này hô hào chống tham nhũng ở các dự án lớn hơn?
Trong khi đó, để khắc phục hậu quả của tham nhũng khiến nguồn ngân sách thành phố bị thâm hụt, các vị dân biểu Hà Nội lại tìm cách bù lại số ngân sách thất thoát bằng phương pháp… đánh thuế mới lên gấp 2-3 lần.
Đó có phải là một sự hời hợt của Hà Nội - thủ đô ‘niềm tin và hy vọng’?
K.L.
VNTB gửi BVN.