Tuệ Minh
Nói "hai trường ĐH nhầm lẫn thẩm định với kiểm định" nhưng lại giao người phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục - Cục Quản lí chất lượng trả lời phỏng vấn về việc thẩm định, khẳng định "Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định độc lập" nhưng lại giao việc này cho 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Trường ĐHQG Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Trường ĐH Đà Nẵng và Trường ĐHQG TP HCM làm, đề ra "quy trình kiểm định chất lượng giáo dục gồm có 4 bước: tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định kết quả đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng" nhưng lại nhảy xổ vào đòi thẩm định khi các trường còn đang tự đánh giá, Bộ GD-ĐT thực quá trơ trẽn. Vì cái gì thế? Miếng ăn chăng? Trường nào cũng tự chủ như Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội hay Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì Bộ GD-ĐT hết cửa kiếm ăn. Bauxite Việt Nam |
Theo Cục Quản lí chất lượng - Bộ GD-ĐT, hiện có hai cơ sở giáo dục ĐH là Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng không hợp tác để thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng. Tính đến ngày 30-6, cả nước có 208 cơ sở giáo dục ĐH được thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng năm 2017. 24 cơ sở giáo dục ĐH khác do đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15-4-2017 nên được miễn thẩm định. Riêng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng không hợp tác để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Được biết, ngày 27-3-2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT về việc triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH năm 2017. Đến ngày 30-6-2017, công tác thẩm định và xác nhận đã hoàn thành theo đúng kế hoạch. Kết quả thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan như người học, nhà trường và cơ quan quản lí tham khảo.
Hiện nay, có 4 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐHQG Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐHQG TP HCM. Các trung tâm này có chức năng thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng chính (diện tích đất, sàn xây dựng, thư viện, trung tâm học liệu, quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu) đối với các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước.
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết trường này không tham gia kiểm định trong nước vì đang thực hiện kiểm định bởi HCERES, một tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội Bảo đảm chất lượng châu Âu và kiểm định AUN-QA. Đại diện trường này cho báo chí biết thêm là trong vòng 2 năm, trường đã phải đón 12 đoàn kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, ban ngành làm việc với trường.
T.M
Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản ứng với kết luận "không hợp tác"
Mạnh Tùng
Bác bỏ kết luận "không hợp tác" trong công tác thẩm định chất lượng của Bộ GD-ĐT, nhà trường lí giải lựa chọn đơn vị kiểm định nước ngoài.
Cục Quản lí chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết đến ngày 30-6 đã có 208 cơ sở giáo dục ĐH được thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng. Cá biệt có hai trường là Kinh doanh và công nghệ Hà Nội và Tôn Đức Thắng (TP HCM) không hợp tác để thẩm định.
Khá bức xúc với kết luận trên, ngày 1-12, một lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết khoảng một tuần trước khi đoàn thẩm định do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Quốc gia TP HCM) dự định đến trường thì Thanh tra Bộ GD-ĐT đã làm việc tại đây 3 ngày liền. Vì không muốn việc kiểm tra bị chồng lấn, gây khó khăn cho hoạt động của trường, Ban giám hiệu đã đề nghị đoàn này sử dụng kết quả trước đó của Thanh tra bộ.
"Chúng tôi đã báo cáo với thứ trưởng và cục trưởng phụ trách quản lí chất lượng của bộ, họ đã biết và đồng ý. Vậy tại sao trong văn bản kết luận vẫn nêu trường tôi bất hợp tác?" - đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng nói và khẳng định không từ chối kiểm định chất lượng, chỉ lựa chọn đơn vị. Chính phủ có văn bản khuyến khích các trường kiểm định nước ngoài, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã lựa chọn đơn vị kiểm định nước ngoài. "Bộ GD-ĐT không thể ép chúng tôi phải kiểm định theo kiểu của bộ vì điều này tước quyền tự chủ của trường và sai với chủ trương của nhà nước" - ông giải thích.
Theo đại điện nhà trường, 208 trường vừa qua được thẩm định đều đạt, ngay cả những trường cơ sở vật chất chắp vá, thuê mướn. "Vậy dựa vào điều gì để tin cậy?" - ông đặt nghi vấn.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường ĐH công lập thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thành lập năm 1997. Hiện trường có quy mô 20.000 sinh viên với hơn 1.300 giảng viên. Năm 2014, trường được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao (trên 5 sao) của Tổ chức QS World University Ratings (Anh). Trong bảng xếp hạng 49 trường ĐH Việt Nam do nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập công bố đầu tháng 9, trường xếp thứ hai.
Ngày 27-3, Bộ GD-ĐT ban hành Kế hoạch triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH năm 2017, thời hạn đến 30-6. Kết quả thẩm định là dữ liệu quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan như người học, nhà trường và cơ quan quản lí tham khảo. Bốn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐHQG Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐHQG TP HCM. Công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng gồm các yếu tố diện tích đất, sàn xây dựng, thư viện, trung tâm học liệu, quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu. Ngoài 208 cơ sở giáo dục ĐH đạt, 24 cơ sở khác do đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15-4 nên được miễn.
M.T
"Không hợp tác thẩm định chất lượng", Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ nói gì?
Thanh Hùng
Đại diện Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho biết "bất ngờ" khi hay tin Bộ GD-ĐT thông báo trường này không hợp tác để thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Theo thông tin mới đây từ Cục Quản lí chất lượng (Bộ GD-ĐT), đến ngày 30-6-2017, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội là 1 trong 2 cơ sở giáo dục ĐH không hợp tác để thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Trao đổi với VietNamNet, GS Đinh Văn Tiến, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội khẳng định không hề có chuyện trường từ chối hay "không hợp tác" để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng. "Chúng tôi cũng đã gửi Bộ các văn bản liên quan" - ông Tiến nói và cho hay trường mình tiến hành thẩm định chất lượng qua 2 bước. Thứ nhất là thẩm định nội bộ theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, sau đó sẽ tiến hành mời thẩm định từ các cơ quan bên ngoài. "Dự kiến tháng 3-2018 sẽ xong, chúng tôi sẽ mời Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐHQG Hà Nội thẩm định, thậm chí có thể mời thêm các tổ chức nước ngoài thẩm định nữa". Theo ông Tiến, từ tháng 3-2017, trường đã thành lập hội đồng tự đánh giá và bảo đảm chất lượng thực hiện đánh giá nội bộ, chuẩn bị các bước cho thực hiện đánh giá bởi các tổ chức bên ngoài.
Trước đó, ngày 27-6, Cục Quản lí chất lượng (Bộ GD-ĐT) có công văn gửi đến trường yêu cầu phối hợp với trung tâm kiểm định đã được bộ giao thực hiện (Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Đà Nẵng) để hoàn tất việc thẩm định trước ngày 30-6. Tuy nhiên, theo ông Tiến, bộ giao Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Đà Nẵng kiểm định đúng lúc trường đang kiểm định nội bộ nên chưa thể thực hiện đánh giá ngoài ngay. "Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chọn Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐHQG Hà Nội rồi và cũng đã có công văn gửi Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Đà Nẵng để thông tin đang tiến hành thẩm định nội bộ, khi nào xong, có kết quả rồi thì mới mời thẩm định bên ngoài. Đồng thời cũng đã báo cáo bộ việc này bằng công văn đến Cục Quản lí chất lượng" - ông Tiến nói. Ông Tiến cho biết trong công văn gửi Cục Quản lí chất lượng ngày 29-6, trường cũng nói rõ trường đang chuẩn bị tự đánh giá theo tiêu chuẩn, tiêu chí mới của bộ theo Thông tư 12 bộ mới ban hành trong năm 2017 và sẽ mời tổ chức đánh giá ngoài vào năm 2018 như bộ quy định.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet rằng tại sao trường không theo sắp xếp của Bộ GD-ĐT mà lại phải chọn Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐHQG Hà Nội, ông Tiến lí giải: "Bộ chỉ định Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Đà Nẵng kiểm định nhưng theo quy định thì trường có quyền lựa chọn một đơn vị uy tín và chúng tôi tin tưởng là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐHQG Hà Nội để công việc thuận lợi hơn. Trung tâm của Trường ĐHQG Hà Nội là trung tâm lớn, có uy tín và cách đây 10 năm từng thẩm định trường chúng tôi. Ngoài ra, trung tâm này cũng gần hơn thì giúp chúng tôi làm việc được thuận tiện".
Trước đó, Cục Quản lí chất lượng (Bộ GD-ĐT) ra thông báo đến ngày 30-6-2017 đã có 208 cơ sở giáo dục ĐH được thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng năm 2017, 24 cơ sở khác do đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15-4 nên được miễn thẩm định. Tuy nhiên, có hai cơ sở giáo dục ĐH là Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng không hợp tác để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Công văn Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội gửi Cục Quản lí chất lượng (Bộ GD-ĐT) để báo cáo. |
Bốn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐHQG Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐHQG TP HCM. Các tổ chức này đã tiến hành công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng chính (diện tích đất, sàn xây dựng, thư viện, trung tâm học liệu, quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu) đối với các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước.
T.H
Bộ Giáo dục: "Hai trường ĐH nhầm lẫn thẩm định với kiểm định"
Cả Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng đều phản ứng trước thông tin Bộ GD-ĐT thông báo về việc 2 trường này "không hợp tác để thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng".
Liên quan tới sự việc này, VietNamNet có cuộc trao đổi với TS Lê Mỹ Phong, phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục - Cục Quản lí chất lượng - Bộ GD-ĐT:
Phóng viên: Xin ông cho biết kế hoạch thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH 2017 của Bộ GD-ĐT được ban hành dựa trên cơ sở nào?
TS Lê Mỹ Phong: Quy chế Tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017 ban hành ngày 25-1-2017 đã quy định rõ: "Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh đăng kí dự thi kì thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án; đồng thời, gửi về Bộ GD-ĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra… Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng của các trường. Nếu phát hiện trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế thì Bộ GD-ĐT sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với ngành/nhóm ngành liên quan, đồng thời trường và cá nhân sai phạm sẽ bị xử lí".
Trên cơ sở đó, ngày 27-3-2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT về triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng (BĐCL) giáo dục ĐH năm 2017. Theo đó, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, Bộ GD-ĐT giao cho 4 trung tâm KĐCLGD huy động đội ngũ chuyên gia trong cả nước tiến hành thẩm định và xác nhận các điều kiện BĐCL cho tất cả các trường ĐH; chỉ có 24 trường ĐH đã được công nhận đạt tiêu chuẩn KĐCL trường ĐH trước ngày 15-4-2017 được miễn thẩm định trong đợt này.
Để có được thông tin chính xác, công khai cho xã hội, việc thẩm định và xác nhận các điều kiện BĐCL là một hoạt động chuyên môn cần thiết, là trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước, thực hiện theo quy định của pháp luật, hoàn toàn không vi phạm quyền tự chủ của các trường. Hơn nữa, hoạt động này còn giúp các trường thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trước xã hội về các điều kiện BĐCL cơ bản của mình sau khi đã được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Việc thẩm định và xác nhận đã được tiến hành ra sao, thưa ông?
- Đây là năm đầu tiên công tác này được thực hiện trên quy mô cả nước, việc thẩm định mới chỉ tập trung vào các điều kiện BĐCL cơ bản của các trường ĐH, bao gồm: giảng viên cơ hữu; quy mô đào tạo; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu (diện tích đất, diện tích sàn xây dựng, các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng thực tập, nhà tập đa năng, phòng học, thư viện, trung tâm học liệu). Đây cũng chính là những thông tin cơ bản mà nhà trường đã đưa vào đề án tuyển sinh trước mùa tuyển sinh để công khai trên mạng.
Công tác này đã được các trung tâm KĐCLGD và các trường ĐH triển khai theo kế hoạch. Quy trình thẩm định và xác nhận được thực hiện gọn gàng, không mất nhiều thời gian. Sau khi nghiên cứu trước hồ sơ, tổ thẩm định của trung tâm KĐCLGD đến trường làm việc với lãnh đạo nhà trường và một số phòng/ban chức năng của trường trong 1 ngày để thống nhất các nội dung cần xác nhận dựa trên những minh chứng thực tế do nhà trường cung cấp.
Kết quả đến ngày 30-6-2017 có 208 trường ĐH đã được thẩm định, có biên bản thống nhất được kí xác nhận giữa nhà trường ĐH với trung tâm KĐCLGD gửi về Bộ GD-ĐT, chỉ có 2 trường ĐH không hợp tác với các trung tâm KĐCLGD để thực hiện việc này là Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.
Kế hoạch thẩm định này có phải là hoạt động kiểm định chất lượng đối với trường các trường ĐH không, thưa ông?
- Công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện BĐCL không đồng nhất với hoạt động KĐCLGD. KĐCLGD là một giải pháp quan trọng để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đây là xu hướng tích cực được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng. Đối với Việt Nam, KĐCLGD là bắt buộc. Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT chủ trương đẩy mạnh KĐCLGD ĐH theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, khuyến khích các cơ sở giáo dục, các chương trình đào tạo kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế có uy tín.
Quy trình KĐCLGD gồm có 4 bước: tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định kết quả đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Muốn được đánh giá ngoài, nhà trường phải làm tốt báo cáo tự đánh giá và gửi cho trung tâm KĐCLGD thẩm định về hình thức và nội dung. Có khá nhiều trường ĐH hoàn thành tự đánh giá nhưng chưa đạt yêu cầu nên các trung tâm KĐCLGD sau khi thẩm định đã không chấp nhận kí hợp đồng đánh giá ngoài.
Còn việc thẩm định, xác nhận các điều kiện BĐCL đối với các ĐH, học viện, trường ĐH (gọi chung là các trường ĐH) chỉ nhằm "chụp ảnh", phản ánh một cách khách quan, trung thực các điều kiện BĐCL cơ bản hiện có của trường ĐH.
Cũng cần nhấn mạnh rằng công tác thẩm định, xác nhận các điều kiện BĐCL của trường ĐH cũng là thể hiện trách nhiệm công khai của nhà trường theo quy định. Việc công khai các điều kiện BĐCL để phản ánh trung thực, khách quan các điều kiện BĐCL hiện có của trường. Việc này không có nghĩa là tất cả các trường đã được thẩm định, xác nhận đều đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường ĐH.
"Hai trường đã có sự nhầm lẫn"
Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ và ĐH Tôn Đức Thắng đều phản ánh trường đã có kế hoạch kiểm định riêng nên không thực hiện kiểm định với các trung tâm KĐCLGD theo chỉ định của bộ và đây cũng là quyền của các trường đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH. Ông lí giải thế nào về phản hồi này?
- Theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH được lựa chọn tổ chức KĐCLGD trong số các tổ chức KĐCLGD được Bộ GDĐT công nhận để KĐCL. Tuy nhiên, nhà trường đã nhầm lẫn khi cho rằng hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện BĐCL thực hiện theo Kế hoạch số 203 cũng là KĐCLGD.
Cần thấy rõ hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện BĐCL không phải là kiểm định. Việc Bộ GDĐT giao cho các trung tâm KĐCLGD huy động các chuyên gia thực hiện là để tăng thêm tính độc lập, khách quan của công tác này.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện BĐCL với hoạt động KĐCLGD. Các ý kiến trao đổi, phản hồi của 2 trường chỉ đề cập việc nhà trường đã và đang làm một số khâu đầu tiên của công tác KĐCLGD mà không hợp tác với trung tâm KĐCLGD thực hiện việc thẩm định theo Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT của Bộ GD-ĐT đã ban hành như tất cả các trường ĐH khác.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng phản ánh Thanh tra Bộ GD-ĐT và Trung tâm KĐCLGD vào trường làm việc về cùng một vấn đề, nghĩa là trong 1-2 tuần, phải kiểm tra nhà trường 2 lần. Liệu việc này có gây ra sự chồng chéo trong công tác quản lí nhà nước hay không, thưa ông?
- Hoạt động thanh tra có mục tiêu và đối tượng riêng, được thực hiện theo quy trình riêng còn thành phần tổ thẩm định và xác nhận các điều kiện BĐCL là những chuyên gia do trung tâm KĐCLGD lựa chọn, phần lớn đến từ các trường ĐH khác đến để "chụp ảnh" lại các điều kiện BĐCL cơ bản của trường để hai bên cùng xác nhận, sau đó kết quả này sẽ cho công khai cho xã hội biết và giám sát.
Bộ GD-ĐT nhận được phản ảnh của các trung tâm KĐCLGD về việc có trường viện lí do đang tiến hành kiểm định và đã được thanh tra, kiểm tra để không hợp tác thực hiện công tác thẩm định và xác nhận, kèm theo lí giải của các trường.
Bộ GD-ĐT cũng đã có Công văn số 2728/BGDĐT-QLCL ngày 27-6-2017 gửi các trường về việc này, yêu cầu các trường hợp tác với các trung tâm KĐCL để thực hiện công tác thẩm định, xác nhận điều kiện BĐCL theo kế hoạch chung đã ban hành. Tuy nhiên, cả 2 trường này đã không hợp tác thực hiện.
L.V (thực hiện)