Trần Thủy
Quy định mới không cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng được kiêm nhiệm chức vụ tương đương tại các DN khác cần phải thể hiện tính hiệu quả trên thực tiễn, nếu không, đây lại là một phương án “nặng phần trình diễn”. Các đại gia vẫn có thể cho họ hàng, người thân, đàn em đứng tên các chức vụ để ẩn mình 'điều binh khiến tướng'.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều, của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD), vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/11, quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc của một TCTD, không được đồng thời là Chủ tịch, Thành viên HĐQT; Chủ tịch, Thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của bất kỳ một DN nào khác.
Quy định này, được đưa vào luật, nhằm mục đích làm minh bạch hoá thị trường tiền tệ, giúp giảm thiểu lợi ích nhóm, cho vay DN sân sau đã xảy ra nhiều thời gian qua.
Đại gia có từ bỏ quyền lực?
Trên thực tế, tại Việt Nam, không ít đại gia vừa là lãnh đạo của một DN, lại vừa đảm nhiệm vai trò chủ tịch HĐQT tại một ngân hàng. Từ ngày 15/1/2018 tới, những đại gia này sẽ phải lựa chọn: hoặc làm chủ DN hoặc làm chủ ngân hàng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, quy định nêu trên, nếu không làm chặt chẽ, sẽ chỉ mang tính hình thức và mọi chuyện vẫn như cũ.
Thực tế hiện nay cho thấy, một số đại gia là ông chủ của 1 hoặc 2 ngân hàng và một số doanh nghiệp. Nay, theo một số chuyên gia, dù luật có bắt họ chỉ được lựa chọn một vị trí lãnh đạo, nhưng trên thực tế, ngân hàng hay các DN đó vẫn là của họ. Việc thoái vốn cũng chỉ là hình thức.
Người ta có thể đưa người thân vào nắm giữ các chức vụ này thay mình, rồi vẫn ngấm ngầm điều hành. Vì vậy, mọi người có quyền nghi ngờ về hiệu quả của quy định này, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, nhận xét.
Vấn đề quan trọng là làm sao để thực hiện nghiêm minh quy định này, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý như thế nào,... Đến nay, vẫn chưa thấy có giải pháp nào được đề cập tới, ông Đức nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ, cho rằng, các đại gia có trăm nghìn cách lách luật. Họ có thể đưa họ hàng, người thân, vào thay thế, nắm giữ các vị trí then chốt của ngân hàng - cách này đã đươc sử dụng đại trà trên hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua.
Vì vậy, Luật sửa đổi, cần phải thể hiện tính hiệu quả trên thực tiễn, nếu không, đây lại là một phương án “nặng phần trình diễn”, chứ thực sự không ảnh hưởng gì đến hiện tượng nói ở trên.
Thậm chí, quy định mới này, có khi lại giúp các đại gia, viện cớ thoát khỏi những vị trí đang ở trong tình trạng nguy hiểm, có thể bị mang ra tòa, như những vụ án ngân hàng vừa xảy ra, ông Kim nêu ý kiến.
Lo không hiệu quả
Theo ông Kim, hệ thống Ngân hàng Việt Nam vẫn khá phức tạp và câu chuyện bắt đầu từ hơn 10 năm trước, với những phi vụ đầu cơ lớn vào chứng khoán, vàng, ngoại tệ, bất động sản. Muốn đầu cơ thì phải có tiền, muốn có tiền thì phải đi vay. Tuy nhiên, vay vốn ngân hàng không hề dễ dàng. Vì vậy, các đại gia nghĩ đến cách mua luôn một ngân hàng để tài trợ vốn cho dự án của mình. Khi đã sở hữu ngân hàng rồi, để vay vốn, các đại gia ban đầu áp dụng thuật đòn bẩy tài chính, sau dùng phương án DN sân sau, rồi cuối cùng là “đòn” sở hữu chéo.
Muốn giải quyết dứt điểm những yếu kém của hệ thống ngân hàng, phải có phương án tổng thể, giải quyết cùng lúc nợ xấu, sở hữu chéo và DN sân sau, ông Kim lưu ý.
Theo Luật sư Đức, chỉ quy định không cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng, được kiêm nhiệm chức vụ tương đương tại các DN khác sẽ không có tác dụng nhiều trong việc minh bạch thị trường, hay giảm cho vay DN sân sau, nếu họ cố tình vi phạm. Hiện tồn tại rất nhiều vấn đề liên quan tới sở hữu chéo, lợi ích nhóm, nên dù có quy định nêu trên thì thực tế vẫn vướng.
Theo ông Kim, nếu muốn quy định trên hiệu quả hơn, nên thực hiện 3 biện pháp. Thứ nhất, cấm việc chia nhau quyền hành trong một gia đình và phải định nghĩa thành viên gia đình gồm những ai. Tuy nhiên, điều này vẫn không giải quyết được hiện tượng “đệ tử” hay “bồ nhí” được đưa vào nắm giữ các chức vụ quan trọng.
Tiếp đến là quy định lãnh đạo ngân hàng phải có bằng đại học chuyên ngành về tài chính và có 3 năm kinh nghiệm, ở một vị trí điều hành ngân hàng. Những lãnh đạo này phải qua một kỳ thi (phỏng vấn) bởi những chuyên gia về tài chính ngân hàng (nhưng không làm việc trong ngành). Báo cáo buổi phỏng vấn sẽ được đưa lên Hội đồng bổ nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Một lãnh đạo ngân hàng chỉ được bổ nhiệm, khi có sự đồng thuận của cơ quan này.
Nội quy, tổ chức, điều lệ, quy định về những quy trình quan trọng (nhất là về tín dụng) của ngân hàng, đều phải được một Hội đồng Giám sát tổ chức ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Ngoài ra, những quy định về phần cổ phiếu tối đa mà một cá thể (kể cả gia đình và DN, trong cùng một tập đoàn hay đối tác chiến lược) cũng phải sửa đổi và áp dụng một cách nghiêm túc hơn. Những giải pháp này đã được áp dụng ở nước ngoài, đặc biệt là ở Thụy Sỹ.
Còn theo Luật sư Đức, để ngăn chặn hiện tượng đưa người thân thay mình nắm giữ vị trí ở DN sân sau, các cơ quan chức năng cần phải nắm thực chất về sở hữu, tránh tình trạng đúng trên giấy tờ, pháp lý. Phải xử lý nghiêm nếu phát hiện thấy vi phạm để răn đe.
T.T.