Khi lương tâm đứng trên nghị quyết

Nguyễn Anh Tuấn

clip_image001

Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào tháng 4 năm 2017. Photo: RFA

“Nếu tôi chết chỉ xin bà con một nén nhang”. Đây là lời của cô Lan, Bí thư xã Đồng Tâm vừa mới bị khai trừ và mất chức, nói trước hàng trăm dân làng ngay tại nhà văn hóa thôn Hoành trong những ngày sôi bỏng. Không rõ 38 cán bộ, công an bị giữ ngay lúc đó nghĩ gì về hai tiếng “lòng dân” giữa tràng pháo tay vang dội của dân làng, chỉ biết sẽ còn rất lâu nữa dân Đồng Tâm mới quên được hình ảnh người cán bộ sẵn sàng sống vì họ, và chẳng ngại chết vì họ.

Tôi biết chuyện cô Lan bị khai trừ vài ngày trước khi báo chí đưa tin. Bà con Đồng Tâm, trong nỗ lực vô vọng muốn giúp người cán bộ vì dân, đã gửi toàn văn kết luận kiểm tra đảng của cô Lan cho những người quan tâm đến Đồng Tâm, mong có thêm tiếng nói hỗ trợ cô ấy. Đúng là tôi có thể trả lời bà con với niềm tin cá nhân của mình rằng, "rời khỏi đảng, về với dân" thực ra là một điều tốt cho cô Lan, song tôi cũng hiểu vì sao bà con Đồng Tâm vẫn nghĩ bị khai trừ là một điều tệ hại đối với cô ấy. Quán tính suy nghĩ cần thời gian để thay đổi, và chẳng ai có quyền bắt người khác phải nghĩ theo lối của mình.

Tuy nhiên, sau khi đọc toàn bộ kết luận kiểm tra, tôi tin rằng mọi cố gắng giúp lật ngược quyết định khai trừ cô ấy đều vô nghĩa. Lý do là vì các cấp lãnh đạo đảng đã áp cho cô Lan “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “suy thoái chính trị” theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 – những tội lỗi bất khả dung thứ trong nhãn quan của lãnh đạo đảng hiện nay.

Một trong những lý do được đưa ra cho kết luận này là việc cô Lan nhất mực trả lời các cấp lãnh đạo rằng, cô vẫn tin đất đồng Sênh là của làng, dù các cấp chính quyền từ Trung ương đến huyện, trong thẩm quyền của họ, đã tung hàng loạt văn bản khẳng định đó là đất quốc phòng. Phía sau sự bất đồng này là những niềm tin khác biệt, giữa một bên – đa số người dân – cho rằng cá nhân (dân) và cộng đồng (làng) có thể sở hữu đất, với bên kia là lãnh đạo đảng cộng sản, dưới định hướng của ý thức hệ và quyền lợi, luôn tin rằng đất đai chỉ có duy nhất một chủ nhân ông là nhà nước, dưới nhãn hiệu mỹ miều “sở hữu toàn dân”.

Sự giằng co về niềm tin này dai dẳng trong lòng xã hội chúng ta hàng chục năm qua, không chỉ trong người dân mà cả cán bộ, tạo ra vô vàn bất ổn. Có lẽ chỉ một số cán bộ cấp cao mới phủ nhận sự bất hợp lý của quy định hiện hành về sở hữu đất đai ở Việt Nam, đơn giản bởi sự bất hợp lý này đang giúp họ trở thành những người cộng sản triệu phú đô-la.

Những người cán bộ cấp thấp khác, dẫu nhận ra sự bất hợp lý này, cũng khó mà lên tiếng một khi Nghị quyết Trung ương 4 đã đặt án tử lên sinh mệnh chính trị của bất kỳ đảng viên nào dám phản đối quy định “sở hữu toàn dân về đất đai”. Cô Lan là một ngoại lệ. Trong những giờ phút quyết định, cô đã đi theo niềm tin cá nhân mình, đặt lương tâm lên trên nghị quyết.

Cô Lan có thể đã tự sát chính trị, song là để một lương tri được sống.

N.A.T.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/when-conscience-is-above-resolution-12162017224238.html