Đi Nha Trang ủng hộ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có 3 nhóm. 2 nhóm từ Sài Gòn đi bằng đường bộ còn nhóm của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam gồm tôi - Nguyễn Tường Thụy và chị Dương Thị Tân đi máy bay. Ngoài công việc của Hội NBĐL, tôi còn mang theo nhiệm vụ của Hội Bầu bí tương thân đến Nha Trang để gặp bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, người mẹ đau khổ nhưng mạnh mẽ, phải nuôi 2 cháu nhỏ thay cho người con gái dũng cảm kiên cường bị kết án 10 năm tù.
Nhóm chúng tôi đến hơi trễ vì máy bay chậm giờ. Đường từ sân bay Cam Ranh về thành phố gần 40 km, xa hơn cả từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Tôi vừa ngồi trên xe, vừa tranh thủ xem tin tức cập nhật về phiên tòa. Tới nơi thì đã nửa buổi sáng. Lúc này, mọi người đã dạt về quán nước số 1 Ngô Quyền. Vừa tới cửa quán thì gặp Nguyễn Hoàng Vi, Luật sư Võ An Đôn ra đón. Hoàng Vi nhanh nhẹn chụp một tấm hình và ghi chú “Đội hình tiếp ứng từ Hà Nội và Sài Gòn mới đến”. Nhìn lời chú thích tôi cảm thấy chạnh buồn, vì chỉ thêm có 2 người thôi mà mong mỏi đến thế. Thảo nào, trên đường tới tòa, tôi liên tục nhận được tin nhắn đi đến đâu rồi.
Tôi bước vào, thấy những gương mặt lần đầu mới gặp. Hỏi han từng người biết có anh cậu ruột của Quỳnh là Nguyễn Minh Hùng, một dì ruột của Quỳnh, Nguyễn Lai, Phạm Hải, Nguyễn Bá Vinh, Biện Đình Luật, Thanh Thúy Lưu, Khổng Hy Thiêm, Nguyễn Peng, Võ An Đôn… Những gương mặt quen thuộc Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Kim Tiến, Trần Thu Nguyệt, Nguyễn Công Thanh. Tôi và Dương Thị Tân nữa là khoảng 16,17 người tất cả. Từ Hà Nội vào có tôi và Trịnh Kim Tiến. Nguyễn Lai là người mà 12 giờ đếm hôm qua, công an đến nhà gọi lên đồn thẩm vấn về việc đăng những bức hình Mẹ Nấm vô tội sơn trước cổng tòa án Khánh Hòa. Đến 3 giờ sáng chị mới được thả về.
Võ An Đôn vừa bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư Phú Yên mặc dù anh đang là luật sư bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Điều này có nghĩa anh không được tiếp tục bào chữa cho Quỳnh nữa nhưng hôm nay anh vẫn đến để cùng mọi người biểu thị sự ủng hộ Như Quỳnh. Vì vậy anh là người được chú ý nhiều nhất. Tôi và Đôn nói chuyện với nhau về chủ đề luật sư bào chữa cho tù nhân lương tâm. Đôn hỏi anh học luật khi nào thế. Tôi bảo tôi học Kinh tế quốc dân, luật chỉ là một môn học. Đôn bảo em cứ tưởng…Thì ra anh vẫn đọc bài tôi viết.
Như hầu hết các vụ án xử tù nhân lương tâm khác, hai đầu đường vào tòa - một khúc của đường Phan Bội Châu được rào kín. Cơ man là cảnh sát, áo xanh, áo vàng, cảnh sát cơ động và rất nhiều dân phòng được huy động để “bảo vệ phiên tòa” mà thực chất là làm công việc bưng bít thông tin. Tôi từ đường Ngô Quyền, lang thang ra giơ điện thoại hướng về hàng rào bấm một cái thử phản ứng. Lập tức khoảng chục cảnh sát các loại rầm rập chạy đến cứ như thể chính quyền Khánh Hòa sụp đổ đến nơi. Mấy cậu đòi xóa hình. Tôi có thể tắt nguồn, vô hiệu hóa điện thoại nhưng nghĩ đến công việc sắp tới, tôi đưa máy cho một cậu xóa cái hình vừa chụp. Tôi nghĩ còn công việc sắp tới, chưa làm được gì đã bị giữ người cướp máy thì uổng công lặn lội tới Nha Trang. Mặt khác hình tôi vừa chụp chẳng có ý nghĩa gì vì hình ảnh ngoài phiên tòa đã được các bạn đến trước đưa lên mạng.
11h30 kết thúc phiên tòa. Kết quả phiên tòa y án, dập tắt hy vọng của nhiều người nhưng lại đúng với nhận định của Trịnh Kim Tiến khi cô phát trực tiếp. “Em lại không nghĩ như anh, em nghĩ cho dù quốc tế tác động như thế nào thì nhà cầm quyền VN không coi trọng điều đó đâu. Nếu họ coi trọng thì họ đã không dành cho Mẹ Nấm bản án (sơ thẩm) 10 năm tù. Ngày hôm nay họ xử sẽ rất nhanh thôi, có thể là y án” (Kim Tiến nói với Ls Võ An Đôn). Chúng tôi vây quanh Ls Lê Khả Thành và bà Nguyễn Thị Tuyết Lan. Trịnh Kim Tiến và Nguyễn Hoàng Vi phỏng vấn về tình hình phiên tòa.
Khác với hy vọng của nhà cầm quyền và một số người là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ nhận tội. Trước phiên tòa 8 ngày, Luật sư Võ An Đôn đăng một thông tin gây nhiều chú ý, bàn tán: “Mẹ Nấm tiết lộ cho chúng tôi biết một thông tin quan trọng: luật sư Hà Huy Sơn vào trại giam thăm Mẹ Nấm, đã chuyển thông điệp từ phía Cơ quan an ninh rằng “Nếu tại phiên tòa phúc thẩm Mẹ Nấm nhận tội và từ chối 2 luật sư miền Nam bào chữa, thì sẽ được giảm án rất nhiều”. Sau đó Ls Hà Huy Sơn chỉ cải chính một chi tiết là có đề nghị với Ls Lê Khả Thành và bà Nguyễn Thị Tuyết Lan là chỉ cần 2 Ls là Hà Huy Sơn và Nguyễn Khả Thành để đỡ tốn phí cho gia đình. Nhưng Ls Đôn cho biết anh bào chữa miễn phí cho nên không có chuyện đỡ tốn phí nếu từ chối anh. Tuy nhiên dù gia đình không từ chối, Ls Đôn đã bị xóa tên khỏi đoàn ls Phú Yên không được bào chữa cho Như Quỳnh nữa.
Nhưng diễn biến ở phiên tòa cho thấy Quỳnh kiên quyết không nhận tội “để được giảm án rất nhiều”, không như mong muốn của nhà cầm quyền.
Phỏng vấn luật sư xong, Kim Tiến nói như hét: “Chúng tôi chuẩn bị ăn gạch và ăn đá”. Tôi hiểu, đây không phải gạch đá trên mạng mà là đàn áp, đánh đập. Vừa dứt câu, Kim Tiến hô “Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vô tội”, chính thức châm ngòi nổ cho cuộc biểu tình.
Lực lượng bảo vệ đang bao vây quanh chúng tôi bất ngờ, ngơ ngác chưa biết làm thế nào, hoặc chưa đủ người, hoặc còn đợi lệnh. Chúng tôi nhanh chóng nhập vào thành một đoàn vừa đi vừa hô “Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vô tội”, “Đả đảo phiên tòa bất công”, “Bắt giam mẹ của Nấm, Gấu là tội ác”, “Vi phạm nhân quyền trắng trợn”…
Đoàn biểu tình đi tới ngã ba Ngô Quyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm thì bị đán áp. Kim Tiến là mục tiêu đầu tiên. Cô bị chúng dùng cánh tay chẹt vào cổ rồi khiêng đi nhét lên xe. Cùng lúc, chị Trần Thu Nguyệt, anh Nguyễn Công Thanh, chị Dương Thị Tân, bà Nguyễn Tuyết Lan, anh Nguyễn Minh Hùng bị đánh. Một số người bị chúng cướp điện thoại hoặc đồ vật khác. Có tên giật được điện thoại rồi chạy. Võ An Đôn ngồi trong quán cà phê bước ra giơ điện thoại lên quay cũng bị chúng giật mất. Chúng quần thảo những người biểu tình như lũ côn đồ thảo khấu.
Tôi đứng sát cột điện, giữ rất khéo điện thoại và quay video. Tôi cần phải ghi lại tội ác của chúng. Có đứa đi lại ngay cạnh tôi quát tháo người này người khác không được ghi hình nhưng không biết rằng tôi đang làm điều ấy. Tôi không muốn ăn già, sợ bị cướp máy, đoạn video ngắn ngủi ghi lại tội ác của chúng sẽ mất. Một đoạn video chưa tới 1 phút nhưng cũng đủ để hình dung ra công an hung hãn, tàn bạo như thế nào. Đây là đoạn video hiếm hoi mà chúng tôi quay được ngay khi chúng đang đàn áp vì những tay máy trực chiến đã bị cướp hết.
Tổng hợp thông tin từ Nguyễn Hoàng Vi, những nạn nhân của cuộc đàn áp gồm:
- Trịnh Kim Tiến bị đánh, bị cướp điện thoại iPhone6 và bị bắt về đồn;
- Trần Thu Nguyệt đánh bị cướp mất túi quà gửi tặng hai con của Như Quỳnh (trong đó có quà của Hội NBĐL) và bị bắt về đồn;
- Anh Nguyễn Công Thanh bị đánh và bị bắt về đồn;
- Nguyễn Minh Hùng (cậu ruột Như Quỳnh) bị đánh và bị bắt về đồn;
- Nguyễn Peng bị cướp 1 điện thoại iPhone6 Plus, 1 điện thoại thường, 1 ví tiền gồm giấy tờ, 100 USD và 4 triệu VND do người khác nhờ chuyển hộ, bị đánh và lôi lên xe rồi vứt ở một nơi ven biển;
- Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan bị đánh;
- Chị Dương Thị Tân bị đánh;
- Luật sư Võ An Đôn bị cướp điện thoại smartphone;
Chị Tân vào quán, tay đau, ôm bụng quằn quại. Cảm thấy sức khỏe bất thường, chị phải về Sài Gòn ngay chiều tối hôm ấy bằng ô tô để vào bệnh viện khám, bỏ lại vé máy bay chuyến về.
Sau khi bắt người của chúng tôi đi rồi, còn một cuộc đàn áp nữa. Khi chúng tôi đang bị đánh đập, bắt đi thì bỗng thấy nào công an, nào dân phòng í ới chỉ tay lên tòa nhà cạnh đấy, quát tháo, đe dọa. Rồi tiếng chân rầm rập chạy lên tòa nhà lùng bắt thủ phạm. Thì ra một số người trên các tầng thấy cảnh công an đàn áp chúng tôi chĩa máy xuống quay. Một cậu đứng ngớ ra chờ công an tiếp cận chứ không chạy đi. Có lẽ họ thấy cảnh đàn áp cứ tưởng là đám đánh nhau nên công an đến can thiệp nên đưa máy ra quay chơi, chứ không biết mình vi phạm gì.
Tại sao công an làm việc gì cũng sợ bị ghi hình? Vì họ hiểu hành vi của họ là đen tối, là không minh bạch. Chứ còn hành động đúng thì họ đã khuyến khích cho người khác ghi hình đưa lên mạng xã hội để tuyên truyền về những “hình ảnh đẹp của công an nhân dân” chứ. Nhưng lấy đâu ra “hình ảnh đẹp” bây giờ.
Chúng tôi quay về nhà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thăm gia đình. Tại đây, tôi trao quà của Hội Bầu bí tương thân và của cha Lê Ngọc Thanh nhờ chuyển hộ (tiếc rằng quà của Hội NBĐL bị cướp mất, trong đó có cả tiền mặt). Ngày hôm sau, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cùng Trần Thu Nguyệt, Nguyễn Peng, Hoàng Vi đến Công an Xương Huân đòi lại đồ bị cướp nhưng phải về không.
Nhân chuyến đi Nha Trang, tôi có dịp đến thăm mấy người bạn cũ. Họ không hề biết ở Nha Trang có phiên tòa xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Hình như ở Nha Trang, ngoài gia đình Quỳnh và một số người ái mộ cô ra, người ta không biết Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là ai. Mà có biết qua đài báo nhà cầm quyền thì họ lại hiểu đó là một phần tử phản động nguy hiểm. Nghĩ thấy buồn và thấy mình nên phải làm gì.
N.T.T.
Nguồn: http://www.vietnamthoibao.org/2017/12/vntb-phien-toa-phuc-tham-nguyen-ngoc.html