Kỳ Lâm (VNTB)
Khi ông Đinh La Thăng đang tràn ngập trên các mặt báo chí, thì ông Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng lại lặng lẽ chiếm lấy một góc báo Nhân Dân trong một sự kiện giới thiệu cuốn sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Được giới thiệu là tập hợp các bài viết, bài nói của Tổng Bí thư, tập sách “thể hiện quan điểm chỉ đạo, những trăn trở, tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, của Đảng, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc”
Cũng như có lần NXB Sự thật phát hành “Đế quốc Mỹ - chỉ là con giấy”, lần này tập hợp cuốn sách là một sự tập hợp những giáo điều.
Liệu rằng, sẽ vững bước đi đến đâu khi mà phần lớn bài viết và phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng từ ngày nắm chức Đảng trưởng chỉ thu vào cái gọi là “lý luận miền Bắc”. Thứ lý luận xuất phát từ sự thiếu đổi mới, của sự co cụm, của sự bảo thủ mang tính làng xã mà từng một thời ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: TBT phải là người miền Bắc và có lý luận.
Không dừng tại đó, ngay trong hệ thống bài viết và nói của ông Nguyễn Phú Trọng còn chứa đựng yếu tố là lạm dụng tính quyền lực, thực thi tính độc tôn quyền lực của đảng mà ông đã và đang là đảng viên cốt lõi.
Không ai có thể quên được, người đứng đầu ĐCSVN đã đặt chính đảng ra khỏi vòng pháp luật, khi khẳng định Luận cương chính trị của ĐCSVN là văn bản có giá trên Hiến pháp. Tính chất thiếu tôn trọng “văn bản mẹ” cũng như nâng cao quá tầm Đảng đã khiến tính lý luận trong con người ông Tổng Bí thư cũng là giữ cho bằng được sự tồn tại của ĐCSVN và vai trò lãnh đạo - bất chấp sự đào thải của thực tiễn.
Từ quan điểm cố hữu nêu trên, cho đến nay, liệu rằng ông Nguyễn Phú Trọng có phát triển thêm lý luận không? Có! Nhưng lý luận mang tính bổ sung khi tìm cách cách sửa chữa những sai lầm trong Đảng bằng đạo đức, văn minh và giờ đây là bằng kỷ luật. Bởi ông lo sợ, chính đảng của ông đang bị tham nhũng nảy sinh ra từ đảng chôn vùi trong hố rác lịch sử, khi tính chính danh của đảng suy giảm nghiêm trọng, khi tính quan trọng của Đảng được dựa vào bộ máy chuyên chế - đàn áp thay vì là một bộ máy tham gia vào quá trình thúc đẩy hành chính công tốt và trơn tru. Và mâu thuẫn là, đối với bản thân Đảng, ông yêu mến nó đến mức cuồng si, đề cao tính đạo đức trong một chính đảng vô đạo đức, trong khi đối với các quan điểm “chỉnh nắn Đảng”, ông lại không sử dụng yếu tố đạo đức hay thậm chí lắng nghe, mà tìm mọi cách bắt “ý kiến” phải chuyển thành “hót”.
Nói cách khác, ông Tổng Bí thư trăn trở cũng chính là sự trăn trở cho cái đảng của ông, chứ nào phải là vì dân tộc này? Ông lo cho cái đảng, như chính ông hiến mình cho đảng và đặt quốc gia, luật pháp qua một bên vậy.
Do đó, mỗi lần lý luận bổ sung, là mỗi lần lý luận dậm một chỗ. Trong khi đó, để đổi mới thì cần một luồng sinh khí mới cả về mặt lý luận, nghĩa là cần phải thoát ly khỏi những quan điểm, tư tưởng cũ kỹ bằng cách dựa trên chính cảnh lịch sử khi xem xét các sự vật hiện tượng, nhất là về con người. Nhìn nhận con người trong xã hội đó nghĩ gì, và nói gì, tức nắm bắt dư luận đang cần gì và muốn gì. Nhưng thay vì tập lắng nghe, ông Tổng Bí thư lại tìm cách dập tắt, vậy là tiếng nói xã hội bị tắt và chính kiến con người bị đè bẹp.
Ngay cả bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, cũng tự mình dập tắt tiếng nói về lương tri và trách nhiệm của một công dân trong mình, thay vào đó, ông đưa tính giai cấp đi lên. Nhưng tính giai cấp đó lại cần một thứ lý luận sống động để nuôi dưỡng nó chứ không phải là thứ lý luận “học vẹt”, lý luận thiếu tính biện chứng - và do đó, ông đã dắt tay đưa Đảng ông thoát ly ra khỏi thực tiễn và hoàn cảnh lịch sử, biến cả bộ máy trong đảng tách rời khỏi hiện thực cuộc sống và tạo dựng một cuộc sống trên thiên đường không tên.
Và chính vì vậy, mà ai không dám chắc việc, chính ông Nguyễn Phú Trọng là tác giả của Quy định 102 kỳ quặc về việc cấm đảng viên bàn về thể chế xã hội dân sự, thể chế tam quyền phân lập? Bởi trước đó ông nhiều lần gắn mác “phản động”, đòi “xử lý” những ai dám lên tiếng phê phán đảng ông, phê phán cái gọi là “tính tập trung quyền lực tuyệt đối” của đảng ông.
Trở lại với tên sách, Vững bước trên con đường đổi mới, Đổi mới không nảy sinh cái mới, không dựa trên lý luận mới phù hợp với thực tiễn thì làm sao vững bước? Ngay cả vững bước cũng cần xét về phương diện con đường nào? Hay đổi mới theo hướng,... xuống hố cả nút (XHCN)?.
Đừng nghĩ kỷ luật được một anh cán bộ do chính Bộ Chính trị đưa lên một thời là bước ngoặt, là đổi mới, là lấy lại niềm tin. Nói như thế há dân tộc Việt Nam này quá dễ dãi? Và rằng, cả dân tộc này đều chìm đắm trong sự ngây thơ nên mới bị những hành động có phần đấu đá nội bộ như thế dụ dỗ?
Và suy cho cùng, với lý luận xơ cứng thì ĐCSVN vẫn sẽ giữ được quyền lực, nhưng đến một lúc chính quyền lực cổ lậu đó lại kết liễu số phận chính đảng của nó.
K.L.
VNTB gửi BVN.