Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết

FB Xuân Sơn Võ

Thời gian vừa qua, giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) có những tranh luận gay gắt về vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT). Còn nhớ trong một hội nghị, ông BHXH mắng ông Bộ Y tế là lộng ngôn. Nay, BHXH ban hành Công văn 5163/BHXH-CSYT ngày 17-11-2017 gửi BHXH các tỉnh, thành phố hướng dẫn về kí hợp đồng và thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT năm 2018. Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân bổ sung Quyết định phân tuyến chuyên môn kĩ thuật theo quy định tại Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC. Giải thích thì lằng nhằng rắc rối, nhưng tóm gọn lại là thế này:

- Hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam được phân thành các tuyến, từ hạng đặc biệt đến tuyến 1, 2, 3 và 4.

- BHYT sẽ chi trả cho các cơ sở y tế theo cái tuyến mà cơ sở ấy đang được phân. Ví dụ, sau phẫu thuật loại 1, bất kể giường xịn hay giường thường, sắt hay gỗ, cứ nằm ở tuyến đặc biệt, BHYT sẽ trả 268.200 đồng/ngày còn ở tuyến 4, BHYT sẽ trả 171.000 đồng/ngày.

- Vì vậy, BHXH phải có quyết định phân tuyến, xem bệnh viện tư thuộc hạng nào để họ biết thanh toán theo giá nào.

Đây chính là cái gót chân Achile của Bộ Y tế bởi vì Bộ Y tế quên mất việc ban hành thông tư hướng dẫn việc xếp hạng các bệnh viện tư. Như vậy thì phải mất nhiều thời gian nữa mới có cái thông tư, rồi lại mất rất nhiều thời gian để xếp hạng...

Đấy là đòn đánh mà BHXH chọn rất đúng chỗ. BHXH đâu có không chi trả cho y tế tư nhân. BHXH chỉ yêu cầu thủ tục theo đúng quy định, dù rằng họ thừa biết còn lâu mới có cái đó. Hay, vừa đỡ phải chi trả, có khả năng kết dư, vừa chơi được Bộ Y tế một vố không có đường đỡ. Biết điều với nhau thì du di, còn không biết điều thì cho mày biết.

Phen này Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ mệt đây. Các bệnh viện tư không được chi trả BHYT, hàng triệu người bệnh tự nhiên trở thành bơ vơ. Đó sẽ là một vấn đề xã hội lớn. Thế nào thì Quốc hội cũng sẽ tra vấn, rồi Trung ương sẽ vào cuộc. Cái ghế Bộ trưởng Bộ Y tế vốn đã lung lay, giờ càng lung lay tợn. Này thì tăng giá viện phí, này thì phản đối cách chi trả... Ai bảo chống đối BHXH.

Hồi năm 2011, khi ban hành Luật KCB mới, chúng tôi đã khốn đốn. Tháng 9-2010, chúng tôi nộp đơn xin cấp phép hoạt động một số chuyên khoa mới. Sở Y tế bảo chờ Luật khám chữa bệnh mới. Bắt đầu từ ngày 1-1-2011, Luật KCB mới có hiệu lực. Lại phải chờ thông tư hướng dẫn. Mãi đến năm 2012 thông tư hướng dẫn mới ra đời. Theo thông tư hướng dẫn, ai muốn hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề (chứng chỉ cũ vứt hết). Hơn 1 năm làm chứng chỉ hành nghề.

Đến giữa năm 2014 chúng tôi mới được duyệt. Máy móc mua về trùm mền suốt 4 năm. Đặc biệt là việc trả lương cho nhân viên ròng rã suốt thời gian chờ đợi. 2/3 không chờ được, cũng không nhận lương, đi làm chỗ khác. 1/3 còn lại thì đến khi chuẩn bị thẩm định mới biết đã đi làm chỗ khác từ lâu dù vẫn lĩnh lương, thậm chí có người xuất cảnh. Và gần như tất cả đều nộp đơn xin nghỉ việc khi được gọi vào làm việc. Chỉ còn một bác sĩ kiên cường thì Sở Y tế không chấp nhận (chẳng biết lí do gì).

Không biết lí do thực của việc Bộ Y tế chưa ban hành thông tư hướng dẫn là gì nhưng có một sự thật là nhiều người có quyền thu lợi từ việc chậm trễ. Đương nhiên là các cơ sở y tế tư nhân đâu muốn chết yểu. Thế nào cũng phải chạy. Hồi đó, đâu có tự nhiên mà lấy được chứng chỉ hành nghề.

Bây giờ, BHXH chơi cú này, Bộ Y tế sẽ xất bất xang bang. Tuy nhiên, trong cái rủi sẽ có cái may. Khi ổn định, đây sẽ là cơ hội mang lại những lợi ích to lớn. Nhưng theo tôi đoán, đây sẽ là cơ hội cho BHXH vì Khoản 6 - Điều 4 của TT 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định: "Tổ chức BHYT thống nhất với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân áp dụng mức giá của một trong các hạng bệnh viện".

Vậy là Bộ Y tế mất cả chì lẫn chài nhé. Hãy ghi nhớ đừng làm mất lòng BHXH. Đừng bao giờ phê phán người giữ tiền. Cầm tiền là nắm quyền.

Nguồn: https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/981964855293974