Vài góc nhìn…

BVN hoan nghênh Việt Anh - Hoàng Thắng đã sưu tầm, trích dẫn 7 phát ngôn về chống tham nhũng của Đinh La Thăng, giúp bạn đọc thấy rõ hơn bản chất của các đảng viên cộng sản. Nếu Thăng phát biểu thêm chỉ một câu nữa thôi - "Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ" - thì có thể coi đây là trọn bộ "cẩm nang" về chống tham nhũng của đảng cộng sản.

Đồng thời, BVN trân trọng chuyển tới bạn đọc ý kiến của 3 facebooker, bloger về vụ này.

Bauxite Việt Nam

Ông Đinh La Thăng với 7 phát ngôn về chống tham nhũng

Việt Anh - Hoàng Thắng

Như tin Dân Việt đã đưa, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan trách nhiệm của ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đó là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 - Bộ luật Hình sự), lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 - Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng TMCP Đại dương (Oceanbank); cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản (Điều 278 - Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II. Còn nhớ, khi làm Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Đinh La Thăng đã có nhiều phát ngôn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cụ thể, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2016 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của TP HCM, ông Đinh La Thăng từng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần tập trung thực hiện 7 vấn đề trọng tâm trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Dân Việt lược trích lại một số phát biểu chỉ đạo của ông Thăng trong cuộc làm việc này.

V.A - H.T

Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/ong-dinh-la-thang-voi-7-phat-ngon-ve-chong-tham-nhung-829931.html

Bênh kẻ yếu

FB Phạm Thị Thanh Hương

Có nhận định cho rằng Hán là dân tộc duy lí, Việt là dân tộc duy tình. Vì thế mới có câu "một trăm cái lí không bằng một tíý cái tình". Việc duy tình kéo theo cả các nhận định, từ trong các truyện cổ tích kiểu gì dân cũng thắng vua quan, anh nông dân dùng mẹo sẽ thắng thằng nhà giàu. Đại loại thế. Đến khi xã hội văn minh hơn thì cũng thằng xe máy đền thằng xe đạp, thằng ô-tô đền thằng xe máy. Cứ thế, cứ thế…

Tôi không chơi với ông Đinh La Thăng, không quen, biết thì có. Ông xuất hiện dày đặc trên truyền thông, không biết mới lạ. Tôi gặp ông Thăng vài lần, không lần nào gần cả, vì lúc thì ông là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí, lúc là Bộ trưởng Giao thông, lúc là Bí thư Thành ủy TP HCM. Với các vị trí quan trọng thế, tôi gần sao được. Nhưng ngắm ông từ xa cũng có cái hay, vì thấy sức hút của ông với báo giới. Lần cuối tôi gặp ông Thăng tại buổi hội thảo "kịch bản kinh tế 2017" tháng 3-2017. Ông đến, báo chí xúm xít. Ông ngồi từ đầu đến hết buổi, có phát biểu, có ngồi nghe từ Thiên đến Thành nói rất dài, thậm chí là dở… Giờ giải lao, ông buồn rười rượi khi chụp ảnh. Chắc ông đã biết tin chẳng lành đã đến. Hơn tháng sau, ông ta thôi Ủy viên BCT, thôi Bí thư thành phố giàu có nhất Việt Nam.

Mọi chuyện tưởng như an bài khi Thăng được điều về Ban Kinh tế. Đấy cũng coi như là một hình thức kỉ luật với ông ta. Trước ông ta, chưa có ủy viên BCT nào bị kỉ luật vì các sai phạm kinh tế. Tất nhiên, con số cũng bé hơn nhiều…

Rồi sau nhiều đồn đoán, ngày thứ sáu vừa rồi, tin khởi tố bắt giam ông Thăng chính thức publicity, hình như cũng chưa có tiền lệ với ủy viên BCT. Nhiều người hả hê, nhiều người tò mò, và không thiếu người thương xót. Trong đó đông đảo hơn cả là phóng viên báo chí. Họ chê trách những người được hưởng ân sủng của Thăng rồi giờ đây sỉ vả. Họ chửi các tờ báo như Tuổi trẻ, trước đây suốt ngày chạy theo Thăng, giờ lại đưa tin tồi tệ. Tôi ngạc nhiên, vậy bản chất của báo chí là gì? Là cầm tiền thì im miệng? Là đưa tin sai sự thật, hay là gì? Và người bênh hay thương xót ông ta, vì lẽ gì? Tôi chỉ muốn hỏi vài câu:

1- Ông Thăng có xứng đáng bị đi tù không?

2- Ông Thăng, với tư cách là Chủ tịch PVN, có làm điều gì có hại cho đất nước không?

3- Ông Thăng, với tư cách là Bộ trưởng Giao thông, đã làm gì cho đất nước? Có để lại hậu họa gì không?

4- Ông Thăng, với vị trí Bí thư Thành ủy TP HCM đã làm được gì cho thành phố chưa?

5- Ông Thăng, với vị trí Đại biểu Quốc hội cả Thanh Hóa lẫn TP Hồ Chí Minh, đã làm được gì cho dân ở hai địa phương này?

6- Khi chi tiền để hào sảng với báo giới, với các quan hệ cá nhân, ông Thăng dùng tiền bằng lao động thực sự hay là tiền có nguồn gốc không rõ ràng?

7- Là một người thông minh, ông Thăng có hay không biết việc mình làm là sai và có các hệ lụy kinh khủng mà giờ đây ông bị bắt giam.

Đâu đó có câu: Có những sai lầm mà để trả giá, chết vẫn còn là ít!

Thế thôi ạ, giờ đi nấu ăn, cho một beautiful Sunday…

Nguồn: https://www.facebook.com/groups/MinhTrietAndFriends/

Sự ác độc của con người

FB Le Dung

Thực ra việc anh Thăng oai danh một đời anh hay kiếp nạn cuối đời anh là việc của anh, là đàn ông, tôi chẳng việc gì phải ỉ ôi hay xót xa hay dè bỉu tụng ca gì anh cả. Anh làm, và anh sống với số phận của mình, ở thời cuộc anh sinh ra và cái giá đắt hay rẻ, đáng hay không đáng, được hay mất, tự anh biết.

Những gì đang diễn ra qua nay làm tôi nhớ lại cách đây gần 12 năm, ngày cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến bị bắt. Với tôi và nhiều người trong nghề mà tôi biết, đều dành cho ông một sự kính trọng đặc biệt mà không lãnh đạo nào của bộ có được. Ông thông minh, lịch lãm, đàn ông, am tường nhiều lĩnh vực của nghề, quyết đoán và chặt chẽ về thủ tục hành pháp. Cuối cùng người ta xử tội ông vì kí giấy cho các cơ quan khác, trong đó có Bộ Tài chính mượn mấy cái xe công.

Ngay cả Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khi nhảy dù về giao thông, để vỗ về nhân tâm và giúp mọi người vượt qua nỗi buồn về tiếc thương sếp cũ, đã nói, cho dù có thế nào thì đồng chí Tiến cũng không thể trở lại để điều hành công tác nữa, nên các đồng chí phải cố gắng không những chặt chẽ mà phải đẩy nhanh tiến độ công việc. Nói thế, bởi thời đó ai cũng kệ mẹ, giải ngân năm đó xuống còn 1/4 so với năm trước và dưới trình lên chỉ sai một dấu phẩy cũng trả luôn hồ sơ về làm lại.

Dù thế, nhưng cũng như bây giờ, công luận và truyền thông đã thổi bùng lên một ngọn lửa hận thù, hả hê, vô cảm đến mức đê hèn tột cùng của cái ác. Nổi bật nhất trong đám đó, tôi vẫn còn nhớ như in là Nguyễn Như Phong công an về dầu khí. Dựng lên đủ thứ chuyện, vẽ ra đủ thứ khốn nạn xấu xa mà sự tưởng tượng của con người có thể vẽ ra được. Một đám đông cuồng loạn, mất lương tri và nhẫn tâm chà đạp lên tất cả. Hả hê mà không biết hê hả để làm gì.

Cũng giống như BOT thôi. BOT là chủ trương lớn của nhà nước, và toàn bộ cơ quan hành pháp từ trung ương đến địa phương phải nhảy vào cuộc để thúc đẩy nó nhằm giảm gánh nặng ngân sách. Nếu thằng nào dùng tiền không minh bạch đi đầu tư BOT như một kiểu rửa tiền thì công an sẽ bắt cái thằng tiền đó, sai là sai ở cái tiền đó chứ không phải sai do dự án BOT. Bởi nếu Bộ Chính trị không chủ trương và thông qua thì 1 ngàn thằng có tiền gộp lại cũng chẳng thằng nào có đủ quyền lực để ngăn đường thu phí cả.

Anh Thăng hay anh Tiến cũng thế, nếu họ sai so với những gì chính thể họ phụng sự quy định thì chính thể đó xử tội họ được rồi, sao cứ phải nhảy vào cuồng loạn lăng trì tùng xẻo cả tông ti gia tộc, cả cuộc đời họ khi cái chính danh là án chưa tuyên và pháp đình chưa luận tội?

Không riêng gì quan ngã ngựa mà người chết đường chết chợ họ cũng không tha, họ bình phẩm, thằng này chết chưa kinh bằng thằng hôm trước, hôm nọ tao thấy nó nó chết thế này thế kia, kinh hơn nhiều, rồi lò dò ghi số xe về đánh con đề và cầu mai mình thắng.

Khi một xã hội cuồng loạn đến mức mù quáng, đánh mất đi lương tri và nhân tính, ấy là khi mà chúng ta phải thấy lo lắng và sợ hãi nhất, không phải cho chúng ta mà cho con cái của chúng ta phải sinh ra và sống trong nó.

Nguồn: https://www.facebook.com/le.dung.98499

B14

Blogger Trương Duy Nhất

Vậy là anh em nhà Đinh La Thăng - Đinh Mạnh Thắng cùng vào B14. Trước đó, anh em Dương Chí Dũng - Dương Tự Trọng cũng ở trại này.

Đây, cũng là nơi giam tôi suốt 240 ngày đầu từ khi bị bắt (26-5-2013 đến 20-1-2014), thuộc đoạn điều tra lấy cung. Nó là một trại đặc biệt, dành cho các án an ninh đặc biệt, thuộc Cục An ninh điều tra - Tổng cục An ninh, Bộ Công an, nằm trên địa bàn xã Thanh Liệt - Thanh Trì - Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Văn Đài và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong giới đấu tranh cũng đang bị giam ở đây. Trước đó, là Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.

Nhiều "tên tuổi" lớn khác, cũng từng "đi qua" B14 này: Phạm Thanh Bình cùng toàn bộ nhóm "đầu não" của tập đoàn Vinashin; cựu Thứ trưởng Bộ Công an, trung tướng, Ủy viên Trung ương đảng Bùi Quốc Huy; cựu Ủy viên Trung ương, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh; Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Phạm Sĩ Chiến… Nghe nói, nhân vật cao nhất từng bị giam tại đây là thượng tướng Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

Những ngày này, nhân chuyện Đinh La Thăng, nghe thiên hạ nhắc nhiều quá về trại giam khét tiếng nhưng cũng đầy "huyền thoại" mang tên B14. Lục trên mạng, tình cờ gặp hai bức ảnh trên báo Công an nhân dân.

Ở bức 1. Nhìn từ bên ngoài, vòng tròn khoanh dấu đỏ là khu tầng 2, phòng B12. Ở bức 2 là nhìn từ khu vực sân trại, nơi quản giáo và lính canh hay xếp hàng thể dục mỗi chiều.

Tầng 3, ngay trên đầu tôi là buồng giam Dương Chí Dũng. Dương Tự Trọng bị kỉ luật nên giam tầng 1, bên dưới.

Hai bức ảnh gợi tôi nhớ một chuyện vui, kể chơi:

Chiều chiều, chừng 16 giờ 30, quản giáo và lính canh tập trung xếp hàng thể dục như trong ảnh 2. Tôi, ở buồng giam bịt bùng ngay vị trí khoanh tròn đỏ ấy, không nhìn thấy, chỉ nghe tiếng vọng vào. Họ tập võ, vung chân múa tay "hừ hự" theo nhịp một hai - hai một gì đấy. Xong, lần nào cũng kết thúc bằng bài hô:

- Thể dục - Khoẻ!

- Thể dục - Bảo vệ tổ quốc!

- Thể dục - Bảo vệ chủ nghĩa xã hội!

- Thể dục - Khoẻ!

- Thể dục - Khoẻ!

- Thể dục - Khoẻ!

Nghe vui tai. Riết rồi muốn nghĩ ra trò gì chọc vui. Khi tất thảy vừa rập chân hô xong, tôi bèn tằng hắng mấy phát báo hiệu cho anh em các phòng bên, rồi dõng dạc, nhái theo nhịp bọn quản giáo:

- N…g…h…i…ê…m!

- Ở tù - Khoẻ!

- Ở tù - Bảo vệ tổ quốc!

- Ở tù - Bảo vệ chủ nghĩa xã hội!

- Ở tù - Khoẻ!

- Ở tù - Khoẻ!

- Ở tù - Khoẻ!

Thằng quản giáo lộp cộp giày, chạy ngang trợn mắt:

- Anh Nhất hô gì đấy, muốn nổi loạn hả?

Tôi làm mặt nghiêm, rập chân bập bập, thẳng lưng, chụm gót đúng chữ V, rồi "khuyến mại" thêm câu nữa:

- Ở tù - Khoẻ!

Mấy ông bạn tù phòng bên nghe sướng quá, cứ khúc khích khục khịch mãi. Như chọc tức thêm hắn. Tội, nhìn cái mặt hắn cứ đơ ra, trông đần như ngỗng ỉa.

Mấy hôm sau, hắn trả thù bằng cách chuyển buồng. Đẩy tôi sang dãy lẻ, buồng số 19. Vẫn tầng hai nhưng đấu lưng lại với khu này (Dũng Bắc Kạn, trùm giang hồ khét tiếng Hải Phòng, người tổ chức cho Dương Chí Dũng chạy trốn sang Campuchia, ở đấu đít với tôi, buồng B20).

Bịt bùng. Thêm mấy lớp tường cách âm, không còn nghe được tiếng hô.

Tưởng tếu cho vui, vậy mà cái trò "chủ nghĩa xã hội" ấy lại khiến mấy thằng bạn tù buồng bên nhớ. Chiều, cứ chừng 4 rưỡi hơn, xong 4 hồi kẻng là chúng gõ tường "nhà báo ơi, anh Nhất ơi, bảo vệ chủ nghĩa xã hội đi! ". Nghiệt nỗi, xa tiếng hô của bọn quản giáo, một mình đâm hết hứng.

Chuyện thể dục "chủ nghĩa xã hội" ấy cũng chỉ thấy ở B14. Sau này đi hai trại Hoà Sơn (Đà Nẵng) và trại 6 (Nghệ An), không nghe bọn quản giáo "chủ nghĩa xã hội" kiểu này nữa.

B14, có điều rất đặc biệt: Họ không xoá bất cứ dòng chữ nào của tất cả các thế hệ tù nhân trước giờ. Kể cả những câu cực kì "phản động", chống cộng, chửi đảng, bằm lôi cả mồ cha mả mẹ "lũ X"… chi chít bốn vách tường.

Trên vách cửa buồng B12, chắc chắn vẫn còn hai câu tuyên ngôn tôi khắc: "Chỉ có thể cưỡng bức được hành vi, chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng", "Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang".

Không biết Đinh La Thăng có được vào đúng buồng B12 ấy?

Dù sao, ông và tôi cũng là chỗ từng biết nhau. Có thể, biết đâu đấy, khi đọc được những dòng chữ cùng cái tên "nhà báo Trương Duy Nhất" trên bức tường buồng giam, sẽ giúp ông tìm được cảm giác gì đó như thể "thân quen", giúp ông nhẹ nhàng, thư thái, đỡ cô độc hơn?

Một mình, đối diện với bốn bức tường biệt giam bịt bùng, lởm chởm xám xịt ấy. Rồi ông cũng sẽ quen thôi, cũng phải đếm kiến, nuôi thạch sùng làm bạn. Sẽ là những tháng ngày dài không thể chợp mắt trước màn đêm đen ngòm, thăm thẳm. Dần ông sẽ thuộc, quen với từng tiếng gót giầy của mỗi tay quản giáo. Nhận ra từng tiếng chó sủa trong những giàn "đồng ca chó" đêm khuya vọng từ bên ngoài.

Đến tôi cũng ngạc nhiên, hay gọi giật mấy tay quản giáo hỏi "vì sao càng ra ngoài này, càng gần Hà Nội lại nhiều… chó thế? ".

Ừ. Ông đã có đến 3 đêm nghe chó sủa rồi nhỉ.

Từng mang phận tù, cũng là chút cám cảnh ngẫm đến ông. Chứ thật ra, cái loại tù của ông không phải như tù chúng tôi. Tù của ông là tù nhục, tù ô.

Nguồn: http://truongduynhat.org/b14/