Việt Nam thực thi Công ước chống Tra tấn như thế nào?

Vũ Quốc Ngữ

Việt Nam đã ký Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment- CAT) ngày 07/11/2013. Quốc hội đã phê chuẩn công ước này ngày 28/11/2014 và Việt Nam nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký LHQ ngày 05/02/2015.

Sau hơn 2 năm kể từ khi chính thức trở thành thành viên của CAT, năm nay Chính phủ Việt Nam đã đưa ra báo cáo thực thi CAT.

Trong báo cáo này, Chính phủ nói rằng CAT là “công ước về quyền con người có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều nội dung khó, phức tạp. Vì vậy, việc triển khai Công ước phải tiến hành theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của Việt Nam”.

clip_image002

Báo cáo có thừa nhận “Trình độ pháp luật, nghiệp vụ của nhân viên công vụ chưa đồng đều nên họ có thể hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về các nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân. Vì vậy, việc cá nhân lạm quyền trong khi thực thi công vụ vẫn có thể xảy ra”.

Báo cáo khẳng định “Ở Việt Nam, tội phạm có tính chất tra tấn không phải là tội phạm phổ biến, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các tội phạm. Từ năm 2011 đến 2015, Tòa án nhân dân đã thụ lý và xét xử sơ thẩm 10 vụ án về tội dùng nhục hình, không có vụ án nào về tội bức cung và tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, cụ thể là: năm 2010 và 2011 là 0 vụ; năm 2012 là 4 vụ, chiếm 0,0061% tổng số vụ được xét xử sơ thẩm; năm 2013 là 01 vụ, chiếm 0,003% số vụ được xét xử sơ thẩm; năm 2014 là 03 vụ, chiếm 0,0045% tổng số vụ án được xét xử sơ thẩm; năm 2015 là 02 vụ, chiếm 0,0033% tổng số vụ án được xét xử sơ thẩm”.

Báo cáo cũng đưa ra thống kê số vụ án liên quan đến tra tấn, theo đó “Từ năm 2010 đến năm 2015, Tòa án nhân dân chưa thụ lý vụ án nào về tội bức cung và tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; đã thụ lý và xét xử 10 vụ án với tổng số 26 lượt bị cáo về tội dùng nhục hình”.

Năm

Vụ án liên quan đến tra tấn

Tổng số vụ án

Số vụ án

Số bị cáo

Số vụ án

Số bị cáo

2010

0

0

52.545

88.967

2011

0

0

58.277

100.667

2012

4

8

64.935

116.907

2013

1

2

66.107

117.502

2014

3

7

65.858

118.372

2015

2

9

59.196

106.078

(Báo cáo Quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người năm 2017)

Báo cáo cũng nói “Việt Nam không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình và mỗi vụ án phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh”.

Theo báo cáo này thì “Từ năm 2011 đến 2015, Bộ Công an đã tiếp nhận 24 tin báo, tố giác liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình; đã giải quyết 16 vụ, đang giải quyết 08 vụ. Trong khi đó, từ năm 2010 đến 15/10/2016, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận 82 tin báo, tố giác về tội phạm có dấu hiệu về tội bức cung, dùng nhục hình; đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với 15 tố giác/25 bị can, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với 51 tố giác, đang xác minh 16 tin báo”.

Trong báo cáo này, Chính phủ cho biết “Nhiều tin báo, tố giác được kiểm tra, xác minh có dấu hiệu về tội bức cung, dùng nhục hình thì đều được điều tra, xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định pháp luật”.

Chính phủ cũng cho biết “cũng có rất nhiều tin báo, tố giác được kiểm tra, xác minh không có dấu hiệu về tội bức cung, dùng nhục hình như vụ việc ông Nguyễn Đức Thắng, ở Phù Ninh tỉnh Phú Thọ tố cáo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội có hành vi đánh đập, ép cung buộc ông Thắng nhận tội; vụ việc ông Nguyễn Văn Nam ở Xuân Trường, Nam Định tố cáo các ông Sỹ, Duy và một số cán bộ thuộc Công an huyện Xuân Trường có hành vi đánh đập, ép cung để khép ông vào tội chống người thi hành công vụ”.

Đó là theo báo cáo của Chính phủ. Thế còn báo cáo, thống kê của tổ chức khác thì thế nào?

Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) có trụ sở tại New York, thì tra tấn xảy ra trên khắp các vùng miền ở Việt Nam. Trong báo cáo dài 23 trang mang tiêu đề “Công bất an: Những vụ tử vong khi bị tạm giam, giữ và vấn nạn công an bạo hành ở Việt Nam” công bố ngày 15/9/2014, HRW ghi nhận nạn bạo hành của lực lượng công an tại 44 trong số 58 tỉnh, trải khắp các vùng miền khác nhau ở Việt Nam và ở cả năm thành phố trực thuộc trung ương.

Trong bản báo cáo này, HRW nói trong thời gian từ tháng Tám năm 2010 đến tháng Bảy năm 2014 có 14 trường hợp chết khi bị giam giữ được công an thừa nhận là do nhân viên công lực bạo hành mà ra; có 4 trường hợp chết khi bị giam giữ mà không giải thích được nguyên nhân; 6 trường hợp chết mà công an nói nạn nhân tự tử tại đồn công an; 4 trường hợp công an giải thích chết vì bệnh. Thêm vào đó là 11 trường hợp bị chấn thương bởi sự lạm quyền của công an và một trường hợp công an đánh đập một trẻ em 11 tuổi do nghi trẻ em này ăn cắp tiền.

HRW cũng nêu rõ trong báo cáo rằng trong nhiều trường hợp được chính thức thừa nhận là bạo hành, những công an liên quan chỉ bị kỷ luật nội bộ nhẹ nhàng, như phê bình hoặc khiển trách. Trường hợp hạ cấp, thuyên chuyển hay buộc ra khỏi ngành đối với những công an vi phạm như thế là hiếm. Biện pháp truy tố và kết án đối với những đối tượng công an vị phạm như thế lại càng hiếm hơn và nếu có thì công an vi phạm chỉ phải nhận những mức án nhẹ hay án treo.

Một số nạn nhân sống sót nói rằng họ bị đánh để ép nhận tội, đôi khi về những hành vi họ khẳng định không hề thực hiện. Tháng Bảy năm 2013, công an tỉnh Sóc Trăng đánh và ép sáu người nhận tội giết người. Nhiều người khác cho biết họ bị đánh vì dám lên tiếng phê phán hay cố cãi lý với công an. Trong số nạn nhân của những vụ đánh đập có cả trẻ vị thành niên và người mắc bệnh tâm thần.

HRW nhận thấy trong nhiều vụ việc công an bắt người chỉ dựa trên những nghi vấn mơ hồ, không có bằng chứng kèm theo, sau đó đánh đập để ép buộc họ thú tội. Công an thường xuyên bỏ qua trình tự pháp lý cần thiết để bảo vệ người dân khỏi bị ngược đãi hay bắt giữ độc đoán, và ngăn cản luật sư và người trợ giúp pháp lý tiếp cận ngay lập tức với thân chủ của mình.

Còn theo báo cáo của Bộ Công an do Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm trình bày trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội này 19/3/2015 thì trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014 xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát. Tướng Lượng không thể giải thích tại sao có số người chết lớn như thế cũng như không thể trả lời về trách nhiệm của các cơ sở giam giữ khi không thể đảm bảo an toàn tính mạng cho người bị tạm giam, tạm giữ.

Sau khi Việt Nam phê chuẩn CAT, tình trạng tra tấn và đối xử tàn bạo dường như không thuyên giảm trong thực tế. Nhiều người bị tạm giam, tạm giữ tiếp tục bị đánh đập và có một số dẫn đến tử vong, như bà Huỳnh Thị Thúy Hằng, 39 tuổi ở An Giang hay Võ Tấn Minh, 25 tuổi ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm gần đây.

Trong đầu tháng 5 năm nay, Nguyễn Hữu Tấn, 38 tuổi, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, bị chết trong trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Long và công an địa phương thông báo rằng nạn nhân này đã dùng dao rọc giấy để cắt cổ tự sát.

Một trường hợp khác là thanh niên Nguyễn Hồng Đê, 26 tuổi, trong thời gian bị tạm giữ tại đồn Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hồi đầu tháng 7 vừa qua, được nói cởi áo tự thắt cổ đến chết.

Trước đó, vào trung tuần tháng Giêng năm nay, công dân Phạm Ngọc Nhung chết tức tưởi tại đồn công an phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Vụ việc gần đây nhất là vụ Nguyễn Ngọc Nhân (29 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) bị bắt về hành vi tàng trữ, mua bán ma túy, đã tử vong tại công an huyện Tân Phú Đông vào ngày 16/11. Công an đã có kết luận ban đầu nguyên nhân tử vong của nạn nhân là do nhồi máu cơ tim, tuy nhiên, gia đình không đồng ý về kết luận này khi thấy trên cơ thể của anh có nhiều vết bầm tím mà khả năng là hậu quả của tra tấn.

Truyền thông nhà nước cũng đưa tin nhiều vụ việc trong đó lực lượng công an cấp xã đánh đập nghi phạm tại trụ sở hay truy đuổi và đánh đập người vi phạm giao thông, và hậu quả là nhiều người bị chết hoặc bị thương tích nặng nề. Tuy nhiên, những vụ việc như thế này không được Chính phủ đưa vào báo cáo.

Còn nữa, lực lượng an ninh và mật vụ thuường xuyên tấn công đánh đập người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, bên canh việc khủng bố gia đình họ bằng cách ném đá hay chất bẩn vào nhà.

Trong bản phúc trình dài 65 trang với tựa đề “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền: Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung” công bố ngày 19/6/2017, HRW chỉ ra 36 vụ trong đó những kẻ lạ mặt mặc thường phục đánh đập những người vận động nhân quyền và blogger, nhiều trường hợp gây thương tích nặng, trong khoảng thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017. Nhiều nạn nhân cho biết việc đánh đập xảy ra trước sự chứng kiến của công an mặc sắc phục mà họ không làm gì để can thiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ thì mọi tổ chức hoặc cá nhân có quyền có quyền tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và thực thi CAT. Cũng theo báo cáo này thì các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Do có sự vênh nhau giữa báo cáo của Chính phủ và các cơ quan khác về tình trạng bạo lực của lực lượng công an, thiết nghĩ các tổ chức xã hội dân sự và công dân nên tham gia vào việc xây dựng báo cáo hoặc tự mình xây dựng báo cáo về vấn đề trên để giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ việc thực thi CAT của Việt Nam.

Một báo cáo gần với thực tế nhất sẽ giúp Chính phủ Việt Nam xác định được những tồn tại, thiếu sót cần khắc phục để có những biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu tình trạng bạo lực trong lực lượng cảnh sát và cơ quan công quyền khác.

V.Q.N.

__________

Tài liệu tham khảo:

- Báo cáo Quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người năm 2017.

- Công bất an: Những vụ tử vong khi bị tạm giam, giữ và vấn nạn công an bạo hành ở Việt Nam, HRW, tháng 9 năm 2014.

- Việt Nam: Hãy chấm dứt hành hung các nhà hoạt động và blogger, HRW, 19/6/2017

- Ba năm có tới 226 người chết trong trại tạm giam, tạm giữ, Thanh Niên, ngày 19/3/2015

VNTB gửi BVN.