Cá rồng đỏ và những hậu quả kinh tế nhãn tiền



Tâm Don (VNTB)
Việc Việt Nam quyết định hủy dự án Cá Rồng Đỏ ở biển Đông đã ngay lập tức gây ra nhiều hậu quả. Còn trong tương lai gần, các hậu quả khủng khiếp hơn sẽ diễn ra.
Hàng ngàn người mất việc làm
Sáng ngày 26-3, tại các cảng dịch vụ dầu khí ở Vũng Tàu, sự vắng lặng hiện lên rất rõ: xe cộ ít, công nhân vào cảng cũng ít ỏi so với ngày thường. Tại sao lại thế? Câu trả lời rất đơn giản: tại các bến cảng này có hàng loạt cơ sở dịch vụ hậu cần cho ngành công nghiệp dầu khí, chủ yếu là các cơ sở thiết kế và đóng mới giàn khoan dầu khí biển, sản xuất các kết cấu thép trong ngành dầu khí phục vụ cho ngành dầu khí, trong đó có việc phục vụ dự án Cá Rồng Đỏ. Nguồn tin của VNTB cho biết, vào ngày 25-3, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam-PetroVietnam đã yêu cầu hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha – nhà đầu tư lớn nhất trong dự án Cá Rồng Đỏ ở lô 07-03 đề nghị các nhà thầu phụ của dự án ngừng tất cả các hoạt động phục vụ sự phát triển của dự án. Đa phần các công việc đều liên quan đến cơ khí, chủ yếu là việc đóng mới giàn khoan dầu khí và các block kết cấu của giàn khoan này, và các công việc liên quan đến chế tạo và phủ bọc đường ống ngầm dưới biển. Hơn 1000 chuyên gia, kỹ sư và công nhân tay nghề cao của hàng chục nhà thầu phụ của dự án Cá Rồng Đỏ vào ngày 25-3 đã nhận được thông báo nghỉ việc vô thời hạn.

Cá Rồng Đỏ ở Nam Côn Sơn
Giám đốc một công ty chuyên cung ứng nhân lực chuyên môn cao trong ngành dầu khí, đề nghị được giấu tên, cho VNTB biết: Mấy năm nay, do giá dầu thấp nên công ty của ông lâm vào cảnh thiếu việc làm. Dự án Cá Rồng Đỏ không chỉ là niềm hy vọng của công ty ông mà còn là hy vọng của rất nhiều công ty khác nữa. Vào đầu tháng 2 này, Repsol đã đề nghị công ty ông cung ứng 10 nhân lực chất lượng cao. Rất vất vả để “săn đầu người” với chi phí cao, thế nhưng chỉ sau 25 ngày làm việc, 10 nhân sự cao cấp này đã buộc phải thôi việc.
Cty VN, một công ty lớn trong dịch vụ cơ khí dầu khí và cung ứng nhân lực dầu khí cũng đành phải ôm “quả đắng”. Cuối tháng 02-2018 công ty tuyển dụng gần 400 công nhân tay nghề cao để làm dự án Cá Rồng Đỏ, và tất cả họ chỉ được phép làm 25 ngày, từ ngày 01 đến ngày 25 tháng 3. Ông tổng giám đốc công ty VN nói như mếu máo: “Đau đớn không thể tưởng tưởng được. Mất mát nhiều không thể tưởng tượng được. Có lẽ chết cả nút thôi”.
Việt Nam phải đền bù bao nhiêu cho Repsol?
Hai dự án Cá Rồng Đỏ do tập đoàn dầu khí Repsol và các đối tác triển khai thăm dò khai thác ở lô 136-03 và lô 07-03 thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, bị đình chỉ thăm dò và khai thác trước áp lực của Trung Quốc đã đặt ra nhiều câu hỏi. Câu hỏi lớn nhất, đau xót nhất đã được nhiều người nêu ra: Từ lâu, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với các lô này trong khi Trung Quốc coi hai lô này là vùng tranh chấp, vậy tại sao Việt Nam lại cúi đầu trước áp lực của Trung Quốc, và việc cúi đầu này có làm mất chủ quyền biển đảo của đất nước? Câu trả lời chỉ có thể có từ chính quyền Việt Nam, mọi trả lời khác đều chỉ là phán xét và suy đoán.
Quanh vụ Cá Rồng Đỏ, hiện chưa có ai đặt câu hỏi: Chính quyền Việt Nam liệu có phải bồi thường thiệt hại cho Repsol và các đối tác khi ra lệnh cho họ ngừng khoan và ngừng triển khai khai thác thương mại? Câu trả lời chắc chắn là có. Trong vấn đề khai thác dầu khí ở Việt Nam, theo thông lệ quốc tế, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đại diện cho nhà nước Việt Nam ký kết hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí với 01 hoặc 02 đối tác dầu khí nước ngoài. Theo lẽ thường, và cũng theo thông lệ quốc tế, hợp đồng này không được các bên tham gia công bố, hoặc công bố cho một pháp nhân nào đó không tham gia hợp đồng. Trong hợp đồng này sẽ có các điều khoản rất chi tiết về khả kháng và bất khả kháng. Liệu quyết định của nhà nước Việt Nam yêu cầu Repsol ngừng khoan trước áp lực của Trung Quốc là điều kiện khả kháng hay bất khả kháng trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí? Chắc chắn rằng, đó không phải là bất khả kháng. (Bất khả kháng là thiên tai, tai ương không thể né tránh).

Cá Rồng Đỏ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế  của Việt Nam
Vậy, nếu không phải là bất khả kháng thì phía Việt Nam phải đền bù thiệt hại cho Repsol và các đối tác bao nhiêu? Chắc chắn là toàn bộ số tiền đã đầu tư, các tổn hại có liên quan và tiền phạt vì đã đơn phương phá hủy hợp đồng. Thông thường, trong các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, số tiền đền bù các tổn hại liên quan và tiền phạt vì đơn phương phá hủy hợp đồng bằng hoặc lớn hơn so với số tiền đã đầu tư. Nhưng quan trọng hơn hết, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí sẽ không còn mặn mà đầu tư vào lĩnh vực dầu khí biển của Việt Nam khi họ không còn niềm tin được bảo vệ, được bảo đảm an ninh từ nhà nước Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Hòa ở Vũng Tàu đã đưa ra nhận định: Thường thì trong các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, các bên tham gia sẽ chọn một tòa trọng tài quốc tế, hoặc một tòa án quốc tế phán xử vụ việc có tranh chấp, và thông thường, theo thỏa thuận, các bên không công bố kết quả của phán xử này. Nếu dự án Cá Rồng Đỏ được đưa ra phán xử ở tòa quốc tế, chắc chắn tòa sẽ tuyên phía Việt Nam phải bồi thường toàn bộ số tiền đầu tư, và một khoản tiền tương ứng như thế nữa cho các tổn hại có liên quan và đơn phương phá vỡ hợp đồng.
Cá Rồng Đỏ không phải là một canh bạc của Việt Nam và Repsol, nhưng trong thực tế đã trở thành canh bạc của Việt Nam. Và trong canh bạc đó, Việt Nam thua cháy túi, Repsol vẫn có lãi như ý muốn, còn kẻ thắng bạc lớn nhất là cướp biển Trung Quốc.
T.D.
VNTB gửi BVN
************
Phụ lục:
CSVN ‘bất khả kháng’ dừng dự án Cá Rồng Đỏ ở Biển Đông

Hình ảnh từ video từ tàu tuần duyên của Việt Nam hôm 1 Tháng Sáu, 2014, cho thấy tàu tuần duyên Trung Quốc (trái) đang đuổi theo tàu Việt Nam gần một mỏ khai thác dầu trong vùng nước tranh chấp ở Biển Đông. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
(Người Việt) – Nhà cầm quyền CSVN vừa dừng thực hiện dự án Cá Rồng Đỏ, một dự án dầu khí quan trọng ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao CSVN chưa đưa ra phát ngôn chính thức về sự việc này, truyền thông trong nước hoàn toàn im lặng, còn truyền thông phương Tây và báo đài hải ngoại thì liên tục đưa tin.
Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PetroVietnam) vừa yêu cầu hãng Repsol của Tây Ban Nha phải lập tức ngưng một dự án ở khu vực ngoài khơi phía Đông Nam. Hệ lụy của việc này được cho là khiến Repsol và các đối tác thiệt hại khoảng $200 triệu đã đầu tư vào dự án.
Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một năm, Việt Nam phải hủy bỏ một dự án dầu khí quan trọng ở Biển Đông và cũng là lần thứ hai Repsol bị yêu cầu ngưng hoạt động khoan.
Nguyên do được hiểu là do nhà cầm quyền CSVN “chịu áp lực từ Trung Quốc”.
Đáng lưu ý, động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc hiện phô trương 40 chiến hạm ở Biển Đông.
Hồi Tháng Hai, truyền thông Việt Nam đưa tin Công Ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC lập liên doanh Cá Rồng Đỏ với đối tác Yinson Clover Ltd – công ty con của Tập đoàn Hậu cần Yinson đến từ Malaysia. PTSC Ca Rong Do Ltd. được công bố có vốn $112 triệu.
Báo Tri Thức Trẻ ở thời điểm đó loan tin: “Từ Tháng Tư, 2017, kế hoạch phát triển mỏ Cá Rồng Đỏ được chính phủ Việt Nam chấp thuận. Dự án mỏ khí Cá Rồng Đỏ thuộc Block 07/03 – Bể Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km. Là mỏ sâu nhất Việt Nam gồm 12 cụm giếng, cung ứng 25.000 – 30.000 thùng dầu/ngày và 60 triệu khối khí/ngày. Thông tin từ Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết giá trị hợp đồng dành cho PTSC ước tính là $1,2 tỷ. Liên doanh PTSC (51%) và Yinson (49%) cũng đã ký kết được hợp đồng cung ứng FPSO trị giá $800 triệu cho mỏ này. Đồng thời dự báo dự án sẽ mang đến dòng lợi nhuận ổn định từ quý I/2020”.
Trong văn bản do ông Đồng Xuân Thắng, giám đốc Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC, ký có ghi là “căn cứ công văn Force Majeure Notice ngày 24 Tháng Ba, 2018, của chủ đầu tư Repsol” với chữ “Force Majeure Notice” được hiểu là “thông báo về điều kiện bất khả kháng”, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Văn bản này cũng cho hay, ông Thắng ký quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo xử lý những vấn đề liên quan đến việc dừng thực hiện dự án Cá Rồng Đỏ TLWP của Công ty PTSC;” “Ban Chỉ đạo và các thành viên chịu trách nhiệm triển khai các công việc được phân công, bảo đảm phù hợp các quy định của hợp đồng và pháp luật hiện hành, thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm quyền lợi của công ty”. (T.K.)